Bảo Nguyễn: Vị đạo diễn tự hào kể câu chuyện của người châu Á | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 05, 2021
Điện Ảnh

Bảo Nguyễn: Vị đạo diễn tự hào kể câu chuyện của người châu Á

"Tôi khao khát được kể nhiều câu chuyện hơn nữa."
Bảo Nguyễn: Vị đạo diễn tự hào kể câu chuyện của người châu Á

Bảo Nguyễn

Nối tiếp Hồi Một, Hồi Hai là series kể những câu chuyện về những nhà làm phim Việt Nam gạo cội, và những khoảnh khắc đã thay đổi họ trên con đường điện ảnh.


Bảo Nguyễn là đạo diễn người Mỹ gốc Việt, anh được biết đến nhiều nhất qua những tác phẩm mang tầm quốc tế về những người mang dòng máu châu Á, và những vấn đề về sắc tộc, căn tính mà người châu Á phải đối mặt. Gần đây anh vừa được tổ chức Gold House bầu chọn vào danh sách 100 người châu Á ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021.

bảo nguyễn
Bảo Nguyễn tại Liên hoan phim Busan. | Nguồn: nhân vật.

Chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng Bảo Nguyễn ở một thời điểm đặc biệt. Anh nói rằng giai đoạn này là một giai đoạn mang tính “xoay trục” với con đường điện ảnh của anh.

Trong năm vừa qua, người châu Á tại các quốc gia phương Tây đã trở thành tâm điểm mới của kỳ thị chủng tộc. Giai đoạn đặc biệt này của xã hội đã tiếp cho Bảo nguồn năng lượng mới, giúp anh làm việc mà không biết mệt.

Nói chuyện với Bảo, tôi cảm nhận được tầm quan trọng của việc kể những câu chuyện của người châu Á một cách thật đều đặn, thật cá nhân, và hiển nhiên, thật đẹp dưới cái nhìn điện ảnh. Và Bảo đã làm tôi tin rằng, điện ảnh sẽ kể được những câu chuyện châu Á một cách vừa rõ nét nhất cho thế giới, lại vừa gần gũi với người châu Á nhất, vì cách chúng ta thể hiện tình cảm cũng tương đồng với một quy tắc muôn đời của điện ảnh: show, don’t tell.

1. Con đường điện ảnh của Bảo Nguyễn

Sau 11 năm kể từ khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành điện ảnh, tới nay anh đã làm nhiều phim tài liệu, phim ngắn, MV, và phim điện ảnh. Năm 2020, phim tài liệu Be Water của anh đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng điện ảnh quốc tế khi được đề cử giải thưởng ở nhiều liên hoan phim lớn nhỏ và chọn trình chiếu ở Liên hoan phim Cannes.

Đây là tác phẩm đặc biệt ý nghĩa với người châu Á trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, khi làn sóng kỳ thị người gốc Á đang dâng cao tại Mỹ. Trong bộ phim tài liệu về Lý Tiểu Long này, Bảo Nguyễn đã đem tới cho khán giả một góc nhìn cá nhân và gần gũi về những thăng trầm trong hành trình trở thành siêu sao quốc tế của huyền thoại võ thuật người Mỹ gốc Hồng Kông.

Lựa chọn một chủ thể mang tính biểu tượng và nhìn nó qua một lăng kính khác biệt cũng chính là con đường mà Bảo Nguyễn chọn cho những thước phim của mình:

“Ai trên thế giới cũng biết Lý Tiểu Long, nhưng tôi không nghĩ ai cũng biết câu chuyện của ông ấy. Vì vậy tôi muốn kể về những nỗ lực của một cái tên đã quá quen thuộc. Giữa thời điểm mà người Mỹ gốc Á không được nhìn nhận là người Mỹ, thông qua Be Water, tôi muốn nhắc lại những đóng góp của cộng đồng người châu Á trong việc xây dựng nước Mỹ trên nhiều phương diện.

Bên cạnh đó, tôi mong những người châu Á tìm thấy cảm hứng và sức mạnh khi quan sát hành trình nỗ lực của một tượng đài, cùng với những khía cạnh rất đời thường của Lý Tiểu Long.

Đã mất nhiều thập kỷ để người Mỹ gốc Á cảm thấy như mình có cơ hội để kể câu chuyện của mình, và tới giờ vẫn rất khó. Tôi cảm giác rằng có rất ít cơ hội được dành ra cho cộng đồng chúng ta. Sau khi Minari tạo tiếng vang trong mùa Oscar năm nay, người ta nói rằng: ‘Năm nay có Minari rồi, không nên làm thêm phim về người Mỹ gốc Á nữa.’

Và tôi hy vọng tư duy này sẽ thay đổi, vì người Mỹ gốc Á bao gồm cả gốc Việt, gốc Ấn, gốc Hoa, gốc Nhật,... và họ đều có những câu chuyện khác nhau để kể. Người châu Á thì biết rõ sự khác biệt đó, vì thế chúng ta cũng cần Hollywood hiểu được điều này. Đây là một thử thách lớn, vì chúng ta vừa cần làm bật lên sự đa dạng trong cộng đồng Mỹ gốc Á, vừa phải thống nhất với nhau để cùng lên tiếng.

Vậy nên trong giai đoạn này, tôi cần phải biết được lúc nào tôi là một người Mỹ gốc Á, lúc nào là một người Mỹ gốc Việt.”

Chúng ta cần những câu chuyện hay để đem đến sự thay đổi

Dù làm phim về những vấn đề xã hội, Bảo Nguyễn lại không nghĩ mình là một nhà hoạt động xã hội. Anh xem mình là một người dân, sống cùng những người dân khác, và làm ra nghệ thuật để thay đổi cách nhìn nhận về cộng đồng sắc tộc của mình:

“Tôi không nghĩ bản chất của con người là kỳ thị, mà chính hệ thống đã dạy cho họ điều đó (tác giả: systemic racism - kỳ thị chủng tộc ở cấp độ hệ thống, khiến người da màu không thể thăng tiến trong xã hội). Qua việc kể chuyện, bạn có thể đem tới những thay đổi tới hệ thống này. Đầu tiên là thay đổi góc nhìn và thái độ của đại chúng về một chủng tộc, từ đó tạo đủ sức ép từ nhân dân để thay đổi luật pháp, và chỉ có luật pháp mới thay đổi được hệ thống.”

Sau khi Be Water ra mắt, đã có nhiều nhà sản xuất tìm tới Bảo với mong muốn kể thêm những câu chuyện châu Á, nhưng anh lại từ chối vì không muốn bị đóng khuôn là một người chỉ kể những câu chuyện Mỹ gốc Á. Nhưng vì những sự kiện trong năm 2020 vừa qua, anh đã nhận ra rằng nếu mình không làm việc này, thì ai sẽ làm?

“Nó làm tôi cảm thấy tự hào vì là người Mỹ gốc Việt, làm tôi khao khát muốn kể nhiều câu chuyện hơn. Nó cho tôi năng lượng để làm việc rất nhiều mà chẳng thấy mệt, dù làm rất nhiều dự án. Nó châm lửa cho tôi và làm tôi nảy nở. Tôi đã sẵn sàng cho thử thách kể nhiều chuyện hơn và đại diện cho cộng đồng của mình.” - Bảo nói.

2. Sự hiện diện châu Á tại Hollywood

Nếu theo dõi điện ảnh Hollywood, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng những bộ phim kể câu chuyện riêng tư của người Mỹ gốc Á. Dù văn hóa châu Á cũng là một phần tạo nên văn hóa Mỹ như văn hóa Âu, Phi, Latin, nhưng với điện ảnh Hollywood, văn hóa và con người phương Đông thường được nhìn nhận như một thứ lạ lẫm. (exotic).

“Vấn đề của những người Mỹ gốc Á là chúng tôi ngay lập tức được liên hệ với “sự khác biệt”, mặc dù chúng tôi đã ở đây qua nhiều thế hệ: những người Philippines đầu tiên đã tới Mỹ từ những năm 1500, sau đó là người Trung Quốc xây đường tàu đã tới đây từ những năm 1800, sau đó là những người Nhật. Dù chúng tôi đã ở Mỹ trong một thời gian dài, chúng tôi vẫn được xem là “visible minority” – (tạm dịch: những người thiểu số thấy rõ)

PSA Stop Asian Hate
Hình ảnh trên trường quay video 'Together' - nơi những người châu Á có ảnh hưởng lên tiếng về nạn kỳ thị chủng tộc. | Nguồn: nhân vật.

Người châu Á tại Mỹ vẫn chưa được tìm hiểu và trân trọng như một phần của nước Mỹ. Con người và văn hóa châu Á vẫn luôn gặp phải những câu hỏi tréo ngoe, những ánh mắt tò mò. Bảo lấy một ví dụ: phần lớn người Mỹ thường mang luôn cả giày vào nhà, không như những gì người châu Á chúng ta được dạy ngay từ bé. Anh chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng tôi cởi giày trước khi vào nhà vì tôi tôn trọng căn nhà đó và không muốn mang đất bẩn từ ngoài vào, chứ không phải tôi cởi giày vì tôi là người châu Á.”

Cơ hội tiếp xúc với đa dạng những nền văn hóa tại Mỹ đã giúp Bảo Nguyễn có sự đối chiếu, và nhận ra ý nghĩa đằng sau những phong tục của mình. Việc tìm hiểu ý nghĩa cho mọi thứ diễn ra trong cuộc sống cũng là điều khiến Bảo Nguyễn tốt hơn trong việc kể những câu chuyện điện ảnh.

Việc thiếu vắng những câu chuyện đa chiều về người Mỹ gốc Á cũng khiến cho họ có cái nhìn thiếu sót về bản thân và nguồn gốc của mình

Trong một thời gian dài, câu chuyện của người Việt qua đôi mắt người Mỹ và thế giới chỉ được nhìn qua lăng kính của cuộc chiến tranh Việt Nam. Thậm chí, nếu có được nhắc tới, thì câu chuyện chiến tranh cũng chưa được nhắc tới dưới góc nhìn của một người Mỹ gốc Việt. Hơn nữa, ngoài cuộc chiến tranh, người Mỹ gốc Việt còn có nhiều câu chuyện khác nữa. Do đó, việc làm nên một bộ phim nhiều lớp lang, nhiều sắc thái là điều rất quan trọng với Bảo Nguyễn.

Bảo trích một câu nói từ nhà văn Juno Diaz: “Quái vật không nhìn thấy mình phản chiếu trong gương, nên nếu muốn biến một người thành quái vật, ta chỉ cần xóa bỏ hình ảnh phản chiếu của họ, ở một mức độ văn hóa.” Và anh nghĩ rằng, trong một thời gian rất dài, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã không được nhìn thấy sự hiện diện của mình trên phương tiện đại chúng Mỹ.

Chính Bảo cũng chịu ảnh hưởng của điều này: việc một đứa trẻ Mỹ gốc Á lớn lên xem toàn những câu chuyện của những gia đình Mỹ da trắng sẽ dễ tạo ra những mâu thuẫn nội tâm, vì tình thân gia đình trong phim Mỹ được khắc họa rất khác so với những gì diễn ra trong một gia đình châu Á như gia đình của Bảo Nguyễn.

where are you really from
Bảo Nguyễn lúc bé. | Nguồn: Where are you really from - Bảo Nguyễn.

“Tình yêu mà tôi biết thường được thể hiện qua văn hóa đại chúng phương Tây: trong phim Mỹ, tôi nhìn thấy bố mẹ nói rằng họ yêu bạn, họ ôm bạn, rồi họ khóc. Tình yêu đó rất khác với tình yêu tôi nhận được từ bố mẹ mình. Thế nên tôi cảm thấy cô đơn, và tự hỏi vì sao bố mẹ không yêu thương mình giống như những người Mỹ trắng trên TV?

Và điều này không công bằng với họ. Đó có phải lỗi của họ đâu, họ chỉ trao cho tôi một kiểu tình yêu khác.

Đúng là bố mẹ châu Á thường không nói lời yêu thương, hay tỏ ra yếu đuối, nhạy cảm trước mặt con cái. Nhưng tình yêu của bố mẹ châu Á được thể hiện rất nhiều qua hành động mà những đứa con dễ lãng quên: họ sẽ chăm sóc cho cơ thể của bạn khi bạn ốm, họ sẽ nắn bóp chân tay cho bạn, họ sẽ cạo gió cho bạn,...

Bằng sức mạnh của điện ảnh, tôi muốn thay đổi cách người ta nhìn nhận về tình thân gia đình, rằng tình hành động của tình yêu cũng là tình yêu, nó cũng khiến bạn cảm thấy được yêu thương, cảm thấy mình đặc biệt và không còn cô đơn nữa.” - Bảo chia sẻ.

Sự nỗ lực được truyền qua nhiều thế hệ

Bảo Nguyễn ý thức rất rõ những hi sinh, những gì mà bố mẹ anh đã trải qua khi đến Mỹ. Và đó là câu chuyện chung của tất cả những người tị nạn từ khắp thế giới: họ rời bỏ quê hương của mình để dấn thân vào một chuyến hành trình mà họ có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Sự biết ơn thế hệ đầu tiên là động lực giúp thế hệ người Mỹ gốc Việt thứ hai như Bảo Nguyễn cố gắng trong những gì mình làm, và trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Anh cho rằng sự thấu cảm xuyên thế hệ này đã giúp cộng đồng người Mỹ gốc Việt thành công ở Mỹ.

screenshot
Bảo Nguyễn bên gia đình. | Nguồn: Where are you really from - Bảo Nguyễn.

Ngoài tri ân cho thế hệ trước, anh cũng biết rằng việc cố gắng thành công cũng sẽ tạo tiền đề cho những nhà làm phim thế hệ sau: họ có thể thấy rằng có một người Mỹ gốc Việt đã làm được việc này, rằng có một con đường dành cho họ:

“Lúc tôi lớn lên, có rất ít những người làm phim Mỹ gốc Việt thành công, và có thể sống bằng việc làm phim. Không có ai để tôi đưa cho bố mẹ và bảo rằng: 'Bố mẹ nhìn những nhà làm phim thành công này này. Con cũng có thể làm được chuyện này phải không?'

Và bởi vì không có nhiều trường hợp đó bằng những bác sĩ và luật sư giàu có, nên bố mẹ tôi thường bảo: ‘Họ đã tìm được con đường đúng đắn rồi, sao con không đi theo mà mạo hiểm làm gì?’

Và quyết định làm phim là sự mạo hiểm mà tôi đã chọn để đi theo đam mê của mình, cũng giống như ngày trước khi bố mẹ tôi mạo hiểm để tới Mỹ.”

3. Một số kinh nghiệm cho những người kể chuyện (storytellers) trẻ

Trong nghệ thuật và các bộ môn sáng tạo như điện ảnh, việc kể những câu chuyện phản ánh xã hội, cuộc sống có thể gặp hai vấn đề: một là sáng tạo của mình khiến người khác bị phản cảm, hai là dễ bị dính vào nghi vấn sao chép.

Khi được hỏi về những giới hạn trong sáng tạo, Bảo Nguyễn trả lời:

“Tôi cũng có dạy làm phim, và thường khuyên sinh viên đừng tự kiểm duyệt chính mình, đừng nghi ngờ chính mình, vì tất cả những người khác sẽ nghi ngờ bạn. Là một nghệ sĩ, bạn nên ‘vô giới hạn’ (boundless). Thế nhưng, hãy luôn đặt câu hỏi cho những quyết định của mình.

Với vai trò đạo diễn, bạn là người biết nhiều về phim của mình hơn những người khác, bạn là người đem những thứ trong đầu mình và đặt chúng lên màn ảnh. Thế nhưng, để giữ sự tò mò cần thiết cho công việc sáng tạo, đừng ngừng đặt câu hỏi về thế giới bên ngoài lẫn những quyết định của mình. Với một đạo diễn, việc tự vấn là để tìm ra câu trả lời cho những quyết định sáng tạo mình đưa ra. Như thế thì khi người khác thắc mắc hay nghi ngờ, bạn mới giải thích và bảo vệ được lựa chọn của mình.”

directing
Bảo Nguyễn trên trường quay 'Together'. | Nguồn: nhân vật.

Tuy Bảo tin rằng một người nghệ sĩ không nên có giới hạn trong sự sáng tạo, nhưng anh sẽ có giới hạn trong cách mình đối xử với câu chuyện của người khác:

“Nếu có một ranh giới, thì đó là ranh giới với những người khác. Nếu đang kể câu chuyện về một người khác, bạn cần phải cẩn trọng với những gì mình làm. Dù điện ảnh có là một bộ môn nghệ thuật, thì nó cũng là kiểu nghệ thuật có thể gây thương tổn, vì câu chuyện bạn kể ra có thể thay đổi cuộc sống của một người, dù là tích cực hay tiêu cực.

Việc quan tâm đúng mực và có trách nhiệm với câu chuyện mình kể ra sẽ giúp bạn giỏi hơn, và làm bạn cảm thấy biết ơn vì được là một nhà làm phim.”

Theo Bảo, để kể một câu chuyện hay, thì người kể chuyện có thể bắt đầu với những câu chuyện gần gũi mà mình hiểu về những con người, những cuộc đời xung quanh mình. Nếu một câu chuyện tới từ sự chân thật, hay trải nghiệm thật, thì bạn mới đem tới tiếng nói của mình một cách rõ ràng nhất.

“Nói vậy, nhưng cũng đừng ngại ‘trộm’ từ những nơi khác, như từ nghệ thuật, từ âm nhạc, phim. Kể chuyện là thứ đã tồn tại nhiều thế kỷ, vì vậy hãy học hỏi sự thông tuệ từ quá khứ. Hãy tìm ra mối liên hệ giữa những câu chuyện quá khứ với hiện tại, vì chúng đều là những câu chuyện về con người.”

Có một câu nói từ nhà làm phim người Mỹ Jim Jarmusch: ‘Không quan trọng là bạn lấy một thứ từ đâu, quan trọng là bạn đem nó đi tới đâu.’ "

Gợi ý phim từ Bảo Nguyễn:

  • Eat Drink Man Woman (1994) - đạo diễn Lý An.
  • Pain and Glory (2019) - đạo diễn Pedro Almodóvar.
  • Cyclo (1995) - đạo diễn Trần Anh Hùng.
  • Chungking Express (1994) - đạo diễn Vương Gia Vệ.
  • Nobody Knows (2004) - đạo diễn Hirokazu Koreeda.
  • Better Luck Tomorrow (2002) - đạo diễn Justin Lin.