Xu hướng coworking space tại Việt Nam năm 2019: Lời dự đoán từ 3 chuyên gia | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 07, 2019

Xu hướng coworking space tại Việt Nam năm 2019: Lời dự đoán từ 3 chuyên gia

Vietcetera tìm đến các nhà sáng lập và tổng giám đốc của 3 thương hiệu coworking space tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng chúng tôi điểm qua những chia sẻ về tính chất thị trường văn phòng, đặc biệt là không gian làm việc chung, tại thời điểm hiện tại cũng như trong năm tới đây.

Xu hướng coworking space tại Việt Nam năm 2019: Lời dự đoán từ 3 chuyên gia

Với nỗ lực quan sát và cập nhật những xu hướng đang diễn ra tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sự phát triển không ngừng của xu hướng “không gian làm việc chung” (coworking space) tại thị trường văn phòng. Minh chứng là sự xuất hiện của hàng loạt các tên tuổi trong nước cũng như quốc tế lấn sân vào Việt Nam như WeWork. Theo một nghiên cứu về Sự phát triển toàn cầu của mô hình không gian làm việc chung năm 2019, Việt Nam là một trong 50 thị trường văn phòng phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tuy phát triển mạnh mẽ là vậy, mô hình văn phòng này vẫn còn nhận nhiều hoài nghi từ phía các doanh nghiệp Việt về mức độ phù hợp với nhân lực Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về xu hướng này, Vietcetera tìm đến các nhà sáng lập và tổng giám đốc của 3 thương hiệu coworking space tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng chúng tôi điểm qua những chia sẻ về tính chất thị trường văn phòng, đặc biệt là không gian làm việc chung, tại thời điểm hiện tại cũng như trong năm tới.

1. Ông Chris Edwards – General Manager, Kafnu

Xu hướng dẫn đầu của năm nay là gì?

Chúng tôi tin rằng các mô hình không gian làm việc chung sẽ tiếp tục phát triển, bởi giờ đây nó không còn là trào lưu nữa mà đã là một lựa chọn quen thuộc, khi mà lực lượng lao động ngày càng trở nên di động hơn. Không chỉ đơn giản là tìm một chỗ ngồi làm việc, mà giờ đây mọi người còn muốn trở thành một phần của một cộng đồng nhất định.

Tại một số thị trường, sự phát triển của mô hình làm việc chung là do nhu cầu từ phía các công ty, tập đoàn lớn chứ không phải từ người làm việc tự do (freelancer). Đó là chưa kể mô hình này còn xuất hiện tại các địa điểm mới lạ, ví dụ như trung tâm mua sắm. Cuộc cạnh tranh càng trở nên sôi động với sự gia nhập của nhiều thương hiệu coworking space hơn, tất cả đều đang ngày càng cố gắng để có thể mang đến những dịch vụ và ưu đãi tốt hơn, nhằm thu hút đối tượng khách hàng mới cũng như giữ chân khách hàng có sẵn.

Đâu là khoảnh khắc ý nghĩa nhất của Kafnu cho đến thời điểm hiện tại?

Chúng tôi chào đón 2019 bằng việc khai trương chi nhánh đầu tiên tại Thành phố Sydney, Úc, mang tên Kafnu Alexandria. Vào tháng 6, chúng tôi tiến vào thị trường Việt Nam với chi nhánh đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), đây cũng là chi nhánh đầu tiên tại Đông Nam Á. Chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào Kafnu TP.HCM vì nó có tiềm năng lớn và cơ hội phát triển song hành với một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ông, những xu hướng nào sẽ thống trị mô hình làm việc chung tại Việt Nam trong năm 2020 và những năm tiếp theo?

Báo cáo mới đây xếp hạng TP.HCM là một trong số 50 thị trường văn phòng làm việc chung phát triển nhanh nhất thế giới. Nhu cầu chia sẻ không gian làm việc vốn chủ yếu bắt nguồn từ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp. Họ cần một văn phòng có giá cả phải chăng và không gian linh động để tập trung phát triển doanh nghiệp của mình.

Theo tôi, trong những năm tới đây, mô hình văn phòng làm việc chung sẽ tiếp tục phát triển và mang tính cạnh tranh hơn tại Việt Nam. Các thương hiệu coworking space quốc tế đã bắt đầu lấn sân vào thị trường trong nước và có thể trở thành mối đe dọa cho các thương hiệu nội địa có quy mô nhỏ hơn. Tất cả cùng tham gia vào cuộc chiến tranh giành thị phần cũng như sự hạn hẹp về không gian tại các thành phố lớn. Các chuyên gia phân tích đang kỳ vọng một sự hợp nhất trong lĩnh vực này.

Để cạnh tranh, nhiều thương hiệu coworking space đang nỗ lực để nâng cao dịch vụ của mình, bao gồm cố vấn phát triển doanh nghiệp cho các startup, cũng như hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất. Những động thái này tạo điều kiện để các startup có thể tập trung phát triển trong giai đoạn đầu.

Kafnu định vị mình là nền tảng kết nối những nhân tố đột phá và có tầm ảnh hưởng nhằm cung cấp cho họ những cơ hội để có thể khám phá kết nối và phát triển cùng nhau
Kafnu định vị mình là nền tảng kết nối những nhân tố đột phá và có tầm ảnh hưởng, nhằm cung cấp cho họ những cơ hội để có thể khám phá, kết nối và phát triển cùng nhau.

Sự thay đổi về nhân khẩu học của đội ngũ trí thức và sự lên ngôi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam tác động như thế nào đến nhu cầu của thị trường không gian làm việc chung?

Tại một thị trường mà đến 90% doanh nghiệp được xếp vào loại vừa và nhỏ (SMEs), và hơn 30% là dân số trẻ (dưới 34 tuổi), thì môi trường làm việc chung chính là giải pháp lý tưởng cho các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những mô hình làm việc phá cách như thế này mang đến một trải nghiệm làm việc mới lạ, giúp thu hút nhân tài trẻ gia nhập tổ chức. Việc đặt nơi làm việc tại không gian làm việc chung cũng mang đến một hình ảnh mới mẻ, hiện đại cho các doanh nghiệp, nhấn mạnh sự đầu tư của họ vào chất lượng làm việc và phúc lợi của nhân viên.

Nhóm ngành dịch vụ không gian làm việc chung cũng đang chuẩn bị cho sự phát triển xa hơn tại Việt Nam trong vòng vài năm sắp tới. Các thương hiệu coworking space trong nước và quốc tế đều đang ngày càng mở rộng, với nhu cầu ngày một lớn từ phía các startup trong và ngoài nước, người làm việc tự do, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty cũng sẽ tìm kiếm những giải pháp văn phòng với mức chi phí phải chăng bởi các văn phòng riêng đang trong tình trạng thiếu hụt số lượng và mức giá tăng cao.

Ông có cho rằng phần lớn các doanh nghiệp đủ sức để đáp ứng những nguyện vọng từ phía đội ngũ nhân lực Millennials và Gen Z?

Tại Việt Nam, số người sử dụng coworking space thuộc thế hệ Millennials dưới tuổi 35 là 91%. Trong khi đó, trên thế giới, con số trung bình chỉ dừng ở mức 67%. Điều này cho thấy dân số Việt Nam trẻ đến mức nào.

Khi người trẻ gia nhập đội ngũ lao động, họ tìm kiếm cơ hội tiếp cận các cộng đồng, cơ sở vật chất và dịch vụ. Những năm vừa qua chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi đáng ngạc nhiên trong sản phẩm và dịch vụ mà các thương hiệu coworking space giới thiệu đến thị trường, từ phong cách thiết kế đến các gói dịch vụ, bao gồm F&B, và gói thành viên.

Chúng tôi tin rằng Kafnu hoàn toàn có thể đáp ứng nguyện vọng của thế hệ trẻ, sáng tạo và đam mê khởi nghiệp của Việt Nam. Không chỉ là một không gian làm việc chung, Kafnu định vị mình là nền tảng kết nối những nhân tố đột phá và có tầm ảnh hưởng, nhằm cung cấp cho họ những cơ hội để có thể khám phá, kết nối và phát triển cùng nhau.

2. Anh Linh Hoàng – Co-founder/CEO, Circo

Bởi vì các mô hình văn phòng làm việc chung đang chứng minh được tính hiệu quả của mình nên tôi tin rằng người thuê và người cho thuê đều đang hài lòng với những lợi ích mà họ nhận được từ mô hình này
Bởi vì các mô hình văn phòng làm việc chung đang chứng minh được tính hiệu quả của mình, nên tôi tin rằng người thuê và người cho thuê đều đang hài lòng với những lợi ích mà họ nhận được từ mô hình này.

Xu hướng dẫn đầu của năm nay là gì?

Nhu cầu trong thị trường văn phòng tại các thành phố lớn ngày càng tăng cao, và được dự kiến sẽ còn cao hơn nữa trong vòng những năm tiếp theo. Điều này khiến người thuê khó tìm được không gian phù hợp vì nguồn cung văn phòng cho thuê có hạn, mà sự phát triển của SMEs, startup và tập đoàn lớn thì ngày càng cao. Tôi tin rằng mô hình kinh doanh văn phòng làm việc chung sẽ phát triển mạnh, song song với sự gia tăng về số lượng startups, các cộng động sáng tạo, cũng như nhu cầu linh động của các tập đoàn lớn.

Đâu là khoảnh khắc ý nghĩa nhất của Circo cho đến thời điểm hiện tại?

Chỉ trong năm nay, chúng tôi đã tăng trưởng gấp ba lần—đây là một trong những thành tựu đáng ghi nhận của cả đội ngũ.

Theo anh, những xu hướng nào sẽ thống trị mô hình làm việc chung tại Việt Nam trong năm 2020 và những năm tiếp theo?

Thị trường văn phòng làm việc chung tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tăng trưởng cấp số nhân mỗi năm với điểm mạnh về tính linh động, khả năng mở rộng đội ngũ và tiết kiệm chi phí mà nó mang lại. Hiện tại, văn phòng chung đang dần chứng minh được tính hiệu quả trong cách mọi người sử dụng không gian và tương tác với nó.

Sự thay đổi về nhân khẩu học của đội ngũ trí thức và sự lên ngôi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam tác động như thế nào đến nhu cầu của thị trường không gian làm việc chung?

Công ty khởi nghiệp và SMEs đang lên ngôi tại Việt Nam bởi đây là điểm nóng cho khởi nghiệp tại Đông Nam Á, vì thế mà nhu cầu văn phòng đang tăng mạnh hơn bao giờ hết. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là một trong những nhóm doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh nhất tại Việt Nam trong vòng vài năm tới đây.

Anh có cho rằng phần lớn các doanh nghiệp đủ sức để đáp ứng những nguyện vọng từ phía đội ngũ nhân lực Millennials và Gen Z?

Bởi vì các mô hình văn phòng làm việc chung đang chứng minh được tính hiệu quả của mình, đặc biệt là cho các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, nên tôi tin rằng người thuê và người cho thuê đều đang hài lòng với những lợi ích mà họ nhận được từ mô hình này.

3. Anh Dương Đỗ – Co-founder/CEO, Toong

Xu hướng dẫn đầu của năm nay là gì?

Các chuỗi văn phòng làm việc chung tại Việt Nam đang mở rộng mạng lưới của họ. Trong vòng hai năm vừa qua, tổng diện tích trung bình của một coworking space đã tăng từ 1000 mét vuông lên đến hàng chục ngàn mét vuông, ngang ngửa diện tích nhiều tầng của một tòa nhà thương mại.

Thứ hai là, coworking space từ lâu đã không còn là mô hình chỉ thu hút các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ. Những doanh nghiệp và tập đoàn lâu năm với hàng trăm nhân viên cũng đang dần chuyển sang làm việc tại coworking space vì tính linh động, sáng tạo, cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ tốt.

Đâu là khoảnh khắc ý nghĩa nhất của Toong cho đến thời điểm hiện tại?

Chúng tôi cảm thấy rất tự hào về hai thành tựu sau vì nó phản ánh đúng triết lý mà chúng tôi theo đuổi. Hè này, chúng tôi ra mắt 9 chi nhánh tại 5 thành phố và 3 quốc gia khác nhau—tăng gấp đôi số chi nhánh mà chúng tôi có so với đầu năm 2019. Đây là một cột mốc ghi nhận chúng tôi trở thành thương hiệu coworking space Việt Nam đầu tiên tấn công thị trường nước ngoài.

Thành tựu thứ hai là sự ra đời của Reinvent Saigon, một sự kiện văn hoá bao gồm triển lãm, hội thảo, workshop, và trình diễn nghệ thuật diễn ra từ ngày 22-28/7 tại 5 địa điểm trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm đẩy mạnh vị thế và củng cố niềm tin của chúng tôi trong việc xây dựng một nền tảng văn hoá độc đáo cho các thành viên trong cộng đồng Toong. Tuần lễ này mang đến cho các đối tác, khách hàng, và công chúng một cơ hội để được đắm mình trong những giá trị mà họ theo đuổi, đó là đặt việc tự trau dồi bản thân làm nền tảng cho sự phát triển của từng cá nhân.

Chúng tôi đặt mục tiêu dài hạn cho sự kiện này, vì thế nó sẽ được tổ chức hằng năm và song hành với sự phát triển mạng lưới của chúng tôi. Định hướng của tôi là các cộng đồng tại tất cả các chi nhánh của Toong sẽ quảng bá cho sự sáng tạo lấy cảm hứng từ văn hoá cội nguồn.

Không gian làm việc chung là một cánh cửa mở lối cho sự sáng tạo và tìm tòi học hỏi của thế hệ Millennial
Không gian làm việc chung là một cánh cửa mở lối cho sự sáng tạo và tìm tòi học hỏi của thế hệ Millennial.

Theo anh, những xu hướng nào sẽ thống trị mô hình làm việc chung tại Việt Nam trong năm 2020 và những năm tiếp theo?

Các thương hiệu coworking space sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hệ thống của mình, đồng thời là sự khác biệt rõ rệt hơn về giá cả cũng như giá trị khác biệt mà họ mang đến cho khách hàng. Theo tôi, chỉ có những người có câu chuyện thương hiệu nổi bật và kết nối mật thiết đến một nhóm khách hàng cụ thể thì mới có thể chiếm vị thế hàng đầu, chứ không phải là cuộc đua về giá cả.

Khi mà các tập đoàn lớn cũng bắt đầu cân nhắc việc sử dụng môi trường làm việc chung thì chỉ có những coworking space có uy tín về dịch vụ và mô hình kinh doanh thành công mới thu hút được những ông lớn đó.

Đó là bởi vì uy tín của một thương hiệu coworking space cũng phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ đó. Một coworking space nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến độ đáng tin cậy của một doanh nghiệp và khiến họ ở thế thụ động trong việc tìm kiếm các lựa chọn khác.

Sự thay đổi về nhân khẩu học của đội ngũ trí thức và sự lên ngôi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam tác động như thế nào đến nhu cầu của thị trường không gian làm việc chung?

Số lượng doanh nghiệp mới và doanh nghiệp với vốn đầu tư nước ngoài đang gia tăng cực kỳ nhanh, đòi hỏi sự cải tiến liên tục nếu như muốn tồn tại và phát triển trong một nền kinh tế ưa chuộng sự tối ưu hoá. Trên hết, thế hệ trí thức trẻ đòi hỏi một phong cách sống và môi trường làm việc hoàn toàn khác. Tất cả những yếu tố này tạo nên nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút, nuôi dưỡng, và níu giữ nhân tài so với 10 năm trước đây.

Không gian làm việc chung mang đến một môi trường thích hợp cho lối sống hiện đại. Nó là một cánh cửa mở lối cho sự sáng tạo và tìm tòi học hỏi. Các không gian làm việc chung có tiềm năng lớn để phát triển bền vững và có thể dần dần thay thế các mô hình văn phòng truyền thống. Tôi nghĩ điều này sẽ diễn ra nhanh chóng trong vòng 3 năm tới.

Anh có cho rằng phần lớn các doanh nghiệp đủ sức để đáp ứng những nguyện vọng từ phía đội ngũ nhân lực Millennials và Gen Z?

Câu trả lời là không. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những trí thức trẻ thành thị không chỉ làm việc để tồn tại, mà còn để khám phá và tận hưởng cuộc sống. Họ thông minh, ham thú tìm kiếm những trải nghiệm đa dạng và không ngừng nuôi dưỡng sự tò mò và mong muốn tìm hiểu của mình đối với thế giới. Đó là lý do tại sao những môi trường làm việc có sứ mệnh rõ ràng, và tôn trọng sự khác biệt mới có thể thu hút và níu giữ tài năng.

Thật sự không dễ để nhận biết vấn đề đó. Lý do đầu tiên là vì văn hoá công ty không phải là mối lưu tâm của những công ty được thành lập cách đây hơn 10 năm. Đa số đều theo văn hoá tập thể đồng nhất, ở đó người ta bị giới hạn trong những chuẩn mực, và theo đuổi “sự ổn định”. Điều này không còn đúng trong xã hội hiện đại và nền kinh tế bùng nổ như hiện nay nữa. Thứ hai là kể cả khi doanh nghiệp ý thức được những thiếu sót này, thì họ vừa phải cố gắng để xây dựng một nền văn hoá bao quát, đa sắc, sôi động nhất, vừa phải làm hài lòng Millennials và Gen Z, những thế hệ đòi hỏi rất nhiều đam mê, sắc sảo và kiên trì.

Tôi tin rằng trong vòng 5 năm tới, ngành công nghiệp này sẽ chuyển mình theo hướng xây dựng những mô hình làm việc chung tiến bộ, không hào nhoáng bề ngoài nhưng có tính liên kết và nhất quán trong giá trị cốt lõi. Những cá nhân tài năng sẽ bị thu hút bởi những nơi có nền văn hoá được nuôi dưỡng, và những doanh nghiệp khiến họ hài lòng. Đó sẽ là những mô hình làm việc chung bứt phá khỏi định nghĩa thông thường của một không gian làm việc chung trên thị trường tại thời điểm hiện tại.


Xem thêm:

[Bài viết] Không gian mở và xu hướng kết hợp ‘làm và chơi’

[Bài viết] Xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2019: 5 chuyên gia dự đoán gì?