“Những hình phạt về mặt thể xác khiến việc phát biểu trong lớp học tại Việt Nam không được khuyến khích. Học sinh bị bắt phải ngồi yên tại chỗ và chỉ phát biểu khi được cho phép. Điều này […] khiến các em khó mà phát biểu tự do trong lớp. Vì vậy, đừng nhầm lẫn giữa nhút nhát và thờ ơ trong việc học”.
Đây là trích đoạn trong ấn bản “American Education” của Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ, xuất bản vào năm 1976, hướng dẫn giáo viên người Mỹ cách giảng dạy trẻ em người gốc Việt.
Theo tôi, trích đoạn trên có một số vấn đề như sau:
Việc phát biểu trong lớp học tại Việt Nam luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, điều hạn chế không phải là đòn roi mà bởi một số yếu tố văn hóa như: tính cộng đồng (khiến các cá nhân không muốn nêu quan điểm riêng trước nhóm đông), tôn sư trọng đạo (nên học sinh sẽ giơ tay trước khi phát biểu và chỉ phát biểu sau khi giáo viên đã trình bày xong).
Việc ngồi yên trong lớp hoặc không phát biểu tự do không có nghĩa là học sinh Việt Nam nhút nhát. Tác giả của đoạn trích trên đã áp đặt cách suy nghĩ của văn hóa Mỹ (ưu tiên việc tự do biểu đạt và thể hiện) lên học sinh Việt Nam (ưu tiên sự tôn trọng với giáo viên và cộng đồng), ít nhất là tại thời điểm đó.
Ví dụ trên là minh chứng cho tầm quan trọng của việc hiểu biết về khác biệt văn hóa trong cuộc sống. Vậy những hiểu biết đó mang lại những lợi ích nào cho chúng ta?
Hỗ trợ quá trình giao tiếp
Nếu bạn đang sinh sống tại nước ngoài, việc tìm hiểu văn hóa nước sở tại là điều đương nhiên. Tuy nhiên, người Việt Nam sống tại Việt Nam cũng cần hiểu biết về khác biệt văn hóa.
Việt Nam đang hội nhập rất nhanh với thế giới, sẽ càng có nhiều người từ nhiều quốc gia khác đến du lịch hoặc sinh sống. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của công nghệ, hàng ngày chúng ta đang giao tiếp với người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên mạng xã hội. Do vậy, việc hiểu biết về văn hóa của nước họ sẽ giúp đỡ rất nhiều trong quá trình giao tiếp.
Kiến thức về khác biệt văn hóa cũng giúp ta tiếp thu trọn vẹn những nguồn thông tin (sách, báo đài,…) bằng các ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp mà còn mang hơi thở văn hóa của khu vực sử dụng ngôn ngữ đó. Chẳng hạn, có những từ trong tiếng Việt (như “thương”) không thể dịch sang một từ tiếng Anh với nghĩa tương tự và trọn vẹn. Thông điệp trong một ngôn ngữ đôi khi không được truyền tải trọn vẹn cho người tiếp nhận nếu họ không hiểu rõ yếu tố văn hóa gắn liền với ngôn ngữ đó.
Giải quyết các xung đột văn hóa
Việc hoà giải xung đột văn hóa rất cần kiến thức về khác biệt văn hóa. Ngày nay, xung đột văn hóa diễn ra thường xuyên hơn, một phần vì việc du lịch giữa các quốc gia đã dễ dàng hơn trước. Giao tiếp online thuận lợi hơn cũng khiến xung đột văn hóa là điều khó tránh khỏi.
Gần đây nhất là việc một nhóm du khách Hàn Quốc đã có thái độ không tốt khi bị cách ly do dịch COVID-19 tại Việt Nam. Họ không hiểu rõ về Việt Nam, cũng như không hiểu rõ về món bánh mì truyền thống của người Việt. Rào cản ngôn ngữ cũng có thể là một lý do. Nếu họ tìm hiểu và nhận thức được những khác biệt trong văn hoá hai nước, có lẽ chuyện đã không như vậy.
Nhưng người Việt chúng ta cũng cần phản ứng bình tĩnh hơn. Yêu cầu họ xin lỗi thông qua hashtag #ApologizeToVietnam trên Twitter là điều nên làm. Tuy nhiên, chúng ta không nên xúc phạm ngược lại họ, hay “động chạm” với những vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa của đất nước họ. Làm vậy chỉ khiến hai bên thêm căng thẳng hơn. Hai “sai” cộng lại chưa hẳn đã thành một “đúng”.
Học hỏi từ các nền văn hóa khác
Văn hóa không chỉ bao gồm những nhân tố (tạm gọi là bề nổi) như âm nhạc hay ẩm thực, mà còn bao gồm cả những niềm tin và giá trị mà những người sống trong nền văn hóa đó nắm giữ – theo định nghĩa của UNESCO.
Theo minh họa của Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede và Michael Minkov, các hình thái của văn hóa gồm 4 lớp: biểu tượng (symbols), hình mẫu (heroes), phong tục (rituals) và giá trị (values). Trong đó, họ cho rằng giá trị là điều khó thay đổi nhất. Các giá trị và niềm tin của một nền văn hóa như một thực tế (facts) vậy: ổn định qua thời gian. Nếu có thay đổi cũng sẽ phải mất hàng thế kỷ.
Tuy nhiên, quan niệm xem các giá trị và niềm tin văn hóa là một thực thể “tĩnh” đang dần thay đổi. Nguyễn Phương Mai, phó giáo sư tại đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, đã sử dụng những kiến thức về khoa học thần kinh để phản biện rằng: văn hóa là một thực thể “động” (dynamic), nên các giá trị và niềm tin của nó sẽ luôn thay đổi. Gần đây, chính Gert Jan Hofstede cũng đã đồng tình rằng các giá trị văn hóa đúng là có thể thay đổi, mặc dù chậm.
Con người là sản phẩm của văn hóa, nhưng văn hóa cũng đồng thời là sản phẩm của con người.
Điều này nói lên: chúng ta có thể học hỏi từ những nền văn hóa khác để cải thiện điểm yếu và củng cố điểm mạnh trong văn hóa của mình. Ví dụ, các giá trị “thuần phong mỹ tục” đôi khi sẽ không còn phù hợp ở thời hiện tại. Trước đây, phụ nữ phải tuân thủ “tam tòng, tứ đức“, nhưng trong thời đại hiện nay quan niệm này đã không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên, việc học hỏi từ các nền văn hóa khác cũng cần có sự cân nhắc. Một ví dụ điển hình là tháp nhu cầu Maslow của con người, vốn là khái niệm khá phổ biến tại Việt Nam. Lý thuyết này được đề xuất bởi nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow vào năm 1943. Tháp nhu cầu Maslow có 5 tầng, trong đó “self-actualization” nằm ở tầng cao nhất.
Trong tiếng Việt không có từ mang nghĩa hoàn toàn tương đồng với từ self-actualization. Nếu dịch sát, self-actualization có nghĩa là sự “tự hiện thực hóa”: có thể sử dụng và phát triển hết các tiềm năng của bản thân (self).
Đến thời điểm hiện tại, trong những xã hội có tính cộng đồng cao như Việt Nam, nhu cầu của bản thân có khả năng bị lấn át bởi nhu cầu có được sự hòa thuận của tất cả mọi người. Do vậy, việc áp dụng lý thuyết này (hay bất kỳ nguồn nghiên cứu và thống kê nào khác) vào môi trường Việt Nam rất cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là về mặt văn hóa.
Bài viết này được thực hiện bởi Sơn Đặng.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.
Xem thêm:
[Bài viết] Người Việt ở Đức: Tôi bị kỳ thị vì corona
[Bài viết] Subtle Viet Traits: Nơi gắn kết cộng đồng người trẻ Việt trên khắp thế giới