Chợ tạm, chợ cóc và sức mạnh của việc mặc cả trong một thế giới "chợ búa" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Chợ tạm, chợ cóc và sức mạnh của việc mặc cả trong một thế giới "chợ búa"

Có lý do cho việc tại sao các bà, các mẹ chỉ trả nửa giá cho các món hàng ngoài chợ. "Để mua rẻ" là câu trả lời đúng, nhưng chưa đầy đủ.
Chợ tạm, chợ cóc và sức mạnh của việc mặc cả trong một thế giới "chợ búa"

Nguồn: Saigoneer via Lance V. Nix

Ở Việt Nam và nhiều nơi tại châu Á, mặc cả là một phần không thể thiếu của một giao dịch. Người mua và người bán thương lượng cho tới khi chốt được một điểm ngã giá có thể chấp nhận được cho cả hai rồi kết thúc giao dịch. Quá trình này lặp lại với gần như mọi giao dịch khác.

Một bạn Gen Z, người cả đời quen mua đồ với giá niêm yết trong siêu thị, có lẽ cũng có thể hiểu và tưởng tượng ra một buổi mặc cả của mẹ khi đi chợ cóc. Mặc cả phổ biến tại Việt Nam và Đông Nam Á tới mức nó được coi là một nét văn hóa, một điều mà những khách du lịch phương Tây nên thử “trải nghiệm.”

Nhưng liệu chuyện mặc cả có đơn giản chỉ đơn thuần là câu chuyện về buôn bán, về thêm một bớt hai ở ngoài chợ? Hay nó còn có gì khác để nói về cách chúng ta tối đa hóa lợi nhuận cho bản thân trong quá trình tương tác với người khác? Trong số Triết Xuất lần này, hãy cùng Vietcetera nhìn hiện tượng mặc cả ở một lăng kính rộng hơn và phức tạp hơn.

Người người mặc cả, nhà nhà ngã giá

Mặc cả, hay còn gọi là trả giá, đều chỉ sự đàm phán về giá giữa người mua và người bán trong một giao dịch cụ thể. Hành động này thể hiện quan điểm của hai bên về giá trị của món hàng: người bán nói thách đẩy giá lên cao, còn người mua mặc cả như muốn nói “tôi không tin vật phẩm này có giá trị như vậy.”

22sep20222559hinhanhkhoquenvetiengiangnam1991cuahanspetergrumperedsvnnet485546jpg
Thuận mua, vừa bán là mấu chốt của một giao dịch mặc cả. | Nguồn: Thời Đại via Hans-Peter Grumpe

Điều quan trọng ở đây là một số người mặc cả không chỉ vì họ muốn mua rẻ, mà vì họ tin rằng mình đang bị khống giá. Lúc này, mặc cả trở thành câu chuyện của sự minh bạch. Nó được gắn với sự bòn rút đối với người mua và sự thiếu minh bạch trong quá trình ngã giá.

Có thể bạn sẽ hỏi rằng, ra chợ mặc cả mớ rau với quả cam thì có gì là không minh bạch? Điều này có vẻ đúng, nhưng nếu món hàng không phải quả cam mà là vật liệu xây dựng một công trình, và người mua không phải mẹ bạn mà là một nhà thầu, thì rõ ràng việc mặc cả ở đây là hành vi ăn bớt thiếu minh bạch.

Nếu nghĩ về mặc cả không phải như câu chuyện tranh giành giá, mà là sự thương lượng vì lợi ích, ta sẽ thấy sự hiện diện của nó ngay cả bên ngoài những khu chợ. Sự mặc cả nằm ở lời xin xỏ “cho con chơi thêm 5 phút nữa” của đứa trẻ, ở câu hỏi “tôi muốn thu thập từng này dữ liệu, anh có đồng ý không” của mỗi trang web khi xin cookie từ người dùng mạng.

Cũng có những trường hợp mà việc mặc cả và chuyện thuận mua vừa bán trở nên trớ trêu hơn: mặc cả với thần linh. Ta dâng lễ, công đức, hóa vàng, cúng giải hạn,... chỉ để thỏa hiệp với những thế lực vô hình rằng chúng ta xứng đáng có cuộc sống và số phận tốt hơn những gì vốn là.

22sep2022mfu8m7thjpg
Có ai ngờ cúng bái cũng là một hành vi mặc cả. | Nguồn: Saigoneer via Lance V. Nix

Tầm quan trọng của mặc cả trong thế giới “chợ búa”

Như vậy, hành động mặc cả, thương lượng giá trị xuất hiện trong đời sống của chúng ta thường xuyên hơn là chỉ những lúc đi chợ. Đó không chỉ là sự thương thảo về giá cả, mà là sự cân nhắc giá trị nói chung để tìm ra được cái kết tốt đẹp nhất cho cả hai phía, nhưng sao cho bản thân vẫn có nhiều lợi ích nhất có thể.

Không chỉ dừng lại ở đó, mặc cả còn là chất keo gắn kết niềm tin của con người trong một thế giới luôn xê dịch. Trong nền kinh tế thị trường toàn cầu, thế giới dường như là một cái chợ lớn. Ngay cả xung đột quốc gia cuối cùng cũng chỉ gói gọn ở việc mặc cả: dầu mỏ, lúa mì, những mảnh hợp kim làm đồ điện tử, nguồn lao động, và nhiều thứ tài nguyên có thể giao dịch khác.

Nhiều người phê phán thói mặc cả rằng nó làm rạn nứt niềm tin giữa người mua và kẻ bán. Một phía thì cho rằng người ta đang nâng khống giá, bên còn lại thấy xã hội ngày càng có nhiều người ki bo. Trong thực tế, loài người vốn dĩ không có điểm chung. Sự tin tưởng vì thế chỉ xảy ra sau khi đã thương lượng.

Bởi vậy, mặc cả quan trọng ở chỗ nó hàn gắn một thế giới vốn dĩ đã rời rạc và thiếu tiếng nói chung. Dù diễn ra trong tình trạng gắt gỏng hay hiền hoà thì đây cũng là một phần của quá trình thỏa thuận giữa người với người. Một khi còn có thể ngồi xuống để mặc cả, chúng ta còn hạn chế được những xung đột sát thương.

22sep2022carterbrezhnevsignsaltii1jpg
Mỹ và Liên Xô ký hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược - một bước thương thỏa, mặc cả của hai cường quốc. | Nguồn: Nghiên cứu quốc tế via History.com

Bước ra từ một giao dịch mặc cả, ta thấy kể cả những giá trị do con người quy ước còn xê dịch, huống chi là thế giới. Người bán táo định giá quả táo qua số thời gian và công sức họ bỏ ra để trồng táo, trong khi người mua hàng thì định giá theo nhu cầu.

Đó là cách mọi thứ hoạt động ở nền kinh tế thị trường, nơi giá cả được xác định qua sự gặp nhau giữa cung và cầu. Còn trong nền kinh tế chợ cóc, số khả thể xác định giá có thể nhiều và mịt mùng hơn vậy.

Sở dĩ giá trị ấy luôn xê dịch là bởi trên thế giới này chẳng có hai thứ gì giống nhau hoàn toàn. Quả táo này có thể ngọt hơn quả táo kia, chiếc lá này có thể thẫm màu hơn chiếc lá kia,... Thứ bằng nhau là sự quy ước của chúng ta, rằng bạn có thể trả gấp đôi tiền để mua hai quả táo, vì chúng có giá thành giống nhau.

Đó là ấn tượng mà một chiếc siêu thị có thể tạo ra. Còn trong mặc cả, món hàng được ngã giá theo từng trường hợp, phụ thuộc hoàn toàn cách hai bên tương tác thông qua ngôn ngữ, và có lẽ là một chút cảm xúc, của người mua và kẻ bán.

Kết

Sau khi nhìn nhận việc mặc cả ở góc độ lớn hơn và như những sự thương thỏa, ta nhận ra rằng những phê phán nhằm vào mặc cả đều xuất phát từ góc nhìn hiện đại. Tính hiện đại thể hiện ở cả cách nghĩ về giá cả lẫn hoạt động mua bán, thể hiện qua sự chính xác, đồng đều, và minh bạch như một dãy hàng trong trung tâm thương mại.

Vượt ra khỏi những phê phán ấy, thứ mà hiện tượng mặc cả cho ta thấy chính là cách con người tương tác với nhau trong thế giới của thương mại, nơi mà người ta phải chọn tin vào những chiếc nhãn giá niêm yết. Trong bối cảnh ấy, mặc cả còn là một cách để con người phản kháng lại thế giới bất an và thiếu niềm tin.

Thế nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là một góc nhìn về thế giới biến chuyển liên tục, ngay cả khi con người cố bắt nó đứng yên thông qua việc định giá. Việc ta thỏa hiệp với nhau cũng là một cách để con người hiểu và tham gia vào chuỗi chuyển động không ngừng ấy.

Bài viết là phần mở rộng nội dung của Podcast Chuyện bé xé to, episode 2: Mặc cả