Được chuyển ngữ từ "The Four Stages of Life", đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Cuộc sống luôn khó khăn để rồi bạn chết đi. Và khoảng thời gian đó được chia làm 4 giai đoạn, bao gồm:
Giai đoạn một: Bắt chước
Chúng ta bất lực khi mới sinh ra. Chúng ta không thể đi, không thể nói, không thể tự nuôi sống chính mình, và không thể tự đóng thuế.
Khi còn bé, chúng ta học bằng cách quan sát và bắt chước người khác. Trước tiên, chúng ta học những kỹ năng thể chất như đi hoặc nói. Sau đó, chúng ta phát triển những kỹ năng xã hội bằng cách quan sát và bắt chước đám bạn xung quanh. Vào cuối thời thơ ấu, chúng ta học cách thích nghi với văn hóa thông qua quan sát các quy tắc và chuẩn mực xung quanh, và cố gắng cư xử theo cách mà xã hội coi là chấp nhận được.
Mục tiêu của Giai đoạn Một là dạy chúng ta cách vận hành trong xã hội để chúng ta có thể trở thành những người trưởng thành tự chủ và độc lập. Một cách lý tưởng, những người lớn xung quanh sẽ giúp chúng ta vượt qua giai đoạn này thông qua việc hỗ trợ khả năng tự quyết và tự hành động của chúng ta.
Nhưng một số người lớn lại vô cùng tệ bạc. Họ trừng phạt chúng ta bởi vì chúng ta độc lập. Họ không ủng hộ các quyết định của chúng ta. Và vì thế, chúng ta không phát triển tính tự chủ. Chúng ta mắc kẹt ở Giai đoạn Một, không ngừng bắt chước những người xung quanh, không ngừng cố gắng làm hài lòng người khác để không bị phán xét.
Trong một môi trường lành mạnh bình thường, Giai đoạn Một sẽ kéo dài đến sau tuổi vị thành niên và trước tuổi trưởng thành. Đối với một số người, nó có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Số khác thì bỗng một ngày thức dậy ở tuổi 45, chợt nhận ra mình chưa bao giờ thực sự sống cho bản thân và tự hỏi những năm tháng vừa qua đã trôi đi đâu.
Ở Giai đoạn Một, bắt chước là quá trình không ngừng tìm kiếm sự công nhận và khẳng định bản thân, là khi bạn vẫn chưa có được suy nghĩ độc lập và giá trị của riêng mình.
Chúng ta phải nhận thức được tiêu chuẩn và kỳ vọng của những người xung quanh. Đồng thời cũng phải trở nên đủ mạnh mẽ để để hành động khi cần, mặc kệ những tiêu chuẩn và kỳ vọng ấy. Chúng ta phải phát triển khả năng hành động cho mình và vì chính mình.
Giai đoạn Hai: Khám phá bản thân
Ở Giai đoạn này, chúng ta học về điều gì làm nên sự khác biệt giữa mình, người khác và văn hóa xung quanh. Giai đoạn Hai đòi hỏi chúng ta bắt đầu tự đưa ra quyết định, thử thách bản thân, hiểu được chính mình và thứ gì khiến chúng ta trở nên độc nhất.
Giai đoạn Hai bao gồm rất nhiều lần thử, sai và thực nghiệm. Chúng ta thử sống tại một thành phố mới, đi chơi với những người bạn mới. Giai đoạn Hai của mỗi người sẽ có chút khác biệt bởi vì chúng ta là những cá thể khác nhau.
Đây là quá trình khám phá bản thân. Chúng ta thử những điều mới. Có những thứ diễn ra tốt đẹp. Số khác thì không. Mục tiêu là để chúng ta gắn bó với những gì tốt đẹp trong một thời gian rồi bước tiếp.
Giai đoạn Hai kéo dài cho đến khi chúng ta bắt đầu vượt qua những giới hạn của chính mình. Có thể nó không phù hợp với nhiều người, nhưng khám phá giới hạn của bản thân là một điều lành mạnh.
Có những thứ mà dù có cố gắng đến đâu thì bạn vẫn dở, và bạn cần biết đó là gì. Nhận ra càng sớm thì càng tốt. Mặc dù khá phũ phàng, nhưng tôi đã nhận ra rằng mình không có khả năng thiên bẩm trong thể thao.
Và nếu chúng ta tệ ở khoản nào đó, thì cũng sẽ có những điều mà chúng ta làm tốt, nhưng kém dần đi sau một thời gian. Ví dụ như du lịch vòng quanh thế giới, làm tình với nhiều người, say xỉn vào tối thứ Ba,...
Biết được giới hạn của mình là quan trọng, bởi vì cuối cùng bạn phải nhận ra rằng thời gian mà bạn có là hữu hạn. Do đó, bạn cần dành nó cho những gì quan trọng nhất. Bạn cần nhận ra rằng có những điều bạn có thể làm, không đồng nghĩa với việc bạn nên làm nó. Có những người bạn thích, không đồng nghĩa với việc bạn nên ở bên họ. Chi phí cơ hội luôn tồn tại ở mọi thứ và bạn thì không thể có tất cả.
Có những người không bao giờ cho phép mình cảm thấy bị giới hạn - những người từ chối thừa nhận thất bại của mình hay tự huyễn hoặc bản thân tin rằng giới hạn không tồn tại. Những người này mắc kẹt ở Giai đoạn Hai.
Có những “doanh nhân” đã 38 tuổi đầu thế mà vẫn sống với mẹ và chưa từng làm ra tiền sau 15 năm cố gắng. Có những “diễn viên triển vọng” vẫn cứ làm chân chạy bàn và không hề tham gia một buổi thử vai nào trong suốt hai năm. Có những người không thể có mối quan hệ lâu dài, bởi họ tin rằng đâu đó còn những người khác tốt hơn.
Đến một thời điểm, chúng ta đều phải thừa nhận rằng: cuộc đời thật ngắn ngủi, không phải ước mơ nào cũng có thể thành hiện thực. Vì lẽ đó, chúng ta nên cẩn thận lựa chọn những gì mình giỏi nhất và gắn bó với nó.
Những người mắc kẹt ở Giai đoạn Hai thường cố tự thuyết phục điều ngược lại. Rằng họ không có giới hạn. Rằng họ có thể vượt qua tất cả. Rằng cuộc sống của họ sẽ không ngừng phát triển, trong khi người khác thì thấy rõ rằng họ chỉ đang giậm chân tại chỗ.
Đối với một người bình thường, Giai đoạn Hai bắt đầu từ giữa đến cuối tuổi thiếu niên và kéo dài đến giữa năm 20-30 buổi. Những người kẹt ở Giai đoạn Hai được gọi chung là người mắc “Hội chứng Peter Pan” - mãi mãi là một thiếu niên, không ngừng khám phá bản thân nhưng lại chẳng tìm thấy gì.
Giai đoạn Ba: Cam kết
Một khi bạn đã vượt qua ranh giới cá nhân và tìm thấy những hạn chế của mình (ví dụ thể thao, nghệ thuật, ẩm thực) hoặc nhận thấy mình kém đi ở hoạt động nhất định (tiệc tùng, điện tử, thủ dâm), điều còn lại sẽ là a) những gì thật sự quan trọng với bạn, và b) những gì bạn làm không quá tệ. Giờ là lúc tạo nên sức ảnh hưởng của bạn trong thế giới.
Giai đoạn Ba là sự kết hợp tuyệt vời. Bạn buông bỏ những người bạn đang rút cạn và giữ chân mình. Giã từ những hoạt động và sở thích vô bổ tốn thời gian. Để lại những giấc mơ sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.
Và rồi bạn xác định những gì mình giỏi và những gì tốt nhất cho mình. Bạn nhân đôi những mối quan hệ quan trọng nhất trong đời. Bạn hoàn thành nhiệm vụ duy nhất, dù đó là giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của thế giới, trở thành một chuyên gia về não bộ hoặc có những đứa con. Dù đó là gì, Giai đoạn Ba là khi bạn hoàn thành nó.
Giai đoạn Ba là để tối đa tiềm năng của chính bạn trong cuộc sống, tạo nên những di sản. Bạn sẽ để lại gì khi ra đi? Mọi người sẽ nhớ đến bạn ra sao? Dù đó là một nghiên cứu đột phá, một phát minh mới hay một gia đình, Giai đoạn Ba là để lại cho thế giới một chút gì đó khác biệt so với trước đây.
Giai đoạn Ba kết thúc khi hai điều xảy ra: 1) Bạn cảm thấy không còn nhiều thứ mà bạn có thể làm nữa, và 2) Bạn lớn tuổi và đã mệt mỏi, chẳng mong gì ngoài việc nhấp chút rượu và chơi giải ô chữ cả ngày.
Đối với một người “bình thường”, Giai đoạn Ba thường kéo dài từ tuổi 30 đến tuổi nghỉ hưu.
Những người kẹt lại ở Giai đoạn Ba bởi họ không biết cách loại bỏ tham vọng và khao khát đạt được nhiều hơn. Họ không thể buông bỏ quyền lực, tầm ảnh hưởng và vẫn cảm thấy không thỏa mãn cho đến những năm 70-80 tuổi.
Giai đoạn Bốn: Di sản
Những người bước vào Giai đoạn Bốn đã dành khoảng nửa thế kỷ để đầu tư bản thân vào những gì họ tin là có ý nghĩa và quan trọng. Họ đã làm những điều tuyệt vời, chăm chỉ, kiếm được những gì họ có, tạo nên một gia đình, tổ chức từ thiện, hay một hai cuộc cách mạng chính trị - văn hóa và giờ thì họ đã xong việc. Họ đã đến tuổi mà nghị lực và hoàn cảnh không còn cho phép họ theo đuổi mục đích của mình nữa.
Sau đó, mục tiêu của Giai đoạn Bốn không phải là tạo ra di sản nữa mà chỉ đơn giản là đảm bảo rằng di sản đó tồn tại sau cái chết của họ.
Điều này có thể đơn giản như hỗ trợ và tư vấn cho con cái (bây giờ đã lớn) và sống một cuộc đời gián tiếp thông qua chúng. Đó có thể là bàn giao các dự án của họ cho người khác và làm việc cho một tổ chức bảo trợ. Nó cũng có thể là hoạt động chính trị để duy trì các giá trị của họ trong xã hội.
Giai đoạn Bốn rất quan trọng về mặt tâm lý vì nó làm cái chết trở nên dễ chịu hơn. Là con người, chúng ta có nhu cầu sâu sắc trong việc cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Ý nghĩa mà chúng ta không ngừng tìm kiếm này là sự phòng vệ tâm lý duy nhất của chúng ta trước những bất định của cuộc sống và cái chết không thể tránh khỏi. Mất đi ý nghĩa đó, nhìn nó trôi tuột đi, hoặc từ từ cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau, đồng nghĩa với việc chấp nhận bị quên lãng và bị ăn mòn.
Mấu chốt ở đây là gì?
Phát triển qua từng giai đoạn của cuộc đời cho phép chúng ta kiểm soát hạnh phúc và sức khỏe của mình tốt hơn.
Trong Giai đoạn Một, bạn hoàn toàn phụ thuộc vào hành động và sự công nhận của người khác để được hạnh phúc. Đây là một chiến lược kinh khủng bởi không phải ai cũng dễ đoán định và đáng tin.
Trong Giai đoạn Hai, bạn dựa vào chính mình, nhưng vẫn phụ thuộc vào thành công bên ngoài để hạnh phúc - tiền bạc, địa vị, thắng lợi, chinh phục, v.v. Tuy dễ đoán hơn con người, nhưng chúng vẫn bất định về lâu dài.
Giai đoạn Ba dựa vào các mối quan hệ và nỗ lực trong Giai đoạn Hai. Những điều này đáng tin cậy hơn.
Và cuối cùng, Giai đoạn Bốn đòi hỏi chúng ta duy trì những gì mình đã làm càng lâu càng tốt.
Sau mỗi giai đoạn, hạnh phúc càng phụ thuộc vào các giá trị bên trong, có thể kiểm soát và ít dựa vào các yếu tố ngoại lai luôn thay đổi.
Giá trị của sang chấn
Sự phát triển bản thân thường được miêu tả như một quá trình trải đầy hoa hồng.
Nhưng sự thật thì chuyển giao giữa các giai đoạn thường bắt đầu bởi những sang chấn hoặc một sự kiện tiêu cực: trải nghiệm cận kề cái chết, ly hôn, tình bạn rạn nứt hoặc cái chết của người thân yêu.
Sang chấn khiến chúng ta phải lùi lại, đánh giá những động cơ và quyết định từ sâu thẳm trong mình. Nó cho phép chúng ta tự vấn xem liệu các chiến lược theo đuổi hạnh phúc của ta có thực sự tốt hay không.
Điều gì khiến chúng ta kẹt lại
Thứ khiến chúng ta mắc kẹt ở giữa các giai đoạn là cảm giác thiếu sót ở bản thân.
Mọi người gặp khó khăn ở Giai đoạn Một bởi họ luôn cảm thấy mình sai sót và khác biệt so với người khác. Vì vậy, họ nỗ lực để phù hợp với những gì mà mọi người xung quanh mong mỏi. Bất kể làm bao nhiêu, họ vẫn cảm thấy chưa đủ.
Ở Giai đoạn Hai, mọi người gặp khó khăn bởi họ cảm thấy như thể mình phải làm nhiều hơn, tốt hơn, mới hơn hoặc tiến bộ hơn. Nhưng cho dù có làm bao nhiêu đi nữa, họ vẫn cảm thấy chưa đủ.
Giai đoạn Ba, mọi người gặp khó khăn bởi vì họ cảm thấy như thể họ chưa tạo ra đủ ảnh hưởng trên thế giới, rằng họ đã không tạo ra tác động trong lĩnh vực mà họ đã gắn bó. Nhưng cho dù họ có làm bao nhiêu đi chăng nữa, họ vẫn cảm thấy chưa đủ.
Người ta thậm chí tranh luận rằng những người ở Giai đoạn Bốn cảm thấy bế tắc vì họ không an tâm rằng di sản của mình sẽ tồn tại hoặc tạo nên tác động đáng kể nào đến thế hệ tương lai. Họ bám vào, giữ lấy và thúc đẩy nó bằng từng hơi thở cuối cùng. Nhưng họ vẫn cảm thấy chưa đủ.
Để vượt qua Giai đoạn Một, bạn phải chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ là đủ với mọi người. Do đó bạn phải đưa ra quyết định cho riêng mình.
Để vượt qua Giai đoạn Hai, bạn phải chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ có khả năng hoàn thành mọi thứ mình mong muốn. Do đó, bạn phải tập trung vào những gì quan trọng nhất và gắn bó với nó.
Để vượt qua Giai đoạn Ba, bạn phải nhận ra rằng thời gian và năng lượng là hữu hạn. Do đó, bạn phải tập trung vào việc giúp đỡ người khác thực hiện các dự án ý nghĩa mà bạn đã bắt đầu.
Để vượt qua Giai đoạn Bốn, bạn phải nhận ra rằng sự thay đổi là không thể tránh khỏi. Ảnh hưởng của một người, dù lớn đến đâu, dù mạnh đến đâu, dù có ý nghĩa đến đâu, cuối cùng rồi sẽ biến mất.
Và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn.