4 Triết lý thiết kế Marco Lambri chia sẻ từ “Ngày Thiết kế Ý 2022” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

4 Triết lý thiết kế Marco Lambri chia sẻ từ “Ngày Thiết kế Ý 2022”

Không chỉ trong việc thiết kế xe, bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, bạn cần tìm thấy và bảo vệ DNA của mình. Đó là điều tạo nên sự khác biệt và độc nhất của bạn.
4 Triết lý thiết kế Marco Lambri chia sẻ từ “Ngày Thiết kế Ý 2022”

Kiến trúc sư Marco Lambri - Đại sứ Thiết kế "Ngày Thiết kế Ý 2022" - Nguồn: Piaggio Việt Nam

Trong khuôn khổ của Hội nghị về Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11 năm 2021, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững khi hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (zero emission) vào năm 2050.

Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần một thế hệ các nhà thiết kế, các chuyên gia không những giỏi trong lĩnh vực thiết kế - sáng tạo mà còn nắm vững kỹ thuật - công nghệ. Từ đó tạo ra các sản phẩm vừa có tính thẩm mỹ, vừa tiết kiệm năng lượng nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Buổi tọa đàm của các diễn giả trong "Ngày Thiết kế Ý 2022" | Nguồn: Tín Phùng & Bobby cho Vietcetera

“Italian Design Day – Ngày thiết kế Ý” là sáng kiến của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia vào năm 2017. Sự kiện được tổ chức tại hơn 100 thành phố trên thế giới, là nơi tôn vinh những thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa Ý, đồng thời là diễn đàn để những ý tưởng, sáng kiến nghệ thuật và kiến trúc được trao đổi, chia sẻ và cất cánh.

Bước sang năm thứ 6, “Ngày Thiết kế Ý 2022” được Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Ý tại Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Thương vụ Ý tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Tái tạo – Thiết kế và Công nghệ mới vì tương lai bền vững”.

Nhân sự kiện này, Vietcetera đã gặp gỡ kiến trúc sư Marco Lambri - Giám đốc Thiết kế Piaggio đồng thời là Đại sứ Ngày Thiết kế Ý tại Việt Nam năm 2022. Ông đã chia sẻ những triết lý được các kiến trúc sư, nhà thiết kế Ý theo đuổi nhiều năm nay thông qua ví dụ sống động nhất từ một hình ảnh vô cùng gần gũi: Những chiếc xe Vespa.

Mọi thiết kế trong cuộc sống đều tương tác với nhau

Theo kiến trúc sư Lambri, cho dù là thiết kế đô thị, nhà cửa, công trình hay phương tiện di chuyển, mọi khía cạnh thiết kế trong cuộc sống đều tương tác và gắn bó mật thiết với nhau để đạt được mục tiêu quan trọng nhất: giúp con người có cuộc sống tốt hơn.

Đơn cử, bạn sẽ không thể thiết kế một chiếc xe máy giúp di chuyển thuận tiện, dễ dàng trên đường phố nếu không hiểu về đặc điểm thành phố, các con đường, loại thời tiết của vùng miền đó. Bạn sẽ phải cân nhắc đến độ cao của gầm xe, tấm chắn bùn, kích cỡ bánh xe, độ cao yên xe để đảm bảo phương tiện của bạn di chuyển an toàn trong trời mưa và người cầm lái không dễ dàng bị ướt.

“Lĩnh vực của tôi là thiết kế các phương tiện đi lại chứ không phải kiến trúc hay nhà cửa. Nhưng hiểu được bối cảnh, môi trường là rất cần thiết. Khi thiết kế một sản phẩm, phải cân nhắc đến vai trò của nó trong cuộc sống và trong mối quan hệ với mọi vật xung quanh, vì không thực thể nào tồn tại một cách độc lập cả.

Tất cả các nhà thiết kế Ý đều phải có kiến thức về kiến trúc và văn hóa, đều phải hiểu được mối tương quan giữa các phạm trù thiết kế trong cuộc sống để tạo thành một tổng thể chỉn chu, hợp lý và gắn kết.” - Ông Lambri chia sẻ.

Phần thuyết trình của KTS. Marco Lambri về lịch sử Thiết kế Ý | Nguồn: Marco Lambri

Tương lai của thiết kế hướng tới sự bền vững

Khái niệm thiết kế hướng tới sự bền vững không còn mới trong nhiều năm trở lại đây khi con người đứng trước quá nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, và cả những tác động của chiến tranh.

Kể từ lần đầu ra mắt vào năm 2017, Ngày Thiết kế Ý là một trong những hoạt động ý nghĩa thể hiện nỗ lực của các kiến trúc sư, nhà thiết kế Ý hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng sống và bảo vệ hành tinh thông qua thiết kế, đồng thời lan tỏa tinh thần đó tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ góc nhìn của kiến trúc sư Lambri, tương lai của các phương tiện di chuyển là động cơ chạy bằng điện. “Chúng tôi đã sản xuất xe Vespa chạy bằng điện. Xe Vespa hiện nay có khả năng tiếp cận công nghệ mới, pin điện, ngày càng có nhiều đầu tư với công nghệ thích nghi cao hơn”.

Việc nghiên cứu các nguồn nguyên liệu mới, công nghệ tái tạo và bền vững là một phần không thể thiếu trong các thiết kế cho tương lai, đáp ứng các nhu cầu của con người nhưng vẫn hài hòa với tự nhiên. Tinh thần này đã luôn được các đại sứ thiết kế Ý nhấn mạnh trong sự kiện hàng năm, gần đây nhất là Marco Casamonti năm 2020 và Massimo Roj năm 2021.

Ông Fabio De Cillis - Giám đốc Thương vụ Ý | Nguồn: Tín Phùng & Bobby cho Vietcetera

Hãy tìm và bảo vệ DNA trong sản phẩm của mình

Năm 2008, Tesla đã cho ra đời chiếc xe ô tô điện đầu tiên. Vinfast của Việt Nam cũng rất nhanh chân trong cuộc đua giành thị phần xe điện với xe máy điện ra mắt năm 2018 và ô tô điện năm 2021.

Một trong những câu hỏi được thảo luận sôi nổi trong sự kiện là “Xe Vespa nói riêng, và các sản phẩm khác của Ý nói chung có gì đặc biệt để cạnh tranh trong thị trường này?”.

“Cũng như tất cả các sản phẩm khác được tạo nên từ bàn tay của người Ý, chúng tôi luôn đề cao tính thẩm mỹ. Sự tinh tế, thanh lịch trong thiết kế Vespa cũng chính là yếu tố khiến chúng tôi luôn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể tìm thấy một sản phẩm có cùng công năng ở rất nhiều nơi, rất nhiều thương hiệu. Nhưng khi nghĩ đến một sản phẩm của Ý, điều đầu tiên bạn hình dung ra chắc chắn là đó là một thiết kế đẹp. Đó là DNA của chúng tôi.” - Kiến trúc sư Lambri cho biết.

“Không chỉ trong việc thiết kế xe, bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, bạn cần tìm thấy và bảo vệ DNA của mình. Đó là điều tạo nên sự khác biệt và độc nhất của bạn”.

Thiết kế là một phần làm nên thương hiệu quốc gia

Theo báo cáo thường niên của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, nước Ý luôn nằm trong top 10 các quốc gia có giá trị thương hiệu cao nhất thế giới (xấp xỉ 2 nghìn tỷ USD) dựa trên những tiêu chí về độ nhận diện văn hóa, chính phủ, con người, xuất khẩu, du lịch, đầu tư và lượng người nhập cư.

Ngài Antonio Alesandro - Đại sứ Ý tại Việt Nam | Nguồn: Hoàng Việt cho Vietcetera

Văn hóa và nghệ thuật là tài sản khiến người Ý tự hào nhất, là điều mà họ đã miệt mài và nhiệt thành mang ra thế giới hàng trăm năm qua, trong đó có dấu ấn không nhỏ của kiến trúc và thiết kế.

Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ Ý tại Việt Nam cho rằng thương hiệu quốc gia trở thành một quyền lực mềm là kết quả của nhiều yếu tố và nỗ lực của con người tại quốc gia đó. “Lịch sử là yếu tố đầu tiên. Lịch sử của Ý đóng vai trò rất lớn trong lịch sử thế giới. Tiếp đó phải kể đến sự sáng tạo, các tư tưởng, triết lý và những cá nhân đã giúp lan tỏa tinh thần Ý ra khắp thế giới”.

Tinh thần này vẫn tiếp tục được lan tỏa thông qua các chiến dịch quảng bá văn hóa. Cùng với “Ngày thiết kế Ý”, gần đây nhất, chiến dịch “beIT - Nước Ý, đơn giản là một sự đặc biệt” cũng được triển khai tại 26 quốc gia trên thế giới.

“beIT” giới thiệu tới cộng đồng quốc tế về những giá trị, di sản làm nên thương hiệu của Ý trên toàn thế giới: đó là tính sáng tạo, sự đam mê, di sản, phong cách, đổi mới và sự đa dạng hóa thông qua các hoạt động sôi nổi về ẩm thực, thời trang, thiết kế, điện ảnh và văn hóa.