Blonde - Nữ quyền hay nạn nhân hóa Marilyn Monroe trên màn ảnh? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
12 Thg 10, 2022
Điện Ảnh

Blonde - Nữ quyền hay nạn nhân hóa Marilyn Monroe trên màn ảnh?

Không ai muốn cuộc đời của bản thân được định nghĩa bằng những tổn thương, và có lẽ Marilyn Monroe cũng thế.
Blonde - Nữ quyền hay nạn nhân hóa Marilyn Monroe trên màn ảnh?

Nguồn: Netflix

Blonde, một trong những bộ phim tiểu sử hư cấu được mong chờ nhất của Netflix đã chính thức ra mắt vào ngày 28/9 và ngay lập tức nhận được rất nhiều sự chỉ trích đến từ khán giả và giới phê bình. Được chắp bút và đạo diễn bởi Andrew Dominik, cùng diễn xuất thần sầu của Ana De Armas nhưng bộ phim lại nhận được số điểm dưới trung bình ở gần như mọi nền tảng đánh giá phim.

“Bộ phim này chính là địa ngục của Marilyn, một nơi mà đến tận khi cô ấy đã mất, người ta vẫn tiếp tục làm đi làm lại những bộ phim, cuốn sách để kể về những khoảnh khắc tệ hại nhất của cuộc đời cô,” một người dùng trên Letterboxd đánh giá.

Cuộc đời một con người không tóm gọn trong những bi kịch

Blonde được dựa trên một cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Joyce Carol Oates. Cuốn tiểu thuyết nhận được giải thưởng Putlitzer này được tác giả khẳng định là “một tác phẩm hư cấu và không nên được xem là một cuốn tiểu sử.” Đi theo tinh thần này, Blonde của Andrew Dominick hướng đến việc xây dựng một hình ảnh hư cấu của Marilyn Monroe.

Đáng buồn thay, hình ảnh mà Andrew Dominick xây dựng được không phải là một minh tinh màn bạc đã nỗ lực cả cuộc đời để vượt lên trên cái nhãn “quả bom sex” mà sự phân biệt giới tính tại Hollywood đã gán lên cho cô. Marilyn Monroe trong Blonde là một người phụ nữ được định danh đơn thuần bằng những đau khổ mà cô phải trải qua, không hơn không kém.

Xuyên suốt bộ phim, khán giả chứng kiến Marilyn Monroe trải qua từ bất hạnh này đến bất hạnh khác. Gắn nhãn NC-17, Blonde không ngại để khán giả chứng kiến trực tiếp những điều kinh khủng nhất đã xảy ra với Marilyn. Từ những ám ảnh ấu thơ đến việc bị lạm dụng tình dục, bạo hành gia đình, hiếp dâm,... dù hư cấu hay thật sự diễn ra, tất cả đều được đưa vào bộ phim.

Phóng tác một cuộc đời đầy dấu hỏi của Marilyn Monroe, bộ phim chứa nhiều những sự kiện chưa được xác nhận, thậm chí hoàn toàn hư cấu nhằm đưa nhân vật này đi đến một kết cục được định sẵn: Marilyn phải tự tử vì uống thuốc quá liều.

alt
Ana De Armas trong vai diễn Marilyn Monroe | Nguồn: Netflix

Để hiểu được sự vô đạo đức của Blonde, ta cần đặt bản thân mình vào vị trí của minh tinh này. 60 năm sau cái chết của Marilyn, một người nào đó làm một bộ phim chứa đầy những sự kiện hư cấu để giải thích cho những tổn thương rất thật của cô. Song song với đó, bộ phim này gạt bỏ đi tất cả những nỗ lực của Marilyn Monroe bằng cách khẳng định thẳng thừng rằng những cơ hội mà cô có được đều đến từ cơ thể và ngoại hình của cô.

Sự xúc phạm này được đẩy lên một đỉnh điểm mới khi diễn viên thủ vai Marilyn Monroe, Ana De Armas đã khẳng định rằng trong quá trình quay phim, cô cảm nhận được linh hồn của Marilyn đang ở trên trường quay và ủng hộ những gì mà bộ phim này làm.

Việc đội ngũ marketing, diễn viên và nhà làm phim thay mặt một người đã chết để cho phép chính họ xúc phạm người ấy là một việc làm vô đạo đức. Đặc biệt là khi những người này biết rất rõ rằng Marilyn Monroe không có cách nào để ngăn chặn sự ra đời của bộ phim này.

Những nỗ lực vươn lên bị gạt bỏ

Đặt vào bối cảnh Hollywood những năm 1950, một nơi mà sự phân biệt giới tính hiện diện ở gần như mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp điện ảnh, những sự kiện hư cấu xảy đến với Marilyn Monroe trong Blonde có thể được xem như một phương thức “phóng đại” mà người biên kịch sử dụng để phản ánh tình trạng của thời đại đó.

Đây là một luận điểm đúng, tuy nhiên cách mà Blonde sử dụng những sự kiện hư cấu ấy lại không thật sự phục vụ mục đích chính của chúng trong câu chuyện. Nếu xem những sự kiện này là những trở ngại thì nhân vật chính Marilyn Monroe, qua toàn bộ bộ phim, chưa từng vượt qua được chúng.

Nói Blonde định nghĩa con người của Marilyn Monroe bằng những tổn thương vì trong bộ phim, nhân vật này không khác gì một tảng đá: Đứng im chịu đựng những khổ đau do môi trường tạo ra, định hình bản thân bằng những áp lực ấy và cuối cùng là vỡ vụn qua thời gian.

Dù cuộc đời của Marilyn Monroe có bí ẩn đến mấy, có một điều mà ta có thể chắc chắn là Marilyn Monroe không phải một người như vậy. Cô trở thành một biểu tượng của thế giới vì cô đã chỉ ra rằng cuộc đời của một con người dù có bất hạnh, dù môi trường xung quanh có khắc nghiệt đến nhường nào, cô có thể dõng dạc khẳng định với thế giới rằng cô không chỉ là một định danh mà họ đã dán lên người cô.

alt
Nguồn: Netflix

Thật buồn cười khi Andrew Dominick lại cho rằng ông hiểu Marilyn Monroe khi nói: “Vì sao Marilyn Monroe là một biểu tượng của phụ nữ? Với đàn ông, cô là một vật thể mời gọi những ham muốn tình dục đang cần được cứu rỗi. Với phụ nữ, cô ấy là đại diện cho tất cả những bất công xã hội mà tính nữ đã phải chịu đựng…”

Để đưa Blonde trở thành “một câu chuyện cổ tích nơi một đứa trẻ mồ côi đi lạc vào cánh rừng Hollywood và bị nuốt chửng bởi nơi này,” Dominick đã gạt bỏ đi hết tất cả những nỗ lực trong suốt cuộc đời cô để vượt qua sự phân biệt giới tính lẫn nhãn dán “quả bom sex” mà truyền thông gắn lên cho cô.

Từ việc liên tục trau dồi khả năng diễn xuất với Lee Strasberg, một trong những huấn luyện viên diễn xuất method acting nổi tiếng nhất mọi thời đại đến thành lập một studio sản xuất phim riêng vì cô đã “quá chán những vai diễn khiêu gợi,” tất cả những chi tiết này đều bị Blonde bỏ qua một cách chủ ý.

Thậm chí, Blonde còn không cho phép tài năng diễn xuất đa dạng của Marilyn Monroe được công nhận. Những vai diễn đa dạng và khó nhằn của cô trong những phim như Bus Stop, Some Like It Hot đều bị bỏ qua, hoặc che phủ bởi những câu chuyện bên lề.

alt
Marilyn Monroe trong vai Nell Forbes | Nguồn: Birth.Movie. Death

Hơn nữa, màn trình diễn đòi hỏi tâm lí nặng, Nell Forbes trong Don’t Bother To Knock, cũng bị Blonde giải thích bằng những chấn động tuổi thơ của Marilyn Monroe thay vì khả năng diễn xuất của cô.

Nạn nhân hóa người nữ không phải là nữ quyền

Blonde là một bộ phim hiểu và thực hiện rất tốt mục đích mà bộ phim này hướng tới: Vẽ ra một Marilyn Monroe được định hình bằng những tổn thương mà cô gánh chịu trong suốt cuộc đời. Mục đích này xúc phạm đến cuộc đời và di sản của Marilyn Monroe, nếu không muốn nói là hoàn toàn lợi dụng và phi đạo đức.

Joyce Carol Oates, tác giả của cuốn sách Blonde sau khi xem bộ phim này đã đăng tải một đoạn Tweet: “Thật ngạc nhiên là trong một thời đại hậu #metoo, việc chỉ ra văn hóa lạm dụng tình dục của Hollywood lại được xem là một sự lợi dụng (exploitation).”

Phong trào nữ quyền tại Hollywood nói riêng và thế giới nói chung chưa bao giờ dừng lại đơn thuần ở việc chỉ ra những bất công hệ thống xã hội đã áp đặt lên tính nữ. Nữ quyền đã và đang đi tới một mục đích lớn hơn là khiến cho những thành tựu lẫn cố gắng của những người phụ nữ được công nhận một cách xứng đáng.

Vì có lẽ bất kì ai cũng muốn được công nhận bởi những nỗ lực và thành tựu do chính bản thân mình đạt được. Vì không ai muốn bản thân được định danh là “nạn nhân của người A, bị lạm dụng bởi người B.” Không ai muốn cuộc đời của mình được định nghĩa bởi những tổn thương mà một người khác đã gây ra và có lẽ, Marilyn Monroe cũng thế.