Theo một nghiên cứu khoa học của trường Stanford, hành vi đổ lỗi có tính chất lây lan. Trong nghiên cứu này, người chứng kiến việc một ai khác đổ lỗi sai sót thì cũng có xu hướng đổ lỗi thất bại của mình cho những người hoặc sự việc không liên quan. Nói cách khác, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân và sau đó là tác nhân của “trò chơi đổ lỗi” này.
Vì tính chất lây nhiễm này, đổ lỗi đã dần hình thành nên thói quen trong xã hội ngày nay. Thậm chí đôi khi chúng ta không nhận ra mình đã và đang trở thành một phần của “văn hoá đổ lỗi”.
Quy luật của trò chơi đổ lỗi
Bạn đã bao giờ tự hỏi, khi một sự việc không mong đợi xảy đến, bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn sẽ có xu hướng tìm một ai khác để đổ trách nhiệm? Hay bạn sẽ chủ động nhận trách nhiệm những việc mà mình có thể kiểm soát được?
Khi một sự việc không mong đợi hoặc một vấn đề xảy ra, chẳng hạn việc bạn trễ deadline công việc, lỡ chuyến tàu hay làm bài điểm thấp, bạn đã từng đổ lỗi do đồng nghiệp, ba mẹ, thầy cô hay thậm chí là … thời tiết?
Nếu có, bạn đã nắm rõ hai quy luật quan trọng của trò chơi đổ lỗi. Quy luật thứ nhất là đối tượng bị đổ lỗi không phải là bạn. Quy luật thứ hai là đối tượng bị đổ lỗi hoàn toàn không liên quan hoặc chỉ có một phần trách nhiệm và không khả năng phản kháng.
Vậy, tại sao chúng ta đổ lỗi cho người khác?
Bảo vệ bản thân khỏi cảm xúc tiêu cực
Theo giáo sư Brené Brown, các nghiên cứu đã cho thấy rằng đổ lỗi là cách để giải phóng sự đau đớn hay nỗi lo lắng. Khi một vấn đề hay sự thất bại xảy đến, con người luôn bị những cảm xúc như giận dữ, bất lực, mệt mỏi hay tội lỗi xâm chiếm và chi phối.
Đổ lỗi được xem là cơ chế tự vệ để chúng ta bảo vệ bản thân khỏi các cảm xúc tiêu cực trên. Chúng ta tìm cách đẩy trách nhiệm lên người khác để bản thân không bị buồn phiền, xấu hổ hay tội lỗi.
Tạo nên cảm giác an toàn
Nếu một người ở cấp bậc cao hơn (ví dụ như lãnh đạo công ty, ba mẹ hay thầy cô) công kích bạn, bạn có xu hướng chỉ ngón tay về phía người thứ ba. Hiện tượng tâm lý này mang tên là “Đá con chó” (Kick-the-dog) và thường xảy ra phổ biến nơi công sở hay những môi trường sống mang tính thứ bậc.
Khi mắc sai sót, chúng ta thường đẩy trách nhiệm để làm giảm sự chú ý về mình. Điều này tạo cho chúng ta cảm giác an toàn khi trách nhiệm được san sẻ hoặc chuyển qua cho một bên khác có cấp bậc bằng hoặc thấp hơn.
Mong đợi sự công bằng từ cuộc sống
Chúng ta thường so sánh bản thân với người khác và mong đợi quá nhiều rằng cuộc sống sẽ công bằng đối với mình. Do đó, khi mọi thứ không diễn ra như dự tính, chúng ta tin rằng phải có ai đó chịu trách nhiệm cho sự bất công trong cuộc đời mình.
Các nhà tâm lý xã hội học gọi xu hướng tâm lý này đây là Định kiến Thế Giới Công Bằng (Just-world phenomenon). Sống trong niềm tin vào Thế giới công bằng khiến chúng ta mặc định những thất bại của mình là do những lý do hết sức khách quan. Đó có thể là vì điều kiện gia đình không bằng người khác hoặc người đó có ngoại hình đẹp hơn mình.
Làm thế nào để chấm dứt trò chơi đổ lỗi?
Sống trong ‘văn hoá đổ lỗi’ ngày càng phổ biến, nỗi sợ bị quy đổ trách nhiệm khiến chúng ta bật chế độ tự vệ để bảo vệ bản thân và đổ lỗi cho người khác. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát cơ chế này và chấm dứt trò chơi này theo những bước sau.
1. Tập trung vào nhận thức những khi bạn đổ lỗi
Hãy tập trung sự chú ý vào lời nói hoặc suy nghĩ thường ngày của mình, đặc biệt là những lúc bạn sử dụng các cụm từ mang tính chất cảm thán như “Dạo này sao nhiều việc quá, nên chẳng có thời gian tập thể dục!” hay những câu khẳng định như “Bố mẹ chẳng hiểu gì về mình nên mình sẽ không nói chuyện nữa.” hoặc tập trung vào những mong đợi như “Lẽ ra nhà trường nên định hướng cho mình kỹ hơn, thì mình đã không mắc sai lầm rồi.”
Có thể thấy rằng, để thực hiện suy nghĩ hay hành vi đổ lỗi, chúng ta tư duy theo hướng nguyên nhân kết quả, trong đó người khác hoặc sự việc khác được đặt làm trọng tâm và bản thân nằm ở thế bị động. Khi đã tự nhận thức được điều đó, bước tiếp theo chúng ta cần trở là người nắm quyền chủ động trong cuộc sống của mình.
2. Hãy là người chủ động trong trò chơi
Bằng cách thay đổi ngôn ngữ, chúng ta có thể thay đổi tư duy của chính mình. Bây giờ, chúng ta cùng đặt tả tình lại tình huống ở bước một bằng câu ngôi thứ nhất, bắt đầu bằng đại từ “Tôi” kèm theo một giải pháp chủ động nhé.
“Tôi dạo này có nhiều việc quá, tôi sẽ sắp xếp công việc để dành thời gian tập thể dục.”
“Tôi biết rằng bố mẹ đôi khi không hiểu mình, nên tôi phải trò chuyện với bố mẹ nhiều hơn.”
“Tôi biết rằng nhà trường chưa thể định hướng kỹ cho mình, nên tiếp theo tôi sẽ phải chủ động tìm hiểu thêm nhiều nguồn thông tin khác . “
Với sự kiên trì và thực nghiệm lối suy nghĩ tích cực chủ động này này, chúng ta có thể chấm dứt trò chơi đổ lỗi và cùng nhau tạo dựng một môi trường văn hoá lành mạnh.
3. Cùng xây dựng” văn hoá nhận lỗi” và “văn hoá học tập” từ sai lầm
Chúng ta không hoàn hảo và sẽ có lúc mắc sai lầm. Khi bạn mắc lỗi, hãy dũng cảm để nhận sai lầm hay thất bại do mình gây ra và tự rút ra bài học từ sai lầm đó. Hãy nhớ rằng đổ lỗi không làm chúng ta hạnh phúc hơn. Sự chính trực và cảm giác chiến thắng những cảm xúc tiêu cực của bản thân chính là phần thưởng lớn nhất cho những ai dám nhận lỗi.
Khi người khác mắc lỗi, thay vì chỉ trích, hãy đặt bản thân mình vào tình huống đó và xem rằng mình có thể làm gì để cải thiện tình hình.
Theo nghiên cứu của Harvard Business Review, việc tập trung vào việc học hỏi từ những sai lầm của bản thân và người khác sẽ khiến chúng ta thoải mái và tự do khi nói về những sai sót hoặc lỗi lầm của nhau, từ đó cùng tạo nên một ‘văn hoá học tập’ văn minh và hữu ích.
Lời kết
Có một điều chắc chắn rằng chúng ta không thể hoàn toàn chấm dứt văn hoá đổ lỗi. Tuy nhiên, việc có trở thành nạn nhân của trò chơi đổ lỗi hay không là một sự lựa chọn nằm ở chính bản thân bạn ngay hôm nay.
Bài viết này được thực hiện bởi Đinh Hương.
Xem thêm:
[Bài viết] Lòng tự trắc ẩn là gì và vì sao bạn cần nó
[Bài viết] Tranh luận thế nào cho sang? Cần tránh 20 lỗi ngụy biện này