Lần đầu tiên Vietcetera gặp chị Đặng Thuỳ Trang, nhà đồng sáng lập và CEO của Ru9, là vào giữa năm 2018, khi ấy công ty vừa mới thành lập. Chị gây bất ngờ bởi từ định hướng, sứ mệnh cho đến sản phẩm của Ru9 đều quá mới, quá táo bạo.
Lần thứ hai chúng tôi trò chuyện là khi chị tham gia Vietnam Innovators phiên bản tiếng Việt với vai trò khách mời đầu tiên của chương trình. Lúc này, công ty giấc ngủ Ru9 đã đạt mức tăng trưởng doanh số 300% và đang triển khai kế hoạch mở rộng mạng lưới khách hàng tới hơn 60 tỉnh thành trên cả nước.
Và lần này, không bàn nhiều về chiến lược kinh doanh hay các con số, Vietcetera tò mò hơn về người phụ nữ trẻ Đặng Thuỳ Trang.
3 giá trị làm nên Đặng Thuỳ Trang?
Trước nhất là tính chân thật. Trang luôn sống chân thật với chính mình, biết bản thân muốn gì, cần gì và đã dám nghĩ thì sẽ dám làm. Trang không muốn phải hối tiếc điều gì. Trong công việc, sự chân thật tạo ra sự cởi mở, xoá bớt đi ranh giới giữa các cấp bậc.
Tiếp đó là sự tò mò, thích học hỏi. Nó là một phần của cuộc sống. Trang tranh thủ trau dồi ở mọi khoảnh khắc. Nó cũng giải thích vì sao Trang lại có niềm đam mê to lớn dành cho “xê dịch” đấy (cười).
Cuối cùng là sự tử tế. Trang quan niệm: “Bản thân nên đối xử với người khác theo cách chính mình muốn được đối xử”. Có thể không ngay tức thì, nhưng khi đã cho đi, bạn chắc chắn sẽ nhận lại, không bằng cách này cũng bằng cách khác.
Xuất phát từ 3 điều này, Ru9 được ra đời. Và cả 3 điều này đều là những giá trị cốt lõi của Ru9.
Trang luôn chia sẻ thẳng thắn với các bạn nhân viên và ngược lại. Theo một thời hạn định kỳ, công ty sẽ tài trợ cho nhân viên những khoá học kỹ năng phù hợp theo từng nhu cầu riêng.
Đang có cơ hội thăng tiến tại một tập đoàn quảng cáo lớn, vì sao chị lại lựa chọn từ bỏ để đi theo con đường khởi nghiệp nhiều rủi ro hơn?
Trang về Việt Nam và làm việc tại công ty quảng cáo khi ấy đã 4 năm. Mặc dù công việc và môi trường đều rất tốt, Trang vẫn gặp phải khủng hoảng 1/4 cuộc đời.
Lí do đầu tiên là cảm giác “chồn chân”, bởi Trang thuộc tuýp người ưa thử thách và khám phá.
Lí do thứ hai là Trang không biết những gì mình đang làm có thực sự mang lại giá trị. Liệu các thương hiệu có tăng doanh thu nhờ vào những giải pháp Trang đã đề xuất? Liệu khách hàng của họ có đang trải nghiệm những giá trị thực tương ứng không? Và mọi thứ Trang đang làm có giá trị với bản thân lẫn xã hội không?
Trong khoảng thời gian đó, Trang vạch cho mình hai con đường: “nhảy ngành” tại một nước khác hoặc khởi nghiệp tại Việt Nam.
Trang quyết định phương án thứ hai. Với Trang, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, bạn cũng có thể làm thuê. Nhưng khởi nghiệp chỉ có thể thực hiện tại một vài thời điểm nhất định.
Trang không để mình chần chừ quá lâu. Trang trải qua 9 tháng để chuẩn bị vốn gồm: kiến thức, tài chính, mối quan hệ,... Trang làm song song 2 công việc để nuôi hoài bão.
Thông thường, thành hay bại của một startup sẽ trông thấy sau 18 tháng đến 2 năm. Cùng lắm thất bại sau 2 năm cố gắng, Trang lúc ấy mới 27 tuổi — hoàn toàn có thể trở lại làm thuê tại một công ty nào đó.
Từ đâu chị có sự tự tin triển khai ý tưởng mới trong một lĩnh vực tồn tại nhiều định kiến cũ?
Đến ba mẹ của Trang cũng đánh giá mức khả thi của ý tưởng này bằng 0, nên cũng chả hỗ trợ gì (cười).
Vì nhắc đến nệm ngủ, người Việt chỉ nghĩ ngay đến các thương hiệu lâu đời và dường như không có nhu cầu đổi mới.
Lĩnh vực nệm tại Việt Nam quả thật đã “ngủ đông” quá lâu rồi. Trong khi mọi ngành công nghiệp đều phát triển đến mức chóng mặt, thì một ngành đóng vai trò “tối quan trọng” trong đời sống như nệm lại chẳng thay đổi gì.
Trang thấy bất hợp lý nên muốn lao vào với hy vọng có thể mang đến giải pháp. Đó là vì sao Ru9 được định hình là công ty giấc ngủ, chứ không chỉ là công ty kinh doanh sản phẩm nệm, chăn ga đơn thuần.
Bước tiếp cận khách hàng là khó nhất, nên Ru9 cho ra chính sách 100 đêm ngủ thử. Và doanh thu của Ru9 đã tăng 300% trong năm vừa qua là cột mốc tiếp lửa cho Trang
Một điều chị tự hào nhất và một bài học chị có được sau 2 năm khởi nghiệp?
Điều Trang tự hào nhất là tạo nên môi trường làm việc lành mạnh. Trang tạo điều kiện và hướng dẫn sát sao các bạn ngay từ những ngày đầu. Nên sự phát triển của các bạn và sự tăng trưởng của công ty tỉ lệ thuận. Mắt xích giữa 2 phía cũng vì thế bền chặt hơn.
Có một bài học đáng nhờ mà Trang vẫn đang trong quá trình tiến bộ là nói lời từ chối.
Trước đây, “say yes” với Trang dường như là phản xạ vậy. Nhưng khối lượng công việc của một startup vốn dĩ chỉ có tăng chứ không giảm.
Ép bản thân chạy theo giải quyết mọi vấn đề Trang đã “say yes” là bất khả thi. Thế là Trang buộc phải học cách “say no” thôi.
Khó lắm! Vì vậy, Trang có một “mẹo” là thay vì đặt mọi thứ giữa hai lựa chọn “có” hoặc “không”, mình sắp xếp chúng thành một danh sách ưu tiên. Điều gì chưa quá quan trọng, Trang tạm đặt nó qua một bên.
Và thay vì khước từ ngay lập tức, Trang sẽ từ chối một cách nhẹ nhàng, lịch sự và hẹn liên lạc sau khi đã sẵn sàng.
Vậy thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của chị hiện tại?
Đến thời điểm hiện tại, Trang vẫn luôn ưu tiên sự hạnh phúc của bản thân. Hạnh phúc được xác định dựa trên 3 giá trị chính Trang đã nêu, thêm vào đó là sự tự do.
Quan điểm của Trang là bản thân phải cảm thấy yêu thích, hạnh phúc với việc mình đang làm thì nó mới lan toả được những giá trị thực theo hướng tích cực.
Hạnh phúc như thế với Trang là dễ đạt được. Chỉ là hiện tại du lịch vẫn còn khó quá (cười).
Có vẻ niềm hạnh phúc này được lan toả rộng khắp Việt Nam bằng chiến dịch “Đến cả anh hùng cũng cần giấc ngủ ngon” của Ru9?
Thú thật, việc quyên góp bắt nguồn từ mong muốn cá nhân Trang thôi. Trang nghe được khu cách ly bị quá tải, nhân viên y tế chỉ có thể trải chiếu nằm ngoài sân. Quan sát tình hình ở các quốc gia khác, Trang biết một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bùng dịch là đến từ sự quá tải của các cơ quan y tế.
Ban đầu, Trang bỏ tiền túi để quyên khoảng vài trăm cái nệm. Nhưng khi biết ý định này, phía sản xuất ủng hộ bằng cách không tính phí công nhân, còn chi phí làm nệm được tính bằng giá gốc.
Còn đơn vị vận chuyển cũng hỗ trợ giao nệm miễn phí từ xưởng đến các bệnh viện.
Các chuyến vận chuyển ra Hà Nội, Trang cũng may mắn nhận được sự giúp đỡ từ Vietnam Airline, Bamboo Airways và VietJet Air.
Trang vốn ít hoạt động trên mạng xã hội và cũng sợ việc kêu gọi dấy lên nhiều hiểu lầm. Nên 1500 cái nệm được quyên góp đều xuất phát từ vòng quan hệ của Trang.
Còn việc được vinh danh trong hạng mục Bản Lĩnh Đương Đầu tại WeChoice Award 2020 là điều Trang không ngờ tới.
Là một người không thích sự an phận, chị sẽ còn chinh phục lĩnh vực nào khác?
Hiện tại chưa thể nói được nhưng chắc chắn Trang sẽ không dừng lại.
Nói thật, sớm an phận ở Việt Nam với Trang là khá phí. Vì môi trường làm việc ở Việt Nam tạo nhiều điều kiện cho phụ nữ, thậm chí là hơn hẳn một vài quốc gia phát triển.
Hình ảnh cáng đáng nhiều vai trò cùng một lúc của nữ giới Việt với Trang là cảm hứng, là niềm tự hào mà Trang vẫn luôn “khoe” với bạn bè quốc tế.
Fitflop là thương hiệu giày dép đến từ Anh Quốc với đặc trưng “công nghệ sinh học” trong các dòng sản phẩm. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo ra những đôi giày, dép thời trang và mang tính ứng dụng cao. Cùng thông điệp ‘Shoes for Superwomen – Đôi giày dành cho Siêu Phụ nữ’. Họ là những người có khả năng vượt ra khỏi những ranh giới mà xã hội áp đặt và đạt được mục tiêu đặt ra.