Cảm giác khi trở nên xinh đẹp mà vẫn “ế” là như thế nào?  | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 12, 2021
BeautyNhật Ký

Cảm giác khi trở nên xinh đẹp mà vẫn “ế” là như thế nào? 

Mình đã lấy bản thân ra kiểm chứng và có chút “review” gửi đến bạn.
Cảm giác khi trở nên xinh đẹp mà vẫn “ế” là như thế nào? 

tình yêu

Bạn có từng nghe ai đó bảo rằng “hãy đẹp lên đi rồi sẽ có người yêu” chưa? Bố mẹ bảo mình ăn mặc đẹp lên, đừng xuề xòa quá không ai để ý. Bạn bè bảo mình giảm cân đi, béo thế này trai nào yêu. Sau quá nhiều lời khuyên ra rả từ mọi người, mình quyết tâm làm đẹp để (thử) thoát khỏi trạng thái độc thân sau 21 năm.

Trong thời gian giãn cách, mình ăn uống khoa học và giảm 12 ký, tự nhuộm lại tóc và thay đổi tủ đồ với nhiều chiếc váy tôn dáng. Cuộc lột xác này có vẻ khả quan khi bố mẹ, bạn bè đều khen mình xinh hẳn. Bước tiếp theo là thực hiện việc… có người yêu.

Mình lên Tinder và thay hình avatar, cập nhật một xíu thông tin với lời giới thiệu bí ẩn một chút. Không ngoài dự đoán, trong ngày đầu tiên, số lượng người match mình tăng lên hẳn. Mình quyết định gặp mặt chàng trai mình có cảm tình nhất.

Cuộc gặp diễn ra suôn sẻ, bạn ấy cũng khen mình xinh và có một công việc thú vị. Tuy nhiên, sau buổi gặp đó thì mình và anh chàng nói chuyện với nhau ít hẳn. Bạn ấy luôn bận và mình biết sẽ chẳng còn buổi gặp thứ hai.

Vốn lì lợm, mình tiếp tục hẹn hò với hai chàng trai nữa, và kết quả cũng không khả quan hơn khi câu chuyện kết thúc với lý do: anh sợ bắt đầu một mối quan hệ.

Sau 3 lần thất bại, mình nghiêm túc tự hỏi điều gì sẽ khiến hai người bắt đầu một mối quan hệ. Ông bà ta hay nói yêu nhau là do duyên nợ. Về yếu tố có chút “tâm linh” này nhiều người cũng không giải thích được.

Theo khía cạnh khoa học và các nghiên cứu thì có vô vàn lý do để hai người yêu nhau. Trong đó có những lý do khá buồn cười như con trai thích các cô gái cười với câu chuyện mà họ kể, thích con gái mặc đồ đỏ, hoặc mơ hồ theo kiểu thích người cởi mở, tốt bụng, quyết đoán.

Thậm chí tình yêu cũng có 3 giai đoạn theo cách mà các nhà khoa học của Harvard phân loại: ham muốn, hấp dẫn và gắn bó. Mỗi giai đoạn lại do một hormone trong cơ thể quy định.

Mình có thể chủ động thay đổi là giúp ngoại hình trở nên thu hút hơn. Nhưng để tình cảm tiến xa hơn lại do hormone của người đối diện tăng giảm và mình chẳng thể kiểm soát.

Mình cũng nhận ra trở nên xinh đẹp ở thời này là một khái niệm phổ thông. Có rất nhiều cách để nhanh chóng trở nên xinh đẹp, và thứ gì dễ dàng quá lại không còn là lợi thế nữa.

Chưa kể, định nghĩa về ngoại hình cũng có nhiều thay đổi khi online dating nở rộ và nhìn nhau qua lớp filter. Hay khi Metaverse được ra mắt, liệu chúng ta có yêu một người qua nhân dạng ảo của họ?

Quay lại chuyện làm đẹp và tình yêu, mình nghĩ nó gần giống với lý thuyết “foot in the door” vậy. Khởi đầu với một cảm giác dễ chịu để tiến đến những lời đề nghị lớn hơn. Tất nhiên, có “chốt deal” được hay không thì chẳng ai biết.

Mình từng đọc được lời khuyên của một giáo sư tâm thần học rằng để giữ cho tình yêu tồn tại thì việc nhận ra bạn không thực sự hiểu rõ đối tác của mình là một việc tốt. Khi đó, chính sự tò mò sẽ là chất xúc tác để hai người gần nhau hơn.

Mình chợt nghĩ hay chúng ta đừng khuyên nhau hãy đẹp lên mà là hãy khiến người khác tò mò về mình thử xem. Không chừng “tuổi thọ” của mối tình kế tiếp sẽ cao thật đấy!