Cuộc sống như khu vườn sau nhà, đầy những cây trái thơm ngon với công dụng tuyệt vời cho sức khoẻ mà không phải ai cũng biết. Dùng thảo mộc để chữa bệnh là kho tàng kiến thức đã được lan truyền trong dân gian Việt Nam ngàn đời nay.
Tổng hợp từ cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” - sách gối đầu giường của những nhà chuyên môn nghiên cứu, bào chế, điều trị Đông y, dược liệu của giáo sư Đỗ Tất Đạt, và cụ Nguyễn Phúc Ưng Viên - thầy thuốc hoàng cung thời Nguyễn, đây là 4 món ăn detox từ vườn nhà cho bạn, cũng là cách bạn tự bảo vệ mình trong thời điểm dịch bệnh quay trở lại với những diễn biến khó lường.
Chanh - sả - mật ong: Tam giác vàng trong làng detox
Chanh - sả - mật ong là 3 nguyên liệu vàng trong làng diệt vi khuẩn, có công dụng hỗ trợ phòng trị các bệnh về phổi và hô hấp, được lưu truyền trong Đông y như bài thuốc phòng ngừa cảm cúm từ xưa.
Không tự nhiên mà người ta thường xông tinh dầu sả khi cần làm sạch không khí và đuổi côn trùng. Sả có khả năng thanh tẩy, mùi hương cũng tạo cảm giác dễ chịu. Chanh giàu vitamin C, có tính mát nên giúp thanh nhiệt, tiêu thực, sát trùng và sáng mắt. Mật ong thì là loại thực phẩm duy nhất trên đời này không có hạn sử dụng. Trẻ mãi không già là điều không thể, nhưng bạn hoàn toàn có khả năng hấp thụ những tinh chất kì diệu của 3 loại thực phẩm trên.
Nước chanh - sả - mật ong rất thơm ngon, có thể uống như nước giải khát, cách làm cũng dễ dàng:
- Cho một nắm lá sả vào nồi nấu lấy nước, không quan trọng liều lượng.
- Chanh quả cho vào tủ lạnh cấp đông, mang ra bào cả quả, chỉ bỏ hạt, liều lượng ang áng vừa phải, ít nhiều không quan trọng.
- Cho chanh đã bào vào nước lá sả còn nóng, cho thêm một ít mật ong (tốt nhất là mật ong rừng).
- Khuấy đều và uống nóng.
Sở dĩ nên cho quả chanh vào cấp đông là vì khi bào các phân tử chanh sẽ giải phóng cao nhất. Để đạt được tác dụng tối đa, hãy sử dụng loại chanh truyền thống thay vì chanh lai không hạt hoặc chanh giấy mỏng nhé.
Khế ngọt ăn chơi, khế chua mới bổ
Đông y sử dụng khế để trừ các bệnh thời khí, làm tiêu tan trệ khí trong dạ dày, ách tắc trong khí huyết, hệ thống hô hấp, tỳ vị, làm sáng mắt, tiêu viêm… cùng nhiều công dụng khác.
Trái khế, hoa khế, lá khế, vỏ, rễ cây khế đều có công dụng phòng, chữa bệnh. Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên - thầy thuốc triều Nguyễn, cho biết: khế ăn sống, nấu canh, làm gỏi, làm nước uống có công dụng khác nhau nhưng đều rất tốt cho sức khỏe, không có tác dụng phụ nào mà còn nổi trội hơn nhiều dược liệu quý hiếm mắc tiền.
Khế chua chính là một vị thầy thuốc xuất sắc! Còn khế ngọt có thể ăn chơi, nhưng ít công dụng. Và dùng khế thì nên dùng cả hạt mới tốt.
Khế có thể ăn hàng ngày, chế biến thành những món ăn tùy thích, đồng thời có thể biến thành thứ nước uống rất dễ làm:
- Khế rửa sạch để ráo nước hoàn toàn.
- Xắt thành lát cho vào hũ hoặc lọ thủy tinh hay sành sứ, cứ một lớp khế cho một lớp đường, theo thứ tự : mật ong, đường phèn, đường thô, đường trắng.
- Đậy kín để vào chỗ mát. Sau 1 tuần có thể sử dụng làm nước uống.
Cùng với nước chanh lá sả mật ong giới thiệu ở trên, dùng khế làm thức ăn thức uống hàng ngày cũng góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể để ngăn ngừa dịch bệnh.
Ăn đậu đen cho sáng mắt an lòng
Hầu hết các y văn cổ đều nói đến công dụng của hắc đại đậu (đậu đen) đối với sức khỏe. Tác dụng căn bản của nó là làm cho mạch máu lưu thông trơn tru, trừ khí độc, khiến cho tâm thần mát mẻ, sáng mắt an lòng, giải được nhiều thứ độc từ thức ăn và di hại từ các loại thuốc có độc.
Hắc đại đậu còn rất tốt cho thận, nên ăn vào phòng ngừa được bệnh tiểu đường. Y văn cổ có gần 100 bài thuốc chế biến từ đậu đen, nhưng bài viết này sẽ chỉ nói về chuyện ăn uống.
Ăn đậu-đen-bình-thường vẫn bảo đảm những công dụng như trên, nhưng nếu là đậu-đen-nảy-mầm thì công dụng sẽ tăng lên gấp bội, đặc biệt là đối với nhan sắc. Đậu-đen-nảy-mầm có thể dùng để xào với lòng gà, với thịt bò, với thịt, gan heo hoặc làm sữa uống.
Làm sao để đậu đen nảy mầm? Rất đơn giản!
- Bạn cứ rửa sạch đậu, rồi ngâm trong nước theo tỉ lệ: 2 sôi - 3 lạnh khoảng 8 tiếng.
- Vớt đậu ra rửa sạch một lần nữa rồi cho vào một cái khay, phủ lên một lớp vải màn
- Phun nước giữ ẩm hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh. Chỉ sau 1 ngày đậu sẽ nứt mầm.
Đậu-vừa-nứt-mầm có thể cho vào máy làm sữa, có thể cho thêm một số loại hạt nảy mầm khác (như mè đen, đậu đỏ, đậu phộng…) tùy thích. Bạn không nhất thiết phải đợi cho tất cả các hạt đậu đều nứt mầm mới dùng, vì những hạt chưa nứt vẫn đang trong trạng thái nảy mầm rồi.
Nếu dùng để xào nấu thì để thêm 1, 2 ngày nữa cho mầm đậu dài ra, nhưng cũng không nên để dài quá sẽ mất ngon đấy!
Ăn gạo rang cho sạch bụng
Thức ăn hàng ngày bạn nạp vào sẽ được cơ thể chuyển hoá thành năng lượng hoặc đào thải ra ngoài, nhưng những thứ khó tiêu thì có xu hướng tích tụ lại (đặc biệt nếu bạn thường xuyên ăn vặt). Những thức ăn này đôi khi nằm ì trong dạ dày nhiều năm, gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi và là nguồn cội của những căn bệnh nguy hiểm (như viêm loét dạ dày chẳng hạn).
Điều không may là, bạn không thể trực tiếp nhìn thấy hay nhận thức về những thức ăn tồn dư trong dạ dày của mình. Và đó chính là lý do chúng ta dùng gạo rang để làm sạch bụng (có các phương pháp khác cho chuyện này, nhưng chúng thường khá tốn kém).
Công dụng của gạo rang là kiềm hóa môi trường axit trong dạ dày, thải độc, hút chất nhầy nuôi dưỡng vi khuẩn HP, ngăn protein, ngừa ung thư.
Để làm gạo rang, bạn có thể sử dụng gạo trắng (hoặc gạo lứt thì càng tốt!) ngâm trong nước khoảng 2 giờ, rửa sạch cám, cho vào nồi rang đến khi chuyển màu nâu sậm, tốt nhất là dùng nồi gang hay nồi đất và rang bằng củi.
Vậy ăn gạo rang lúc nào thì phù hợp?
Trước các bữa chính khoảng 30 phút, bạn nhai một thìa gạo rang, hoặc hãm với nước uống đều tốt. Gạo rang sẽ hút hết thức ăn còn dư cùng những chất độc hại do thức ăn tồn đọng sinh ra, rồi đẩy nhanh chất thải xuống ruột già. Như vậy, dạ dày của chúng ta được làm sạch trước khi ăn thức ăn mới.
Hãy thử bổ sung 4 loại thực phẩm trên vào bữa ăn hàng ngày của mình để thấy sự khác biệt!