Zoom fatigue - Họp nhiều có làm bạn ỉu xìu? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Zoom fatigue - Họp nhiều có làm bạn ỉu xìu?

Một ngày phải đối đầu với vài cuộc họp online có khiến bạn trở nên ngán ngẩm và kiệt sức?
Zoom fatigue - Họp nhiều có làm bạn ỉu xìu?

Nguồn: Unsplash

1. Zoom fatigue là gì?

Zoom fatigue miêu tả cảm giác mệt mỏi, kiệt quệ khi phải họp trực tuyến nhiều.

Từ “zoom" ở đây là tên của một ứng dụng gọi video được sử dụng phổ biến trong mùa dịch. Cụm từ này đôi khi cũng được thay thế bằng “virtual fatigue".

2. Nguồn gốc của zoom fatigue?

Đầu tháng 04/2021, giáo sư Jeremy Bailenson, Giám đốc của Stanford Virtual Human Interaction Lab đã bắt đầu nghiên cứu về các tác động tâm lý của việc họp ảo lên con người. Trên một bài viết đăng tại WSJ, ông chỉ ra rằng việc họp online có thể khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức.

3. Vì sao zoom fatigue trở nên phổ biến?

Từ năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hình thức giao tiếp online bùng nổ, đặc biệt là gọi điện video. Thống kê cho thấy năm 2020, lưu lượng truy cập của hình thức này tăng tới 535%. (Theo digitalintheround)

Chính vì vậy mà hiện tượng zoom fatigue trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Cảm giác này gần giống với hiện tượng “burnout" khi bạn làm việc quá sức. Sự căng thẳng kéo dài này có thể dẫn tới khó chịu, cáu gắt và thiếu tập trung.

Hiện tượng này nhanh chóng trở nên phổ biến khiến Bailenson đã đăng tải một bài nghiên cứu chi tiết hơn trên trang APA Open về “zoom fatigue". Trong đó có nhắc tới 4 lý do:

  • Mắt phải hoạt động cường độ cao với tầm nhìn gần trong một khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó việc nhìn cận cảnh một khuôn mặt khiến não căng thẳng khi nó cho rằng đang có xung đột xảy ra;
  • Phải tự nhìn hình ảnh của bản thân dẫn tới sự tự đánh giá, mang lại cảm xúc tiêu cực;
  • Gọi điện qua video làm giới hạn những chuyển động tự nhiên của cơ thể khi phải ngồi yên một chỗ;
  • Làm quá tải hệ nhận thức khi chúng ta phải chủ động bộc lộ vẻ mặt, ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn khi giao tiếp bình thường.

Trước 4 lý do này, giáo sư Bailenson cũng đã gợi ý thêm 4 giải pháp đi kèm:

  • Thu nhỏ khung cửa sổ hội thoại;
  • Ẩn đi khung hình của bản thân;
  • Chỉ sử dụng hội thoại âm thanh nếu có thể để tự do vận động;
  • Giảm thiểu các khung hình của người khác khi họp để không phải bận tâm về cách mình “được nhìn".

Khi họp online dần biến thành bình thường mới, rất nhiều người vẫn chưa kịp thích nghi với tình trạng này. Nhất là khi nhịp sống bình thường của các bạn trẻ làm văn phòng bỗng chốc đột ngột rẽ lối khi phải làm việc ở nhà. Những cuộc trao đổi bình thường bòn rút sức lực hơn bao giờ hết. Số lượng cuộc họp dường như tăng lên gấp đôi, gấp 3.

Giám đốc của Zoom, Eric Yuan, mặc dù hết sức hoan hỉ trước sự tăng trưởng của công ty nhưng bản thân ông cũng thừa nhận rằng mình quá mệt mỏi vì phải họp online (thieunien.vn). Sức khỏe tinh thần trở thành một vấn đề mà doanh nghiệp còn cần phải lưu tâm cho những nhân viên của mình.

Trong môi trường làm việc, chúng ta có thể cùng nhau đánh bại sự kiệt quệ của họp hành bằng cách:

  • Nếu bạn là người “cầm đầu" buổi họp, hãy gửi trước cho những người tham gia về nội dung buổi họp để họ chuẩn bị “tinh thần";
  • Giữ cho buổi họp ngắn và hiệu quả dựa trên bảng nội dung;
  • Tránh multitasking khi nó không hiệu quả và còn làm tiêu tốn năng lượng.

Việc hiểu về cách thức việc họp trực tuyến gây ảnh hưởng lên tinh thần như thế nào có thể giúp mỗi người tìm cách chống lại nó và khiến công việc hiệu quả hơn.

4. Dùng zoom fatigue như thế nào?

Tiếng Anh:

A: I had like 13 meetings today and it made me feel so exhausted. All of my energy was drained out.

B: I guess you are suffering from zoom fatigue.

Tiếng Việt:

A: Hôm nay tôi phải trải qua những 13 cuộc họp á bà, mệt dễ sợ. Cảm giác năng lượng trong người cạn kiệt hết.

B: Ừa chắc bà đang phải trải qua zoom fatigue á.