Vài năm trở lại đây, dòng nhạc indie (độc lập) tại Việt Nam đang có bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ nhờ những tài năng trẻ hội tụ ở hai miền. Nào Ngọt, Cá Hồi Hoang, Vũ, Hải Sâm, Da Lab, Trang, Mademoiselle… tất cả đều tạo nên dải cầu vồng đa sắc màu với những giai điệu độc đáo cùng ca từ trong trẻo. Các sáng tác của họ giúp tạo nên mảnh ghép tuyệt vời cho những tâm hồn yêu âm nhạc, những người luôn tìm kiếm sự sáng tạo và đồng cảm trong từng phút giây lắng đọng của cuộc sống.
Đến với những kênh âm nhạc như SoundCloud, YouTube, hay Spotify mà các nghệ sĩ indie tại Việt Nam thường sử dụng để chia sẻ các sáng tác của mình, công chúng yêu âm nhạc sẽ dễ dàng tìm thấy chất nhạc rất riêng và độc nhất, những lời tự sự chân thành, cùng sự tìm tòi thử nghiệm vốn ít khi xảy ra với nhạc thị trường. Những tưởng dòng nhạc này sẽ vô cùng kén người nghe, nhưng trên thực tế, nó thu hút lượng khán giả trẻ đông đảo mà ta có thể dễ dàng nhận thấy tại các sự kiện âm nhạc như Thơm, Monsoon, Backstage 11… và cứ thế lớn dần lên theo cuộc đổ bộ của công nghệ hiện đại.
Vietcetera đã có cơ hội trò chuyện với 5 trong số những gương mặt nổi bật trong làng nhạc indie hiện nay, đại diện cho 5 cá tính khác nhau của mảnh đất sáng tạo đầy màu mỡ này. Mời bạn đón đọc ngay dưới đây:
Mademoiselle – “Quý cô” và những chuyện tình buồn
“Kể chuyện, dễ hiểu, trầm” là những từ mà Mademoiselle dùng để tự mô tả âm nhạc của mình. Tất nhiên, chúng hoàn toàn đúng để nói về “Loanh Quanh”, ca khúc giúp đưa tên tuổi của cô ca sĩ trẻ người Hải Phòng đến gần hơn với công chúng yêu âm nhạc cách đây 2 năm.
Những bài hát do Mademoiselle sáng tác và trình bày hay kể về chuyện tình buồn. Nhưng nỗi buồn trong đó không quá bi lụy, mà trái lại, nó như xoa dịu trái tim người nghe nhờ chất giọng êm ái, lời hát thủ thỉ, và ca từ thơ mộng của Mademoiselle. “Mỗi bài hát mình viết đều thể hiện một phần tính cách của mình trong đó,” cô chia sẻ. “Có lẽ về sau khi chuyện tình cảm của mình có như thế nào, thì Mademoiselle vẫn sẽ luôn cô đơn.”
Đối với Mademoiselle, âm nhạc chính là âm thanh của cảm xúc – cảm xúc của người hát và cảm nhận đến từ người nghe. Cảm hứng cho những câu chữ nhẹ nhàng, đậm chất tự sự trên giai điệu trầm buồn trong sáng tác của cô thường đến từ con người, sự vật, sự việc xung quanh, trong lúc đạp xe trên phố. Hiện tại, Mademoiselle đang chuẩn bị ra mắt một EP nhỏ tập hợp những bài hát mới của mình, cũng như ấp ủ ước mong tổ chức show diễn ấm cúng cho người yêu nhạc 3 miền, đem cảm xúc đến gần hơn nữa với người nghe.
Trịnh Trung Kiên – Chàng trai Hà Nội ngông nghênh
Con đường âm nhạc của Kiên bắt đầu từ chuỗi ngày đi hát cover ở các quán cà phê, để rồi tập tành học chơi đàn guitar và sau đó là sáng tác. Bước ngoặt của chàng nghệ sĩ trẻ đến từ Hà Nội chính là Thế Kỉ 21 Buồn, ca khúc như “đánh trúng” tâm tư của bao tâm hồn trẻ lạc lõng giữa phố thị hiện đại, với ca từ khắc khoải, giai điêu chân phương, và giọng hát u uẩn.
Âm nhạc đối với Kiên là cuộc sống, và cuộc sống cũng chính là cảm hứng lớn nhất cho các sáng tác của anh. Người nghe có thể tìm thấy trong chúng những lời tự sự chân thực và gần gũi về tình yêu, nỗi buồn, tiền nong, và ngay cả động thực vật… Cái nhìn ngông nghênh, đơn giản, và thẳng thắn như chính tính cách của cậu chàng, và tất nhiên là cả giai điệu lãng đãng, phiêu du, là điều làm nên sự thu hút đến lạ khi khán giả thưởng thức các tác phẩm của Kiên.
Để ra được cái chất riêng đã đi vào lòng người nghe như hiện nay là cả một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm không ngừng của Kiên về các dòng nhạc khác nhau. “Đầu năm 2017, mình cho ra mắt hai ca khúc ‘Khi Hôm Nay Thành Ngày Xưa’ và ‘Em Ăn Sáng Chưa?’, và có được sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng yêu nhạc. Nhưng sau đó mình đã mãi dính chặt với màu sắc của chúng trong suốt một năm dài,” Kiên thừa nhận. “Mình từng rơi vào tình trạng khá hoang mang và thất vọng. Nhưng đến tháng 12/2017, mình viết ‘Tôi Biết Em Không Biết’ trên nhịp 4/4, vốn trước đây mình rất ít sử dụng, cũng như đầu tư sản xuất nghiêm túc từ đầu đến cuối cho bài hát này. Công chúng một lần nữa cũng đón nhận, và mình vui mừng nhận ra bản thân đã thoát khỏi lối mòn trong tư duy và khán giả đã sẵn sàng chờ đón con người mới của mình.”
Nhạc của Trang – Những giai điệu mênh mông
Là cái tên nổi bật trong cộng đồng nhạc indie Việt, Nhạc của Trang đã được biết đến rộng rãi hơn với công chúng yêu nhạc trong năm 2017 khi hai bài hát do cô sáng tác đã được hai ca sĩ nổi tiếng trình bày đầy thành công. Đó chính là Min cùng Hôn Anh, và Uyên Linh với Bài Hát Của Em. Tuy bản thân cô sở hữu giọng hát nhẹ nhàng, đầy chất thơ, nhưng Trang tự xem mình là một nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc nhiều hơn là ca sĩ. “Đối với mình, giọng hát là một trong những nhạc cụ để làm nên các bài hát,” cô chia sẻ.
Tài năng trẻ đến từ Hà Nội bắt đầu sự nghiệp với những bản demo do cô tự sáng tác và hát được chia sẻ trên trang Soundcloud cá nhân. Người nghe yêu Nhạc Của Trang thường yêu cái cảm giác miên man, bình yên đến lạ từ ngôn từ nhẹ nhàng, chạm vào những góc cạnh của người con gái, cùng với đó là giai điệu mềm mại như lụa, đôi khi mỏng manh. “Ca từ nhút nhát, giai điệu dịu dàng, và âm thanh bao dung” là những gì Trang tự mô tả về âm nhạc của mình. Trang hay sáng tác cùng chiếc đàn guitar, cảm hứng đến với cô thường bất chợt. “Bài ‘Hôn Anh’ mình chỉ viết trong 30 phút thôi, tự nhiên nghĩ ra trong đầu thế là cầm cây đàn và hát luôn.”
Đối với Trang, âm nhạc chính là hơi thở, là thứ giúp cô giải tỏa bao niềm cảm xúc và tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. “Không có âm nhạc, cuộc sống sẽ rất khô cằn,” cô khẳng định. Trang viết rất nhiều về tình yêu, nhưng dù đó có là câu chuyện buồn thì trong đó không chứa đựng một ca từ hờn trách. Thay vào đó, người nghe cảm nhận được sự cảm thông, như trong Thư Cho Anh hoặc Em Viết Nên. “Sau này khi mình lớn lên chút nữa, ngoài những nỗi buồn, mình sẽ viết nhiều hơn về những niềm vui,” Trang chia sẻ. “Khi mình trân trọng bản thân hơn, thì mình nên biết trân trong cả những kỉ niệm vui lẫn buồn.”
Hakoota Dũng Hà – Những con chữ chứa đựng nỗi buồn
Cái tên Hakoota Dũng Hà có chăng sẽ khiến công chúng nghĩ rằng anh là một nghệ sĩ mainstream do anh từng tham gia chương trình Giọng Hát Việt 2013. Thế nhưng thay vì theo đuổi những giai điệu sôi động, hao hao nhau trên thị trường, Hakoota đã quyết định chọn con đường riêng với dòng nhạc R&B và ballad đầy sâu lắng. “Ngay từ nhỏ, các thể loại âm nhạc mà tôi được nghe và cảm thấy muốn nghe đều hơi tách biệt so với đại đa số chung,” anh chia sẻ. “Đôi khi tôi cảm thấy mặc cảm về thứ âm nhạc của mình, vì nhìn ra ngoài kia, những gì mà đại đa số mọi người chọn lựa thường không phải là tôi.”
Dù vậy, chàng nghệ sĩ sinh năm 1981 vẫn tiếp tục viết nhạc, như một phương thức xoa dịu cho bao tâm tư trong lòng cũng như cho những ai đang cần tìm sự an ủi và đồng cảm trong cuộc sống. Nhạc của Hakoota đa phần là buồn, bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân về cuộc sống, đặc biệt là khía cạnh tình yêu. Khi lắng nghe các bài hát của anh, ta sẽ bị cuốn theo bao xúc cảm mãnh liệt nhất được truyền tải qua chất giọng trầm bổng, phiêu du khó lẫn vào đâu được. Điều đó có thể thấy rõ qua tác phẩm “Giọt Buồn Để Lại” giúp đưa tên tuổi Hakoota đến gần hơn với công chúng yêu nhạc, và đã mất 2 năm để anh hoàn thành.
“Tôi thường mất khá nhiều thời gian để hoàn thành một bài hát, và bản thân cũng không quen ép cảm xúc của mình,” anh bộc bạch. “Điều này hơi bất lợi nếu bạn muốn kinh doanh âm nhạc, vì các ca sĩ luôn có sự hoạch định rõ ràng về thời gian cho kế hoạch phát hành sản phẩm của họ. Nếu nói tôi không có định hướng gì thì có buồn cười quá không? Tôi thích làm và tập trung làm hơn là vẽ vời tung hứng quá nhiều những thứ còn đang mơ hồ.”
Soundcloud | Facebook | YouTube
Phạm Toàn Thắng – Thứ âm nhạc không được đóng khung
Đa phần khi nhắc đến nhạc indie, không ít người sẽ liên tưởng đến những tài năng còn rất trẻ, hát trên nền guitar, và có lẽ “phải” là ít ai biết đến. Riêng Phạm Toàn Thắng là một cái tên không hoàn toàn rơi vào khuôn mẫu trên. Hoạt động từ năm 2004 đến nay, anh từng bước trở thành người viết nhạc được nhiều ca sĩ nổi tiếng tìm đến, như Hà Anh Tuấn, Trúc Nhân, Isaac, Trung Quân… nhằm có cho mình những bản hit không chỉ “đo ni đóng giày” cho từng cá tính âm nhạc riêng, đồng thời sở hữu nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong sự nghiệp. Cái sự indie của Thắng có lẽ chăng nằm ở việc anh chưa thuộc về một hãng đĩa lớn nào, và anh vẫn đều đặn chia sẻ các tác phẩm riêng do mình hát trên kênh Soundcloud cá nhân.
Với số “gia tài” các sáng tác đồ sộ trong suốt gần 15 năm hoạt động, Thắng chỉ đơn giản mô tả điểm chung của chúng trong hai từ “lãng mạn” và “bụi đời”. “Lãng mạn” là khi anh viết về những cảm xúc sâu thẳm nhất, được tích tụ từ những năm tháng chiêm nghiệm bằng tâm hồn của người nghệ sĩ như trong ca khúc “Ba Mươi”. Còn “bụi đời” có chăng là sự giản dị, gần gũi khi anh viết về những góc nhỏ trong cuộc sống thường nhật như trong “Uống trà” và “Bài hát trên vỉa hè”.
Thắng không quá đặt nặng vấn đề phân loại âm nhạc của mình là indie (độc lập) hay mainstream (thị trường). “Đối với tôi, nhạc chỉ có hay và dở mà thôi,” anh thẳng thắn chia sẻ. “Bạn có thể bông đùa một chút trong lúc sáng tạo nghệ thuật, nhưng một khi xác định để cho ra sản phẩm thì cần sự nghiêm túc và chỉnh chu.” Đó là điều ta có thể nhận thấy rõ ràng nhất ngay cả trong các sáng tác indie của Ngọt hay Trang. Và cuối cùng, bất kỳ ca sĩ nào cũng đều mong muốn nhạc của mình sẽ được nhiều người yêu thích. Khi bạn làm ra bản nhạc thể hiện nỗi lòng, chất liệu riêng tư, cùng góc nhìn cá nhân của chính mình trong đó, có người đón nhận vẫn tốt hơn nhiều là không một ai cả.”