Doanh nghiệp nên dành bao nhiêu ngân sách cho CSR? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
01 Thg 02, 2021
Chất Lượng Sống

Doanh nghiệp nên dành bao nhiêu ngân sách cho CSR?

Quốc gia của chúng ta thực sự rất cần nâng cao ý thức và trách nhiệm cho CSR về môi trường và giáo dục. Không phải chỉ cho chúng ta mà còn cho thế hệ sau nữa.
Doanh nghiệp nên dành bao nhiêu ngân sách cho CSR?

Chiến dịch "Nghiệp nhựa" kêu gọi cộng đồng giảm thiểu và loại bỏ dần các sản phẩm nhựa dùng một lần trong tiêu dùng hàng ngày. | Nguồn: CHANGE.

Nhìn lại, 2020 là một năm với nhiều vấn đề về môi trường và xã hội xảy ra tại Việt Nam. Từ ảnh hưởng của đại dịch, hạn mặn Cửu Long, đến bão lũ miền Trung... tất cả đều là những vấn đề mang tính cấp thiết, cần sự quan tâm và phản hồi nhanh chóng từ phía xã hội và các cơ quan ban ngành. Đây cũng là lúc mà các doanh nghiệp cần chứng tỏ sự cam kết của mình đối với lợi ích cộng đồng, thông qua các chiến dịch/chương trình CSR (Corporate Social Responsibilities - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) phù hợp.

Chương trình CSR của doanh nghiệp có thể bắt đầu từ đâu? Phân bổ nguyền tài nguyên thế nào là hợp lý? Đây là câu trả lời từ 3 đại diện từ 3 công ty thuộc các nhóm ngành khác nhau - Tổ chức Giáo dục Úc (QTS), Biti's và Schindler Việt Nam - hiện đang là đối tác của CHANGE, tổ chức phi lợi nhuận về môi trường.

Anh chị có thể chia sẻ về vai trò của các chương trình CSR đối với doanh nghiệp của mình?

Tracy: Là một tổ chức giáo dục quốc tế với 2 nền văn hóa làm việc chính là Australia và Việt Nam, cùng số lượng nhân viên, đối tác và cộng đồng sinh viên đông đảo trên khắp cả nước, QTS tin tưởng rằng các hoạt động CSR mang ảnh hưởng tích cực và truyền cảm hứng giúp gắn kết sâu sắc giữa người với người, thúc đẩy sự tin tưởng, cũng như sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Tuy sản phẩm chính là giáo dục, QTS xác định CSR là một hoạt động quan trọng trong cả chiến lược phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn của doanh nghiệp.

Chúng tôi có các dự án và chương trình CSR trong các lĩnh vực như giáo dục, thiện nguyện, phát triển bền vững, và môi trường. Tính đến nay, những chương trình này đã hỗ trợ phát triển tương lai của nhiều trẻ em và thanh niên Việt Nam, giúp các em thay đổi nhận thức và có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Qua đó góp phần giúp sức cho sự thay đổi của vùng miền và quốc gia.

QTS
Chị Tracy Trang Trần, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Úc QTS Việt Nam. | Nguồn: CHANGE.

Huy Vũ: CSR luôn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Schindler Việt Nam, do tính đặc thù của sản phẩm là thang máy, thang cuốn và thang băng chuyền, phục vụ cho việc di chuyển của cộng đồng. Vấn đề an toàn khi sử dụng các phương tiện di chuyển theo trục đứng là hết sức quan trọng, khi mà nhiều người sử dụng vẫn chưa thật sự hiểu và biết cách sử dụng thang máy, thang cuốn một cách an toàn.

Trong các năm qua, Schindler Việt Nam nói riêng cũng như Schindler toàn cầu nói chung luôn tổ chức các hoat động với mục đích chia sẻ kiến thức cũng như hướng dẫn người dân sử dụng thang máy và thang cuốn một cách an toàn.

Bên cạnh đó, là một thành viên của một Tập đoàn đa quốc gia, chúng tôi luôn hiểu rõ trách nhiệm của mình và tích cực tham gia vào các hoạt động góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường, ngay từ những năm công ty vừa gia nhập thị trường Việt Nam.

CHANGE 56
Ông Tạ Huy Vũ, Tổng Giám đốc Schindler Việt Nam. | Nguồn: CHANGE.

Lệ Quyên: Tại Biti’s, “phục vụ” là giá trị cốt lõi không thể tách rời trong các hoạt động của doanh nghiệp. Chúng tôi luôn ý thức vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phục vụ cộng đồng và bảo vệ Mẹ thiên nhiên. Vì vậy, đầu tư vào các chương trình CSR là một việc-cần-làm để Biti’s có thể chia sẻ và hỗ trợ các cộng đồng yếm thế trong xã hội, cũng như giảm thiểu các tác động và bảo vệ môi trường sống quanh mình.

Biti’s hiện đang tập trung theo đuổi các hoạt động thuộc 3 lĩnh vực chính: hỗ trợ cộng đồng yếm thế, hỗ trợ giáo dục đào tạo và bảo vệ môi trường, với mong ước xây dựng một tương lai tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.

Ý thức trách nhiệm này không chỉ đến từ Ban Lãnh Đạo doanh nghiệp, mà còn nhận được sự đồng cảm và chung tay từ từng CBCNV trong công ty. Có thể nói, đây là điều Biti’s tự hào nhất khi nhắc đến cộng đồng hơn 8.200 con người luôn đồng lòng, thể hiện sâu sắc tinh thần phục vụ vô vị lợi chảy trong văn hóa của doanh nghiệp.

Bitis
Chị Vưu Lệ Quyên, Tổng Giám đốc Công ty Biti's. | Nguồn: CHANGE

Những yếu tố nào làm nên một chiến dịch/chương trình CSR hiệu quả?

Tracy: Xét về mặt nội bộ doanh nghiệp, vai trò của lãnh đạo (leadership) và văn hóa doanh nghiệp (CSR cultural awareness) đóng vai trò cốt lõi. Tại QTS, chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội để truyền tải thông điệp với nhân viên rằng: lãnh đạo và ban điều hành QTS quan tâm và hỗ trợ các hoạt động CSR.

Chúng tôi coi CSR là 1 yếu tố đánh giá năng lực nhân viên, cho tất cả các phòng ban, hỗ trợ và thúc đẩy các nhân viên đang tham gia các hoạt động CSR trong và ngoài QTS. Chúng tôi cho họ biết ban lãnh đạo tự hào về các hiệu quả CSR mà họ đang đóng góp cho cộng đồng. Trong các báo cáo hàng tháng, hàng quý và thường niên, ngoài các kết quả kinh doanh, chúng tôi luôn dành một vị trí trân trọng cho báo cáo hiệu quả CSR.

Với văn hóa mạnh mẽ và cam kết sâu sắc với CSR như thế, nhân viên QTS ngoài các hoạt động về giáo dục và thiện nguyện, ngoài giờ làm việc, họ đang tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chung tay vì thiên nhiên, bảo vệ động vật, các dự án năng lượng xanh sạch và phát triển bền vững.

LTS
QTS có các dự án và chương trình CSR tiêu biểu như: Environment Protection, Plant The Seed For Mekong, Light Up The Future cùng Deloite và ACCA, Hỗ trợ giáo dục cho trẻ em đường phố của KOTO, nhà mồ côi Hoa Hồng, các trẻ em nghèo của Tiểu Cần, gieo hạt giống tri thức đến thầy cô các tỉnh xa, hỗ trợ Làng SOS, chung tay cùng Aids to Children Without Parents... | Nguồn: QTS

Xét về các yếu tố khách quan bên ngoài doanh nghiệp, để làm nên chiến dịch CSR thành công, chúng tôi luôn ý thức và chủ động liên kết với các tổ chức có các hoạt động phù hợp với định hướng CSR của chúng tôi.

Lệ Quyên: Theo tôi, các chiến dịch CSR cần bám sát vào tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Lấy ví dụ tại Biti’s, với mạng lưới phân phối rộng khắp, chúng tôi luôn ưu tiên hỗ trợ các cộng đồng yếm thế tại nơi mình phục vụ. Đó có thể là anh em đồng bào ở các bản làng sâu xa nhất tại Tây Nguyên, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hay các em nhỏ đang ngày ngày vượt khó đến lớp. Hỗ trợ sinh kế, cung cấp hệ thống lọc nước sạch, tặng giày dép, học bổng là những điều Biti’s đang làm để thúc đẩy các nhóm yếm thế này phát triển, xóa dần khoảng cách trong xã hội.

Điểm tiếp theo chính là các chương trình CSR cần tập trung vào giải quyết một vài vấn đề cấp thiết của xã hội, môi trường. Không nên ôm đồm, dàn trải sẽ làm lãng phí tài nguyên và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực từ doanh nghiệp. Việc Biti’s lựa chọn 3 lĩnh vực then chốt và rất cẩn trọng trong việc tìm kiếm đối tác, các chương trình để tài trợ cũng thể hiện mong muốn này.

Ngoài ra, Biti’s luôn chủ trương cùng tham gia sâu sát với các đối tác khi thực hiện các hoạt động là để giảm thiếu các bất cập, sai sót hay hiểu lầm, xa rời đối tượng cần hỗ trợ. Như vậy mới thực sự đảm bảo những đầu tư của mình là hiệu quả.

Huy Vũ: Trung thực và minh bạch là yếu tố quan trọng của một chiến lược CSR hiệu quả. Bên cạnh đó, sự cam kết của công ty và tính thiện nguyện của mỗi thành viên tham gia chương trình cũng là một yếu tố rất quan trọng tạo nên sự thành công cho chiến dịch.

CHANGE 25
Chương trình tập huấn thường niên "Trại Thủ lĩnh Khí Hậu" dành cho các bạn trẻ mong muốn làm các dự án cái thiện môi trường ở địa phương của mình. | Nguồn: CHANGE.

Làm thế nào để xác định thứ tự ưu tiên và ngân sách đầu tư cho từng hạng mục CSR?

Huy Vũ: Trong phạm vi trách nhiệm và những chia sẻ của mình, chúng tôi chú trọng đến lĩnh vực sản xuất chính của doanh nghiệp có tác động như thế nào đến cộng đồng. Điều này sẽ luôn được ưu tiên trong việc lên ngân sách của công ty nhằm đảm bảo việc kích hoạt các chiến dịch CSR một cách tương đồng và cụ thể. Bên cạnh đó, duy trì sự linh hoạt cho các dự án CSR cũng như huy động nguồn lực để kịp thời phản ứng với các mối nguy khẩn cấp.

Tracy: Chúng tôi lập dự án thường niên và cố định hàng năm cho những chương trình trọng điểm. Ngoài ra, chúng tôi huy động ngân sách đột xuất hoặc kêu gọi đóng góp lập tức vào các hoạt động khẩn cấp như cứu trợ thiên tai đại dịch.

Lệ Quyên: Biti’s có dành riêng ngân sách cho các hoạt động CSR, trích từ phần lợi nhuận thu được sau các hoạt động kinh doanh năm trước. Nguồn ngân sách này sẽ được chia về từng mục tiêu cụ thể, ưu tiên các dự án có tính lâu dài, có ý nghĩa với cộng đồng trong và ngoài công ty. Một phần của ngân sách cũng được dành riêng cho các hoạt động khẩn cấp, ứng cứu khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.

Biti’s quan niệm “mình khó một thì các cộng đồng mình hỗ trợ sẽ (còn) khó mười”. Vì vậy, khi đại dịch bùng lên khiến tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng, chúng tôi vẫn tin tưởng đối tác và muốn giữ vững cam kết của mình, tiếp tục thực hiện các hoạt động đã được thống nhất.

Riêng đối với các mục không nằm trong kế hoạch, Biti’s dựa vào tính cấp thiết của vấn đề và quy mô tác động để lựa chọn. Đối với mục tiêu hỗ trợ khắc phục hậu quả của thiên tai dịch bệnh, Biti’s không có sự chần chừ, sẵn sàng hỗ trợ ngay.

Bitis
Trong thời điểm dịch bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3/2020, Biti's đã huy động ngân sách và đóng góp từ nội bộ công ty để tài trợ kinh phí và máy trợ thở cho 2 Bệnh viện Bạch Mai (HN) và Bệnh viện Nhiệt Đới (TP.HCM). Công ty cũng phát triển dòng giày Y Tế Ucare được thiết kế đặc biệt hỗ trợ cho những đôi chân không mỏi của các y bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc bệnh nhân.

Lý do nào khiến cả 3 lựa chọn CHANGE cho chương trình CSR của doanh nghiệp?

Lệ Quyên: “Bảo vệ môi trường” là một trong ba mục tiêu trong chương trình CSR của Biti’s. Chúng tôi hiểu rằng các sinh vật hoang dã chính là một phần không thể tách rời của hệ sinh thái phong phú tại Việt Nam. Biti’s mong muốn tìm một đối tác để cùng thực hiện các chiến dịch giúp khách hàng và cộng đồng chung hiểu hơn về việc bảo vệ các loài động vật trong tự nhiên, gìn giữ sự cân bằng sinh thái.

Vì vậy, sau khi tìm hiểu về các tổ chức phi lợi nhuận uy tín, có sức ảnh hưởng hoạt động trong lĩnh vực này, Biti’s nhận thấy CHANGE là tổ chức có định hướng rõ ràng, chuyên tâm với định hướng đó và có đội ngũ nhân viên sáng tạo, giàu năng lực, có thể thực hiện cam kết của mình.

Tracy: Tự bản thân các hoạt động CSR đã bao hàm corporate - theo tôi nghĩa là sự kết nối, chung tay. Và các hoạt động CSR tầm quốc gia hay quốc tế muốn có sự ảnh hưởng rộng khắp và to lớn, luôn cần một 'tiền tiêu', 'đầu tàu'. Tôi tin tưởng CHANGE trong vai trò như thế.

Tôi biết đến CHANGE, cô Hồng và cô Nhi Thới như những người bạn trong cương vị của họ với CHANGE cách đây 8 năm. Để phát triển được CHANGE lớn mạnh, kết nối sâu sắc và mang lại nhiều thành quả CSR to lớn như hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, tôi nghĩ họ đã phải bỏ công bỏ sức 'dời non lấp bể'.

Có thể với một số người Việt Nam, công việc của CHANGE rất 'lạ', rất weirdo (kỳ dị) rất không thực tế, hay xa xôi trong thời đại thực dụng như hiện nay. Nhưng với tôi, những người như Hồng, đặc biệt là Nhi với tuổi đời còn rất trẻ. Tôi rất ngưỡng mộ, nể phục họ và không một chút ganh tỵ vì... những gì họ làm được, không phải ai cũng làm được. Nói vui, họ chính là những xmen hay siêu anh hùng thời nay trong các dự án giải cứu trái đất.

CHANGE
Chiến dịch kêu gọi bảo tồn các loài động vật hoang dã mang tên: Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ được phát động tại chùa Vĩnh Nghiêm. | Nguồn: CHANGE.

Huy Vũ: Chính định hướng và mục tiêu rõ ràng của CHANGE đã thôi thúc tôi quyết định đồng hành cùng chương trình. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai và bệnh dịch hoành hành do những tác động có chủ ý của con người, chúng ta cần chung tay bảo vệ sự toàn vẹn nhất có thể cho thiên nhiên và môi trường.

Từ kinh nghiệm của mình, anh chị có thể chia sẻ cách để các doanh nghiệp khác có thể chủ động hơn trong công tác CSR của mình?

Tracy: Tôi nghĩ hiện nay nhà trường và giảng đường đại học Việt Nam đang làm rất tốt việc nâng cao nhận thức và hành động cho các chương trình CSR. Doanh nghiệp cần tiếp nối các giá trị này cho nhân viên. Thực ra, như hai yếu tố tôi chia sẻ về vai trò của lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp, điều này không khó để làm. Và một khi đã làm, doanh nghiệp sẽ ngạc nhiên khi thấy tác động tuyệt vời của CSR mang lại lên cả doanh thu, branding, niềm tin yêu của khách hàng và sự tồn tại phát triển lâu bền của doanh nghiệp.

Huy Vũ: Đối với Schindler, chúng tôi chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội. Thông tin liên lạc các hạng mục CSR xuyên suốt trong các hoạt động của công ty, tạo nên các chương trình gắn kết nhân viên vào hoạt động CSR của công ty (bảo vệ môi trường, thiện nguyện, hỗ trợ giáo dục, thiên tai…).

CHANGE 03
Chương trình "Trại xanh du ký" dành cho các bạn trẻ mong muốn tìm hiểu và lan toả lối sống xanh đến những người xung quanh. | Nguồn: CHANGE.

Lệ Quyên: Tôi nghĩ trước tiên, các doanh nghiệp cần hiểu rõ các chương trình CSR là hoạt động đầu tư cho tương lai, không phải công cụ truyền thông để mong chờ kết quả ngay lập tức. Những đổi thay trong văn hóa doanh nghiệp, cách doanh nghiệp kết nối với cộng đồng hay tác động tích cực lên môi trường sống đều góp phần vào sự thành công bền vững đó.

Vì vậy, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu của mình là gì, và đảm bảo các cấp lãnh đạo hay từng phòng ban trong công ty đều chia sẻ tầm nhìn đó. Có như vậy, họ mới có thể chủ động thực hiện các cải cách hay các hoạt động hỗ trợ xã hội mà không vướng phải sự cản trở từ bên trong.

Bên cạnh đó, việc dành riêng ngân sách hay tạo điều kiện cho CBCNV cùng tham gia cũng là cách để doanh nghiệp đảm bảo cam kết của mình và khiến cho nhân sự cảm nhận rõ việc họ là một phần của tổ chức.

Khuyến khích tinh thần “tương thân tương ái”, lối sống xanh, lành mạnh trong mỗi nhân sự, động viên họ lan tỏa những giá trị và sự thực hành này cho gia đình và những người xung quanh. Và dần dần, doanh nghiệp có thể tạo nên vòng tròn chia sẻ mà trong đó, mỗi người nhân viên là một nhân tố thúc đẩy những thay đổi lớn hơn trong xã hội.

Về mặt chuyên môn, việc tốt nếu không làm đúng cách và đúng lúc thì cũng khó mang lại hiệu quả mong muốn. Vì vậy, nếu có thể, doanh nghiệp nên thiết lập một vị trí hay bộ phận chuyên trách làm cầu nối giữa các phòng ban, huy động nguồn lực khi cần thiết. Hay, liên kết với các tổ chức xã hội uy tín, hiểu rõ những vấn đề cần giải quyết để tư vấn và cùng phối hợp thực hiện. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể tận dụng được tối đa nguồn lực của chính mình và của xã hội vì mục đích tốt đẹp chung cho cộng đồng, xã hội và thiên nhiên.