Berserk: Dark Fantasy nói gì về bi kịch tâm lý của thời đại chúng ta? | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 05, 2021
Cuộc SốngTriết Học

Berserk: Dark Fantasy nói gì về bi kịch tâm lý của thời đại chúng ta?

Ngập ngụa trong bạo lực và tình dục, bộ Dark Fantasy Berserk phản ánh gì về thời đại của chúng ta?
Berserk: Dark Fantasy nói gì về bi kịch tâm lý của thời đại chúng ta?

Manga Berserk được long trọng đặt giữa những series manga có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới | Nguồn: Reddit

Kentaro Miura (1966-2021) đã mãi đi về cõi vĩnh hằng, nhưng kiệt tác Berserk của ông thì vẫn còn đó. Nó được long trọng đặt giữa những series manga có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Tác phẩm đen tối đầy bạo lực và tình dục của Miura nói gì về thế giới ta đang sống, để thế hệ trẻ tôn thờ nó đến vậy?

Những nguồn cảm hứng làm nên Berserk

Lấy bối cảnh châu Âu thời Trung cổ, Berserk mô tả thế giới đẫm máu của những hiệp sỹ đánh thuê, những người có chiều sâu tâm lý đầy mâu thuẫn: cùng lúc hào hiệp, giản dị nhưng toan tính, tham vọng.

Những chiến binh như Guts, Griffith và Casca chìm đắm trong chiến tranh cát cứ liên miên. Họ theo đuổi ước mơ, bảo vệ người tình, và trả thù trong quỹ đạo cuộc sống đầy giết chóc, thao túng và khổ đau.

Thể loại Dark Fantasy mở đường cho độc giả trải nghiệm những sự biến cao trào đầy ắp cảm xúc cực đoan như sợ hãi, rùng mình và thậm chí giận dữ. Những màn giết chóc man rợ như chúng ta đã thấy trong Berserk dường như quá lệch chuẩn và không được chấp nhận rộng rãi ngoài đời thật. Tuy vậy, đó lại là điểm hút khách nhất của series manga này.

Tôi tin rằng để nhận được tình yêu lớn như vậy, Berserk cũng phải đồng điệu phần nào đó với hơi thở thời đại của người trẻ. Trước khi tìm điểm chạm giữa thế giới của Berserk và thế giới thực, hãy cùng thưởng thức tác phẩm mô tả địa ngục của hoạ sĩ thời Trung cổ Hieronymus Bosch - cảm hứng sáng tác bất tận cho Kentaro Miura.

titleberserk berserk
Bên trái: Hình hài địa ngục trong tác phẩm The Garden of Earthly Delights của Bosch. Bên phải: Một cảnh trong Berserk của Miura | Nguồn: formicarium trên Imgur

Có thể thấy sự tương đồng rõ rệt giữa hai phong cách vẽ, dù một người sống ở Châu Âu Trung cổ, còn một người sống ở Nhật Bản hiện đại. Ngẫm về sự tương đồng này, bên cạnh bề nổi của sự ảnh hưởng toàn cầu hoá và sự học hỏi phong cách cá nhân, ta thấy sự tương đồng về hoàn cảnh xã hội của cả 2 tác giả.

Bosch sống trong thời đại châu Âu dần thoát khỏi trận mạc của các thế lực phong kiến và bắt đầu phát triển trù phú, song vẫn chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Trung cổ xưa kia.

Nét vẽ của Bosch mô tả chính xác những hiện tượng quang học nhờ sự tiến bộ của các ngành khoa học tự nhiên, nhưng chủ đề ông quan tâm vẫn là những xung đột bạo lực nhuốm màu tôn giáo.

Miura sinh ra ở nước Nhật thời hậu chiến. Thất trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, song Nhật Bản vẫn nhanh chóng vươn lên thành một cường quốc nhờ sự chăm chỉ và đức tính kỷ luật của người dân.

Cái giá phải trả là vài thế hệ bị nhấn chìm trong vòng xoáy của kim tiền, của nỗi ám ảnh phát triển kinh tế và của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Thế giới Berserk của Miura mang âm hưởng của cuộc cạnh tranh nhiễu loạn và khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Điều này phần nào được phản ánh trong triết lý sáng tạo của ông.

Bosch và Miura sống giữa những chuyển mình có tính thời đại. Ở đó, con người không có quyền dừng lại nghỉ ngơi.

Sự phản chiếu thế giới thật

titleberserk berserk
Một trận so găng tay đôi giữa những Berserk | Nguồn: Manga Berserk

Từ bối cảnh sống của hai tác giả, ta có thể thấy các chiến binh điên loạn, quái vật và phép thuật không bước ra từ địa ngục của Bosch, hay từ thế giới Dark Fantasy của Miura. Chúng đến từ những nhiễu loạn tâm lý của chính những con người thường nhật trong cuộc đua địa vị xã hội, mức sống trung bình, KPI và bằng cấp.

Lẽ chăng từ thời đại của Hieronymus Bosch tới Kentaro Miura, cuộc sống của con người chẳng có gì thay đổi? Những Berserk Trung cổ có phải chỉ được đeo thêm những lớp mặt nạ nhân từ hơn?

Trong nghiên cứu của nhà sử học Michael P. Speidel, Berserk – chiến binh điên – là một hình tượng văn hoá có tính phổ quát của nhân loại. Từ Hy Lạp cổ đại, Lưỡng Hà cho tới thế giới Á Đông, Berserk được mô tả như một người chiến binh.

Người chiến binh này sống lang thang, kiếm sống nhờ đánh thuê trong chiến trận, và có hành vi lệch chuẩn tuyệt đối: hung dữ, không sợ chết và không ngần ngại tham gia vào bất cứ thử thách nào dù chúng khó khăn đến đâu.

Ở thời đại đề cao sự cạnh tranh như hôm nay, phải chăng tất cả chúng ta được kỳ vọng phải là phiên bản khác của Berserk?

Một Berserk... chân thật

Berserk hàm chứa hai phép ẩn dụ chủ đạo về cuộc sống của chúng ta:

Phép ẩn dụ đầu tiên ám chỉ rằng đời sống hiện đại là một cuộc chiến, nơi chúng ta không có quyền được hiền hoà với nhau. Trong truyện, thế giới là tập hợp của những cát cứ địa phương thảm sát lẫn nhau vì lợi ích dòng tộc, vương quốc. Ngoài đời, nền kinh tế thị trường mới nổi yêu cầu người trẻ giành giật và cạnh tranh lẫn nhau để leo cao trên chiếc cầu thang xã hội.

Phép ẩn dụ thứ hai khắc hoạ đường biên mờ nhạt giữa cái tốt và cái xấu trong cuộc sống. Cách xây dựng hình tượng Guts và Griffith của Miura đã thực sự làm đảo lộn toàn bộ sự đánh giá.

Guts xuất hiện với một thanh kiếm khổng lồ, trang phục chiến binh màu đen cùng tính cách ngang tàn, bạo lực – chân dung của một kẻ xấu tiềm năng - nhưng anh cư xử chân thành và chất phác.

Trong khi đó, bộ đồ trắng phau tinh tế cùng ngoại hình thanh thoát, nữ tính khiến Griffith dễ trở thành đại diện của những điều tốt đẹp. Nhưng vì nuôi tham vọng lớn, cuối cùng anh đổi ngôi thành phản diện chính trong tác phẩm.

Công bằng mà nói, Guts và Griffith là hai cỗ máy sẵn sàng tàn sát mọi thứ cản đường mình. Ngoài đời sống thực tế, thế hệ trẻ tham gia trực tiếp vào nền sản xuất của xã hội được kỳ vọng phải quyết liệt và bạo lực như những Berserk. Chúng ta phải quyết liệt chạy deadlines, không từ thủ đoạn để thăng chức, lấy thành công làm đích đến duy nhất.

Trên bình diện rộng lớn hơn, ta bị thế hệ trước đặt vào tay những nhiệm vụ bất khả thi như đẩy lùi thảm hoạ môi trường và chấm dứt bất bình đẳng xã hội…

Sự khắc hoạ đời sống tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay

titleberserk berserk
Guts trầm tư sau một cuộc chiến | Nguồn: Manga Berserk

Chìm đắm trong những khuôn hình bạo lực, thế giới nội tâm của những Berserk đã “lây lan” vào chiều sâu tâm lý của chúng ta. Thế hệ Gen Z bị đẩy vào dòng xoáy bất tận của sự phát triển kinh tế. Thời gian và áp lực cuộc sống là câu thúc để ta thay bỏ lớp mặt nạ xã hội mình đeo hàng ngày.

Ta liên tục thay đổi bản thân theo những nhu cầu xã hội cấp bách mà không có dịp nhìn lại con người thật sự của mình. Trong nhân cách hỗn mang, mọi mảng sáng và mảng tối của tâm lý hoà với nhau làm một.

Trước đây, hình tượng và nhân cách của những Berserk bị coi là đi lệch với luân thường đạo lý xã hội. Không có chiến chinh liên miên, họ chỉ là những tướng cướp.

Trong thời buổi cạnh tranh thị trường, những phẩm chất xưa của người chiến binh điên dần trở thành những lẽ thường trong xã hội. Sự gay gắt, quyết liệt, không dừng bước và không biết mệt mỏi trở thành tiêu chuẩn đạo đức của lớp trẻ ngày nay. Đặc biệt là khi người ta coi mô hình phát triển kinh tế theo kiểu Nhật Bản là hình mẫu của sự tiến bộ Á Đông, sẽ còn có thêm nhiều nhân viên văn phòng làm việc quá giờ cho tới chết.

Như vậy, tại sao cần phải đọc truyện nữa khi đời sống của chúng ta vốn đã éo le như vậy? Đó là bởi đời sống thực tế ít khi cung cấp sự kịch tính “như truyện” cho những người mưu cầu sự trầm bổng lên xuống. Hiệp sĩ, quái vật và chiến tranh trong thế giới tưởng tượng cứu rỗi chúng ta khỏi sự nhàm chán của thế giới thật.

Nhưng hãy đừng chìm trong Dark Fantasy…

… vì nó mới chỉ mô tả một góc rất nhỏ trong sự sống rợn ngợp ngoài kia. Hãy hiểu rằng Fantasy là Fantasy, chứ không phải tất thảy đời sống. Thế hệ trẻ có nhiều tự do hơn những nhân vật bị mắc kẹt mãi mãi trên trang giấy. Chúng ta là những người cầm tác phẩm trên tay và diễn giải nó theo ý chí của mình.

Quả thật, ở một tầng nghĩa nào đó, Berserk là tấm gương phản chiếu những gì đen tối nhất trong xã hội chuộng kim tiền và địa vị ngày nay. Đọc kiệt tác của Kentaro Miura, ta được nhìn vào cuộc đời theo lăng kính bi quan của ông.

Đây là cơ hội cho người trẻ làm giàu nhãn quan của mình về thực tại, và cũng là dịp để chúng ta truy tìm thêm những khả năng và thái độ mới để đương đầu với hiện thực của chính mình.

Tưởng nhớ tới bậc thầy truyện tranh Kentaro Miura, tác giả của Berserk. Cảm ơn ông vì tất cả.