5 Điều cần nhớ trước khi mở ví “đu" một concert | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 04, 2023
Âm Nhạc

5 Điều cần nhớ trước khi mở ví “đu" một concert

Cẩm nang “cầm tấm vé trên tay em bay đến nơi xa" gặp thần tượng.
5 Điều cần nhớ trước khi mở ví “đu" một concert

Black Pink - Born Pink World Tour tại Bangkok tháng 5/2023 | Nguồn: Victoria Trần

Theo báo cáo về triển vọng truyền thông và giải trí toàn cầu của PwC, doanh số bán vé concert trong năm 2023 dự kiến vượt ngưỡng 25 tỷ USD, tăng 3,33% so với năm 2018. Kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19, mức độ phổ biến của các buổi concert đã tăng lên đáng kể. Cùng với đó, giá vé cũng tăng mạnh và trở nên khó mua hơn bao giờ hết. Những trang phân phối vé như Ticketmaster đã tăng giá bán vé bằng cách thêm hoặc tăng phí dịch vụ để đạt được doanh thu và phục hồi sau hai năm đình trệ.

Tuy vậy, những buổi diễn cháy vé của hàng loạt nghệ sĩ từ Âu sang Á như Harry Styles, Dua Lipa, Ed Sheeran, BLACKPINK… từ đầu năm 2022 tới nay và mới đây nhất là Taylor Swift với The Eras Tour đã chứng minh một điều: Đại dịch toàn cầu không hề khiến văn hoá concert giảm nhiệt, ngược lại, còn phục hồi mạnh mẽ hơn sau một khoảng thời gian dài bị “đóng băng".

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng Victoria Trần, một concert “guru" đã tham gia hơn 50 concert từ Á sang Âu với đa dạng thể loại nhạc và có 7 năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia tổ chức concert. Vừa có góc nhìn của fan, vừa có góc nhìn từ hậu trường, Victoria chia sẻ với bạn 5 điều cần nhớ bạn có được một trải nghiệm concert đáng giá nhất.

alt
Victoria Trần | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Giá trị của một concert không chỉ nằm ở âm nhạc

Từ trước đến nay, câu chuyện giá vé của một concert đã luôn là vấn đề gây tranh cãi ở phạm vi toàn cầu. Hiện nay, giá vé cho một buổi diễn của nghệ sĩ nhạc Pop sẽ dao động từ $100 - $1000 (2,300,000 - 23,000,000 VND) tuỳ hạng vé. Trên trang web StubHub, hạng vé đắt đỏ nhất trong concert của Adele có thể lên tới… $40,000 (920,000,000 VND).

Nhiều người cho rằng concert cũng chỉ là một buổi biểu diễn bình thường, vì sao phải bỏ ra một số tiền lớn để đi concert trong khi hiện nay, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm âm nhạc tại nhà với những ứng dụng nghe nhạc trực tuyến chất lượng.

Tuy vậy, giá trị của một concert không chỉ dừng ở đó. Về âm nhạc, 10 lần diễn live sẽ là 10 lần khác biệt hoàn toàn. Mỗi lần diễn live, nghệ sĩ có thể chơi đùa với những nốt nhạc, lời bài hát hoặc nhiệt hơn là tặng bạn một bản độc tấu trống dài 10 phút khiến bạn nổi da gà chẳng hạn. Chưa kể tại concert, bạn cũng có cơ hội được nghe những bản nhạc “remix" hoặc những bản sáng tác chưa hoàn thiện sẽ không được phát hành chính thức.

Bên cạnh đó, concert là một nơi rất riêng tư, cũng là nơi thăng hoa và toả sáng nhất của cả thần tượng và fan. Điều này càng đúng hơn với văn hoá Kpop khi concert là nơi mở đầu hay kết thúc của một thời thanh xuân rực rỡ nhất đối với mỗi người. Hẳn chúng ta chưa quên concert Super Show 9 của Super Junior diễn ra tại TP. HCM hồi tháng 3 vừa qua đã chứng kiến nhiều fan hâm mộ đã đi làm hoặc lập gia đình gác lại cuộc sống bề bộn để một lần trở về đúng nghĩa với tuổi trẻ của mình.

alt
Epik High is Here World Tour tại Singapore tháng 7/2022 | Nguồn: Victoria Trần

Đâu là những điều cần nhớ để có một trải nghiệm concert trọn vẹn?

“Vendor”, “presale” và “queuing”

Dù chỉ là một buổi biểu diễn, để sở hữu một tấm vé, phần lớn các fan đều rất vất vả. Đặc biệt là với concert của những nghệ sĩ lớn, vé thường “sold out" chỉ sau vài tiếng, thậm chí vài phút.

Để tăng cơ hội mua vé cho bản thân, đầu tiên, bạn cần tìm hiểu về “vendor" - trang web bán vé cho concert đó (những trang web nổi tiếng có thể kể đến Ticketmaster, Eventbrite, Stubhub, Ticketbox) và quy trình mua vé trên trang web.

Thông thường, bạn sẽ cần đăng ký một tài khoản trên web. Bạn nên điền sẵn thông tin cá nhân cũng như số thẻ ngân hàng để khi vào mua vé chỉ cần nhấn mua chứ không cần điền nữa. Bạn cũng nên tập mua vé của những nghệ sĩ nhỏ để làm quen với thao tác nếu bạn đang chuẩn bị mua vé của một nghệ sĩ lớn.

Những nghệ sĩ lớn cũng sẽ có nhiều đợt presale khác nhau, ví dụ presale cho đối tác như Paypal, American Express… và presale cho thành viên ưu tiên trước khi mở bán rộng rãi “general sale" 1 - 2 ngày. Tuy vậy, bên cạnh những website công bằng chia lượng vé đều cho từng đợt, có những website huỷ luôn đợt bán vé “general sale" do đã bán hết vé từ đợt presale.

Mới đây, trang phân phối Ticketmaster đã thông báo sẽ hủy bỏ toàn bộ các đợt bán vé còn lại của Agust D Tour dành cho người mua có đăng ký thành viên cũng như đợt bán vé thường do đã bán hết vé từ đợt presale đầu tiên dành riêng cho ARMY Membership. Bởi vậy, hãy tìm hiểu kỹ về các đợt presale trên trang phân phối và cố gắng mua được vé từ đợt presale đầu tiên.

alt
Billie Eilish - Happier Than Ever World Tour tại Bangkok tháng 8/2022 | Nguồn: Victoria Trần

Cuối cùng, mỗi trang web mua vé sẽ đều có queue (xếp hàng). Chính vì vậy, bạn nên vào mua vé trước giờ mở bán 30 phút - 1 tiếng. Đối với một vài trang web queue ngẫu nhiên, không phải cứ ai vào trước sẽ lấy số trước, bạn nên có nhiều người bạn cùng queue với mình để tăng cơ hội mua được vé.

Vé đứng, vé ngồi và vé… chợ đen

Vé đứng (standing) hay vé ngồi (seating) đều có những ưu, nhược điểm riêng. Nếu vé đứng cho bạn cơ hội được “quẩy", được nhìn thần tượng gần hơn và nếu may mắn có thể được tương tác với nghệ sĩ thì vé ngồi sẽ hạn chế bị xô đẩy và cho bạn tầm nhìn bao quát hơn. Tất nhiên, vé đứng hay vé ngồi đều sẽ có những vị trí đẹp và những vị trí bị chéo, khuất tầm nhìn.

Nhưng cũng chính vì văn hoá “đu" vé đứng của phần lớn fan, đặc biệt là fan Kpop, trên thị trường đã sinh ra những tấm vé “chợ đen" với giá cao gấp 5 - 6 lần giá gốc. Bởi vậy, nếu không quá dư dả, bạn có thể học cách hài lòng, vé đứng hay vé ngồi cũng được, miễn là mình có cơ hội tham dự concert của nghệ sĩ yêu thích. Từ đó bạn có thể tránh được vòng xoáy vé “chợ đen" cũng như khủng hoảng tài chính khi cố mua vé đứng.

Trong trường hợp bạn muốn mua vé đứng nhưng lại chỉ có thể mua được vé ngồi, cũng đừng sốt ruột, hãy kiên nhẫn chờ đợi và tìm kiếm xem có ai trong cộng đồng fan muốn đổi vé hoặc mua lại vé không, từ đó bạn có thể đổi được vé với giá cả hợp lý hơn vé “chợ đen" rất nhiều.

alt
Eric Nam - There and Back Again World Tour tại Paris tháng 6/2022 | Nguồn: Victoria Trần

Những vị trí chỉ dành cho phần nhìn

Những địa điểm tổ chức concert hiện nay đều có hệ thống loa được sắp đặt khoa học với chất lượng tốt và độ phủ cao để tất cả mọi người, dù ngồi ở đâu, đều có thể nhận được chất lượng âm thanh đồng đều.

Tuy vậy, 3 vị trí có chất lượng âm thanh kém hơn những chỗ khác là:

  • Vị trí quá sát/quá xa sân khấu: Thông thường, loa được đặt ở hai bên cánh, hướng về phía trung tâm của địa điểm diễn ra concert và đẩy âm thanh về phía sau khu vực sát sân khấu. Bạn cũng cần một chút khoảng cách để tất cả các bước sóng cùng nhau tạo ra âm thanh mạch lạc, điều này lý giải vì sao khi đứng quá sát sân khấu bạn thường nghe không quá rõ câu, từ.

    Bởi vậy, vị trí này dành cho phần nhìn nhiều hơn phần nghe. Ngược lại, khi ở quá xa, để đến được với bạn, âm thanh phải đi qua rất nhiều rào cản như khán giả, tường và bị dội lại. Lúc đó bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn nhiều hơn là âm nhạc.
  • Vị trí chính giữa (vé đứng): Việc đứng cách đều cả hai loa cho phép tạo ra nhiều âm trầm (bass) hơn, điều này không phải lúc nào cũng cho phép thu được chất lượng âm thanh tốt nhất, đặc biệt là với bài hát có lời. Vị trí để nghe nhạc hay nhất chính là hai bên cánh gần sát với trung tâm.

    Tuy vậy, nếu ngồi ở tầng 2 bạn hoàn toàn có thể chọn vị trí chính giữa vì lên đến tầng trên thì chất lượng âm thanh của khu giữa và khu cánh sẽ không có sự khác biệt.
alt
The Rose - Heal World Tour tại Oslo tháng 2/2023 | Nguồn: Victoria Trần
  • Vị trí sát tường/góc: Nếu đứng sát một bức tường, bạn sẽ nghe thấy âm thanh 2 lần, một là khi âm thanh tiến thẳng tới bạn, hai là khi âm thanh đập vào tường và dội lại. Điều đó có thể gây ra hiện tượng mất cân bằng âm thanh và khiến bạn nghe thấy nhiều tiếng “ù ù" hơn.

Thử một lần trải nghiệm những “concert hub" của thế giới

Ở mỗi châu lục sẽ có những concert “hub” mà chắc chắn chuyến lưu diễn nào cũng sẽ dừng chân ở những “hub" này. Ở Mỹ có Los Angeles, New York, Chicago. Ở châu Á có Bangkok, Seoul, Tokyo và Singapore còn châu Âu có London, Amsterdam, Berlin và Paris.

Không phải tự nhiên, Paris là địa điểm được 80% các nghệ sĩ lựa chọn để kết thúc chuyến lưu diễn của mình. BLACKPINK cũng mới ra thông báo sẽ tổ chức “encore" concert tại Paris vào ngày 15/07 tới đây. Các concert tổ chức ở Pháp thường có rất đông fan, dễ “sold out” vé, nghệ sĩ có nhiều lựa chọn về mặt địa điểm tổ chức dù họ là nghệ sĩ indie, vừa hay siêu sao thế giới.

Người hâm mộ ở Pháp là những người nhiệt huyết và chịu khó. Họ cổ vũ cho nghệ sĩ hết mình, làm dự án chỉn chu và tự quản lý nhau tốt để hình ảnh mình trong mắt nghệ sĩ và mọi người được tốt đẹp nhất.

alt
Keshi - Hell Heaven Tour tại Paris tháng 4/2022 | Nguồn: Victoria Trần và Yenny Hoang

Khi concert diễn ra, họ luôn hô và hát rất to cùng các hiệu ứng khác như vỗ tay, giậm chân. Đặc biệt là sau khi Pháp vô địch World Cup năm 2018, mọi người có văn hóa hát vang bài Seven Nation Army trong concert, và văn hóa này kéo dài tới tận ngày hôm nay. Những điều này khiến cho nghệ sĩ cảm thấy hưng phấn diễn nhiệt hơn, cháy hơn.

Tuy vậy, nếu tình hình tài chính chưa cho phép bạn trải nghiệm concert ở Paris, bạn hoàn toàn có thể tìm đến những “hub" ở châu Á. Nhiều năm trở lại đây, Bangkok trở thành lựa chọn hàng đầu để đi concert vì chi phí từ vé concert đến đi lại, ăn ở đều hợp lý.

Cuối cùng, đừng để bản thân nợ nần vì đi quá nhiều concert

Trong một concert của Harry Styles diễn ra tại Brazil, bức ảnh một fan nữ “chịu cảnh nợ nần đến 5 lần" để gặp nghệ sĩ này đã được anh đăng tải lên Instagram và ngay lập tức gây bão.

alt
"Tôi đã rơi vào cảnh nợ nần 5 lần để gặp anh. Tôi xứng đáng có được sự chú ý" | Nguồn: Harry Styles

Đối với nhiều người, concert có thể được gọi là trải nghiệm “once in a lifetime". Nợ có thể trả từ từ nhưng nghệ sĩ diễn có thể chỉ xem được một lần bởi chẳng ai biết trước concert đó có phải là concert cuối cùng của nghệ sĩ không. Nhiều fan Việt sẵn sàng chi 10 - 15 triệu đồng cho một lần tham dự concert của thần tượng Kpop. Concert của BTS tổ chức tại Thái Lan vào năm 2019 đã chứng kiến nhiều fan Việt chi đến 30 triệu đồng cho tiền vé đứng và chi phí đi lại, ăn ở.

Nhưng nếu để bản thân rơi vào nợ nần vì đi quá nhiều concert lại là chuyện khác. Việc bỏ tiền ra để trải nghiệm là một việc tốt nhưng nếu mật độ quá nhiều, ví dụ một tháng đi concert mấy lần hoặc đi concert của một nghệ sĩ nhiều lần trong một thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng luôn thiếu tiền thì bạn nên dừng lại.

Kết

Concert vừa là giấc mơ, vừa là nỗi hoài niệm của nhiều năm sau này khi mọi thứ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ. Những cảm xúc bạn trải qua ở một buổi concert, bạn sẽ không thể trải qua ở một nơi nào khác. Trong những yếu tố để tạo nên một buổi concert trọn vẹn, âm nhạc chỉ chiếm một phần nhỏ. Quan trọng nhất, bạn được tận mắt thấy bóng hình của những nghệ sĩ bạn đã nghe nhạc qua chiếc điện thoại không biết chán và ngày đêm ngóng chờ sản phẩm âm nhạc mới.

Hãy nhớ rằng, để trải nghiệm đi concert thú vị và đáng nhớ nhất, bạn sẽ cần chuẩn bị kỹ càng từ chọn vị trí ngồi, mua vé, đặt vé máy bay, khách sạn (trong trường hợp bạn đi concert ở nước ngoài) và thoải mái “cháy" hết mình cùng nghệ sĩ. Chúc bạn có một trải nghiệm concert trọn vẹn.