Các công ty phát hành game kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 08, 2022
Kinh DoanhXu Hướng Kinh Doanh

Các công ty phát hành game kiếm tiền như thế nào?

Nhiều người vẫn nghĩ trò chơi điện tử là thứ hại mắt và tốn thời gian. Nhưng bảng doanh thu của các công ty game có thể sẽ khiến họ phải nghĩ lại.
Các công ty phát hành game kiếm tiền như thế nào?

Trận chung kết thế giới bộ môn Liên Minh Huyền Thoại năm 2019. | Nguồn: Reuters

Vào năm 2014, chỉ một thời gian ngắn trước khi gỡ game, nhà sáng lập Flappy Bird là Nguyễn Hà Đông thông báo rằng tựa game đang thu về 50 ngàn đô mỗi ngày. Đó là một con số đáng kể, nhưng vẫn chưa là gì so với Clash of Clans với mức doanh thu tính theo ngày rơi vào khoảng hơn 2 triệu đô.

Đó mới chỉ là các tựa game trên điện thoại - vốn rất lệ thuộc vào mô hình quảng cáo để kiếm tiền. Bên ngoài chiếc màn hình điện thoại là những nhà phát hành game nổi tiếng như Riot hay Valve với nhiều tựa game khác nhau, và những nguồn tiền rất đa dạng.

Chúng ta nên nhớ rằng các trò chơi điện tử nhiều người chơi nhất hiện nay như Fortnite, CS:GO hay Liên Minh Huyền Thoại đều là các trò chơi miễn phí. Vậy làm thế nào mà các đơn vị phát hành game kiếm ra tiền?

1. Tiền quảng cáo

Quảng cáo đã trở nên quá phổ biến, tới mức nó có mặt ở khắp mọi nơi và chẳng ai trong chúng ta thắc mắc gì về việc đó. Đây là nguồn doanh thu cực kỳ lớn với các tựa game trên điện thoại. Con số 50 ngàn đô kể trên của Flappy Bird hầu hết đều tới từ quảng cáo trong game. Cứ mỗi lần người chơi hoàn thành một lượt chơi, sẽ có một quảng cáo hiện ra trong khoảng 15 tới 30 giây. Với mỗi lượt xem, nhà phát hành nhận được một khoản tiền rất nhỏ chưa tới 1 đô.

Nghe qua thì có vẻ không đáng kể, nhưng hãy thử nghĩ xem mỗi lần chơi game trên điện thoại, chúng ta phải xem bao nhiêu quảng cáo? Và với những tựa game có cả triệu người chơi như Clash of Clans, phương án “tích tiểu thành đại” này đã giúp nhà phát hành thu về một khoản tiền khổng lồ.

Điều thú vị ở đây là cách mà các tựa game đẩy quảng cáo. Cách quảng cáo của Flappy Bird là cách thông dụng nhất. Ngoài ra, có những cách khác để nhà phát hành gợi ý, hay thậm chí bắt người chơi phải xem quảng cáo: xem để lấy vật phẩm hoặc đơn vị tiền trong game, để chuyển sang màn chơi mới, hay thậm chí là để… hồi sinh nhân vật nếu người chơi lỡ “hết mạng.”

Có năng lực chi phối dòng game điện thoại, nhưng nguồn thu quảng cáo lại vắng mặt trong các trò chơi điện tử trên máy tính hoặc các thiết bị chơi game như Playstation. Điều này vừa bởi các trò chơi này không phù hợp để tích hợp quảng cáo theo cách của dòng điện thoại, vừa có những nguồn doanh thu khác hấp dẫn hơn.

2. Tiền bán game

Thế giới trò chơi điện tử không chỉ có các trò chơi miễn phí, dù những tựa game “freemium” như Liên Minh Huyền Thoại hay Dota 2 vẫn có chỗ đứng rất vững chắc. Bên ngoài thế giới của các trò chơi đồng đội là các trò chơi “cổ điển” hơn như The Witcher, God of War, hay The Last of Us - những sản phẩm tính tiền.

18aug2022236jpg
The Witcher là một trong những tựa game có doanh thu ấn tượng chỉ từ việc bán game. | Nguồn: Game8

Khách hàng mua trò chơi từ nhà phát hành, và có nhiều cách khác nhau để sở hữu cũng như chơi những tựa game này. Người chơi có thể mua các đĩa game cho dòng máy Playstation, hoặc mua trên các cửa hàng game như Steam nếu sử dụng máy tính cá nhân.

Vậy những tựa game này khác gì các trò chơi miễn phí, và tại sao người ta vẫn bỏ tiền ra vì chúng? Đó là vì những trò chơi này hoạt động khác các tựa game chiến thuật đồng đội như Liên Minh.

Các trò chơi này tập trung vào phát triển thế giới trong game, mang tới cho người chơi một cốt truyện hay và những tương tác độc đáo với nhân vật. Sau khi hoàn thành hết các nhiệm vụ, người chơi còn có thể dành thời gian khám phá vũ trụ game và đi tìm những vật phẩm hay chi tiết thú vị được nhà phát hành cài cắm.

Hãy thử xem một số tựa game đình đám nhất có giá bao nhiêu: Cyberpunk 2077 có giá 59,99 đô, Minecraft có giá 29,99 đô trên máy tính và 9,99 đô trên điện thoại. Trò chơi bóng đá nổi tiếng FIFA phiên bản mới nhất cũng có giá 59,99 khi mới ra mắt, nay đã giảm xuống mức trên dưới 10 đô ở tùy từng cửa hàng.

Một trong những “cú hit” lớn nhất của làng game thế giới là The Witcher 3 - trò chơi đạt Game of the year 2015 - có giá 49,99 đô. Với vô số giải thưởng và danh xưng “Game of the decade” do cộng đồng đặt, The Witcher 3 đã bán được trên 40 triệu bản - con số đáng mơ ước không chỉ trong giới làm game, mà với bất cứ sản phẩm thương mại nào.

3. IAP (In-app purchase)

In-app purchase là thứ đã nuôi sống các tựa game “freemium” trên cả điện thoại lẫn máy tính cá nhân, hay bất cứ thiết bị chơi game nào khác. Về cơ bản, trò chơi có thể tính phí hoặc miễn phí, nhưng sẽ có những cách để người chơi nạp tiền nhằm quy đổi ra đơn vị tiền trong game.

Mỗi tựa game sẽ dựa vào những đặc tính riêng của mình để có những phương án IAP khác nhau. Phương án quy đổi tiền mặt ra “tiền game” có lẽ là phương án thường thấy nhất. Người chơi sử dụng tiền đó để trang bị thêm cho nhân vật hay tài khoản game của mình, hoặc đơn giản chỉ là mua những vật phẩm trang trí.

Chính những vật phẩm trang trí này là thứ giúp nhiều nhà phát hành hái ra tiền. Ví dụ, cả Liên Minh, Dota 2, và CS:GO đều bán những “skin” - các phiên bản ngoại hình khác nhau của một nhân vật hay một loại vũ khí.

18aug2022souvenirawpdragonlorejpg
Skin Dragon Lore AWP với giá khoảng 70 ngàn đô trong game CS:GO. | Nguồn: CS:GO

Một skin Liên Minh thông thường không quá đắt, trung bình khoảng 150 ngàn tới 300 ngàn đồng. Thế nhưng tựa game nào cũng có những skin quý hiếm do số lượng ít hoặc do nhà phát hành đã ngưng cung cấp, và giá của chúng thì cao hơn rất nhiều. Ví dụ, skin PAX Twisted Fate của nhân vật Twisted Fate trong Liên Minh có giá khoảng 300 đô, tức hơn 7 triệu đồng.

4. Tổ chức sự kiện

Không thể phủ nhận rằng, thể thao điện tử (e-sport) đang dần phát triển trở thành một ngành công nghiệp pha trộn giữa thể thao và công nghệ. Khi một tựa game đủ chất lượng có một cộng đồng người chơi đủ lớn, các giải đấu sẽ ra đời.

Dota 2 trong nhiều năm liền là tựa game có tổng giải thưởng lớn nhất cho chức vô địch thế giới: 1,6 triệu đô, trong đó nhà vô địch ẵm về 1 triệu đô. Với một sự kiện tầm cỡ lớn như vậy, các nguồn doanh ồ ạt chảy về túi nhà phát hành từ tiền bán vé tham gia sự kiện, tiền bán đồ lưu niệm (merchandise), và tiền bán bản quyền phát trực tuyến cho các đơn vị như Youtube hay Twitch.

Giải đấu Dota 2 gần nhất - Arlington Major - có ba giá vé là 40, 60, và 80 đô. Đây chưa phải là mức giá của chỗ ngồi VIP, và cũng nên nhớ rằng đây chỉ là một giải major. Ở giải lớn nhất là The International, một vé xem trận chung kết có thể lên tới 360 đô.

18aug2022cebdiscussesogwinchinesecrowdattheinternational20191jpg
Các thành viên đội tuyển OG ăn mừng chức vô địch The International 2019. | Nguồn: Win.gg

5. Tiền làm nhạc và điện ảnh

Công ty phát hành game đi làm nhạc và phim? Nghe thì có vẻ hơi vô lý, nhưng đây hóa ra lại là một hiện tượng đã diễn ra trong nhiều năm nay. Công ty Riot Games - đơn vị chủ quản của Liên Minh Huyền Thoại có lẽ là công ty game thu được nhiều lợi nhuận nhất từ mảng này, tới mức người chơi bắt đầu gọi Riot là công ty âm nhạc, công ty điện ảnh chứ chẳng phải công ty điện tử.

Tính từ 2014 tới 2021, chưa có năm nào Riot Games không tung ra một bài hát chủ đề cho mỗi chức vô địch thế giới, liên kết với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Zedd hay Imagine Dragons. Đó là chưa kể tới những sản phẩm âm nhạc khá hoành tráng mà Riot đầu tư cho những sự kiện nhỏ trong năm.

18aug2022fdgobedxsamqye221jpg
Imagine Dragons biểu diễn tại Chung kết Liên Minh Huyền Thoại 2021. | Nguồn: Riot Games

Và còn phải kể tới Arcane - tựa phim Netflix dựa trên nhân vật và cốt truyện của Liên Minh. Bộ phim đạt được thành công lớn trên thị trường, và còn nhăm nhe cạnh tranh với các studio hoạt hình chính thống để giành một số giải Emmy.

Chúng ta không biết chính xác Riot và Netflix ăn chia với nhau thế nào, nhưng chắc hẳn một sản phẩm thành công như vậy sẽ mang về không ít tiền.

Một tựa game khác cũng đã được chuyển thể thành phim là The Witcher với hai phần phim trên Netflix. Đơn vị phát hành của game này không tham gia vào quá trình sản xuất phim, nhưng có nhận một khoản tiền bản quyền cho việc chuyển thể.

Kết

Sự lớn mạnh của các công ty phát hành trò chơi điện tử như Valve, Tencent, hay Ubisoft đã cho thấy tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp game, cũng như ngành công nghiệp thể thao điện tử. Các công ty này không chỉ kiếm doanh thu từ trò chơi của mình, mà tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận thông qua các sản phẩm ăn theo từ trò chơi đó.

SEA Games 31 tại Việt Nam đã chào đón sự gia nhập của một loạt trò chơi điện tử. Các game thủ đứng ngang hàng với các vận động viên cấp cao nhất của quốc gia. Trò chơi điện tử không những dần thoát khỏi định kiến của xã hội, mà còn từng bước chứng minh rằng chúng có những giá trị riêng về cả mặt văn hóa và mặt kinh tế.