Cảm nhận một Sài Gòn nhộn nhịp sau giãn cách qua những bức hình | Vietcetera
Billboard banner

Cảm nhận một Sài Gòn nhộn nhịp sau giãn cách qua những bức hình

Cùng theo chân nhiếp ảnh gia Tín Phùng để cảm nhận sức sống đang tràn về trên các nẻo đường Sài Gòn sau bốn tháng đằng đẵng giãn cách xã hội.

Cảm nhận một Sài Gòn nhộn nhịp sau giãn cách qua những bức hình

Cuộc sống người Sài Gòn sau giãn cách.

Sau bốn tháng đằng đẵng phải bó buộc trong nhà, chẳng lạ gì khi người Sài Gòn nô nức cái không khí bên ngoài cánh cổng, nơi nắng gió ngập tràn, những làn cây rung rinh trong gió, và tiếng nói cười râm rang rộn ràng như Tết đến. 

Từ tuần trước khi thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách, các tuyến đường hoang vắng bóng người từ tháng Sáu giờ như được tiếp thêm sức sống. Hàng ngàn chiếc xe máy nườm nượp đổ ra đường, đâu đâu cũng âm ỉ tiếng còi xe và động cơ vang lên như khúc ca chào mừng nhịp sống hối hả đã quay lại thành phố.

Công viên cũng đã dỡ bỏ đi những dải băng dính và mở cửa trở lại. Nhiều người đã lập tức bắt lấy cơ hội này để làm một chuyến picnic nho nhỏ hay đạp xe dọc theo những nẻo đường tràn ngập bóng cây, chỉ để thoả lòng cảm nhận sự tự do mới mẻ.  

Với các hàng quán lề đường và người lao động, lần tái ‘mở cửa’ này cũng mở lại cánh cửa để họ quay về với nguồn thu nhập chính. Những nơi như tiệm cắt tóc và siêu thị thì phấn khởi tiếp đón dòng người ra vào nhộn nhịp; có nơi vẫn đang chậm rãi bắt lại nhịp sinh hoạt cũ. Nhưng ai ai cũng hy vọng lần ‘mở cửa’ này là dấu hiệu thành phố đang hồi phục hoàn toàn khỏi cơn đại dịch.  

Cùng theo chân nhiếp ảnh gia Tín Phùng của Vietcetera để cảm nhận nhịp sống đổi mới trên mọi nẻo đường Sài Gòn. 

“Cụng” kem nào! Mấy tháng qua không hàng quán nào mở cửa, hẳn là cô cậu bé nào cũng thèm nhớ vị kem ngọt ngào mát lạnh lắm. Thế nên vừa hết giãn cách là phải vòi bố mẹ ngay một cây. 

Cuối cùng cũng được cắt tóc rồi! Với nhiều người Sài Gòn bức bối suốt bốn tháng trời qua vì mái tóc không được cắt tỉa đàng hoàng, thì chẳng gì hân hoan là tin salon và tiệm làm tóc đã được phép hoạt động trở lại. Nhưng nếu chỉ cần một mái đầu đơn giản gọn gàng thì các dịch vụ cắt tóc lề đường vẫn sẽ làm bạn hài lòng đấy. 

Bạn còn nhớ những ngày kẹt xe ở Sài Gòn không? Bức hình này là cảnh hàng xe từ phía đông tây Sài Gòn lũ lượt nối đuôi nhau về trung tâm thành phố trong giờ cao điểm vào một ngày thứ Ba. 

Không chỉ chúng ta, mà các bạn chó cũng nhớ tháng ngày được tung tăng ngoài trời lắm. Với những người nuôi thú cưng không thể dắt chúng đi dạo hằng ngày trong mùa dịch, giãn cách chẳng khác gì một thử thách cam go. Giờ khi không còn bị bốn bức tường trói buộc, những chú chó này liền hăng hái tận hưởng thế giới bên ngoài. 

Các dịch vụ sửa giày nhanh ở lề đường Sài Gòn cũng đã quay lại hoạt động. Những người thợ với tay nghề cực kì tốt này có thể giúp bạn sửa lại đế hay vá lại đôi giày chưa tới một giờ đồng hồ. Trong lúc chờ đợi, bạn còn có thể thưởng thức một ly cà phê hay thức uống giải khát của một sạp hàng rong ngay gần đó. 

Các khu chợ truyền thống và bán đồ tươi sống cũng đã được phép mở cửa trở lại, nhưng phải đặt an toàn làm ưu tiên hàng đầu. Để tránh việc tiếp xúc trực tiếp, càng quầy hàng đã treo một tấm ni lông ngăn cách giữa người mua với người bán. 

Các nhân viên y tế và chiến sĩ quân đội cuối cùng cũng được nhẹ nhõm tận hưởng thời gian nghỉ ngơi xứng đáng. Và còn gì hay ho hơn là làm một tấm hình trước bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay phố đi bộ Nguyễn Huệ. 

Với các dự án xây dựng phải tạm ngưng, công nhân cũng đã trở lại làm việc. Họ bắt đầu một ngày từ sáng sớm vì nhiều đầu việc đã bị ngưng trệ do đợt giãn cách vừa qua. 

Khúc đường này gần phố đi bộ Nguyễn Huệ đã bị bỏ hoang trong bốn tháng rồi. Nhưng ngay khi có lệnh gỡ giãn cách thứ Sáu tuần trước, các cậu bé này liền hăm hở lao ra, không quên mang theo ván trượt để so tài cùng bạn bè. 

Và cuối cùng, những anh hùng thời bình của Việt Nam. Hàng ngàn nhân viên y tế và các tình nguyện viên như họ từ khắp mọi miền tổ quốc đã đổ về đây để tham gia cuộc chiến chống lại COVID-19 ngay từ những ngày đầu giãn cách. Giờ khi tình hình đã được kiểm soát, họ chào tạm biệt Sài Gòn để về lại quê nhà sau bao ngày xa cách.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm