Xả súng tại Mỹ: tiếp tục chia buồn tới bao giờ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Xả súng tại Mỹ: tiếp tục chia buồn tới bao giờ?

Lại một lần nữa, nước Mỹ khiến cả thế giới chú ý vì bạo lực súng đạn tại trường học.
Xả súng tại Mỹ: tiếp tục chia buồn tới bao giờ?

Người dân Mỹ khóc thương các nạn nhân trong vụ xả súng. | Nguồn: The New York Times

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào khoảng 11:30 phút (giờ Mỹ) trưa ngày 24/05, thành phố Uvalde tại bang Texas trở nên náo loạn bởi tiếng súng tại Trường Tiểu học Robb, nơi học tập của hơn 600 trẻ em từ lớp hai tới lớp bốn.

Thủ phạm đã tiến vào trường học, cố thủ tại một lớp học trong khoảng một tiếng đồng hồ, gây ra cái chết của 21 người, bao gồm hai giáo viên và 19 học sinh lớp bốn. Lực lượng cảnh sát đã hạ gục hung thủ ngay tại hiện trường.

Đây là vụ xả súng trường học đẫm máu nhất trong một thập kỷ qua, và đứng thứ hai về số lượng người chết trong lịch sử các vụ xả súng tại các đơn vị giáo dục ở Mỹ. Điều đáng nói là vụ việc này xảy ra chỉ hơn một tuần sau một vụ xả súng đẫm máu khác vào ngày 14/05 tại thành phố Buffalo bang New York khiến 10 người thiệt mạng và ba người khác bị thương.

2. Nước Mỹ và cộng đồng quốc tế phản ứng thế nào?

26may2022bidenaddressestexasschoolshootingjpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong buổi họp báo tại nhà trắng về vụ xả súng. | Nguồn: Newsweek via Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ niềm tiếc thương với gia đình các nạn nhân và cộng đồng dân cư thành phố Uvalde. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng những vụ xả súng hàng loạt như vậy “hiếm khi xảy ra tại bất cứ nơi đâu khác trên thế giới,” kêu gọi thúc đẩy đạo luật kiểm soát vũ khí và “có lòng dũng cảm để chống lại ngành công nghiệp súng đạn.”

Trên các mạng xã hội, người dân tại Mỹ và trên toàn thế giới gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. #prayfortexas và #prayforuvaldetexas nhanh chóng phủ khắp Facebook, Instagram, hay là Twitter. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo thế giới cũng có lời chia buồn gửi tới nước Mỹ, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Francis và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

3. Nền tảng pháp lý nào bảo vệ quyền sở hữu súng đạn tại Mỹ?

Tu chính án số hai (Second Amendment) trong Hiến pháp Mỹ nêu rằng: quân nhân và người thuộc biên chế lực lượng vũ trang tại Mỹ có quyền sở hữu vũ khí. Đây chính là điều luật tạo tiền đề cho các nhà lập pháp Mỹ và các đơn vị sản xuất súng đạn xây dựng hành lang pháp lý cho phép lưu hành và sử dụng vũ khí quân dụng tại nước này.

Ở khởi điểm, mục đích của Tu chính án số hai là để củng cố hiệu quả tác chiến của các lực lượng vũ trang, và trong nhiều năm thì giới lập pháp và hành pháp Mỹ dừng lại ở cách hiểu này. Tuy nhiên, vụ kiện Heller giữa Đặc khu Columbia (tên khác của Washington DC) và Dick Anthony Heller vào năm 2008 đã thay đổi cách hiểu của giới chức Mỹ về điều khoản này.

Cụ thể, vụ kiện đã đưa ra kết luận rằng trọng tâm của Tu chính án số hai không chỉ là bảo vệ quyền sở hữu vũ khí của quân nhân Mỹ, mà là bảo vệ “quyền bảo vệ bản thân chính đáng” của người Mỹ nói chung. Kết luận này đã tạo điều kiện cho nhiều bang tại Mỹ, trong đó có cả Texas, bật đèn xanh cho việc nới lỏng kiểm soát súng đạn.

Một ví dụ cho việc tự do sở hữu súng tại Texas là đạo luật thông qua vào năm 2021, trong đó quy định rằng người dân bang Texas có thể sở hữu súng ngắn (handgun) kể từ ngày 01/09 cùng năm mà không cần giấy phép từ chính quyền, cũng như không cần tham gia huấn luyện sử dụng súng. Bên cạnh đó, bang này có số lượng người sở hữu súng cao thứ hai tại Mỹ chỉ sau California.

4. Có những tranh cãi nào xung quanh vấn đề quản lý vũ khí tại Mỹ?

26may2022cutbkmarch4jpg
Người dân Mỹ biểu tình sau vụ xả súng. | Nguồn: The 74 Million

Kiểm soát súng đạn là chủ đề gây chia rẽ không chỉ trong xã hội Mỹ mà cả trong giới lập pháp của nước này. Khi những vụ xả súng đẫm máu xảy ra, nước Mỹ lại trở về với cuộc tranh luận cũ: để giảm bạo lực vũ trang thì cần kiểm soát súng hay kiểm soát người?

Những chính trị gia cực hữu tại Mỹ cho rằng nguyên nhân của những vụ xả súng thực ra không phải là do súng, mà là do trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực, bệnh tâm thần, và vấn đề chủng tộc. Trong khi đó, phe Dân chủ liên tục kêu gọi kiểm soát quyền sở hữu súng một cách chặt chẽ hơn và hệ thống hơn.

Tuy nhiên, ngay cả phương án mà các chính trị gia Đảng Dân chủ đưa ra cũng không khả thi, bởi những chính sách này hướng tới việc cấm sở hữu súng trường (assault rifle), trong khi vấn đề thực sự của vấn nạn xả súng nằm ở súng ngắn - loại vũ khí nhỏ gọn và dễ cất giấu.

Bên cạnh đó, một số người cho rằng nước Mỹ phải “dùng súng trị súng” bằng cách trang bị súng cho các giáo viên và nhân viên trong trường học. Bản thân ý kiến này cũng như những ý phản biện lại nó đều không mới, nhưng việc chúng cứ liên tục nổi lên bên cạnh vô vàn tranh cãi khác mỗi khi có xả súng thể hiện rằng nước Mỹ vẫn chưa biết phải làm gì với vấn đề này.

5. Các quốc gia trên thế giới kiểm soát súng đạn như thế nào?

Tại Scotland, sau khi một vụ việc tương tự diễn ra vào năm 1996, nước này đã cấm tư nhân sở hữu súng ngắn và bất cứ loại vũ khí tự động nào khác. Kể từ đó tới nay, nước này không ghi nhận bất cứ vụ việc bạo lực súng đạn nào. Đây cũng là phán quyết của chính quyền New Zealand vụ xả súng tại một nhà thờ trong nước này vào năm 2019.

Người hàng xóm của Mỹ là Canada phân loại súng thành ba mức độ là không hạn chế (non-restricted), hạn chế (restricted), và cấm hoàn toàn (prohibited). Những ai muốn sở hữu súng tại Canada đều phải có giấy chứng nhận của đơn vị cảnh sát tại địa phương. Sau một vụ xả súng vào năm 2019, nước này đã bổ sung hơn 1500 loại súng vào hạng mục cấm.

Tại Việt Nam, pháp luật nghiêm cấm người dân sở hữu tất cả các loại vũ khí (bao gồm cả súng săn, vũ khí quân dụng, và vũ khí thể thao). Chỉ những cá nhân thỏa mãn các tiêu chí của nhà nước mới được phép sở hữu vũ khí. Nhiều nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Singapore cũng có quy định sở hữu súng rất nghiêm ngặt.