1,5 Triệu USD bồi thường cáo buộc sai về gian lận thi cử | Vietcetera
Billboard banner

1,5 Triệu USD bồi thường cáo buộc sai về gian lận thi cử

Nhưng cái giá đó có đủ trả cho những mất mát về nhân phẩm và uy tín của người bị cáo buộc?
1,5 Triệu USD bồi thường cáo buộc sai về gian lận thi cử

Nguồn: Insider

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 6/12, Insider đưa tin về trường hợp hai chị em song sinh Kayla và Kellie Bingham, sinh viên Đại học Y khoa Southern Carolina, Mỹ được bồi thường thiệt hại 1,5 triệu USD sau khi hai người được minh oan là không gian lận trong kì thi.

Phiên tòa diễn ra 6 năm sau khi họ bị nhà trường buộc tội gian lận, bị tẩy chay ở trường đại học và cuối cùng phải từ bỏ ước mơ thành bác sĩ.

"Đó là khoảnh khắc trọng đại nhất trong cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi đã sống với điều này trong sáu năm và cuối cùng chúng tôi đã lấy lại danh dự của mình" - Kayla nói sau khi kết thúc phiên toà.

2. Cáo buộc sai ảnh hưởng đến nhân phẩm và cuộc sống của nạn nhân như thế nào?

Trong trường hợp của 2 chị em Kayla, những lời đồn đoán về việc gian lận trong kỳ thi đã lan khắp trường. Họ trở thành mục tiêu thảo luận trên các phương tiện truyền thông, blog cộng đồng, v.v.

Ngoài ra, chị em nhà Bingham còn bị bạn bè xa lánh. Một người bạn quen biết 10 năm bỏ chơi với họ. Từ những người hòa đồng nhất ở trường, cặp chị em phải thu mình.

alt
Nguồn: Insider

Chưa dừng lại ở đó, 2 người phải rời Đại học Y khoa Southern Carolina theo đề nghị của trưởng khoa vì "vụ việc đã tạo sự bất bình trong các sinh viên." Kellie cho biết thời điểm đó cô đã rất đau khổ khi phải từ bỏ ước mơ.

3. Hình phạt quay cóp ở các quốc gia khác ra sao?

Tại Bangladesh, bất kỳ hành vì lừa dối nào trong trường học đều bị coi là “tội ác." Nếu bị phát hiện sử dụng phao trong thi cử, học sinh, sinh viên phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi học vĩnh viễn. Trường hợp xấu nhất là những học sinh trên 15 tuổi có thể bị bỏ tù vì hành vi gian lận của mình. Tuỳ vào mức độ mà hình phạt sẽ là vài tháng đến vài năm.

Còn ở Trung Quốc, từ năm 2015, pháp luật có thể can thiệp vào các hành vi gian lận, quay cóp và thi hộ của học sinh. Những trường hợp ở mức độ nặng, đương sự có thể phải chịu mức án phạt lên đến 7 năm tù.

Bên cạnh đó, ở một số quốc gia với các dịch vụ gian lận thi cử phát triển và tinh vi như Đức, Pháp, Ý, Australia, mức phạt tiền và kỷ luật của trường học dành cho hành vi này cũng rất cao. Thậm chí, những người bị buộc tội không được làm việc tại các cơ quan quản lý của nhà nước và tiểu bang như bệnh viện, quân đội, cảnh sát, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, văn phòng luật.

Tất nhiên, tương đương với những án phạt thích đáng, các cơ sở cáo buộc hành vi gian lận cũng phải nắm trong tay đầy đủ bằng chứng để chứng minh và buộc tội cho người dự thi.

Tại Việt Nam, các hành vi gian lận trong thi cử và trường học hiện nay mới chỉ chịu các hình thức kỷ luật như đình chỉ thi, hạ hạnh kiểm và phê bình từ phía nhà trường, đơn vị tổ chức kỳ thi.

alt
Nguồn: iStock

Dĩ nhiên, bên cạnh hình phạt về pháp luật và hành chính, hành vi gian lận trong thi cử và học đường vẫn luôn bị lên án, phê phán và trở thành một vết đen trong quá trình học tập của người đó.

4. Vì sao hành vi gian lận lại bị xử phạt nặng như vậy?

Trong trường hợp của hai chị em song sinh Kayla và Kellie, khi bị cáo buộc gian lận, mặc dù không phải chịu những hình phạt hành chính và hình sự, nhưng uy tín cũng như nhân phẩm của hai người cũng đã bị chịu những tổn hại nặng nề.

Ở Mỹ, một đất nước coi trọng học thức với hệ thống trường học và giáo dục rất phát triển, hành vi gian lận thường khiến sinh viên phải thay đổi rất nhiều kế hoạch về họp tập trước sức ép của bạn bè và nhà trường.

Đối với các quốc gia sự cạnh tranh về trình độ học vấn cũng như tỷ lệ chọi cao ở trường đại học như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, các nhà chức trách giáo dục tin rằng việc áp dụng hình phạt nặng khi gian lận có thể bảo vệ tính công bằng cho các kỳ thi lớn và quan trọng.

Cuối cùng, việc xử phạt nặng và lên án các hành vi gian lận trong thi cử sẽ giúp cho học sinh, sinh viên học được tính trung thực, biết sợ hãi, tuân theo pháp luật và hạn chế việc trở thành những kẻ tội phạm tiềm năng trong tương lai.

5. Cần phải làm những gì khi bị cáo buộc sai trong thi cử?

Trong khi tại Việt Nam, liêm chính trong giáo dục là vấn đề còn tồn đọng nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, thì ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, gian lận thi cử là một cáo buộc rất nghiêm trọng. Bị chứng minh là “có tội” trước cáo buộc quay cóp, trong nhiều trường hợp, học sinh phải đứng trước các hình phạt như:

  • Bị khiển trách bằng lời nói;
  • Bị khiển trách bằng văn bản;
  • Bị chấm điểm trượt cho bài thi bạn gian lận, dẫn đến không thể qua môn;
  • Mất học bổng;
  • Đình chỉ học;
  • Trục xuất về nước.
alt
Nguồn: The Journal

Với tính chất nghiêm trọng như vậy, học sinh/sinh viên sẽ tìm mọi cách để chứng minh cáo buộc là sai, dẫn đến sự xuất hiện của các thị trường hỗ trợ người đi học. Những hỗ trợ có thể về cả tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật.

Sau đây là 3 lời khuyên đến từ hãng luật DC Student Defense (Washington DC) dành cho học sinh khi mới bị cáo buộc:

Đầu tiên, người bị cáo buộc cần phải đọc cáo trạng của mình thật kỹ càng, thậm chí đọc nhiều lần để hiểu những rắc rối mình có thể gặp phải. Sau đó, họ cần nói chuyện với bố mẹ hoặc người giám hộ để nhận được sự giúp đỡ, và có thể hỗ trợ về tài chính nếu cần nhờ sự tham gia của luật sư.

Thứ hai, người bị cáo buộc không được tiết lộ thông tin rằng có cáo trạng chống lại mình với bạn bè, dù người đó thân cận với mình đến đâu. Việc có nhiều người cùng biết có thể dẫn đến những rắc rối về pháp lý, và nghiêm trọng hơn nữa, gây tổn hại đến danh dự bản thân.

Cuối cùng, không được cố gắng tự biện minh đối với người buộc tội bạn, bao gồm giảng viên và các bạn đồng trang lứa khác ở giảng đường trước khi bạn nói chuyện với luật sư.

Ở các nước có hệ thống pháp lý lỏng lẻo hơn, những lời khuyên trên dường như không có nhiều tác dụng. Song giá trị của chúng nằm ở việc khuyên chúng ta bình tĩnh đối diện với vấn đề, cũng như tính toán các phương án giải quyết logic nhất, bảo toàn nhân phẩm của các bên một cách tối đa.