Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020: Quang Thái, Giám đốc Điều hành tại DTX Asia | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
07 Thg 04, 2020
Xu Hướng Kinh Doanh

Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020: Quang Thái, Giám đốc Điều hành tại DTX Asia

Quang Thái, Giám đốc Điều hành tại DTX Asia chia sẻ về xu hướng ngành bán lẻ năm 2020.

Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020: Quang Thái, Giám đốc Điều hành tại DTX Asia

Quang Thái, Giám đốc Điều hành tại DTX Asia chia sẻ về xu hướng ngành bán lẻ năm 2020.

Khoảnh khắc nổi bật nhất của thị trường nói chung và đội ngũ của anh nói riêng trong năm 2019 là gì?

Trong năm 2019, ngành bán lẻ thu về con số tăng trưởng hàng năm là 12.5%, phần lớn nhờ vào lượng người tiêu dùng thu nhập trung bình trở lên tại các thành phố tuyến đầu. Dù được xem là thị trường truyền thống và dễ biến động, ngành bán lẻ vẫn đang phát triển nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo và bắt kịp thời đại.

Ngành thương mại điện tử đã chứng tỏ sự mạnh mẽ của mình khi chiếm được 6% tổng thị phần bán lẻ. Với sự tăng tốc trong việc tìm ra giải pháp bán lẻ mới cho khách hàng, ngành thương mại điện tử đang dần khai thác triệt để mô hình Online-to-Offline (O2O)–kinh doanh kết hợp bán lẻ trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, các công ty công nghệ cũng bước vào cuộc chơi và mang lại các giải pháp hỗ trợ điều hành tự động, theo dõi hàng hoá cũng như phân tích thống kê.

Về phía DTX Asia, chúng tôi từ đầu đã luôn trung thành với mô hình O2O, với hình thức phân phối trực tiếp sản phẩm tới tay người dùng (Direct-to-Consumer–DTC) là hoạt động chính của công ty. Chúng tôi thử nghiệm nhiều chiến lược phân phối khác nhau với một đội ngũ nòng cốt, và đã sẵn sàng mở rộng quy mô và tiến xa đến các sản phẩm khác phù hợp với nhóm khách hàng hiện tại.

Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020 Quang Thái Giám đốc Điều hành tại DTX Asia0


Trước tình hình kinh tế ngược dòng như hiện tại, lĩnh vực bán lẻ sẽ cần điều chỉnh thế nào để thích nghi với những thay đổi của năm 2020?

Khách hàng ngày nay có một lượng lớn các thương hiệu để lựa chọn. Nhưng tôi có một niềm tin rằng trải nghiệm của người dùng luôn đi trước sự cải tiến về sản phẩm và kênh phân phối. Và điều này sẽ kéo dài trong những năm tiếp theo.

Điều này có lẽ sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng từ khi hình thức mua sắm thương mại điện tử ra đời đến nay, số lượng người tiêu dùng yêu thích trải nghiệm mua hàng trực tiếp tại cửa hàng thực chất tăng lên đến 86.3%.

Thực tế, đối với các nhà bán lẻ có cửa hàng, các kênh trực tuyến sẽ là công cụ giúp nhiều người biết đến họ hơn. Song, được cảm nhận sản phẩm thật tại cửa hàng vẫn là thứ mà người mua chuộng hơn. Việc này không chỉ tăng chất lượng trải nghiệm của khách hàng mà còn cải thiện tên tuổi của thương hiệu trong mắt họ.

Với mức giá ngày một leo thang của quảng cáo số và đại dịch mà chúng ta đang trải qua, trong nửa năm đầu của 2020, các nhà bán lẻ cần phải thật sự sáng tạo trong việc giữ cho doanh nghiệp đứng vững và sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông.

Có một số rào cản nhất định tồn tại trong quá trình tự động hoá và ứng dụng công nghệ để xây dựng một thương hiệu DTC phát triển bền vững. Nhưng tôi tin rằng chúng ta sắp sửa chứng kiến một sự tự động hoá ở quy mô lớn trong việc chọn lọc nội dung cá nhân hoá và dễ tiếp cận hơn. Việc này cũng sẽ giúp giảm dần chi phí sở hữu khách hàng (customer acquisition cost) trong tương lai.

Đối với năm 2020, marketing trực tuyến vẫn sẽ là một công cụ đắc lực cho mô hình O2O. Sẽ cần rất nhiều tài nguyên và trí lực cho việc xây dựng nội dung để tạo ra một thương hiệu có tiếng nói và giá trị riêng.

Tuy nhiên, các giao thương và doanh thu từ sản phẩm trong nửa năm sau của 2020 sẽ đến từ việc đầu tư cho cửa hàng. Các thương hiệu sẽ cần các hệ thống giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho từng nhóm đối tượng. Việc này là cần thiết bởi ta không thể áp một trải nghiệm giống nhau cho tất cả khách hàng.

Tổng hợp các chia sẻ từ 5 chuyên gia về xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020 tại đây.

Đọc chia sẻ về xu hướng kinh doanh của Mary Tarnowka tại đây.

Đọc chia sẻ về xu hướng kinh doanh của James Vương tại đây.

Đọc chia sẻ về xu hướng kinh doanh của Sylvia Nguyễn tại đây.

Hồ sơ khách hàng của anh sẽ được điều chỉnh thế nào để phù hợp với tình hình hiện tại?

Chúng tôi tin vào thế hệ trẻ. Khách hàng thế hệ Y và Z là thế hệ người tiêu dùng có tiêu chuẩn cực kỳ cao. Họ luôn kỳ vọng những trải nghiệm độc đáo và mới lạ.

Thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi này còn rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, từ tính bền vững và bình đẳng giới, đến sự đa dạng và, đương nhiên, đại dịch COVID-19. Họ hướng đến các hoạt động mang lại kết quả tích cực, và mong chờ các thương hiệu cũng sẽ làm điều tương tự. Chúng ta sẽ được chứng kiến một bộ phận các nhãn hàng chứng minh rằng họ trung thực và mang các giá trị vị tha đối với cộng đồng, nhằm kết nối với thế hệ trẻ ở khía cạnh cảm xúc, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này.

Từ điều này, các thương hiệu phải hiểu rằng trong thời đại công nghệ số, không chỉ có Milliennial và Gen Z mới người mua sắm trực tuyến. Thực tế nhóm tuổi nào cũng tham gia vào thế giới trực tuyến, vì vậy các quy chuẩn phân loại nhóm khách theo tuổi và hành vi giờ đây không còn áp dụng được nữa.

Những nhà bán lẻ với lượng hàng lớn sẽ hiểu rõ nhất điều này, vì tuy bị chia cắt, các thương hiệu vẫn có cơ hội để xây dựng nhóm khách hàng trung thành từ nhiều độ tuổi. Sắp tới, chúng ta sẽ thấy các thương hiệu bắt đầu chuyển từ “truyền thông theo nhóm tuổi” sang “truyền thông theo nhóm hành vi” với nét tương đồng về sở thích, tín ngưỡng và giá trị.

Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020 Quang Thái Giám đốc Điều hành tại DTX Asia1


Bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực của anh trong năm 2020 sẽ là gì: tích cực, tích cực một cách cẩn trọng hay tiêu cực? Sau đại dịch, lĩnh vực này có khả năng vực dậy không?

Dù rất khó để đo lường tác động của virus corona, tôi biết rằng các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, ngành điện, bảo hiểm và nông nghiệp vì nguồn cung giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bị gián đoạn rất nhiều.

Cũng từ thay đổi lớn về cầu trong đại dịch này, ngành ăn uống, may mặc, mỹ phẩm và giải trí cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong Quý I/2020, nhiều nhà bán lẻ đã lên kế hoạch khai máy các xưởng và nhà máy địa phương làm nguồn cung thay thế. Nhưng vì gần 60% vật liệu và hàng may mặc tại Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, nguồn cung hạn chế đang dẫn đến giá thành sản xuất cao.

Tuy nhiên, có một dấu hiệu khả quan là các doanh nghiệp đang có rất tích cực sáng tạo các kênh mua bán và nhiều công nghệ giúp đẩy nhanh việc phân phối sản phẩm trực tuyến. Từ khủng hoảng này, những bước cải tiến tưởng chừng như sẽ mất vài năm để nghiên cứu và phát triển, lại được áp dụng chỉ sau vài ngày. Rủi ro trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) thực tế sẽ cao hơn bất kỳ tính toán nào.

Nhìn đến Quý III/2020, tuỳ vào cách tiếp cận của từng nhà bán lẻ, tôi sẽ quy họ về 3 nhóm:

  • Những người không sống sót: hầu hết sẽ là các nhà bán lẻ truyền thống, phụ thuộc lớn vào mô hình phân phối ngoại tuyến.
  • Những người sống sót: các nhà bán lẻ vừa chuyển sang bán trực tuyến và kịp thời lồng ghép dây chuyền điều hành của mình theo những quy chuẩn mới.
  • Những người xuất chúng: những nhà bán lẻ không chỉ thành công trong việc chuyển sang bán hàng trực tuyến, mà còn gầy dựng được niềm tin và lòng trung thành từ phía khách hàng và cộng đồng trong giai đoạn dịch bùng phát.

Từ đại dịch này, sẽ có những loại hình kinh doanh hay phong cách lãnh đạo nào khởi sinh?

Với quá nhiều thay đổi đang diễn ra trong các thị trường, thời điểm nhạy cảm này là lúc để các doanh nghiệp đứng lên và trở thành những hình mẫu tiên phong. Từ việc quyên góp cho Bộ Y tế đến tham gia vào các hoạt động cộng đồng đến nêu cao nhận thức về dịch bệnh — tất cả những động thái này đều sẽ được công chúng ủng hộ và tuyên dương.

Trong thời điểm nhạy cảm này, người tiêu dùng sẽ cảnh giác và đề cao các thương hiệu có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Vì vậy, những doanh nghiệp nhận ra điều này cần nắm lấy cơ hội để đóng góp và xây dựng lòng tin từ phía khách hàng của mình.

Xem thêm:

[Bài viết] How I Manage: CEO Curnon Quang Thái và phong thái lãnh đạo của một người trẻ

[Bài viết] Vietnamese Innovator: Changmakeup – Biến đam mê thành sự nghiệp