Vietcetera đã tìm đến Hàm Trần và Bảo Nguyễn, hai nhà làm phim người Mỹ gốc Việt, để nghe hai anh chia sẻ về những thành quả mà phim Việt đã đạt trong những năm qua cũng như những gì khán giả có thể đón đợi trong năm 2020.
Hàm Trần
Trong loạt 6 phim Việt mới vừa được Netflix phát sóng vào tháng 1 vừa rồi, có 2 phim được Hàm Trần đạo diễn, đó là Đoạt Hồn (Hollow) soán ngôi phòng vé năm 2014 và Siêu Trộm (The Bitcoin Heist), phim Việt thể loại tội phạm đầu tiên. Với phim điện ảnh đầu tay mang về 16 giải thưởng điện ảnh quốc tế, Hàm Trần vươn lên và đạt được những thành công cả về mặt thương mại lẫn chuyên môn. Được gặp anh trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, Hàm Trần sẽ cùng độc giả Vietcetera điểm lại và chia sẻ những hiểu biết của anh về nền điện ảnh Việt đang rục rịch lên ngôi.
Siêu Trộm
Nhà làm phim người Việt nào làm anh chú ý nhiều nhất trong năm 2019?
Đạo diễn Trần Thanh Huy với phim Ròm chiếm nhiều sự chú ý nhất của tôi năm ngoái. Tôi cảm nhận được phong cách hình ảnh của anh rất đa dạng và có một năng lượng trẻ trung, táo bạo trong quá trình anh ấy dựng phim.
Anh trông chờ bộ phim trong nước nào nhất trong năm nay?
Tôi mong chờ được xem Bí Mật Của Gió, vì ngoài việc anh Bình đóng vai trò đạo diễn, kịch bản phim và phần hình ảnh cũng được con gái anh–Linh Đan–phụ trách sản xuất. Một đội làm phim có cả cha và con gái khiến tôi khá thích thú. Ban đầu tôi có nghĩ đến phim Trạng Tí (sản xuất bởi Ngô Thanh Vân), nhưng tôi vừa biết được phim sẽ dời ngày công chiếu đến năm 2021. Thật tiếc.
Ngoài ra, tôi còn tò mò về bản in thứ hai của Nguyễn Hữu Hoàng, Ảo Tượng. Phim đầu tay của anh, Trinh thám K, không nhận nhiều kết quả tốt, nhưng tôi tôn trọng nỗ lực của anh trong việc củng cố chiều sâu cho phim Việt.
Các nhà làm phim độc lập tại Việt Nam đang được công nhận nhiều hơn tại các liên hoan phim quốc tế. Liệu những sự công nhận này có biến thành thắng lợi tại các rạp trong nước?
Tôi mong là thế, vì sự nghiệp làm phim của tôi đi lên từ những liên hoan phim–tôi luôn nhận được sự ủng hộ tại các liên hoan, từ phim ngắn đến phim điện ảnh. Tuy nhiên, tôi nghĩ, không riêng gì Việt Nam, các giải liên hoan phim không nhất thiết phải đi liền với thàng công trong phòng vé. Tôi thấy mọi người thường liên tưởng phim thắng giải với phim nghệ thuật, vì vậy các liên hoan phim đang dần thương mại hoá những hạng mục của họ.
Các nhà làm phim không nên tự bó buộc mình giữa việc làm phim ‘chất lượng’ với phim ‘thương mại’. Tôi thấy Parasite là minh chứng tốt nhất cho việc bạn chỉ cần làm ra một bộ phim thật hay.
Trong top 10 phim doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2019, phim hài chiếm 6. Đây có phải là xu hướng quốc tế không? Những thể loại anh nghĩ sẽ thống trị năm 2020 là gì?
Phim hài đã luôn chiếm thị phần tại phòng vé Việt Nam, nhưng tôi thấy thị hiếu quốc tế nghiêng về các thể loại hành động/phiêu lưu hơn. Tôi luôn trung thành với những phim kịch tính, vì vậy những phim kịch tính cao là thứ tôi muốn thấy nhiều hơn trong năm 2020.
Một bộ phim Việt cần những gì để đánh bật một siêu phẩm Hollywood và soán ngôi tại các phòng vé địa phương?
Em Chưa 18
Tôi thấy các phim như Em Chưa 18, Siêu Sao Siêu Ngố và Cua Lại Vợ Bầu đã chiếm được vị trí từ các phim Hollywood khác. Có một điểm chung của những phim này là thể loại phim hài mang thông điệp mạnh mẽ về tình cảm gia đình. Giá trị gia đình với khác giả Việt Nam rất quan trọng.
Em Chưa 18 chiếm được tình cảm của tôi nhờ tình phụ tử trong phim; đó là hình ảnh của một người cha mà chúng ta đều mong ước, một tình thương vô điều kiện. Siêu Sao Siêu Ngố nói về việc hàn gắn mối quan hệ của một cậu con trai với mẹ mình. Tất cả đều là về tôn vinh những bậc làm cha mẹ. Ai mà chả yêu mẹ mình đúng không?
Những thử thách lớn nhất mà phim Việt đang đối mặt là gì?
Mối nguy lớn nhất của ngành điện ảnh nước ta có lẽ là về bản sắc. Khi thị trường ngày một phát triển, vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhiều hơn. Và khi vốn nước ngoài càng nhiều, nhà đầu tư sẽ muốn thấy họ trong những thước phim. Xu hướng chuyển thể phim Hàn đã bắt đầu phổ biến. Bản thân cũng đã từng chuyển thể phim Hàn nên tôi không có gì phản đối. Em Là Bà Nội Của Anh là phim chuyển thể tôi thích nhất, vì nội dung rất thoát ý và đậm chất Việt, mặc dù bản gốc là của Hàn. Bộ phim đã khơi dậy niềm tự hào về những ca khúc xưa trong người trẻ, khiến họ phải hát lên.
Về Hàm Trần
Hàm Trần là đạo diễn và biên kịch người Mỹ gốc Việt. Tốt nghiệp Đại học UCLA ngành Film and Television, ông tạo ra tiếng vang lần đầu với dự án phim tốt nghiệp Ngày giỗ (The Anniversary). Bộ phim đã được đưa vào danh sách rút ngắn (shortlist) trong giải Academy Award, hạng mục Phim Ngắn Xuất Sắc Nhất. Phim điện ảnh đầu tiên của ông–Vượt sóng (Journey of the Fall, kể về những thuyền nhân cũng như tù nhân cải tạo sau giải phóng năm 1975), được công chiếu tại liên hoan phim Sundance năm 2006 và từ đó tiếp tục nhận 16 giải quốc tế khác nhau trong hạng mục Phim Điện Ảnh Hay Nhất.
Bảo Nguyễn
Đi lên cùng Be Water–bộ phim tài liệu về Lý Tiểu Long được công chiếu tại liên hoan phim Sundance năm 2020, Bảo Nguyễn chia sẻ những cái tên đạo diễn đáng chú ý và bàn về các bộ phim đã thay đổi diện mạo của điện ảnh Việt Nam trong năm vừa qua.
Cũng như Nước 2030 (sản xuất bởi Bảo Nguyễn, đạo diễn bởi Nguyễn Võ Nghiêm Minh) đã tạo ra làn sóng mới cho phim Việt năm 2014 với tư cách là bộ phim đầu tiên mang thể loại khoa học viễn tưởng, được sản xuất đạt chuẩn quốc tế, đồng thời gieo mầm cho các thể loại mới chưa được giới thiệu tại nước ta.
Nhà làm phim người Việt nào làm anh chú ý nhiều nhất trong năm 2019?
Tôi đặc biệt chú ý đến các đạo diễn vừa ra mắt phim điện ảnh đầu tay của mình. Hai cái tên phải kể đến là Kathy Uyên và Trần Thanh Huy. Kathy là một diễn viên và là một người thầy có tiếng, nhưng cô lần đầu đến với điện ảnh ở vai trò đạo diễn, biên kịch là qua bộ phim Chị Chị Em Em, vừa được công chiếu vào cuối năm 2019. Dự án này lọt vào mắt xanh của tôi nhờ nội dung theo thể loại kinh dị tình ái–yếu tố hiếm thấy ở phim Việt–và đây có thể là một bước đi lớn để đưa điện ảnh Việt đến với nhiều thể loại phim khác. Chi Pu đã thể hiện phần diễn xuất tuyệt vời và Kathy đã tạo ra được ấn tượng rất tốt cho bộ phim đầu của mình.
Ngoài ra còn phải kể đến là Trần Thanh Huy và phim Ròm của anh. Có một chút mâu thuẫn trong bộ phim này của anh, vì nó đã được công chiếu tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Busan–một trong những liên hoan phim danh giá nhất châu Á–và thắng rất nhiều giải cao. Song phim vẫn chưa được nhà nước [Việt Nam] phê duyệt và cho công chiếu rộng rãi. Nhưng tóm lại, đó là một bộ phim tràn đầy năng lượng và mang hơi thở của John Cassavetes với hơi hướng điện ảnh Mỹ thế kỷ 20.
triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí & Nghệ thuật Đương đại
Anh trông chờ bộ phim trong nước nào nhất trong năm nay?
Tôi đang rất trông chờ bộ phim thứ hai của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Tôi rất thích phim Thưa Mẹ Con Đi của anh vì nó thật sự gần gũi. Bộ tiếp theo lần này là phim chuyển thể, vì vậy tôi tò mò muốn xem cách anh phản chiếu thiên hướng nghệ thuật của mình lên một tác phẩm đã thành hình.
Tôi cũng đang chờ Trạng Tí, một bộ phim gắn liền với tuổi thơ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, theo tôi, anh là một trong những đạo diễn tài ba nhất Việt Nam. Đây là phim chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt lừng lẫy một thời. Việc điện ảnh Việt Nam nắm bắt được các yếu tố hào kiệt và giá trị anh hùng thuần tuý của nước nhà là một điều quan trọng vì chúng ta có lịch sử và nền văn hoá nghệ thuật giàu có và độc lập, chứ không cần phải tìm đâu xa.
Cuối cùng, Vị của Lê Bảo cũng là phim đáng chú ý với tôi trong 2020. Tôi nghĩ bộ phim có khả năng công phá ở các liên hoan phim quốc tế, nhưng tôi cũng rất hy vọng sẽ được thấy nó tại các cụm rạp trong nước. Dự án này, tuy vẫn còn đang phát triển, đã xuất hiện tại các buổi gặp gỡ quốc tế như TorinoFilmLab và nó có thể sẽ tạo ra một làn sóng quốc tế như cách mà phim Vợ Ba của Ash Mayfair đã làm trong năm 2018 và 2019.
Trong top 10 phim doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2019, phim hài chiếm 6. Đây có phải là xu hướng quốc tế không? Những thể loại anh nghĩ sẽ thống trị năm 2020 là gì?
Tôi nghĩ không nhất thiết phải gọi nó là xu hướng quốc tế. Tôi thấy đây giống như là một lời khẳng định rằng màn ảnh rộng ở Việt Nam được xem như một nơi giải trí và thư giãn hơn là một chốn phiêu lưu tìm hiểu văn hoá. Vài năm trở lại đây, con số đó có thể là 9 trên 10, vì vậy xu hướng đang thay đổi theo hướng mở rộng nhiều thể loại hơn. Tôi nghĩ thành công của Parasite, dù tốt hay xấu, đã truyền cảm hứng cho các phim thể loại xã hội kịch tính hay hài đen. Theo đánh giá của tôi, bất kỳ động thái nào giúp mở rộng ý nghĩa của điện ảnh cũng là một nước đi đúng.
Một bộ phim Việt cần những gì để đánh bật một siêu phẩm Hollywood và soán ngôi tại các phòng vé địa phương?
Tôi thấy rằng thử vận may với những thể loại mới sẽ là một hướng đi hợp lý cho điện ảnh Việt Nam. Hai Phượng và Mắt Biếc đã làm rất tốt trong năm 2019 khi sánh vai cùng phim Hollywood tại thị trường Việt Nam. Hai Phượng là thể loại hành động gay cấn chú trọng vào yếu tố nữ anh hùng; Mắt Biếc là phim thanh thiếu niên lãng mạn và hoàn toàn thoát mình khỏi khuôn khổ của thể loại phim hài vốn đã tồn tại trên màn ảnh rộng quá lâu.
Những thử thách lớn nhất mà phim Việt đang đối mặt là gì?
Tôi thấy hỗ trợ về đào tạo là thứ thiết yếu cho một ngành điện ảnh và một Việt Nam đang trên đà hội nhập. Sự hỗ trợ này hiện tại còn rất non nớt. Nếu ta nhìn các thị trường điện ảnh khác tại Châu Á, những thị trường đã hoàn thành rất tốt trong việc vươn ra trường quốc tế–như Hàn Quốc và Đài Loan–thật sự nổi bật vì họ được chính quyền tiếp sức rất nhiều trong việc xây dựng. Nếu như không có KOFIC (the Korean Film Council – Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc)–một tổ chức tự quản lý do chính quyền hỗ trợ thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Hàn Quốc–có thể dám chắc rằng sẽ không có một Bong Joon-Ho của ngày hôm nay.
Về Bảo Nguyễn
Thường xuyên di chuyển giữa Việt Nam và Mỹ, Bảo Nguyễn là nhà làm phim người Mỹ gốc Việt đã từng đoạt giải. Anh đạo diễn, sản xuất và quay rất nhiều phim ngắn mang tính tư liệu và được chiếu tại các buổi liên hoan phim quốc tế cũng như các bảo tàng, trong đó có bảo tàng Nghệ thuật Đương đại (New York) và bảo tàng Smithsonian (Washington D.C.).
Dự án phim tốt nghiệp của anh, Julian, đã mang về giải CINE Golden Eagle, giải Phim Tài Liệu Ngắn Của Sinh Viên Xuất Sắc Nhất tại liên hoan phim ngắn Palm Spring, giải Special Jury tại DOCNYC và được đề cử giải IDA (giải thưởng về thiết kế sáng tạo). Phim tài liệu đầu tiên do anh đạo diễn, Live From New York đã được chiếu mở màn cho liên hoan phim Tribeca và được phát sóng toàn quốc vào khung giờ vàng trên kênh NBC.