9 Từ tiếng Anh về sự kiện Thụy Sĩ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

9 Từ tiếng Anh về sự kiện Thụy Sĩ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Thụy Sĩ trở thành nước thứ 30 trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới. Sự kiện này đã lan tỏa niềm vui đến cộng đồng LGBT+ trên toàn cầu.
9 Từ tiếng Anh về sự kiện Thụy Sĩ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Nguồn: Euronews

Nỗ lực đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT+ tại Thụy Sĩ đã được đền đáp xứng đáng. Theo kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vài ngày trước, điều luật về hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới chính thức được thông qua.

Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện để các cặp đồng tính nhận con nuôi, đồng thời công dân Thụy Sĩ có thể giúp vợ/chồng nước ngoài của mình nhập quốc tịch dễ dàng hơn. 

Dưới đây là 9 thuật ngữ để giúp bạn nhìn rõ hơn về sự kiện này, cũng như hiểu hơn về vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Việt Nam. 

1. Registered partnership 

Registered partnership là hình thức kết đôi có đăng ký. Tùy vào từng quốc gia mà hình thức này có những quy định hoặc tên gọi khác nhau: quan hệ gia đình (domestic partnership), kết hợp dân sự (civil union). Chế định về registered partnership trao cho các cặp đôi đồng giới quyền, nghĩa vụ và sự công nhận pháp lý tương đương hôn nhân khác giới, tuy còn hạn chế ở nhiều mặt.

Năm 2005, trong một cuộc trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ, gần 60% số người bầu cử bỏ phiếu cho luật kết đôi có đăng ký. Lúc này, các cặp đôi đồng giới được hưởng một số quyền về bảo hiểm gia đình, quyền sở hữu tài sản và ưu đãi thuế. Tuy nhiên, quyền nhận con nuôi và tiếp cận các phương pháp hỗ trợ sinh sản lại không được thông qua.

Tại một số quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới như Anh, bộ luật không gộp chung hai chính sách ‘chung sống đăng ký’ và ‘hôn nhân cùng giới’, dù quyền và nghĩa vụ thuộc hai chính sách này không có nhiều khác biệt. Việc tách riêng được cho là bước trung gian để xã hội có thời gian thích nghi, từ đó dần thay đổi suy nghĩ về sự kết hợp truyền thống giữa nam và nữ. 

Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện để các cặp đồng tính có được nhiều quyền lợi hơn | Nguồn: Expansion.mx

2. Referendum

Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp (direct democracy) - công dân tác động trực tiếp đến các chính sách nhà nước thay vì để người đại diện bầu cử (representative democracy). Tại Thụy Sĩ thời điểm những năm 1848, việc thống nhất các bang gặp nhiều trở ngại, vì vậy bỏ phiếu toàn dân được coi là biện pháp ủng hộ chính quyền trung ương. Đến nay, Thụy Sĩ được công nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng hình thức dân chủ trực tiếp.

Có ba loại trưng cầu ý dân tại Thụy Sĩ:

  • Trưng cầu không bắt buộc (facultative/optional): chấp nhận hoặc từ chối một dự thảo được chính phủ thông qua. Bầu phiếu cho hôn nhân đồng giới thuộc trưng cầu không bắt buộc.

  • Sáng kiến công dân (popular initiatives): người dân đề xuất sửa đổi hiến pháp. Đề xuất có thể được xem xét nếu thu thập được 100.000 chữ ký.

  • Trưng cầu bắt buộc (mandatory): khi Chính phủ cần thay đổi hiến pháp hoặc ký kết Điều ước quốc tế.

Sau khi Thụy Sĩ tiến hành trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng giới, dự thảo luật được thông qua với 64.1% cử tri ủng hộ, và giành được đa số phiếu bầu ở tất cả 26 bang.

Tại Việt Nam, tổ chức iSEE từng thực hiện một cuộc điều tra quốc gia để trưng cầu ý dân về vấn đề này. 63% người cho biết việc hợp pháp hóa hôn nhân không ảnh hưởng đến họ, và có khoảng 34% người dân ủng hộ việc hợp pháp hóa. 

Kết quả này góp phần vận động sửa đổi bộ Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Quốc hội Việt Nam bỏ điều khoản “cấm kết hôn giữa người cùng giới” và thay thế bằng quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa người cùng giới”. Một sửa chữa nhỏ nhưng mở ra một hy vọng lớn cho cả cộng đồng LGBT+ trong nước.

3. Separate but equal

Học thuyết “tách biệt nhưng bình đẳng” (separate but equal) bắt nguồn từ vụ kiện Plessy v. Ferguson tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1896. Theo học thuyết, người da màu được hưởng dịch vụ công, phúc lợi y tế, giáo dục nhưng vẫn phải phân biệt với người da trắng, ví dụ họ buộc phải đi tàu dành cho người da màu. Nhìn chung, chính sách này không thực sự giải quyết tận gốc vấn đề phân biệt chủng tộc.

Đối với cộng đồng LGBT+, một số quốc gia ban hành điều luật cho phép đăng ký kết hôn đồng giới “tách biệt nhưng bình đẳng”, nghĩa là tạo ra sự công bằng hợp pháp nhưng không đụng chạm đến giá trị truyền thống. Thực tế, chính sách này vẫn tồn tại nhiều bất công, nhưng được coi là một chiến lược vừa đủ để thúc đẩy nhận thức.

Ở các quốc gia châu Âu ủng hộ hôn nhân đồng giới, trước khi hợp pháp hóa điều luật mới, thường có một thời gian các nước này áp dụng chế độ chung sống có đăng ký, nhờ đó giúp người dân từ từ thích nghi với giá trị mới. Nước Anh cho phép người đồng giới chung sống có đăng ký từ năm 2005, và đến năm 2014 mới cho phép kết hôn. Với Thụy Sĩ là 14 năm (2007-2021), còn “anh bạn” Đan Mạch thì phải chờ tới 32 năm (1989-2012).

4. Commitment ceremony

Commitment ceremony, hay lễ cam kết, là sự kiện kỷ niệm mối quan hệ của hai người, tại đây, họ có thể thề nguyện và thực hiện các thủ tục như lễ thành hôn. Thực tế, buổi lễ này được tổ chức tương tự một đám cưới thông thường, chỉ khác là đám cưới này không có ràng buộc pháp lý.

Nhiều cặp đôi không được pháp luật trao quyền vì xu hướng tính dục hay sự khác biệt chủng tộc. Do đó, họ chọn lễ cam kết đã thay thế cho hôn lễ chính thức. Tại Việt Nam, cộng đồng LGBT+ thường không tách bạch khái niệm mà gọi chung là đám cưới hoặc lễ thành hôn. 

ba lý do chính để các cặp đôi lựa chọn lễ cam kết. Thứ nhất, nhiều quốc gia không công nhận hôn lễ của người đồng giới. Thứ hai, một vài điều luật yêu cầu đám cưới được diễn ra dưới sự quan sát của người khác, trong khi cặp đôi chỉ muốn tổ chức trong không gian thân mật. Và cuối cùng, nếu các cặp đôi chưa chuẩn bị giấy tờ đăng ký kết hôn kịp thời mà “ngày đẹp” đã tới, thì họ vẫn có thể tổ chức buổi lễ.

Một số cặp đôi có thể tổ chức lễ cam kết trong không gian thân mật, chì mời bạn bè thân thiết | Nguồn: Expatica

5. Open and affirming

Open and affirming (cởi mở và chấp nhận) là tính từ để gọi tên những địa điểm, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với cộng đồng LGBT+. Cụm từ này có nguồn gốc từ The United Church of Christ (tạm dịch: Hội Thánh Liên Hiệp) của Hoa Kỳ. Đây là một trong những tổ chức tôn giáo đầu tiên đón nhận cộng đồng LGBT+ và ủng hộ hôn nhân đồng giới.

Các quốc gia Tây Âu có thái độ khá cởi mở với cộng đồng lục sắc, gồm cả Thụy Sĩ. Hầu hết các quốc gia ở khu vực này đã công nhận hôn nhân đồng giới, trong khi nhiều quốc gia ở Trung Âu và Đông Âu thì chưa cho phép. 

6. Chosen family

Chosen family nghĩa là gia đình lựa chọn. Gia đình này là những người không có kết nối về mặt sinh học hay pháp lý, nhưng họ nương tựa vào nhau bằng tình yêu, sự gắn kết cảm xúc. 

Nhiều người trong cộng đồng lục sắc sau khi come out đã không có được sự hỗ trợ và ủng hộ gia đình. Vì vậy, họ coi bạn bè thân thiết, người yêu hoặc con nuôi như gia đình thứ hai. Khi tổ chức lễ cam kết với bạn đời, người đồng tính sẽ ưu tiên mời chosen family tham dự.

7. Binary mindset

Binary mindset (hay dichotomous thinking) được hiểu là tư duy nhị phân - đơn giản hóa một khái niệm, vấn đề phức tạp thành hai thái cực: đúng hoặc sai, thất bại hoặc thành công, trắng hoặc đen. Tư duy này giúp con người cảm thấy an tâm hơn trước các vấn đề phức tạp, tuy nhiên lại khiến chúng ta khó hình dung về những thứ không thuộc trật tự quen thuộc. 

Tư duy nhị phân còn tạo tiền đề cho những khuôn mẫu về vai trò giới (gender stereotype) và chuẩn mực giới (gender norm), ví dụ con trai chọn màu xanh - con gái chọn màu hồng. Đồng tính nằm ngoài khuôn mẫu của tư duy nhị phân nên thường bị áp đặt và đối diện với phản ứng trái chiều của xã hội.

Không chỉ có nam - nữ, còn rất nhiều biến số khác chạy quanh 2 cực này | Nguồn: CNBC

Để thoát khỏi khuôn mẫu, nhà nghiên cứu Bob Johansen đề xuất một lối tư duy có tên Full-Spectrum Thinking (tạm dịch: Tư duy quang phổ toàn phần). Tư duy này thôi thúc chúng ta khám phá các vùng xám giữa 2 cực trắng đen. Ông gợi ý, học nhiều thứ khác nhau, lắng nghe kỹ hơn và gặp gỡ nhiều người có thể giúp tâm trí bạn rộng mở. 

Cuộc khảo sát trưng cầu ý dân năm 2013 của iSEE khám phá ra một điều bất ngờ: người quen biết và tiếp xúc với người đồng tính có xu hướng ủng hộ hôn nhân đồng giới cao gấp đôi người khác. Điều này cho thấy sự hiện hiện công khai của người đồng tính có tác động đến thái độ ủng hộ của xã hội, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức cố hữu về tư duy nhị phân.

8. Heteronormativity

Heteronormativity - Quy chuẩn hóa dị tính luyến ái cũng được phát triển từ tư duy nhị phân. Chiếu theo quy chuẩn này, dị tính được xem là xu hướng tình dục tự nhiên và duy nhất. Tại đó, đàn ông phải cư xử nam tính - phụ nữ cần dịu dàng, hoặc đàn ông làm trụ cột tài chính - phụ nữ chăm con. Đây là những giá trị làm nên hình mẫu lý tưởng về hôn nhân và gia đình truyền thống.

Nhờ được củng cố bởi pháp luật và truyền thông, quy chuẩn hóa dị tính còn trở thành trước đo cho các hình mẫu gia đình “phi truyền thống”, như cặp đôi đồng giới, hoặc gia đình có bố/mẹ đơn thân. Vì khác biệt với gia đình truyền thống chuẩn mực, những kiểu gia đình trên thường được coi là không có khả năng tạo ra môi trường giáo dục đủ tốt cho con trẻ. 

Quy chuẩn hóa dị tính cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ đồng giới, như sự phân chia top (vai chồng) và bottom (vai vợ) trong mối quan hệ đồng tính nam, hay định kiến cho rằng nhóm bottom thì có đặc điểm tính cách giống với phái nữ.

9. Sperm donation

Cũng theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Thụy Sĩ, nước này sẽ cho phép các cặp đồng tính nữ được tiếp cận dịch vụ hiến tặng tinh trùng (sperm donation) và thụ tinh nhân tạo (artificial insemination).

Hiến tặng tinh trùng là quy trình mà một người đàn ông sẽ hiến tặng mẫu tinh dịch cho một cá nhân hoặc một cặp vợ chồng hiếm muộn. Người đàn ông cần trải qua các sàng lọc bước đầu, sau đó tinh trùng sẽ được đánh giá để chọn ra mẫu chất lượng nhất.

Tinh trùng được hiến tặng sẽ đưa vào cơ quan sinh sản của người phụ nữ (thụ tinh trong tử cung) hoặc được dùng để thụ tinh cho trứng trong phòng thí nghiệm (thụ tinh trong ống nghiệm). 

Các cặp đồng tính nữ sẽ được tiếp cận dịch vụ hiến tặng tinh trùng và thụ tinh nhân tạo 

Với người Việt, hiến tặng tinh trùng là một khái niệm còn mới. Tính đến năm 2019, Việt Nam có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản nhưng số lượng mẫu ở các ngân hàng tinh trùng rất ít, chỉ có 1 đến 3 mẫu gửi. Tâm lý ngại hiến tặng tinh trùng một phần xuất phát từ rào cản văn hóa, một phần xuất phát từ việc thiếu đi mức đãi ngộ hợp lý. Thay vì được trả tiền cho mỗi lần hiến tặng như chính sách của các nước châu Âu, người hiến tặng ở Việt Nam cần bỏ ra chi phí để tự khám nghiệm sức khỏe.