Lễ hội đua thuyền King’s Cup Elephant Boat Race & River Festival diễn ra trên sông Chao Phraya là một buổi lễ với quy mô hoành tráng, và câu chuyện phía sau là cả một tham vọng đầy cao thượng.
Người Thái rất trân trọng và tự hào về mạng lưới sông ngòi chảy qua đất nước mình. Chẳng thế mà họ đã quyết định xây dựng thủ đô Băng Cốc tại vùng châu thổ ven sông Chao Phraya, một trong những con sông lớn của thế giới. Họ còn cải tạo lại cả một hệ thống kênh rạch chằng chịt để xây cất những căn nhà ven bờ, còn lòng sông lại chính là nơi nuôi dưỡng hàng vạn người dân của khu chợ nổi. Không những thế, những con sông và hệ thống đường thuỷ đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá của người Thái. Bao thế kỷ qua, họ đã tổ chức và biểu diễn hàng trăm lễ hội trên sông. Thậm chí ngày tết cổ truyền đón năm mới của Thái Lan, lễ Songkran, cũng là một lễ hội sông nước.
Và lễ hội đua thuyền voi, King’s Cup Elephant Boat Race & River Festival, được tổ chức vào cuối tháng ba vừa qua cũng không phải là ngoại lệ. Sở dĩ được đặt tên như vậy là vì những chiếc thuyền đua của lễ hội đều được trang trí bằng tượng hình đầu voi ở mũi thuyền và họa tiết cá ở phía đuôi thuyền.
Vào ba ngày cuối tuần từ 29 đến 31 tháng Ba, hàng ngàn người tham dự đã bất chấp cái nóng như đổ lửa để hòa mình vào khu lễ hội dọc hai bên bờ sông Chao Phraya, nằm cạnh khu nghỉ dưỡng Anantara Riverside và khách sạn Avani+ Riverside.
Được tiếp thêm lửa nhiệt từ những nhà tài trợ là các hãng rượu như Veuve Clicquot, Johnnie Walker, và bia Chang, cũng như sự cổ vũ hăng hái của đông đảo người xem, 12 đội đến từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, và Philippines đã dốc sức đua thuyền trên khúc sông dài 200m. Ngồi phía đầu mỗi con thuyền là người gõ trống giúp giữ nhịp chèo cho các vận động viên. Xuyên suốt cuộc đua, mười hai tiếng trống đã hòa vào làm một, tạo nên không khí rền vang và hào hùng cho ngày lễ hội.
Sau khi trải qua các vòng loại, đội Royal Thai Navy Seals (Thủy quân Hoàng gia Thái Lan), đội đua với những vận động viên có sức khỏe cường tráng đã giành được chiến thắng chung cuộc một cách thuyết phục khi cán vạch đích chỉ trong 46,68 giây.
Trong lúc đó, bên trong những căn lều ven sông, cuộc thi Indoor Rowing Asia Cup Tournament diễn ra khá căng thẳng với sự tranh tài của các vận động viên đến từ 9 quốc gia: Bahrain, Đài Loan, Ấn Độ, Iraq, Nhật Bản, Mã Lai, Pakistan, Ả Rập Xê Út, và Thái Lan. Các vận động viên thi đấu với dụng cụ là những chiếc máy chuyên dụng để chèo xuồng một đoạn tương đương 2km. Kết quả chung cuộc, người chiến thắng của nội dung chèo xuồng nữ là vận động viên Huang Yi-ting đến từ Đài Loan, và vận động viên Parminder Singh đến từ Ấn Độ là quán quân nội dung chèo xuồng nam.
Khi ánh mặt trời dần tắt cũng là lúc sân khấu lên đèn. Các tiết mục đa dạng và đặc sắc từ đấu giá xe cổ, xem xiếc, và hàng loạt chương trình văn nghệ được biểu diễn bởi các ngôi sao địa phương như New & Jiew và Singto Numchok. Thức uống được các nhà tài trợ phục vụ miễn phí, còn bữa tối do nhà hàng Benihana và The Spice Market cung cấp.
Thế nhưng, một khi đã thả mình vào những cuộc vui tại đây, ta thường dễ quên mất rằng lễ hội lần này chính là sự kết tinh của chuỗi sự kiện mừng Thai National Elephant Day được tổ chức bởi chuỗi khách sạn Anantara.
Ít ai biết rằng phía sau sự kiện hoành tráng đó là một câu chuyện đầy tính nhân văn. Với mong muốn giúp đỡ những chú voi tại Thái Lan, William Heinecke, nhà sáng lập đồng thời là chủ Tập đoàn Khách sạn Minor, một tập đoàn lớn sở hữu cả hai thương hiệu Anantara và Avani, đã thương lượng và mua lại Anantara Golden Triangle vào năm 2002. Sau đó, William bắt đầu bằng việc dành riêng khu rừng và mảng cỏ xung quanh để nuôi dưỡng 4 chú voi, và hiện giờ đàn voi này đã lên tới 25 con. Số lượng voi trong đàn tăng lên, đồng thời tham vọng bảo tồn loài voi của ông cũng lớn dần.
Số tiền thu được từ việc bán vé cho lễ hội King’s Cup Elephant Boat Race and River Festival năm nay sẽ được dùng để đầu tư vào những dự án liên quan đến mục tiêu bảo vệ loài voi tại Thái Lan. Những dự án này sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của tổ chức Golden Triangle Asian Elephant Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi William vào năm 2006 nhằm mục đích bảo vệ những chú voi đang bị đe dọa hoặc bị lạm dụng.
Với sự giúp đỡ từ tập đoàn Minor, John Roberts, Giám đốc mảng hoạt động bảo tồn loài voi của Golden Triangle Asian Elephant Foundation, cho biết rằng tổ chức này sẽ tạo ra việc làm phù hợp cho những chú voi còn khỏe mạnh và một môi trường an toàn, lành mạnh cho những con còn lại.
Hiện tại, Golden Triangle Asian Elephant Foundation còn phối hợp với các tổ chức khác như: Freeland Foundation và Zoological Parks Organization tại Thái Lan, Wildlife Alliance tại Campuchia, USAID, và Think Elephants International, nhằm giúp đỡ cho 300 chú voi tại một ngôi làng quản tượng truyền thống ở Surin.
“Có khoảng 10.000 chú voi đang bị giam cầm tại khu vực Đông Nam Á và thêm 10.000 con nữa đang sống trong vùng hoang dã,” John cho biết. “Chúng tôi đã và đang tổ chức các buổi huấn luyện và hội thảo, song song với việc điều tra và chia sẻ những phương pháp tốt nhất để bảo vệ những chú voi này.”
“Chúng tôi giáo dục những người quản tượng về các phương pháp huấn luyện hiện đại và thân thiện với loài voi. Những dự án bảo tồn voi hoang dã tại Thái Lan sẽ tập trung vào việc giúp những chú voi này hòa nhập với các thôn làng, bảo đảm rằng chúng có thể chung sống mà không gây nguy hại gì đến tính mạng con người. Chúng tôi đặt cho những dự án này một hashtag là #SurvivingTogether.”
“Bên cạnh đó, chúng tôi còn tài trợ cho những dự án nghiên cứu hành vi phá hoại ruộng đồng của loài voi. Càng biết nhiều về thói quen và cách chúng tương tác với môi trường xung quanh, chúng tôi càng dễ dàng cải tạo khu vực bảo tồn để đáp ứng được các nhu cầu của chúng.”
Ngoài ra, tổ chức này còn góp một phần tiền cho việc bảo vệ 18.000 hec-ta đất cư trú của những đàn voi hiện đang sinh sống tại vùng núi Cardamom Mountains, Campuchia.
Xem thêm:
[Bài viết] Anantara Quy Nhơn Villas: Tựa mình vào thiên nhiên
[Bài viết] Đi – Ăn – Chơi vòng quanh Việt Nam: Tháng 3/2019