3 Lầm tưởng phổ biến về người độc thân | Vietcetera
Billboard banner

3 Lầm tưởng phổ biến về người độc thân

Người độc thân có cô đơn, bất hạnh và vô trách nhiệm như nhiều người vẫn tin?
3 Lầm tưởng phổ biến về người độc thân

Nguồn: Pexels

Chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều người độc thân hơn bất kỳ khoảng thời gian nào của quá khứ. Theo nghiên cứu của tổ chức quốc tế Euromonitor, số lượng hộ gia đình độc thân trên toàn thế giới sẽ sẽ tăng mức kỷ lục 128% vào năm 2030. Tại Việt Nam, số liệu từ Tổng cục thống kê cũng cho thấy tỷ lệ người độc thân có xu hướng tăng nhanh, từ 6.23% năm 2004 lên đến 10.1% năm 2019.

Sự nở rộ của phong trào sống độc thân cũng kéo theo hàng loạt định kiến và khuôn mẫu tiêu cực với nhóm xã hội này. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Khoa học Tâm lý (APS) năm 2006 chỉ ra rằng người độc thân thường bị mô tả với các tính từ như chưa trưởng thành, ích kỷ, bất hạnh, cô đơn và xấu xí.

Những người lựa chọn cuộc sống độc thân thường bị coi là vô trách nhiệm, luôn phải sống trong cô đơn, hay thậm chí có một cuộc đời bất hạnh và vô nghĩa. Tuy vậy, những kết luận cực đoan kể trên không hề phản ánh đúng thực tế. Rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra những định kiến dành cho người độc thân là hoàn toàn phiến diện và không có cơ sở.

“Người độc thân luôn sống phải trong cô đơn”

Những người sống một mình thường bị mô tả như những cá nhân tách biệt và thiếu liên kết xã hội. Khi nhắc đến cụm từ “độc thân”, nhiều người lập tức hình dung ra lối sống tự cô lập bản thân, thui thủi một mình quanh năm suốt tháng. Những khuôn mẫu này dẫn tới niềm tin rằng cuộc sống độc thân sẽ luôn luôn gắn liền với trạng thái cô đơn.

Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra điều ngược lại. Những người sống một mình thường tạo dựng và duy trì các mối quan hệ cá nhân một cách rất hiệu quả. Các cuộc điều tra quốc gia kéo dài hàng thập kỷ đã kết luận rằng người độc thân có xu hướng giúp đỡ, thăm hỏi và giữ liên lạc với các thành viên trong gia đình nhiều hơn so với người đã kết hôn.

25nov2022pexelsquangnguyenvinh4078029jpg
Người độc thân kết nối với gia đình nhiều hơn so với người đã kết hôn. | Nguồn: Pexels

Đồng thời, họ thường xuyên kết nối, giúp đỡ bạn bè và hàng xóm. Họ có nhu cầu tham gia các hội nhóm, hoạt động cộng đồng, đăng ký các lớp học nghệ thuật và âm nhạc nhiều hơn so với những người sống chung với người khác.

Dù rằng việc sống một mình làm gia tăng nguy cơ đối mặt với nỗi cô đơn, nhiều cá nhân thực sự tận hưởng những khoảng thời gian ở một mình. Họ không cảm thấy khó chịu hay lo lắng, mà cảm thấy việc ở một mình rất thoải mái và bình yên.

Cùng với đó, việc lựa chọn sống độc thân mở ra cơ hội để các cá nhân tìm kiếm và xây dựng kết nối bền chặt hơn với gia đình, bạn bè và các nhóm xã hội.

“Người độc thân bất hạnh hơn so với người đã kết hôn”

Trên thực tế, chúng ta vẫn thường hay bắt gặp những nhận định như “người đã kết hôn thường vui vẻ và sống thọ hơn những người độc thân”. Những kết luận này được củng cố bởi nhiều nghiên cứu khoa học. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến niềm tin rằng người độc thân thường bất hạnh và ít thỏa mãn với cuộc đời hơn người đã kết hôn.

Tuy nhiên, nhà khoa học xã hội Bella DePaulo - người đã dành hàng chục năm để nghiên cứu về người độc thân, cho rằng kết luận này không thực sự phản ánh đúng thực tế. Theo Bella, các nghiên cứu này vấp phải các vấn đề chung về mặt thống kê.

Cụ thể, các nghiên cứu đã chỉ tập trung vào ảnh hưởng của hôn nhân với người đã kết hôn, mà bỏ qua các nhóm ly hôn. Đối với nhóm độc thân, những người chủ động sống một mình cũng được gộp chung với người bị ép rơi vào hoàn cảnh này. Điều này dẫn tới kết quả cuối cùng không thực sự phản ánh đúng mức độ hạnh phúc của hai nhóm.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman, người giành giải Nobel kinh tế 2002, cũng nhận định rằng các câu hỏi khảo sát như “Mức độ thỏa mãn với cuộc sống?” hay “Bạn cảm thấy hạnh phúc ra sao?” trong các nghiên cứu về hôn nhân cũng không dễ trả lời và đo lường. Có rất nhiều yếu tố tâm lý tác động đến người được hỏi, và câu trả lời không nhất thiết phản ánh đúng mức độ hạnh phúc của họ.

Một phân tích tổng hợp dựa trên 18 nghiên cứu trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội (JPSP) cũng cho thấy rằng khi bỏ qua các tác động ngắn hạn và xem xét một cách tổng thể, không hề có sự khác biệt về trạng thái trải nghiệm hạnh phúc hay sự hài lòng giữa những người đã kết hôn và người độc thân.

Như vậy, lựa chọn sống độc thân không hề dẫn đến nửa sau cuộc đời bất hạnh và thiếu trọn vẹn như nhiều người vẫn lầm tưởng. Điều quan trọng là từng cá nhân phải cân nhắc kỹ lưỡng và lên kế hoạch trước khi quyết định theo đuổi lối sống này. Đặc biệt khi đây không phải lựa chọn được ủng hộ bởi các quan niệm truyền thống.

“Người độc thân ích kỷ và vô trách nhiệm”

Trong những xã hội trọng hôn nhân, kết hôn và sinh con đã trở thành mục tiêu và ý nghĩa của cả cuộc đời. Kỳ vọng ấy tạo ra áp lực xã hội lên những người lựa chọn độc thân. Họ trở thành mục tiêu của những câu đùa cợt, trêu chọc, hoặc thậm chí là hạ thấp, xúc phạm.

Sự thật là những quan niệm đề cao hôn nhân không phù hợp với tất cả mọi người trong xã hội. Có những người tìm thấy ý nghĩa và cảm thấy phù hợp với cuộc sống độc thân. Việc sống một mình cho phép họ dành thời gian và không gian cho quá trình phát triển bản thân.

25nov2022pexelsminan1196338jpg
Những người sống một mình có thể dư dả hơn về mặt thời gian để làm những hoạt động phát triển bản thân. | Nguồn: Pexels

Khi không phải chịu gánh nặng hôn nhân, họ có khả năng theo đuổi các mục tiêu và ước mơ riêng. Đối với nhiều nhóm khác, độc thân có thể chỉ là một giai đoạn tạm thời, nhằm chuẩn bị cho cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc trong tương lai.

Trên thực tế, phong trào sống độc thân đã thay đổi nhiều quan niệm truyền thống về gia đình. Họ không nhất thiết phải kết hôn và sinh con để có được một gia đình. Người độc thân có thể coi bố mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp là gia đình mà họ muốn thuộc về. Vì vậy, họ dành thời gian để xây dựng và duy trì kết nối với những người quan trọng ấy.

Hành động áp đặt các khuôn mẫu và định kiến lên các lối sống gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho người độc thân. Những niềm tin sai lệch khiến cho người độc thân gánh chịu những áp lực xã hội nặng nề. Họ cảm thấy nghi ngờ bản thân và coi lựa chọn của mình là một sai lầm.

Cuối cùng, độc thân hay kết hôn đều không phải là tấm vé đảm bảo một cuộc đời hạnh phúc hay bất hạnh về sau. Cả hai lối sống đều sẽ thay đổi rất nhiều khía cạnh của đời sống. Sự thay đổi này có thể diễn biến theo hướng tệ đi hay tốt hơn với từng người.

Việc chọn cho bản thân một lối sống phù hợp với bản thân không đồng nghĩa với ích kỷ và vô trách nhiệm. Đó đơn thuần là lựa chọn của mỗi cá nhân, và sự lựa chọn ấy xứng đáng nhận được sự tôn trọng.