Đi cùng với hashtag #StayAthome và lời kêu gọi của đội ngũ y tế “chúng tôi đi làm vì bạn, hãy ở nhà vì chúng ta”, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã áp dụng cách ly xã hội để hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Có thể bạn chưa thấy bản thân bị ảnh hưởng nhiều khi phải ở nhà. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, dù bạn đang thoải mái với cuộc sống cách ly đến mấy nhưng nếu kéo dài quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý.
Bạn bị buộc phải hạn chế tương tác với xã hội
Không ai muốn bị cách ly xã hội cả, vì con người là một sinh vật xã hội. Bạn buộc phải làm vậy do sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Chính tính chất “bắt buộc” khiến bạn cảm thấy cô đơn, dù vẫn biết đây là điều cần làm.
Sự bức bối khi phải ở nhà và nhớ nhung cuộc sống xã hội có lẽ cũng chính là cảm giác của anh chàng Chris Mann khi chế lại bài “Hello” của Adele.
Bạn có thể nghĩ rằng vốn dĩ cuộc sống hiện đại cũng đã khiến cho nhiều người sống khép kín hơn. Những người hướng nội còn đùa nhau rằng cuộc sống bình thường của mình đã là tự cách ly xã hội rồi. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học nhấn mạnh rằng “đơn độc” khác với “cô đơn”.
Dù chọn cách sống “đơn độc”, nhưng bạn vẫn có thể ra ngoài đường khi bạn thích, gặp gỡ bạn bè và người thân yêu. Bạn được làm những điều bạn chọn. Còn với lệnh cách ly xã hội thì bạn không còn lựa chọn nữa. Bạn sẽ nhớ cảm giác được đi lại tự do, được nói chuyện trực tiếp, được ôm những người bạn và được nhìn những nhóm người đông đúc.
Cô đơn ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn thế nào?
Không phải việc cách ly xã hội, mà chính suy nghĩ “Hôm nay chán quá, chả có gì để làm!” mới là điều hạ gục bạn. Nó khiến bạn bị giam trong thế giới bé nhỏ của mình, nơi không có nhiều điều tích cực mới mẻ bước vào. Lúc đó trầm cảm và lo âu sẽ dần hình thành rồi hủy hoại sức khỏe của bạn.
Với Holt-Lunstad, nhà thần kinh học và tâm lý học tại Đại học Brigham Young, “cô đơn không phải là một cảm giác”. Nó là dấu hiệu cảnh báo sinh học thúc đẩy con người tìm đến đồng loại. Cũng giống như việc “đói” kích hoạt bạn đi tìm đồ ăn, “khát nước” kích hoạt bạn đi tìm nước. Từ lâu con người đã sinh tồn bằng việc kết nối đồng loại, sinh sống trong cộng đồng. Bạn có thể sống một mình trong một căn hộ, nhưng bạn không thể tách biệt với xã hội.
Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể rằng bao nhiêu ngày cách ly xã hội trong dịch COVID-19 thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng Paul Yin, nhà tâm lý học Trung Quốc đang giúp các công ty bảo hiểm ở đây xử lý khủng hoảng chia sẻ với NBC News: “Phần lớn mọi người cảm thấy cách ly xã hội một hai ngày thì không sao cả, nhưng nếu nhiều tuần không ra ngoài thì sẽ gia tăng căng thẳng. Nguyên nhân là ngày nào họ cũng bị nhắc nhở rằng cuộc sống hiện giờ không bình thường. Họ không thể thoát khỏi sự thật ấy và cũng không thể giả vờ rằng nó không tồn tại”.
Hãy tưởng tượng sức khỏe của bạn đi xuống thế nào nếu mỗi ngày đều hút 15 điếu thuốc. Việc bạn cách ly xã hội trong thời gian dài cũng khiến sức khỏe bạn tồi tệ đi như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Nó dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc tử vong sớm.
Cô đơn kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm lâm sàng. Các biểu hiện giai đoạn đầu gồm tâm trạng bị chùng xuống, không có hứng thú với các hoạt động vui vẻ, năng lượng thấp, dễ mất tập trung, thèm ăn, cân nặng thay đổi, mất ngủ và trở nên chậm chạp. Một nghiên cứu cho thấy, cô đơn làm tăng tỷ lệ tử vong sớm lên 26%, cách ly xã hội làm tăng 29% và sống một mình là 32%, bất kể đối tượng là tuổi, giới tính, địa điểm hoặc văn hóa nào.
Công nghệ tuy hữu ích nhưng vẫn chưa phải là giải pháp triệt để
Công nghệ lúc này như liều thuốc tinh thần của con người. Qua Skype, Zoom, FaceTime,… ta vẫn có thể liên lạc với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nhưng dù có hiện đại đến mấy, công nghệ cũng không thể thay thế được tương tác trực tiếp.
Những tiếp xúc trực tiếp giúp cơ thể tiết ra hormone oxytocin giúp giảm stress, cải thiện trí nhớ và kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, giao tiếp ảo khiến cho não phải xử lý nhiều thông tin hơn, lâu dài khiến cho ta bị căng thẳng.
Một số thay đổi về hành vi con người trong đại dịch COVID-19 cũng đã được ghi nhận. Chẳng hạn một số người, đặc biệt những người già sau thời gian cách ly xã hội không muốn ra khỏi nhà nữa. Một số người dân Vũ Hán cũng từ chối ra khỏi nhà và bắt đầu bị chứng sợ nơi đông người.
Làm thế nào để vượt qua thời gian cách ly xã hội
Khảo sát của American Psychiatriy Association năm 2018 chỉ ra rằng nhóm Millennials là thế hệ thường lo âu nhất. Các chẩn đoán trầm cảm đang gia tăng chóng mặt trong nhóm này, cụ thể tăng 47% tính từ năm 2013, theo báo cáo từ năm 2019 từ Blue Cross Blue Shield Association của Mỹ.
Điều này giải thích vì sao nhiều chuyên gia lại cảnh báo Millennials về nguy cơ cao gặp phải những vấn đề tâm lý trong đại dịch COVID-19. Dưới đây là danh sách những việc bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình trong thời gian cách ly xã hội sắp tới:
1. Tạo thói quen sống lành mạnh
Hãy lập một thời gian biểu và danh sách các công việc bạn muốn hoàn thành trong ngày, bảo đảm ngày của bạn trôi qua hiệu quả và tạo cảm giác không có gì hay đổi.
2. Lắng nghe cảm xúc
Thay vì tức giận vì không được đi ra ngoài, bạn hãy thử tĩnh tâm và lắng nghe chính mình. “Mình đang cảm nhận gì lúc này? Tại sao mình lại tức giận?” Bạn đang suy nghĩ tiêu cực, buồn bực hay bối rối? Không sao hết, không có suy nghĩ nào đáng bị phán xét hay thấy xấu hổ.
3. Kết nối và giúp đỡ người khác
Hãy tranh thủ thời gian này trò chuyện và chia sẻ thật nhiều với bạn bè, gia đình và người thân. Điều này vừa giúp tình cảm gia đình và mối quan hệ bạn bè, vừa giúp đôi bên ổn định lại tâm lý. Nếu có khả năng, hãy giúp đỡ những người khó khăn hơn.
4. Lọc nguồn thông tin
Hãy chọn những trang đáng tin cậy để cập nhật thông tin dịch bệnh, tránh tin giả khiến bạn thêm hoang mang, thậm chí là lo âu, hoặc hoảng sợ thái quá. Đồng thời, nên hướng đến những tin tích cực hơn là chỉ bị cuốn vào những tin tiêu cực.
5. Đấu tranh với sự nhàm chán
Để tránh ngày trở nên nhàm chán, hãy thử những hoạt động trước đây bạn chưa có thời gian làm, xem một bộ phim mà Vietcetera đề cử, hoặc bắt đầu tạo thói quen đọc sách. Tập luyện nhẹ nhàng tại nhà cũng là một lựa chọn bổ ích, vừa không lo chuyện tăng cân, vừa hỗ trợ cho sức khoẻ thể chất.
6. Chuẩn bị cho thời gian hậu cách ly
Dịch bệnh có thể khiến việc học hành hoặc công việc của bạn tạm thời bị gián đoạn, nhưng bạn vẫn có thể chủ động cho tương lai, khi việc cách ly kết thúc. Đặc biệt là đối với những ai vẫn chưa rõ định hướng cho mình, đây là thời gian để bạn nhìn nhận bản thân. Ngoài ra bạn có thể lập kế hoạch tài chính trong thời gian kinh tế khó khăn này.
7. Đừng quên rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời
Hãy nhớ rằng thời gian khó khăn này rồi sẽ qua và bạn không hề đơn độc. Mọi người đều đang cố gắng cách ly xã hội để giảm sự lây lan của virus. Cùng với sự hợp tác của bạn và mọi người, dịch bệnh chắc chắn sẽ được đẩy lùi.
Bài viết này được thực hiện bởi Hằng Nguyễn.
Xem thêm:
[Bài viết] Bí quyết ổn định tâm lý giữa đại dịch
[Bài viết] Tại sao việc giãn cách xã hội lại khó khăn đến vậy?