Ba lời khuyên tệ nhất từ The Present Writer | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 07, 2022
Chất Lượng Sống

Ba lời khuyên tệ nhất từ The Present Writer

Lời "tự thú": Qua 6 năm viết lách và làm nội dung, mình nhận thấy một số lời khuyên của mình trước đây chưa thực sự thỏa đáng, đầy đủ và thực tế.
Ba lời khuyên tệ nhất từ The Present Writer

Nguồn: The Present Writer.

Có rất nhiều điều trước đây mình từng chia sẻ mà khi trưởng thành hơn, nhìn lại, mình nghĩ chúng không thực sự là lời khuyên tốt. Hoặc chúng là những lời có ý định tốt, nhưng cách diễn giải của mình ngày đó chưa đủ đa chiều.

Trong bài viết này, Chi sẽ tự “đấu tố” với The Present Writer và rút ra ba lời khuyên mà mình thấy là tệ nhất.

Đây cũng là lời nhắn nhủ chân thành từ mình gửi đến những bạn đã theo dõi The Present Writer trong thời gian qua. Nếu có lời khuyên nào trong bài viết này có ảnh hưởng đến bạn, mình cũng mong bạn hiểu rằng, mình cũng là một người đang phát triển, đang trưởng thành như bạn.

Khi mình cảm thấy nhân sinh quan, thế giới quan của mình đã khác đi so với trước đây, mình sẽ nói với các bạn để cùng chiêm nghiệm và thay đổi.

1. Luôn tìm mặt tích cực của một vấn đề

Khi còn ở tuổi thiếu niên mình từng tự hào về khả năng suy nghĩ tích cực của bản thân. Ví dụ, khi bị điểm kém, mình thường nghĩ rằng điểm số này đến thật đúng lúc vì mình đang cần động lực để ôn lại từ đầu. Khi bị bạn bè chơi xấu, mình nghĩ thật may vì chuyện này xảy ra sớm để mình nhận ra bản chất của người bạn đó.

Đến những năm đầu của tuổi hai mươi, mình vẫn rất tự tin về cái nhìn lạc quan của mình. Thái độ này thể hiện rõ ra bên ngoài đến mức bạn bè và đồng nghiệp thường hỏi mình bí quyết để có thể luôn vui vẻ yêu đời như vậy. Khi đó tất cả những gì mình có thể chia sẻ là “bạn hãy cố gắng tìm ra mặt tích cực của vấn đề”.

Đó là cách tốt nhất mà mình biết và là điều duy nhất mà mình đã làm để thấy hạnh phúc ở thời điểm đó. Nhưng nhìn lại đó là một lời khuyên thật tệ, vì mình nhận ra, càng trưởng thành mình càng khó duy trì tư duy tích cực.

Khi còn nhỏ mình may mắn có một tuổi thơ bình yên, được ba mẹ che chở. Mối quan tâm duy nhất chỉ là học tập và quan hệ bạn bè. Vì thế mình dễ tìm được mặt tích cực trong cuộc sống hơn những bạn phải lớn lên trong hoàn cảnh gia đình thường xuyên lục đục, kinh tế thiếu thốn, hay sớm phải xa người thân lên thành phố vừa học và vừa trang trải kiếm sống. Đây là những điều mà mãi về sau này, khi sống ở nước ngoài một mình, mình mới phải trải qua.

Càng lớn mình càng cảm thấy cuộc sống đầy áp lực. Nếu như trước đây thất bại chỉ là bị điểm kém, bị trượt học bổng, bị người lớn chê trách, thì bây giờ thất bại đồng nghĩa với thụt lùi về sự nghiệp, khó khăn về tài chính và thất vọng với gia đình. Ngày trước không thích bạn nào thì có thể nghỉ chơi với bạn đó, còn bây giờ có những người dù mình không thích cũng vẫn phải chạm mặt, thậm chí cười nói với họ mỗi ngày về công việc.

Có khoảng thời gian hơn một năm mình sống rất u tối, thường xuyên lo lắng căng thẳng, mất ngủ, không kiểm soát được thói quen ăn uống và mua sắm. Tâm lý đi xuống cũng khiến mình thường xuyên lên cơn đau dạ dày và đau lưng kinh khủng.

Cứ như thế mình trở thành một người tiêu cực, và càng tiêu cực mình lại càng ghét bản thân mình, thấy bản thân mình thất bại vì vốn đã quen với hình ảnh bản thân vui vẻ yêu đời. Thậm chí có ngày mình không thể ra được khỏi giường nên phải tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý.

Nhưng khoảng thời gian tối tăm ấy đã khiến mình nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và đưa mình đến với ngành tâm lý học tích cực (positive psychology) để hiểu ra rằng không có gì sai ở việc tìm ra mặt tích cực của một vấn đề.

Vấn đề là nếu chỉ áp dụng điều này theo cách cứng nhắc và một chiều, mình rất dễ rơi vào cái bẫy “tích cực độc hại” (toxic positivity). Tức là mình ép bản thân phải vui cười, cố đè nén cảm xúc buồn bực xuống trong khi vẫn chưa thực sự nhìn ra mặt tốt của sự việc.

Coacute khi migravenh khocircng cần cố gắng vui lecircn magrave lagrave tạm rời xa nỗi buồn để nhigraven toagraven cảnh
Có những khi mình không cần cố gắng vui lên, mà là cần tạm rời xa nỗi buồn để nhìn toàn cảnh.

Thế nên bây giờ nhìn lại chính mình của những năm 20, mình sẽ khuyên đi khác đi một chút. Cụ thể, khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn thì trước hết hãy dành thời gian cho bản thân, để nỗi đau lắng xuống, để mình hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đừng ép bản thân phải quên chuyện buồn thật nhanh. Thời gian qua đi có khi mình lại nhìn được mặt tốt của vấn đề, hoặc là nhìn thấy được cách để giúp tình hình tốt hơn.

Ngoài ra, ở phía người đưa ra lời khuyên, mình cũng hãy hiểu rằng thế giới này có rất nhiều kiểu người. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng và cách xử lý cảm xúc riêng, nên hãy cảm thông và đừng thúc ép người khác bằng câu nói “Vui lên, có gì đâu mà buồn. Cái gì cũng có hai mặt mà.”.

2. Đừng bao giờ bỏ cuộc

Ngày xưa khi đang học cấp hai cấp ba, mình cùng nhiều bạn bè từng viết dòng chữ “Don’t give up!” lên khắp nơi, từ sổ, vở, đến cục tẩy, cây thước. Mỗi lần nhìn thấy dòng chữ tuy bé ấy, chúng mình như được nhắc nhở: đừng vì học hành căng thẳng mà từ bỏ vạch đích là đậu đại học. Có lẽ đến giờ nhiều bạn học sinh vẫn còn làm tương tự.

Nhưng đến lúc này mình nhận ra rằng, có rất nhiều mục tiêu trong cuộc đời dễ đạt được hơn nếu mình kiên trì khi còn trẻ. Tất nhiên, mục tiêu đậu đại học, hay đạt học bổng không đơn giản, nhưng các mục tiêu này thường chưa ràng buộc mình với các trách nhiệm liên quan đến người khác.

Sự khác biệt có thể thấy rõ khi so sánh với khi đi làm. Trong một vài những dự án dài hơi, mình từng rất nhiệt huyết lúc ban đầu, nhưng đến nửa chặng đường cả nhóm bắt đầu gặp nhiều vấn đề, rồi một vài người làm chung với mình không còn giữ hoài bão ban đầu nữa. “Ước mơ chung” ban đầu vì vậy mà khó thành hiện thực.

Ngoài ra, đôi khi mục tiêu mình đặt ra chưa thực tế. Đúng là “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Không có thành công nào mà không có cố gắng, nhưng không phải tất cả các cố gắng đều được đáp trả bằng thành công.

Do vậy khi gặp khó khăn thì đừng nên bỏ cuộc ngay, nhưng nếu bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn không cảm thấy hạnh phúc bên trong mình, thì tốt hơn hết đừng cắn răng chịu đựng mà dẫn đến tự huỷ hoại bản thân.

Thời còn làm hồ sơ du học, mình được một người chị rất tốt bụng và từng có học bổng toàn phần tại Mỹ giúp sửa hồ sơ và bài luận. Trong quá trình kết nối với chị, mình biết chị từng học thạc sĩ một năm nhưng nghỉ giữa chừng về Việt Nam. Mình ngạc nhiên hỏi chị, tại sao một người giỏi như chị lại không học hết chương trình. Chị nói rằng, sau khi học được một thời gian chị cảm thấy không thích ngôi trường đang học và thấy mình có tiềm năng và hứng thú để học ở trường Harvard hơn.

Mình cũng hỏi lại chị, đúng Harvard là ngôi trường hàng đầu của Mỹ thật, nhưng nó có thực sự đáng để chị bỏ học bổng đã có giữa chừng như vậy không. Nghe vậy chị đáp, chị rất quyết tâm, không bỏ cuộc cho đến khi kiếm được học bổng vào Harvard. Mình thực sự hâm mộ chị ở thời điểm đấy vì đã dám đưa ra những quyết định như vậy.

Sau một thời gian thì chị ấy vẫn tiếp tục ở Việt Nam đi làm, đồng thời đi học thêm và vẫn nuôi ước mơ đến được Harvard trong nhiều năm liền. Mãi sau này, khi mình đã nhận được học bổng Tiến sĩ ở Penn State, mình có liên hệ lại với chị để gửi lời cảm ơn thì chị đã gửi lời chúc mừng và hỏi rằng “bao giờ em định chuyển sang Harvard học?”.

Mình rất ngạc nhiên khi nhận ra trong suy nghĩ của chị, trong tất cả các trường ở Mỹ chỉ có Harvard là số một, và một khi bạn đã vào được một trường khác thì bạn chắc chắn là sẽ bảo lưu và chuyển trường sang Harvard nếu có cơ hội. Dường như ước mơ của chị mãnh liệt đến mức chị áp đặt nó lên người khác mà không nhận ra.

Sau này khi mình có điều kiện nói chuyện lại với chị và người quen của chị, mình cũng nhận ra rằng ước mơ Harvard không hẳn là ước mơ của chị, mà là ước mơ từ phim ảnh, sách báo, từ những lời ca tụng của người khác.

Mình kể cho bạn câu chuyện này vì muốn nói với các bạn rằng, khi có một ước mơ nào đó thì hãy nhìn lại xem ước mơ đấy có thực sự là ước mơ của mình không. Ước mơ thì phải có yếu tố viển vông mới gọi là ước mơ, nhưng ước mơ cũng có nhiều phần trăm thực tế trong đó.

Đatilde gọi lagrave ước mơ thigrave phải coacute yếu tố viển vocircng nhưng ước mơ cũng cần nhiều phần trăm thực tế
Đã gọi là ước mơ thì phải có yếu tố viển vông, nhưng ước mơ cũng cần nhiều phần trăm thực tế. | Nguồn: Sebastián León Prado/ Unsplash

Bản thân mình là một người mơ ước rất nhiều nên mới đến được ngày hôm nay, nhưng mình nghĩ rằng bên cạnh việc dám ước mơ thì phải biết mình là ai đã. Mình phải hiểu rằng mọi thành công đều có may mắn. Khi mình có cơ hội phù hợp thì nên nắm lấy.

Ví dụ, khi bạn đang trên con đường theo đuổi mục tiêu A nhưng bạn có cơ hội đến nơi A’ thì bạn đừng vội từ chối A’ chỉ vì nó chưa phải là đích đến hoàn hảo. Thành công có rất nhiều đường vòng để đến nếu bạn không thể đi thẳng ngay lập tức.

3. Mình làm được, bạn cũng thế

Nhiều người thấy mình được học bổng du học rồi bây giờ làm giáo sư tiến sĩ ở nước ngoài thì hay nghĩ rằng chắc mình là “siêu sao” thời còn đi học. Nhưng phải nói rằng mình học tốt, nhưng chưa bao giờ là xuất sắc cả. Mình chưa từng nằm trong top đầu của lớp. Gia đình mình cũng chỉ có điều kiện cơ bản với ba mẹ làm công chức bình thường. Nhìn lại thời đi học, mình thấy bản thân chỉ có một năng khiếu là viết văn, chấm hết.

Thế nên, khi mình cảm thấy rằng bản thân đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được nhiều ước mơ riêng, mình đã nghĩ ai cũng có thể làm được giống mình nếu họ cố gắng. Do đó mình đã đưa ra lời khuyên trên kia cho nhiều bạn như một lời truyền cảm hứng cho họ.

Nhưng khi càng trưởng thành và làm nhiều công việc cùng một lúc, mình mới hiểu thêm về bản thân và người khác. Và với tất cả sự khiêm nhường, mình nhận ra rằng: không phải ai cũng có thể làm được những điều mình đang làm.

Không phải ai cũng có thể quản lý thời gian tốt. Không phải ai cũng có khả năng tập trung cao độ, làm việc đến mức “quên hết sự đời” khi cần. Cũng phải nói rằng, mình rất may mắn khi có chồng hỗ trợ rất nhiều để mình có thể làm được điều đó và cân bằng cuộc sống.

Ví dụ, khi có một dự án quan trọng nào đó, mình sẽ nhờ chồng chăm con trong vòng hai ba ngày để mình hoàn thành công việc. Khi bắt đầu làm, mình có thể quên ăn quên ngủ, không kiểm tra email, điện thoại, mặc kệ vật đổi sao dời ngoài kia.

Mình cũng không cần ép bản thân làm điều đó mà chính bản thân muốn làm và thực sự thích cảm giác tập trung tuyệt đối. Mình nhận ra đó là điểm mạnh giúp mình trở thành một nhà nghiên cứu.

Để coacute thể lagravem nhiều việc cugraveng luacutec migravenh cũng cần sự hỗ trợ từ gia đigravenh
Để có thể làm nhiều việc cùng lúc mình cũng cần sự hỗ trợ từ gia đình.

Do vậy, nếu nói rằng “mình làm được, bạn cũng thế” thì mình đang giả định hoàn cảnh sống của mình, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng đặc biệt của mình bạn đều có...

Đây là một giả định không thực tế. Nó chưa tính đến tính bất công bằng, bình đẳng trong xã hội và dễ tạo ra áp lực cho người nhận được lời khuyên. Khi bạn cũng nỗ lực và áp dụng những kiến thức mà mình hay ai đó chia sẻ nhưng không đạt được sự tập trung cần có, hay không có được sự ủng hộ từ gia đình, bạn có thể sẽ cảm thấy rằng mình kém cỏi, không bằng người đưa ra lời khuyên.

Nhưng sự thật không phải vậy, vì mỗi người là một bản thể riêng biệt. Bạn có những điểm mạnh mà mình không có. Bạn cũng có thể lớn lên và đang sinh sống trong một môi trường khác, tối ưu để phát triển cho một sự nghiệp, công việc khác của mình.

Như vậy lời khuyên xuất phát từ sự khiêm tốn, từ mong muốn truyền cảm hứng, năng lượng tích cực của mình vô hình trung lại biến thành lời tiêu cực, tạo sự so sánh không cần thiết.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn chỉ có thể “xem cho biết” những kiến thức mình chia sẻ. Bạn hoàn toàn có thể so sánh sự khác biệt, thử nghiệm và điều chỉnh để áp dụng tốt nhất những lời khuyên của mình vào hoàn cảnh của bạn, trên hành trình đến với ước mơ của riêng bạn.

Kết

Ngày trước, mình có tự đặt câu hỏi trong nhật ký là “mình muốn The Present Writer sẽ như thế nào?”. Lúc đó, mình đã viết rằng The Present Writer sẽ là khu vườn xanh yên tĩnh, một nơi yên bình và mang đầy năng lượng tích cực. Nhưng lúc này mình nghĩ rằng mình muốn mang vào một chút gai góc cho khu vườn đó, nghĩa là các bài viết sẽ có thêm góc nhìn đa chiều.

Con người không ngừng lớn lên. Cuộc sống không ngừng thay đổi, và những ý kiến của mình ngày hôm nay biết đâu sẽ tiếp tục được điều chỉnh về sau. Thế nên khi bạn lắng nghe lời chia sẻ của bất kỳ ai đó, ngay cả mình, thì hãy đón nhận với tâm thế cởi mở để tiếp thu, và phản biện để thấy sự khác biệt cần điều chỉnh cho hoàn cảnh riêng của mình nhé.