Branson bay vào vũ trụ - Viễn cảnh nào cho du lịch không gian? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Branson bay vào vũ trụ - Viễn cảnh nào cho du lịch không gian?

Mua vé du hành vũ trụ rồi sẽ đến ngày như mua vé tàu xe?
Branson bay vào vũ trụ - Viễn cảnh nào cho du lịch không gian?

space

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 11/07 vừa qua, tỷ phú Richard Branson chính thức trở thành một phi hành gia. Trên máy bay vũ trụ siêu thanh VSS Unity, Branson cùng 5 thành viên phi hành đoàn đã bay lượn trên bầu trời New Mexico, Mỹ trong nhiệm vụ kéo dài 1,5 giờ.

Sau khi hạ cánh thành công, tỷ phú Branson nhấn mạnh chuyến bay là tiền đề cho một kỷ nguyên du lịch vũ trụ mới. Ông cũng cho biết công ty Virgin Galactic, thuộc tập đoàn Virgin do Branson sáng lập sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào năm sau.

2. Chuyến bay diễn ra như thế nào?

Không giống như hầu hết các loại tên lửa khác sẽ cất cánh thẳng đứng từ bệ phóng, phi thuyền của Branson chạy đà trên đường băng. Kế hoạch của Virgin Galactic là phóng một phi thuyền đôi, gồm “tàu mẹ” Eve và máy bay vũ trụ siêu thanh mang tên VSS Unity từ căn cứ.

8:30 sáng giờ địa phương, phi thuyền cất cánh. Tàu mẹ mất 45 phút để đạt độ cao 50 nghìn feet (hơn 15km). Đến 9:15, VSS Unity tách ra từ “tàu mẹ” Eve, phóng thẳng lên trời bằng động cơ tên lửa.

Vì là máy bay không gian "dưới quỹ đạo", VSS Unity không thể bay đủ nhanh để thoát khỏi lực hút Trái Đất. Nhưng thay vào đó, máy bay có thể đạt vận tốc gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Đạt đỉnh độ cao 85km, Branson và các thành viên phi hành đoàn trải nghiệm cảm giác không trọng lực. Độ cao này cũng đủ để tàu VSS Unity nhìn được toàn cảnh Trái Đất từ trên cao.

Sau khoảng 1 giờ 30 phút trên không trung (và cả ngoài vũ trụ), VSS Unity hạ cánh thành công.

Phi thuyền của Virgin Galactic. | Nguồn: Technohoop.

3. Sự kiện này mang ý nghĩa gì?

Từ xưa đến nay, du hành vũ trụ là lĩnh vực được “đóng đinh” cho các chính phủ và quân đội. Chúng ta đã nghe quen những cái tên như NASA của Mỹ, và Roscosmos của Nga. Trong quá khứ, những nhiệm vụ lịch sử như đưa con người lần đầu bay vào vũ trụ, hay đưa con người lần đầu đặt chân lên Mặt Trăng đều do các chính phủ phát triển.

Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến một sự dịch chuyển trong những năm gần đây. Ngày càng nhiều các công ty tư nhân gia nhập cuộc đua này. Hiện tại, có ba công ty đang dẫn đầu cuộc đua là SpaceX của Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos và Virgin Galactic của Richard Branson. Cả ba công ty đều thuộc sở hữu của những tỷ phú.

Nhận thấy tiềm năng, chính NASA - đại diện cho chính phủ Mỹ cũng đã nhờ SpaceX của tỷ phú Elon Musk giúp đỡ.

Để cắt giảm chi phí và thúc đẩy những công nghệ mới, NASA đã nhờ SpaceX chế tạo phần cứng, thay vì tự làm việc này như trước đây. Nhờ vậy, Cơ quan Vũ trụ Hoa Kỳ hiện đã có thể khai thác các chương trình vận chuyển hàng hóa và phi hành đoàn thương mại của mình.

Tháng 04/2021, NASA cũng chính thức chọn SpaceX cho sứ mệnh đưa những người Mỹ tiếp theo lên Mặt Trăng.

Buổi phóng tàu chở hàng Space X lên mặt trăng. | Nguồn: NASA.

4. Cuộc đua vào vũ trụ của các tỷ phú đang diễn ra như thế nào?

Bay vào vũ trụ là cuộc đua điên rồ. Dù các dự án tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, không gì có thể đảm bảo các dự án đó sẽ thành công.

Tính đến thời điểm hiện tại, Virgin Galactic của tỷ phú Branson đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào sứ mệnh trở thành công ty đầu tiên trong lĩnh vực du lịch vũ trụ thương mại. Đối với công ty được thành lập vào năm 2004 này, việc hiện có 8 nghìn người trong danh sách chờ được bay chính là thành công đầu tiên.

Blue Origin của Jeff Bezos thậm chí còn tồn tại từ lâu hơn. Công ty được thành lập vào năm 2000 này được ước tính đã đầu tư 7,5 tỷ USD vào các dự án của mình.

Dù tỷ phú Bezos cũng chuẩn bị bay vào vũ trụ, những kết quả Blue Origin đang có được cho là chưa xứng với số tiền đã bỏ ra. Mới đây, Blue Origin cũng đã thua trong việc ký hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD với NASA để được đưa người lên Mặt Trăng.

Và người thắng được bản hợp đồng tỷ đô đó là Elon Musk - ông chủ của SpaceX. Công ty này cho đến nay vẫn chưa tiết lộ đã chi bao nhiêu tiền cho chương trình Starship. Tuy nhiên, Musk từng ước tính rằng ông dự kiến công ty sẽ tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD để hoàn thành dự án này.

Mục tiêu của Musk cũng có khác đôi chút so với Branson và Bezos, khi ông muốn đưa con người lên sao Hỏa định cư chứ không chỉ là đưa người vào không gian.

Jeff Bezos và con tàu sẽ đưa ông lên vũ trụ. | Nguồn: NBC News.

5. Có bao nhiêu kiểu du lịch vũ trụ?

Có hai kiểu du hành vũ trụ phổ biến nhất, là orbital và suborbital.

Suborbital là “dưới quỹ đạo". Khi bay theo kiểu suborbital, phi thuyền sẽ được phóng thẳng vào không gian, nhưng chỉ đến đấy rồi quay lại.

Còn orbital là du hành không gian “tiểu quỹ đạo”, ví dụ như bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Khi bay theo kiểu orbital, phi thuyền sẽ bay vào quỹ đạo và đi một vòng, thay vì chỉ phóng thẳng lên trời.

Bay theo kiểu “tiểu quỹ đạo” sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với “dưới quỹ đạo”, vì phản lực của thiết bị sẽ phải siêu nhanh.

6. Bay vào vũ trụ tốn bao nhiêu tiền?

Hiện tại, mới chỉ có Virgin Galactic mở bán vé thương mại. Công ty được cho là đã bán được hơn 600 vé, với giá từ 200 - 250 nghìn USD mỗi vé.

Về phần Blue Origin, công ty có kế hoạch tính phí từ 200 - 300 nghìn USD cho mỗi ghế bay vào vũ trụ. Mới đây, đã có người thắng đấu giá cho một ghế bay lên vũ trụ cùng tỷ phú Jeff Bezos vào ngày 20/07 tới, tuy phải trả tới 28 triệu USD.

Trong tương lai, SpaceX cũng dự kiến đặt mức giá tương tự. Tuy nhiên, tấm vé trị giá 200 nghìn USD sẽ đưa con người đến thẳng sao Hỏa để sinh sống trên đó, chứ không chỉ vòng quanh Trái Đất rồi quay về.

Còn nếu bạn muốn bay thẳng đến Trạm Vũ trụ Quốc tế và ăn nghỉ tại đó, chuyến đi sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu USD. NASA cũng cho biết họ sẽ tính phí khoảng 35 nghìn USD cho mỗi đêm ở tại đây, bao gồm thức ăn và các hỗ trợ cơ bản khác.

7. Nói nhiều về thế giới rồi, thế còn nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam thì sao?

Là một nước đang phát triển, Việt Nam chưa thể sánh vai với các cường quốc về ngành công nghiệp vũ trụ. Tuy vậy, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Thành tựu đầu tiên đến vào ngày 23/07/1980, khi phi công Phạm Tuân trở thành người Việt Nam, và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Trung tướng Phạm Tuân cùng phi hành gia của Xô Viết Viktor Gorbatko. | Nguồn: Vietnamnet.

Hơn ba thập kỷ sau, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã được thành lập. Hàng loạt các dự án phóng vệ tinh viễn thông được phê duyệt và tiến hành, tiêu biểu là Vinasat 1, Vinasat 2, hay các vệ tinh quan sát Trái Đất VNREDSat-1, VNREDSat-1B.

Bên cạnh đó, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng. Đây là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam.

Khám phá vũ trụ luôn là khát khao của con người. Với những thành tựu mới nhất của nhân loại, con người đang ngày càng tiến gần hơn đến sứ mệnh chinh phục không gian.