Đạo diễn Lê Hoàng (lại) phát ngôn gây sốc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Đạo diễn Lê Hoàng (lại) phát ngôn gây sốc

Trước những bình luận trái chiều về phát ngôn này của đạo diễn Lê Hoàng, vì sao bạn nên ngừng quan tâm?
Đạo diễn Lê Hoàng (lại) phát ngôn gây sốc

Nguồn: Có hẹn lúc 22 giờ

Không đến hẹn nhưng vẫn lên, những ngày qua cộng đồng mạng (lại) được dịp dậy sóng trước phát ngôn của đạo diễn Lê Hoàng. Cụ thể, đây là phát ngôn trong tập 16 của chương trình “Có hẹn lúc 22 giờ”.

Theo đó, một phần cắt ra trong toàn bộ phát ngôn của ông ở chương trình đã bị giật tít bởi nhiều trang tin với tiêu đề “Phụ nữ càng có học thức càng ít khóc.”

Trước những bình luận trái chiều về phát ngôn này, vì sao bạn nên ngừng quan tâm?

Không quan tâm bởi định kiến về khóc đã lỗi thời

“Khóc” + “phụ nữ” từ lâu đã là kết hợp mang nhiều định kiến. Xưa nay, việc khóc hay bị gán cho cái tính “đàn bà” và chúng ta đều thừa biết câu “đồ đàn bà” hiếm khi là một lời khen.

Tính nữ, dù là một đặc điểm mà giới nào cũng có (dù bạn là đồng tính hay dị tính) nhưng trước giờ lại bị thiệt thòi hẳn so với tính nam. Người ta cấm sao nam ăn mặc ẻo lả, chứ một cô gái ăn mặc phong cách tomboy có khi lại được khen là ngầu. Và khóc, thứ thường bị gán cho tính nữ, cũng đi kèm luôn cái mác ủy mị, yếu đuối.

Những sự ngầm hiểu đằng sau từ “khóc” là một phần khiến phát ngôn này gây sóng gió. Ở viễn cảnh khác, nếu tiêu đề bị giật tít là “phụ nữ càng có học thức càng ít ngáp” thì thay vì những lùm xùm tranh cãi, có khi chúng ta lại có một vựa meme.

Nhưng thực ra thì cũng như cười hay ngáp, khóc thuộc về bản năng con người. Ngoài giúp bình ổn tâm trạng, khóc là một hình thức giao tiếp xã hội để con người tìm thấy sự liên kết, đồng cảm với nhau, bất kể bạn thuộc giới nào.

Không quan tâm vì đây không phải là lần đầu chương trình có phát ngôn gây tranh cãi

Trước phát ngôn này, đạo diễn Lê Hoàng cũng đã có loạt phát ngôn gây tranh cãi khác như:

“Đàn ông nếu yêu một phụ nữ làm nail hoặc bán hàng online thì gia đình anh ấy sẽ e ngại vì nghi ngờ cô ấy học thức kém”

hoặc

“Gái mà xấu thì tốt nhất đừng xăm, không lại càng xấu hơn!”

Tất cả những phát ngôn này đều xuất phát từ chương trình Có hẹn lúc 22 giờ được phát sóng vào thứ 7 hằng tuần trên HTV9. Theo lời giới thiệu từ chương trình, Có hẹn lúc 22 giờ sẽ có sự xuất hiện của 3 “quý ông” ngồi trên ghế sofa và bàn luận "những câu chuyện xoay quanh về chủ đề nóng hổi đang được nhiều khán giả quan tâm”.

3 Quý ông bàn luận về những chủ đề được quan tâm. | Nguồn: Có hẹn lúc 22 giờ

Bất quá tam, ngoài đạo diễn Lê Hoàng, có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi về công thức tạo sóng (gió) này từ chương trình để tránh tình trạng uống nhầm “rượu cũ bình mới”.

Bên cạnh đó, format của những TV show giải trí cũng đáng để xem xét. Cụ thể ở đây là khi những “quý ông” ngồi xuống bàn luận về chủ đề được nhiều người quan tâm, mà chủ đề thì lại là câu chuyện liên quan đến “quý bà”.

Không quan tâm vì định kiến giới lúc nào cũng là “cần câu view”

Không nhất thiết là phải đến từ đạo diễn Lê Hoàng, bất kỳ phát ngôn nào về khuôn mẫu giới nào đều có khả năng mang lại một lượng tương tác cao. Mô típ của những kiểu phát ngôn ngày nhìn chung sẽ là “đàn ông thế này…”, “đàn bà thế kia...”, “nam giới nên…”, “phụ nữ không nên…”

Những quan điểm mang tính nhị nguyên như trên thường sẽ đánh vào hai tâm lý:

  • Thiên kiến xác nhận: tức những người ngay từ đầu đã mang sẵn định kiến nam-nữ và chỉ chờ đến lúc một người nổi tiếng đồng tình để được dịp củng cố lòng tin của mình.
  • Thiên kiến tiêu cực: tức những người có sẵn ác cảm với các phát ngôn mang tính phân biệt giới. Lúc này họ chỉ chú ý, ghi nhớ sử dụng thông tin tiêu cực (ở đây là những câu giật tít có mùi định kiến) mà không quan tâm mấy đến ngữ cảnh của phát ngôn.

Dù là thiên kiến nào thì chúng cũng tác động đến cảm xúc, khiến bạn không nén nổi việc tương tác với bài đăng có chứa phát ngôn. Từ trực tiếp như lăn xả vào cuộc tranh luận đến gián tiếp như để lại dấu (.) để hóng diễn biến.

Điều này vô tình tạo ra một vòng lặp. Các đơn vị truyền thông có khả năng thu lợi từ những “chiêu bài” này sẽ lại tiếp tục vận dụng nó để câu view. Và đôi khi nó khiến chúng ta đặt quá nhiều năng lượng vào những phát ngôn gây tranh cãi mang tính bề mặt hơn là thật sự thấu hiểu câu chuyện đằng sau định kiến.

Không biết phụ nữ có học thì có ít khóc không, nhưng phụ nữ đi học thì tốn nhiều tiền

Tạm gác lại phát ngôn của vị đạo diễn, câu chuyện định kiến giới ngày nay có muôn hình vạn trạng hơn nhiều. Cụ thể đây là trường hợp của trường Bùi Thị Xuân. Năm học này, trường có quy định mới về đồng phục như sau: nữ sinh mặc áo dài thứ hai, mặc váy thứ ba, thứ năm, và mặc quần các ngày còn lại như nam sinh.

Về cơ bản, nếu các nam sinh chỉ cần một kiểu đồng phục thì các nữ sinh sẽ cần tới ba bộ: áo dài, váy và quần. Theo ước tính được chia sẻ bởi PGS.TS Nguyễn Phương Mai, với quy định này bố mẹ của các em học sinh nữ phải chi 1,6 triệu riêng cho tiền đồng phục, gấp 2 lần các học sinh nam. Người ta gọi đây là pink tax (thuế hồng) tức cái giá cao hơn mà bạn phải chi, chỉ bởi vì bạn là phụ nữ.

Có lẽ lúc này “khóc” không chỉ là chuyện của giới tính hay học thức nữa, mà đó là câu chuyện của những người phải nhận tờ hóa đơn thanh toán tiền đồng phục.