Bài viết sẽ phù hợp với đối tượng phụ huynh có con khoảng lớp 5 – lớp 10, có thể ở nhà một mình, còn đối với nhóm nhỏ hơn (mầm non – tiểu học) thì có thể sẽ không quá phù hợp.
Đi làm xa nhà, tôi gọi về cho cô em gái đang học lớp 8. Đã 4 ngày em chưa ra khỏi nhà. Trời Hà Nội mù mịt sương, rét buốt và mưa phùn, dù không có dịch nCoV, chắc tụi trẻ con cũng ngại đi học. Vậy mà con bé thẫn thờ kể: “Trên Messenger bọn em bảo nhau, chưa bao giờ được nghỉ mà lại muốn đi học đến thế.”
Các bậc phụ huynh, anh chị đều mong muốn những ngày nghỉ của các con, các em diễn ra an toàn và bổ ích. Đặc biệt với những trẻ lớn hơn, tuy các em có khả năng tự chủ cao, nhưng nhiều bố mẹ không khỏi lo lắng các em nghỉ ở nhà một mình sẽ chỉ “cắm mặt vào điện thoại” – như cách mà mẹ tôi nói.
Sau đây là một số gợi ý cho một kì nghỉ lành mạnh, an toàn:
Tránh tâm lý hoảng sợ, giúp trẻ hiểu về dịch bệnh và vệ sinh dịch tễ
Trước hết, cần cùng trẻ tìm hiểu về virus, cơ chế lây bệnh và phương pháp phòng tránh. Có thể thấy trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh chia sẻ với nhau cách dạy con về coronavirus nói riêng và dịch bệnh nói chung, nâng cao nhận thức lâu dài của trẻ về việc vệ sinh cá nhân. Tùy từng độ tuổi sẽ có phương pháp và ngôn ngữ chia sẻ phù hợp.
Với độ tuổi lớn hơn như em gái tôi, việc chủ động tìm kiếm thông tin không khó. Tuy nhiên, các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội sẽ dễ gây hoang mang ở trẻ. Cần chia sẻ với trẻ các nguồn tin cậy, chính xác, ví dụ như thông tin từ Bộ Y tế, website tổng hợp thông tin của Kompa Group hay của Đại học Johns Hopskin, từ đó giúp trẻ học cách lựa chọn thông tin và tư duy phản biện.
Quan trọng nhất để phòng chống dịch là việc thực hành vệ sinh dịch tễ đúng cách: rửa tay bằng nước và xà phòng thường xuyên, rửa tay kĩ trong 20 giây, tránh tụ tập đông người và tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. Nếu cần ho hay hắt xì thì phải hắt xì vào khăn giấy rồi vứt đi, hoặc hắt xì vào mặt trong khuỷu tay. Tuy hiện nay các em được nghỉ ở nhà, nguy cơ lây nhiễm không cao, nhưng việc chú tâm thực hiện vệ sinh dịch tễ sẽ rất quan trọng khi trở lại trường học.
Cùng với đó là việc bổ sung dinh dưỡng như tăng cường rau xanh, trái cây tươi, và bảo đảm sức khỏe với việc giữ ấm cơ thể, súc miệng bằng dung dịch diệt khuẩn.
Đảm bảo an toàn
An tâm hơn khi con nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, các phụ huynh có con ở nhà một mình vẫn cần đặc biệt chú tâm đến việc đảm bảo an toàn cá nhân.
Lúc tôi bằng tuổi em gái tôi bây giờ, có một lần tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, tôi nhận ra trong nhà nồng nặc mùi gas. Được mẹ cảnh báo nhiều lần, tôi dập cầu dao của cả nhà, bước ra sân rồi mới gọi điện cho mẹ. Sống ở một khu tập thể cũ ở Hà Nội, tôi đã gặp chuyện nhà hàng xóm quên tắt bếp, mùi khét xộc vào từng nhà, hay việc hệ thống nước trục trặc, nước tràn lênh láng, ngấm vào những ổ điện nối dài đặt dưới sàn,… Hy vọng giờ đây những hiểm nguy như vậy không còn nhiều nữa, các bài học về an toàn đã được phổ cập hơn, nhưng vẫn rất cần thiết để nhắc nhở trẻ.
Đứng vững trước sự cô đơn
Em gái tôi kể, nghỉ học cũng buồn. May thay, có buổi cô bé vừa gọi video cho bạn, vừa làm bài tập. Mường tượng cảnh lầm lũi ở nhà từ sáng đến chiều muộn một mình, trong tiết trời lạnh buốt âm u của Hà Nội, thật sự tôi thấy rất thương em. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, ta phải sẵn sàng với mọi thử thách.
Rồi trẻ em nào cũng sẽ lớn lên, trưởng thành và đối mặt với những giây phút cô đơn. Đây là một cơ hội để phụ huynh cùng thảo luận với con về sự cô đơn và việc sống tự lập, và để trẻ chủ động tìm ra các phương pháp đối mặt.
Cha mẹ nên thường xuyên hỏi thăm về cảm nhận của trẻ một cách cởi mở. Việc nhận biết được cảm xúc tiêu cực là bước đầu tiên để trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc lành mạnh. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng việc những câu hỏi:
– Hôm nay con ở nhà cảm thấy thế nào?
– Làm theo thời khóa biểu này có phù hợp với con không? Con có bị chán không?
– Hôm nay ăn uống có ngon miệng không?
– Con có nhớ bạn không? Khi được trở lại trường học, con muốn con và các bạn làm gì?
Xây dựng thời khóa biểu với các hoạt động đa dạng, lành mạnh
Phụ huynh nên hỗ trợ trẻ lập ra thời khóa biểu, gồm đầy đủ việc học, chơi, ăn uống, nghỉ trưa và làm việc nhà, với những cung giờ cố định.
Một trường tư thục ở Hà Nội gửi cho học sinh một danh sách các thử thách hoạt động thể chất, và hàng ngày các bạn có thể thực hiện thử thách và quay clip chia sẻ lại cho nhóm online của lớp. Lấy cảm hứng từ đó, tôi dặn em gái đạp xe bằng máy tập ở nhà ít nhất là 20 phút mỗi ngày.
Biết rằng việc đạp xe có thể nhàm chán, tôi cũng gửi cho em một vài video tập nhảy các vũ đạo của các ban nhạc Hàn Quốc mà cô bé thích. Các bài hát tủ giúp cô bé được giải trí và được vận động, tuy nhiên, tôi vẫn nhắc em tập trung vào một bài tập và cố gắng chinh phục nó, thay vì bị cuốn vào việc lướt YouTube.
Bên cạnh hoạt động thể chất để tăng cường đề kháng, tùy vào sở thích mỗi bạn, có thể đọc sách, vẽ tranh, chơi nhạc,… thay vì lạm dụng công nghệ. Phụ huynh có thể khuyến khích trẻ lưu lại nhật kí cho các hoạt động này, hoặc đặt ra một số thử thách nhất định để giúp trẻ thích thú và kiên trì hơn.
Còn với việc nhà, phụ huynh nên cùng thống nhất với con các việc cần làm, và chọn một khung thời gian cụ thể để hoàn thành. Điều này sẽ tránh trường hợp trẻ để đến cuối ngày mới làm.
Giải tỏa những mối lo học tập và thi cử
Điều làm em tôi và các bạn trong trường lo nghĩ nhất chính là việc thi cử sau đợt nghỉ này. “Nghỉ thì nghỉ nhưng vẫn phải thi, may mà trường em không thi tập trung cả khối nữa để phòng dịch, chỉ kiểm tra tại lớp thôi” – em tôi kể.
Trường của em tôi có áp dụng việc học từ xa (e-learning), các bạn học theo thời khóa biểu bình thường, giáo viên sẽ gọi video cho cả lớp. Tuy nhiên, đa phần các trường sẽ giao bài tập qua email hoặc nhóm chat phụ huynh cho các em. Việc ôn bài và làm bài tập sẽ phụ thuộc rất nhiều vào từng bạn và sự hỗ trợ từ cha mẹ.
Để trẻ chủ động ôn tập, nên để trẻ lên kế hoạch học tập và tự đặt ra các mục tiêu cá nhân kèm với sự hỗ trợ và theo dõi của cha mẹ. Các phụ huynh có thể cùng tổ chức học nhóm online, hoặc áp dụng việc ôn tập quay vòng (cách vài ngày sẽ trở lại một nội dung ôn tập trước đó) để tránh trẻ quên kiến thức.
Đặc biệt là trẻ đang ở các giai đoạn chuyển cấp, đứng trước các kì thi quan trọng, tình hình bệnh dịch này càng dễ khiến các con thêm hoang mang, lo lắng. Phụ huynh nên ngồi xuống cùng con, tạo cơ hội cho trẻ thoải mái tâm sự.
Dành thời gian cùng nhau
Cả một ngày dài, rồi phụ huynh cũng trở về nhà với con. Trong hoàn cảnh diễn biến bệnh dịch phức tạp, hẳn là trong lòng người lớn cũng nặng gánh những lo toan. Chẳng lạ nếu đến cuối ngày, cha mẹ chỉ muốn mở điện thoại để cập nhật tình hình dịch. Tuy nhiên, trong chuỗi ngày cô đơn này, các bạn nhỏ càng cần nhiều thời gian gần gũi với gia đình, cần những cử chỉ yêu thương.
Khi ở nhà cùng nhau, phụ huynh nên dành thời gian để nói chuyện về cảm giác của con trong ngày, rồi mới đến việc sinh hoạt, học tập. Có nhiều hoạt động để cha mẹ cùng thử với con, ví dụ như học nấu một món mới để con có thể tự nấu trong đợt nghỉ dài, hay chỉ đơn thuần là đọc sách, xem một bộ phim cùng nhau.
Để trẻ có một đợt nghỉ lành mạnh, an toàn khi ở nhà một mình không chỉ là một nỗi lo giữa mùa dịch, mà còn là một bài toán lớn mỗi dịp nghỉ hè, đặc biệt trong bối cảnh thành thị khi con trẻ tập trung quá nhiều vào thiết bị công nghệ. Những lúc này, ta càng thấy tầm quan trọng của việc dạy con trẻ cách sống tự lập, chỉn chu, có trách nhiệm với bản thân và quan tâm đến mọi người.
Bài viết này được thực hiện bởi Trà Nhữ.
Xem thêm:
[Bài viết] Tóm lại là: Virus corona là gì? Đi đến đâu rồi?
[Bài viết] Những ảnh hưởng ít ai nhận ra của phim Disney lên con bạn