‘Thưa Mẹ Con Đi’ - Hành trình tìm kiếm sự chấp nhận, cảm thông và hạnh phúc của Văn | Vietcetera
Billboard banner

‘Thưa Mẹ Con Đi’ - Hành trình tìm kiếm sự chấp nhận, cảm thông và hạnh phúc của Văn

Vietcetera đã có một buổi gặp mặt với Lãnh Thanh, diễn viên đóng vai Văn trong Thưa Mẹ Con Đi để hiểu thêm về hành trình Văn đi tìm kiếm sự chấp nhận từ gia đình cũng như là sự thay đổi của cá nhân anh sau khi đóng máy với tư cách là một diễn viên.

‘Thưa Mẹ Con Đi’ - Hành trình tìm kiếm sự chấp nhận, cảm thông và hạnh phúc của Văn

‘Thưa Mẹ Con Đi’ - Hành trình tìm kiếm sự chấp nhận, cảm thông và hạnh phúc của Văn

Tuy rằng trong những năm gần đây xã hội chúng ta đã có nhiều bước tiến rõ rệt trong việc cởi mở và ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, điển hình như gỡ bỏ lệnh cấm hôn nhân đồng tính vào năm 2015, thì đâu đó vẫn luôn tồn tại những rào cản nhất định trong tình yêu LGBTQ+. Thế hệ đi trước vẫn còn ái ngại khi đối diện với xu hướng tính dục của những người trẻ, của thế hệ đi sau.

Mới đây nhất, bộ phim Việt Thưa Mẹ Con Đi của đạo điễn Trịnh Đình Lê Minh thu hút sự chú ý của cộng đồng LGBTQ+ trong nước. Phim phác hoạ câu chuyện tình yêu đồng giới của Văn và Ian, và chặng đường mưu cầu sự chấp thuận từ gia đình họ.

Khác với những bộ phim LGBTQ+ thường khai thác chuyện tình yêu theo hướng bi kịch, Thưa Mẹ Con Đi lột tả tình yêu đồng giới theo hướng thật bình dị, mộc mạc, nhưng vẫn đầy nhiệt huyết. Đồng thời, bộ phim cũng không ngại ngùng đề cập đến những thực tế trong xã hội Việt Nam, ví dụ như những chuẩn mực giới tính cũng như kỳ vọng về chuyện lứa đôi. Đan xen với đó là những trách nhiệm mà một người con trưởng trong gia đình thường buộc phải gánh gồng.

lsquoThưa Mẹ Con Đirsquo Hagravenh trigravenh tigravem kiếm sự chấp nhận cảm thocircng vagrave hạnh phuacutec của Văn0

Lãnh Thanh

Vietcetera đã có một buổi gặp mặt với Lãnh Thanh, diễn viên đóng vai Văn trong Thưa Mẹ Con Đi để hiểu thêm về hành trình Văn đi tìm kiếm sự chấp nhận từ gia đình cũng như là sự thay đổi của cá nhân anh sau khi đóng máy với tư cách là một diễn viên.

Anh nghĩ nhân vật Văn sẽ muốn “come out” với mẹ như thế nào nếu đó không phải là một sự tình cờ?

Bộ phim phác hoạ những khó khăn mà các bạn trong cộng đồng LGBTQ+ thường gặp phải khi muốn chia sẻ suy nghĩ và tâm tư của mình với người thân trong gia đình. Bộ phim hy vọng mọi người có dịp để đối mặt với tâm tư của chính mình, cũng như chia sẻ kỳ vọng và câu chuyện của mình với người thân trong gia đình. Văn là người sâu sắc và rất yêu thương mẹ. Vậy nên không sớm thì muộn anh vẫn sẽ bày tỏ chuyện này với mẹ. Suy cho cùng, mục đích để anh bay về Việt Nam cũng là để trải lòng với mẹ.

Trên thực tế, sẽ khó mà bắt gặp những sự tình cờ như thế này. Mình nghĩ Văn sẽ trò chuyện thẳng thắn cùng mẹ, tặng bà ấy món quà mà Văn và Ian đã chuẩn bị từ trước và nói tường tận những suy nghĩ, cảm xúc, và quyết định nhằm hoàn thành trách nhiệm của một người con trong gia đình cũng như đối với Ian. Sẽ luôn có những thử thách tồn tại, nhưng mình hy vọng người xem hiểu rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết được bởi tình mẫu tử là thứ tình yêu vô điều kiện, và luôn luôn hiện hữu.

Tầm quan trọng của việc Văn come out với nhân vật Ian và với mẹ là như thế nào?

Theo Thanh nghĩ, việc come out của Văn đối với Ian không chỉ thể hiện sự chấp nhận mà còn là để thể hiện tình yêu của anh đối với Ian và sẵn sàng đón nhận cuộc sống mới. Đó cũng là một sự khẳng định với gia đình về tình yêu và sự trưởng thành của bản thân anh. Văn sẵn sàng làm tất cả cho tình yêu và Ian. Anh sẵn sàng chấp nhận những lời dị nghị trong gia đình và định kiến xã hội để được sống thật với tình yêu của mình, và cho mọi người thấy rằng nó cũng bình thường như bao tình yêu khác.

lsquoThưa Mẹ Con Đirsquo Hagravenh trigravenh tigravem kiếm sự chấp nhận cảm thocircng vagrave hạnh phuacutec của Văn1
“Sẽ luôn có những thử thách tồn tại, nhưng mình hy vọng người xem hiểu rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết được bởi tình mẫu tử là thứ tình yêu vô điều kiện, và luôn luôn hiện hữu.”

Còn đối với mẹ, việc Văn come out là để tìm kiếm sự đồng thuận từ gia đình, đặc biệt là ở mẹ anh. Văn hy vọng mẹ chấp nhận con người thật của anh, và tin tưởng rằng với danh tính đó anh vẫn có thể đứng vững trong xã hội này. Văn muốn mẹ hiểu rằng tình cảm anh dành cho Ian là thật, mặc dù việc come out là một sự tình cờ. Nhưng sự tình cờ đó phần nào giúp anh thổ lộ trăn trở của mình một cách dễ dàng hơn. Nó thể hiện trách nhiệm của Văn đối với gia đình và ước vọng có được sự đồng cảm và thấu hiểu từ mẹ.

Theo Thanh, có hay không thứ gọi là tình yêu vô điều kiện giữa mẹ và con khi phải đối diện với khuynh hướng tính dục của con hay nó cũng cần nhiều thời gian để chấp nhận?

Bậc cha mẹ nào cũng sẽ dành cho con những tình thương vô điều kiện. Nhưng trong những tình huống như thế này, thời gian cũng là một yếu tố rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Chúng ta cần thời gian để học cách chấp nhận, yêu thương và lắng nghe cảm xúc của mỗi người.

Trong một bài phỏng vấn, anh Minh (đạo diễn) có nói đến việc mỗi cá nhân trong gia đình, khi được sinh ra, đều sẽ có định hướng riêng. Đôi khi những định hướng đó sẽ đi theo hướng kỳ vọng của gia đình. Đó vẫn không phải là việc dễ dàng để chấp nhận ngay lập tức. Khi ấy, thay vì ép cá nhân đó phải đi theo định hướng của gia đình, chúng ta nên cho họ một cơ hội và thời gian để chứng minh rằng mình có thể sống tốt trong xã hội này.

Thời gian bao lâu không quan trọng, điều quan trọng là tất cả chúng ta đều cần thời gian để chấp nhận sự thật rằng trong gia đình có một thành viên đặc biệt và những thay đổi đi cùng với sự thật đó.

Theo anh, nhân vật Văn làm thế nào để cân bằng trách nhiệm đối với gia đình và trách nhiệm đối với Ian?

Bằng những hành động cụ thể như việc Văn đưa Ian về và không muốn cậu ấy bị lạc lõng trong gia đình nên phải lén ngủ với nhau, đến gần sáng lại về giường ngủ riêng. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ cho thấy Văn tinh tế và chú ý đến cảm xúc của mọi người như thế nào. Anh không muốn mù quáng theo đuổi tình yêu mà quên mất rằng mình có mục đích phải nói cho gia đình biết và mong nhận được sự thấu hiểu.

Tiếp đó là những lần cố né tránh ánh mắt hoài nghi của mẹ, thể hiện tình thương của mình với mẹ nhiều hơn để chứng minh cho bà thấy rằng anh có thể tự chủ cuộc sống của mình. Văn tự tin thể hiện tình thương của mình với mẹ và gia đình. Nhưng đồng thời, anh không quên rằng người yêu của anh cũng đang đợi anh đối diện với tình cảm và hoàn cảnh của họ.

Văn muốn mọi người trong nhà quen dần với “sự khác biệt” nhưng vẫn trong mức độ cho phép. Anh không muốn phức tạp hoá câu chuyện mà chỉ muốn mọi thứ diễn ra trong bình lặng và êm đềm. Đó là một tình yêu bình lặng trong đời sống, không cần phải gồng lên gào thét để được mọi người lắng nghe và chấp nhận.

lsquoThưa Mẹ Con Đirsquo Hagravenh trigravenh tigravem kiếm sự chấp nhận cảm thocircng vagrave hạnh phuacutec của Văn2
“Thời gian bao lâu không quan trọng, điều quan trọng là tất cả chúng ta đều cần thời gian để chấp nhận sự thật rằng trong gia đình có một thành viên đặc biệt và những thay đổi đi cùng với sự thật đó.”

Phải chăng việc xây dựng hình tượng nhân vật bà nội lú lẫn là để tình yêu của hai người họ dễ dàng được chấp nhận hơn?

Có rất nhiều cách để hiểu về sự hiện diện của nhân vật bà nội lú lẫn trong phim. Cả nhân vật bà và mẹ trong phim đều là góa phụ, và họ dành hết tình yêu thương cho gia đình. Bà nội không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận và yêu thương những thành viên trong gia đình bà. Đó là một thứ tình yêu vô điều kiện. Bà ấy quan tâm liệu rằng cháu mình có đang sống hạnh phúc không, có được những người mà Văn thương yêu trân quý không.

Người xem có thể sẽ nghĩ bà nội lú lẫn, nhưng không, bà tỉnh táo và ý thức được những gì diễn ra xung quanh. Bà nghĩ nếu bây giờ mà cả nhà không chấp nhận sự thật, thì đợi đến lúc nào nữa. Vì vậy, cá nhân Thanh nghĩ việc bà chấp nhận một cách dễ dàng không phải vì bà lú lẫn mà vì tình yêu vô điều kiện mà bà dành cho cháu mình.

Vậy Thanh sẽ phản hồi thế nào nếu những người xem phim vẫn cho rằng bà chấp nhận một cách dễ dàng vì bà lú lẫn?

Trong phim, có đoạn bà nội nói với Ian thế này: “Không có người này thì có người khác.” Nghe tưởng chừng vu vơ nhưng nó thể hiện sự chấp nhận và lạc quan của bà. Tại sao bà không bảo rằng nếu người con trai này không được thì cứ tìm một người con gái khác, mà lại nói nếu người con trai này không được thì cứ tìm một người con trai khác?

Một lần nữa, điều này cho thấy thái độ cởi mở của bà trong việc tiếp nhận xu hướng tính dục của Văn. Và nếu lỡ Văn không tìm được hạnh phúc trong mối quan hệ này, thì cứ bước tiếp; chứ không quan trọng người tiếp theo là nam hay nữ. Bà đã chán ngán việc sống gần hết đời người trong định kiến và sự phân biệt, vậy nên đôi khi bà giả vờ như bị lú lẫn để né tránh áp lực xã hội mà sống yên ổn.

Vì vậy, nếu có ai lấy sự lú lẫn của bà làm lý do thì Thanh sẽ phản hồi rằng đó là sự can đảm. Can đảm chấp nhận sự thật là trong gia đình có một thành viên có xu hướng tính dục “khác biệt” và nó không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Nhưng chẳng sao cả, bà vẫn yêu thay vì ghét bỏ cháu trai mình.

lsquoThưa Mẹ Con Đirsquo Hagravenh trigravenh tigravem kiếm sự chấp nhận cảm thocircng vagrave hạnh phuacutec của Văn3
“Nếu có ai lấy sự lú lẫn của bà làm lý do thì Thanh sẽ phản hồi rằng đó là sự can đảm.”

Nhận thức và quan điểm của bạn đối với cộng đồng LGBTQ+ đã thay đổi thế nào sau khi đóng bộ phim này?

Trước khi tham gia bộ phim, sự quan tâm của Thanh đối với cộng đồng LGBTQ+ chỉ dừng ở việc hiểu và chấp nhận họ. Thanh chỉ có thể dành những lời động viên để họ có cái nhìn lạc quan hơn. Nhưng sau khi thực hiện bộ phim, Thanh hiểu rõ hơn về những trăn trở, cảm nhận, và suy tư mà họ phải trải qua. Thanh hy vọng chúng ta sẽ cởi mở và dành cho cộng đồng LGBTQ+ cái nhìn thiện cảm hơn.

Đâu là những cách để xây dựng không gian an toàn (safe space) cho các bạn thuộc cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam?

Có rất nhiều cách và mỗi môi trường đều sẽ mang đến một không gian an toàn riêng cho cộng đồng LGBTQ+. Theo Thanh, cách tốt nhất vẫn là sống thật với bản thân mình. Đối xử tử tế với người khác và làm sao để hành động của mình góp phần mang đến sự tử tế cho cộng đồng. Chỉ cần chúng ta sống thành thật và tích cực, mọi người sẽ có cách nhìn khác và ủng hộ bạn.

Vậy, làm thế nào để chúng ta trở thành “ally” (điểm tựa) cho các bạn trong cộng đồng LGBTQ+?

Thanh nghĩ mình cứ mở lòng lắng nghe suy nghĩ và cảm xúc của các bạn. Hãy [cố gắng] hiểu câu chuyện của họ và thể hiện tình yêu không chỉ là với cộng đồng này mà bất kỳ ai xung quanh chúng ta. Thanh tin rằng khi chúng ta chia sẻ tình yêu và sự đồng cảm với người khác là khi bạn nhận lại nhiều hơn cả những gì bạn cho đi.

Không chỉ riêng các bạn trong công đồng, hằng ngày, mình cũng phải làm những việc tốt, và dành những lời yêu thương cho mọi người. Thanh nghĩ những ai quan tâm đến cộng đồng này đều nên đi xem phim một lần để có cái nhìn đa chiều hơn, đặc biệt là góc nhìn của đạo diễn trong bộ phim này.

Cuối cùng, Thanh nghĩ hai nhân vật trong phim sẽ tôn vinh LGBTQ+ Pride Month như thế nào?

Dựa vào quá trình đóng vai và độ hiểu nhân vật, mình nghĩ Văn sẽ không nhất thiết phải xuống đường diễu hành và la lớn rằng: “Tôi là gay.” Nếu nhân vật Văn là có thật, anh sẽ chọn cho mình một không gian tĩnh lặng để ngồi lại với người anh yêu, nhâm nhi tách trà hoặc ly rượu, và lắc lư theo điệu nhạc.

Không nhất thiết phải qúa cầu kỳ, điều quan trọng nhất là tình yêu giữa hai người họ, và những khoảnh khắc tinh tế. Mình nghĩ đó sẽ là những điều mà một người có tính cách như Văn sẽ xem trọng. Tuy nhiên, mình nghĩ xuống đường diễu hành tôn vinh Pride cũng rất thú vị. Nếu có thể vẽ ra một ngoại truyện, đó sẽ là cách Văn và Ian hoà vào dòng mình trên đường và tự hào hét lên rằng: “Chúng tôi yêu nhau!”

Bài viết được thực hiện bởi Annie Trieu.

Xem thêm:

[Bài viết] Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bước tiến dài đến điện ảnh

[Bài viết] Come out rồi sao? 5 Bài học từ những người đồng tính đã bước ra ánh sáng