7 Hiện tượng tâm lý thôi thúc bạn tiêu xài quá độ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

7 Hiện tượng tâm lý thôi thúc bạn tiêu xài quá độ

Cùng nhận biết các hiện tượng tâm lý thôi thúc chúng ta tiêu xài đến quá mức trước khi bạn kịp "vung tay" cho các đợt sale và mùa lễ hội sắp đến này
7 Hiện tượng tâm lý thôi thúc bạn tiêu xài quá độ

Nguồn: Anh Vũ @anhvu_1109 cho Vietcetera

Không chỉ tồn tại vào những ngày sale “sập sàn”, tiêu xài quá độ là một hiện tượng phổ biến xảy ra hàng ngày trong cuộc sống. Sự “quá độ” này chính là những lần mua hàng tự phát, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng có một lần như vậy.

Sự thật là 40% đến 80% hành vi mua sắm của chúng ta là bộc phát (theo ideas.repec.org). Dù yếu tố bên ngoài như bao bì, giá cả,... là những nguyên nhân thường được điểm tên, nhưng các hiện tượng tâm lý chi phối chúng ta mới chính là vấn đề cốt lõi cần được nhận biết (trước khi bạn kịp chọn thanh toán cho một món đồ nào khác). Vietcetera xin liệt kê một số hiện tượng thường gặp nhất như sau.

1. Nỗi sợ bỏ lỡ món hời

Sự khan hiếm (scarcity) là một thuyết tâm lý rằng chúng ta sẽ muốn sở hữu một món hàng hơn khi biết nó không còn nhiều nữa. Theo ngôn ngữ kinh tế thì sự khan hiếm về cung sẽ kích thích nhu cầu tăng cao.

Theo giáo sư ngành Marketing Vassilis Dalakas, khi nhìn thấy món hàng sắp hết, nỗi sợ bỏ lỡ sẽ khiến những đắn đo về giá cả bị lu mờ và thôi thúc bạn mau chóng quyết định mua. Hơn nữa, sở hữu một món hàng khan hiếm sẽ khiến não bộ cảm thấy mình đặc biệt hoặc an toàn hơn.

Giữa mùa lễ hội, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các thông điệp quảng cáo áp dụng tính khan hiếm như:

“Chỉ trong hôm nay, mua ngay kẻo lỡ!”

“Hai tiếng sale sập sàn duy nhất!”

“Phiên bản giới hạn chỉ 100 mẫu!”

Thuyết tâm lý này còn xuất hiện dưới hai biến thể “Thỉnh thoảng mới có một lần", và “Dịp đặc biệt mà" (Tết, sinh nhật, siêu sale,...), bởi vì “đặc biệt" và “thỉnh thoảng" thường đi liền với “khan hiếm".

Đây là một mánh khóe khó kiểm chứng, mặc dù đa số trường hợp các nhãn hàng vẫn sẽ tiếp tục những ưu đãi tương đương vào những dịp khác. Một số phương pháp bạn có thể thử:

  • Giảm bớt mong muốn của mình bằng cách chắt lọc điều gì bạn chỉ muốn và điều thật sự cần.
  • Thử dạo qua các trang thương mại khác. Đôi khi loại hàng đó “chỉ còn 1 sản phẩm" ở trang này, nhưng ở những trang khác thì không.
Tĩnh tacircm khi mua sắm
Hãy tĩnh tâm trước những thông điệp thúc giục bạn mua hàng vì "số lượng có hạn".

2. Ý chí kháng cự bị tiêu hao

Theo Roy Baumeister, giáo sư ngành Tâm lý học tại Đại học Queensland, việc ra quyết định cần ý chí nhiều không kém việc nói không trước cám dỗ. Khi mức độ ý chí đi xuống vì mệt mỏi, quyết định của bạn sẽ càng thiếu sáng suốt. Tâm lý học gọi đây là chứng mệt mỏi khi phải đưa ra quá nhiều quyết định (decision fatigue).

Theo đó, cuối ngày là thời điểm mua sắm rất bất lợi cho bạn. Bởi vì trong cả ngày dài trước đó, não bộ đã kiệt sức trước vô vàn các quyết định, như email này phải trả lời thế nào, báo cáo này phải trình bày ra sao, hay poster này nên dùng kiểu chữ nào mới đẹp.

Để giúp bạn tránh lạc vào “lối tắt" khi quyết định mua sắm, Vietcetera có một vài gợi ý sau:

  • Tránh đi mua sắm ngay sau giờ làm việc. Nhằm đảm bảo tâm trí thật minh mẫn, hãy mua sắm vào ngày nghỉ hoặc để bản thân nghỉ ngơi trước khi mua hàng.
  • Tạo một danh sách các món cần mua kèm theo ngân sách chi tiêu dự kiến.

3. Tâm lý tính toán sai lầm

Mental accounting là hành vi phân chia số tiền mình có theo các quỹ khác nhau (nhà cửa, ăn uống, giải trí, mua sắm…) và ấn định giá trị cảm tính cho từng quỹ tiền. Điều này khiến chúng ta sử dụng tiền theo các quy tắc khác nhau, dù giá trị đồng tiền vẫn luôn nhất quán.

Ví dụ, mỗi tháng bạn cần tiết kiệm một khoản tiền lương để mua xe mới. Nhưng nếu một tháng nọ bạn bất ngờ được thưởng thêm, thay vì bổ sung vào quỹ tiết kiệm mua xe còn thiếu, bạn bắt đầu tiêu xài cho các quỹ khác: chiêu đãi bạn bè, tự thưởng một bữa ăn đắt tiền, mua đồ cho buổi tiệc cuối năm.

Nghe có vẻ hợp lý nếu chỉ xét trên từng hạng mục nhỏ, nhưng khi nhìn vào bức tranh tổng thể, số tiền tiết kiệm được của bạn đã bị hao hụt khá nhiều. Để tránh tình trạng số chi “tích tiểu thành đại”, bạn hãy:

  • Đặt giới hạn cụ thể cho từng hạng mục ngay từ đầu (ví dụ không chi quá 2 triệu cho giải trí).
  • Theo dõi chi tiêu của mình bằng các ứng dụng hỗ trợ.

4. Thiên vị hiện tại

Bạn đã bao giờ mua cố thêm vài ba món nữa để được miễn phí giao hàng chưa? Đây là một biểu hiện nổi bật của tâm lý thiên vị hiện tại. Vì cảm thấy số tiền giao hàng thông thường (từ 20 - 30 nghìn đồng) là đắt đỏ, bạn sẵn sàng mua thêm một món đồ trị giá 70 nghìn để được giảm khoản tiền này.

Đây là một hành vi thể hiện thiên kiến hiện tại (present bias), chỉ khuynh hướng bỏ qua lợi ích lâu dài để đạt được sự thỏa mãn tức thời. Nó còn được biết đến dưới những hình thức khác như chiết khấu phần thưởng trì hoãn (delayed reward discounting) hoặc trì hoãn (đặc biệt là trong việc tiết kiệm).

Vậy làm sao để tránh "hấp tấp" khi mua sắm?

  • Quan tâm hơn đến những món đồ mình bỏ đi sẽ giúp bạn ngừng lại đắn đo trước khi mua thêm món nào khác.
  • Thử một số biện pháp tối giản mùa sale theo chia sẻ của Editor nhà Vietcetera.

5. Giảm cảm giác hiện hữu của tiền bạc

Mà cụ thể là do các hình thức thanh toán “mua trước trả sau” của thẻ tín dụng và ví điện tử. Khi không còn trực tiếp cầm tiền trên tay và cảm nhận sự hao hụt, não bộ sẽ bớt đi cảm giác tội lỗi và tạm ẩn những nỗi lo về hậu quả tài chính sau khi mua.

Điều này khiến mọi người thoải mái “vung tiền” mà không theo dõi được chi phí đằng sau các quyết định của họ. Một số khuyến nghị ưu dành cho bạn:

  • Ưu tiên tiền mặt khi mua sắm để nhạy cảm hơn với số tiền mình đang có.
  • Nếu sử dụng ví điện tử, chỉ nạp vừa đủ số tiền định chi tiêu thay vì hình thức trả trực tiếp từ thẻ.
Sử dụng thẻ
Sử dụng thẻ khiến bạn khó cảm nhận được sự hao hụt tài chính, do đó càng tiêu xài thoải mái hơn.

6. Xem mua sắm là cách trị liệu tinh thần

Khi mua một món hàng, não bộ có cảm giác như được trao thưởng và từ đó sản sinh ra dopamine – nhờ đó bạn cảm thấy hưng phấn, hạnh phúc và hài lòng hơn. Tuy nhiên não bộ sẽ dễ bị phụ thuộc vào lối mòn “chỉ mua sắm mới đem lại niềm vui”.

Trị liệu mua sắm có thể là một cách giảm căng thẳng hiệu quả nếu nằm trong tầm kiểm soát. Bạn có thể thử một số cách sau:

  • Dọn dẹp và thanh lý những đồ vật trong nhà: Và thứ “mới" mà bạn nhận được là một không gian gọn gàng hơn. Đây cũng là một cách để thúc đẩy tâm trạng.
  • Tự thưởng điều độ: Đôi khi một ngày không vui “xúi giục" bạn ăn ngon một bữa, hoặc một buổi tối thảnh thơi lôi kéo bạn tiêu pha một chút. Bạn vẫn có thể đầu tư một khoản nhỏ cho những lúc này, chẳng hạn một lọ nến thơm hoặc hũ cà phê cho cả tháng.
  • Trữ sẵn một kho niềm vui: Phương pháp "nhâm nhi những khoảnh khắc tích cực" có thể giúp bạn kéo dài và dự trữ sẵn các khoảnh khắc tích cực để sử dụng dần.

7. Rối loạn mua hàng cưỡng chế

Rối loạn mua hàng cưỡng chế (Compulsive Buying Disorder) dẫn đến việc nhiều người chọn mua sắm để tạm thời giải tỏa những cảm giác tiêu cực như trầm cảm, căng thẳng và lo lắng.

Một số biểu hiện bao gồm:

  • Khó chống lại việc mua các mặt hàng không cần thiết.
  • Luôn bận tâm với việc mua sắm những món đồ không cần thiết.
  • Gặp khó khăn tài chính vì mua sắm không kiểm soát.
  • Các vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường xoay quanh chuyện mua sắm không kiểm soát.
  • Dành nhiều thời gian mong mỏi hoặc mua sắm những món đồ không cần thiết.

Nếu nhận thấy chứng rối loạn này gây ra quá nhiều rắc rối cho cuộc sống của bạn, hãy tìm đến chuyên gia để được chẩn đoán và tư vấn phù hợp.