ChatGPT nói giọng Black Widow, tưởng “hay như phim” nhưng không hay chút nào | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 05, 2024
ChatGPTTóm Lại Là

ChatGPT nói giọng Black Widow, tưởng “hay như phim” nhưng không hay chút nào

Vụ việc của OpenAI và nữ diễn viên Scarlett Johansson chỉ là “trận đánh” mới nhất của “cuộc chiến” giữa Hollywood và Thung lũng Silicon.
ChatGPT nói giọng Black Widow, tưởng “hay như phim” nhưng không hay chút nào

Nguồn: Softonic

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 14/5, công ty OpenAI đã cho ra mắt GPT-4o, "động cơ" mới nhất của ChatGPT. Đáng chú ý nhất, GPT-4o có khả năng nói chuyện với người dùng bằng một giọng nói mang tên Sky.

GPT-4o với chất giọng của Sky “giống thật” tới nỗi dường như sở hữu tính cách riêng, có thể điều chỉnh cách nói và ngữ điệu để phù hợp với cuộc trò chuyện, có thể trêu đùa, đưa ra những lời khen về ngoại hình của người dùng, hoặc thậm chí tán tỉnh.

Một tuần sau khi GPT-4o ra mắt, Scarlett Johansson, nổi tiếng với vai diễn Black Widow, đã đăng tải một bài viết về Sky. Cô nói rằng cảm thấy “bàng hoàng, tức giận và khó tin” rằng OpenAI đã sử dụng một chất giọng giống của cô đến nỗi bản thân nữ diễn viên, bạn bè, người thân và cả những hãng tin tức đều không phân biệt được.

Johansson tiết lộ rằng OpenAI đã hai lần liên hệ với cô để đề xuất được sử dụng giọng nói và chưa được cô đồng ý.

Cuối bài viết, Scarlett Johansson cho biết cô đã mời luật sư để làm việc, gửi một bức thư yêu cầu OpenAI làm rõ tình hình, và cảnh báo về việc khởi kiện.

Cả OpenAI lẫn nữ diễn viên đã trao giọng cho Sky đều phủ nhận sự tương đồng giữa chất giọng của tính năng và của Johansson. OpenAI khẳng định rằng đã thuê nữ diễn viên lồng tiếng từ tháng 9/2023, ngay sau khi Johansson từ chối lời mời hợp tác. Song sau cùng, công ty vẫn quyết định tạm thời gỡ bỏ tính năng Sky khỏi ChatGPT vì sự tôn trọng dành cho Scarlett Johansson.

2. Vì sao OpenAI muốn sử dụng giọng của Scarlett Johansson?

Năm 2013, Scarlett Johansson từng trao giọng cho bộ phim Her của đạo diễn Spike Jonze. Trong phim, cô lồng tiếng cho một phần mềm A.I. mang tên Samantha, và xuyên suốt bộ phim, phần mềm này dần xây dựng một mối quan hệ tình cảm với người dùng là Theodore.

Sam Altman, CEO của OpenAI từng thừa nhận rằng Her là bộ phim yêu thích nhất của mình. Không chỉ vậy, anh cũng đã đăng tải dòng tweet với vỏn vẹn một từ “her” ngay sau khi GPT-4o được ra mắt. Đây cũng là một trong những lý do khiến Scarlett Johansson cho rằng OpenAI đã cố tình sử dụng một chất giọng giống của cô.

alt
Phần mềm trí tuệ nhân tạo trong Her được lồng tiếng bởi Scarlett Johansson | Nguồn: Warner Bros. Pictures

Theo tiết lộ của Johansson, Altman đã thuyết phục nữ diễn viên rằng chất giọng của cô “có thể thu hẹp khoảng cách giữa các tập đoàn công nghệ và giới nghệ thuật”, và khiến người dùng đỡ lo ngại hơn về A.I.

Bên cạnh Sky, các trợ lý ảo AI khác như Siri của Apple hay Cortana của Microsoft hay Alexa của Amazon đều có chất giọng mặc định là nữ.

Đây không phải lựa chọn ngẫu nhiên. Một nghiên cứu của khoa Tin học và Máy tính của đại học Indiana, Mỹ được thực hiện vào năm 2011 đã chỉ ra rằng cả nam giới lẫn nữ giới đều có xu hướng ưa thích nghe giọng phụ nữ hơn trong trường hợp tìm kiếm sự giúp đỡ, đặc biệt là giọng phụ nữ “ảo”.

3. Scarlett Johansson có thể kiện OpenAI không?

Theo luật sư Purvi Patel Albers thuộc văn phòng luật Haynes Boone, Scarlett Johansson hoàn toàn có đủ điều kiện để pháp lý để khởi kiện.

Theo Albers, Johansson có thể sử dụng luật về quyền quảng cáo (right to publicity laws), có mục đích bảo vệ những đặc điểm nhận dạng nổi bật của một người (tên, hình ảnh, giọng nói,...) khỏi việc bị các bên khác lạm dụng hoặc khai thác mà không có sự cho phép.

Để có thể thắng một vụ kiện này, bên khởi kiện cần chứng minh rằng các đặc điểm nhận dạng của họ (ví dụ như giọng nói) là những thương hiệu của riêng họ (kể cả nếu không đăng ký bản quyền).

Và khi một bên khác khai thác trái phép hoặc đạo nhái, mô phỏng những đặc điểm này cho một sản phẩm nào đó, người tiêu dùng sẽ tự động liên kết bên khởi kiện với sản phẩm, dù bên khởi kiện không có liên quan gì đến sản phẩm đó.

Đối với một diễn viên có chất giọng đặc trưng, được lựa chọn cho nhiều vai diễn lồng tiếng nổi danh (Her, The Jungle Book, Sing,...), chứng minh điều này không phải là bất khả thi.

Trong lịch sử, đã từng có một số trường hợp người nổi tiếng sử dụng luật về quyền quảng cáo để khởi kiện các tập đoàn lớn và thắng kiện.

Trong số đó, nổi tiếng nhất là vụ kiện Midler v. Ford Motor Co. vào năm 1988. Nữ diễn viên/ca sĩ Bette Midler, chủ nhân của hai đề cử Oscar, đã khởi kiện Ford sau khi bà từ chối một lời mời đóng quảng cáo từ tập đoàn xe này, và Ford sau đó đã thuê một ca sĩ hát bè của bà và yêu cầu ca sĩ này bắt chước giọng của Midler giống nhất có thể.

Trong vụ kiện này, tòa phúc thẩm phán quyết rằng chất giọng của một ca sĩ nổi tiếng là đặc điểm đặc trưng và một phần danh tính của họ, và vì thế việc bắt chước giọng mà không có sự đồng thuận là bất hợp pháp.

4. Đây có phải lần đầu tiên OpenAI dính “phốt”?

Vụ việc của Scarlett Johansson chỉ là sự kiện mới nhất trong một loạt những rắc rối mà OpenAI, và các công ty về trí tuệ nhân tạo nói chung, đang gặp phải về vấn đề bản quyền và khai thác tư liệu trái phép.

Những sự cố liên tiếp này khiến tờ The Hollywood Reporter nhận định rằng Thung lũng Silicon dường như đang làm việc theo cách “xin lỗi, chứ không xin phép”.

alt
Sam Altman, CEO của OpenAI | Nguồn: CNBC

Trong năm 2023, OpenAI đã phải giải quyết những vụ kiện nhỏ lẻ từ các họa sĩ và tác giả sách, cho rằng công ty này đã sử dụng những tác phẩm đã được đăng ký bản quyền của họ, phần lớn được lấy về từ các trang web lậu, để huấn luyện cho phần mềm A.I.

Ngoài ra, công ty liên tục từ chối trả lời ngọn ngành cáo buộc về việc sử dụng (trái phép) video trên YouTube để huấn luyện phần mềm text-to-video Sora. OpenAI cũng đã ngừng tiết lộ nguồn gốc những tư liệu được sử dụng để huấn luyện A.I., với lý do nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ.

5. Ngoài người nổi tiếng, những ai nên lo ngại về việc bị “đánh cắp” danh tính?

Vụ việc của Scarlett Johansson và OpenAI diễn ra trong bối cảnh những tranh cãi về trí tuệ nhân tạo và quyền lợi của nghệ sĩ đang diễn ra nóng bỏng. Năm 2023, Hiệp hội diễn viên Mỹ (SAG-AFTRA) đã cùng Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA) thực hiện cuộc đình công kép gây tê liệt Hollywood suốt nhiều tháng.

Trong khi WGA lo ngại việc các xưởng phim bắt đầu sử dụng A.I. để viết kịch bản, từ đó giải thể các phòng biên kịch, thì SAG-AFTRA lại quan tâm đến vấn đề bản quyền hình ảnh của họ.

Giờ đây, một số xưởng phim đã bắt đầu sử dụng công nghệ scan 3D để thu thập bản sao kỹ thuật số của diễn viên, đặc biệt là diễn viên quần chúng.

Bằng cách này, các xưởng phim có thể chỉ cần trả tiền cho những diễn viên này cho một ngày làm việc duy nhất, sau đó sử dụng bản scan 3D của họ và công nghệ A.I. để tạo ra những nhân vật quần chúng “ảo”. Những mô hình 3D này có thể được sử dụng vĩnh viễn ở bất cứ bộ phim nào họ muốn, và những diễn viên gốc sẽ không được trả thêm thù lao.

Không chỉ những xưởng phim, giờ đây những ứng dụng deepfake tràn lan trên Internet cũng cho phép người dùng sử dụng công nghệ A.I. để “gắn” mặt của bất cứ ai lên một đoạn clip bất kỳ mà không có sự đồng thuận của họ.

alt
Các đoạn quảng cáo sử dụng công nghệ deepfake | Nguồn: Ad Age

Điều này dẫn đến nhiều vấn đề về pháp lý, vì deepfake có thể tạo ra những đoạn video một người thực hiện những hành động hoặc đưa ra những phát biểu không có thật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và danh dự của họ.

Đây cũng là một trong những luận điểm Scarlett Johansson nhắc tới trong bài viết, cho rằng chúng ta đang phải “vật lộn với deepfake và sự bảo vệ hình ảnh, tác phẩm và danh tính của bản thân.”