Hà là một người ưa ghi chép và vẽ vời (dù chẳng có chuyên môn gì), cảm giác lấp kín những trang giấy bằng trí tưởng tượng hay những khoảnh khắc xung quanh khiến Hà thấy hạnh phúc và đủ đầy hơn.
Tất nhiên, sở thích này sẽ kéo theo ti tỉ những sở thích khác liên quan - bản thân Hà mê luôn cả những cây bút và những cuốn sổ, đặc biệt là sổ. Hà có bộ sưu tập những cuốn sổ đủ loại, đủ kích thước từ to đến nhỏ.
Rồi đến một ngày, việc tìm kiếm những cuốn sổ không còn làm Hà thỏa mãn được “cơn nghiện” sổ nữa. Nếu muốn có một cuốn sổ theo ý của riêng mình - cuốn sổ sẽ có đủ những gì mà bạn muốn từ giấy đến bìa sổ.
Trong một lần dạo chơi ở cửa hàng họa cụ ở Hà Nội, tôi nhìn thấy một góc để những cuốn sổ nhỏ có kích thước không bằng nhau. Chẳng cuốn nào giống cuốn nào từ bìa đến giấy vẽ bên trong, giống như những căn nhà lộn xộn đầy sắc màu. Đó là cách mà tôi tìm thấy Hà và 2bantay - tiệm sổ vẽ được làm thủ công.
1. Kết nối những mảnh giấy “lạc”
Hà khởi sự 2bantay từ những mẩu giấy vẽ còn thừa nhưng lại không muốn vứt đi. Khi mới bắt đầu khâu sổ, Hà chọn phương pháp coptic binding vì dễ làm, lại độc đáo, xinh xắn, và đây cũng là phương pháp tôi học từ cô để làm cuốn sổ cho riêng mình.
Coptic binding là một kiểu khâu sổ dùng chỉ khâu liên kết các tập giấy lại với bìa mà không cần dùng keo cố định gáy. Kiểu khâu này khiến gáy sổ được lộ ra ngoài cùng những đường chỉ duyên dáng, độ mở của sổ cũng mở tối đa được 180 độ hoặc hơn, hỗ trợ vùng viết một cách tối đa.
Hà nói, ưu điểm này được tận dụng để những cuốn sổ vẽ màu nước có định lượng dày từ 250-300gsm có thể mở dễ dàng hơn.
Khâu sổ là một quá trình cần sự tập trung và tỉ mẩn, nhưng khi thực sự tập trung vào những đường chỉ, tờ giấy, bạn sẽ không thấy sự tập trung ấy là áp lực, mà là một cuộc dạo chơi hăng say từ đầu đến cuối.
Gom hết những tờ giấy vẽ còn thừa trong nhà thành một tập, tôi tự hỏi mình có thể gia nhập cuộc dạo chơi này chứ?
2. Khâu sổ bằng những vật dụng xung quanh
Vì coptic binding là một kiểu khâu cơ bản và khá đơn giản, vậy nên vật liệu cũng rất dễ tìm. Hãy nhìn xung quanh nhà bạn xem có những thứ nào dưới đây (hoặc không, nhưng có những thứ tương tự) trước khi lên mạng mua đồ nhé:
- Bìa cứng
- Giấy
- Keo sữa
- Kim chỉ
- Vải hoặc bọc bìa
- Dùi đục lỗ (có thể thay bằng compa hoặc vật có đầu nhọn)
- Kéo cắt, thước sắt, bàn cắt cao su (cutting mat)
Tôi chọn giấy vẽ màu nước cho quyển sổ của mình - những tờ giấy được xé từ pad hoặc giấy lẻ mua về chưa vẽ hết vẫn còn nằm trong ngăn kéo từ bao giờ. Có thể chia quá trình làm sổ thành hai phần: Chuẩn bị và khâu.
Bước chuẩn bị gồm miết giấy và bọc bìa, đục lỗ và giấy bìa sổ.
- Miết giấy: Xếp từ 1-3 tờ giấy với nhau tùy độ dày, sau đó gập đôi lại và miết phẳng thành nếp. Mỗi một lần miết này, bạn sẽ được một tập giấy. Để các tập giấy được bằng nhau khi gấp vào, bạn có thể đặt thước để cắt giấy theo đường thẳng hoặc xé tay tùy thích.
- Bọc bìa: Sau khi cắt bìa với kích thước tương đương một tập giấy (có thể to hơn 0,5mm các chiều), bạn tiến hành quét keo sữa và bọc vải vào bìa. Dán chặt và miết phẳng một mặt bìa vào vải, mặt sau bạn cắt bốn góc vải và bọc nốt bốn mép bìa, cuối cùng gia công thêm một tờ giấy để che các vết keo và vải, cũng là để tấm bìa được chỉ chu hoàn thiện.
- Đánh dấu và đục lỗ: Xếp các tập giấy cho đều nhau và dùng thước đo vị trí các lỗ đục, khoảng cách lý tưởng thường là 1-2cm, đánh dấu bằng bút chì và dùng dùi đục đúng các vị trí đã có. Sau đó, bạn áp một tập giấy lên bìa để lấy các lỗ đánh dấu tương đương.
Và giờ, tất cả những gì ta cần là kết nối chúng lại với nhau.
Coptic binding chỉ khó ở những bước đầu - khi đôi tay chưa quen với những đường đi của chỉ. Song chỉ cần sang đến tập giấy thứ 2, thứ 3, bạn sẽ quen ngay thôi.
Đầu tiên, bạn đưa mũi kim vào lỗ đục của tập giấy thứ nhất, sau đó vòng vào lỗ tương ứng trên bìa, thắt tạo nút để liên kết bìa với tập giấy. Làm tương tự với các lỗ còn lại cho đến khi liên kết được hoàn chỉnh và tiếp tục sang tập giấy thứ 2.
Đường chỉ về cơ bản vẫn không thay đổi ở bước này, chỉ khác là bạn không cần tạo nút thắt nữa mà cứ “băng băng xuyên qua”. Một lần đi và một lần vòng lại, thật dễ nhớ đúng không?
Đến đây, chúng ta đã đi được 2/3 cuộc dạo chơi và bạn sẽ không cần ghi nhớ thêm gì nữa, bởi các bước khâu tiếp theo cũng chỉ tương tự như vậy chứ không có gì thay đổi.
3. Thử phối màu một chút xem sao
Đừng nghĩ rằng một cuốn sổ chỉ quan trọng ở phần bìa và ruột, màu chỉ và loại chỉ cũng là một vấn đề đáng bàn đấy, nhất là với kiểu khâu hở gáy này. Nếu vải bìa có tông chủ đạo màu xanh dương, tôi hẳn nên chọn màu xanh cho tông-xoẹt-tông hoặc màu tím cho giống một ráng chiều dần buông?
Hoặc chúng ta có thể tưởng tượng về màu tóc và bộ quần áo mình ưa thích - bởi những nút liên kết giữa các tập giấy được thắt có hình dạng như đuôi sam vậy.
Chỉ khâu có nhiều loại, nhưng hãy luôn chọn loại chỉ đã wax sáp hoặc bạn có thể tự mua sáp ong về để wax. Chỉ đã wax cứng hơn và chống nước, sẽ giúp tăng tuổi thọ “cột sống” cuốn sổ của bạn. Hà chia sẻ, hiện cô có gần mười màu chỉ khác nhau để “tùy cơ ứng biến” với những chiếc bìa vải của mình.
4. Thu hoạch một cuốn sổ sau cuộc dạo chơi với đôi tay, kim chỉ và giấy
Cuốn sổ đầu tiên nằm trong tay của Hà giờ đã hoàn toàn chỉn chu (dù vẫn hơi xộc xệch nhưng với tiêu chuẩn của bạn cho lần đầu thì như vậy đã rất cố gắng rồi).
Cuối cùng, Hà cho rằng muốn có được quyển sổ hội tụ đủ những gì mình cần: Bìa sổ theo ý thích và giấy vẽ theo ý thích, đồng thời cũng “thanh lý” được những tờ giấy còn thừa trong nhà. Quả là một cuộc dạo chơi hiệu quả, đúng không?
Khi cả thành phố vẫn chưa hoàn toàn sống dậy sau trận cúm và cả bầu trời đang ngập những cơn mưa vì bão, bạn có nghĩ đến chuyện lọ mọ làm gì đó trong căn nhà khô ráo ấm áp của mình? Hãy thử làm một cuốn sổ và lấp đầy chúng bằng những cảm xúc và khoảnh khắc nhé.