Clickbait là gì mà sao ghét vẫn không cưỡng lại được? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Clickbait là gì mà sao ghét vẫn không cưỡng lại được?

Bạn đã bao giờ tức anh ách vì dính phải cú lừa clickbait?
Clickbait là gì mà sao ghét vẫn không cưỡng lại được?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

1. Clickbait là gì?

Clickbait /ˈklikbāt/ (danh từ) là nội dung mang tính giật gân nhằm thu hút người dùng bấm vào một trang web để tăng lượt tương tác.

Bait có nghĩa đen là “mồi nhử”, ngụ ý rằng những dạng nội dung này là một cú lừa để chúng ta nhấp vào (click) nhưng sau đó lại thất vọng bởi nội dung vô nghĩa, không liên quan đến tiêu đề hoặc hứa hẹn quá mức.

2. Nguồn gốc của clickbait?

Từ clickbait được tạo ra bởi Jay Geiger trong một bài đăng trên blog cá nhân vào tháng 12/2006, chỉ việc lạm dụng các tiêu đề giật gân để thu hút người xem trên Internet.

Chiêu trò của clickbait được cho là phát sinh từ yellow journalism (tạm dịch: báo chí vàng), một loại tin tức không được nghiên cứu kỹ lưỡng và phi chính thống. Nội dung của yellow journalism thường là sự phóng đại tin tức thực tế, tập trung vào các vụ bê bối và tính nhạy cảm của vấn đề.

3. Vì sao ta ghét nhưng không cưỡng lại được clickbait?

Một trong những hình thức phổ biến của clickbait chính là tiêu đề giật gân, gây tò mò và dễ khiến người đọc lầm tưởng. Chẳng hạn như những tiêu đề dùng để quảng cáo trà thảo mộc dưới đây:

  • Ngỡ ngàng với 7 lợi ích không ngờ của các loại thảo mộc.

  • Cảnh báo: Đây là những điều bạn cần biết về trà xanh.

  • Đừng đọc bài này nếu bạn không muốn một ngoại hình đẹp

Dạng tiêu đề này khó cưỡng lại bởi vì nó đánh vào những tâm lý sau của người đọc:

Não bộ thích những “lối tắt”

Cách đặt tiêu đề bao gồm con số và những thông tin gây sốc cũng như hình thức danh sách của một clickbait dễ dàng thu hút người dùng hơn. Hình thức này mang tính dễ đọc và nổi bật, thường tạo cho người đọc cảm giác họ không cần dành nhiều thời gian cho mỗi bài viết và não bộ hay ưu tiên sự đơn giản hơn phức tạp.

Ngoài ra, những cảm xúc như tức giận, lo lắng, hài hước, phấn khích, bất ngờ cũng hay được các clickbait sử dụng bởi cảm xúc thì dễ liên tưởng hơn.

Bản năng sinh tồn

Chúng ta có xu hướng tìm kiếm thông tin về thế giới xung quanh vì chúng mang giá trị sinh tồn (Theo Psychology Today). Như cách người tiền sử tìm kiếm thức ăn để tồn tại, chúng ta được mặc định để tìm kiếm thông tin mới. Những tiêu đề mang tính khẩn cấp như “cảnh báo”, “lợi ích không ngờ”, “nếu không đọc bạn sẽ bỏ lỡ…” lợi dụng bản năng sinh tồn này để thôi thúc chúng ta click vào.

Bởi vì độ hiệu quả của clickbait mà những tiêu đề giật tít xuất hiện khắp mọi nơi.

Khoảng cách tò mò (curiosity gap)

Đây là khoảng trống nằm giữa những gì chúng ta biết và những gì chúng ta muốn biết. Những tiêu đề “nửa úp, nửa mở” khiến não nhận diện thông tin đó nằm trong curiousity gap từ đó tạo ra cảm giác thiếu thốn, thôi thúc bản thân click vào xem thông tin đó để xoá bỏ cảm giác này.

Cơ chế hoạt động của dopamine

Chúng ta thường cho rằng dopamine (hormone trao thưởng) sẽ được tiết ra khi mà ta hoàn thành một việc gì đó, chẳng hạn như click vào một tiêu đề gây tò mò. Nhưng thật ra mức dopamine đã tăng lên từ lúc bạn nhìn thấy những tín hiệu, tức các tiêu đề (Theo wired.com). Không phải bởi nội dung bên trong thật sự có gì, mà là tiêu đề khiến bạn kỳ vọng nội dung có gì. Đó là lý do mà những dòng tít đầy hứa hẹn như "một ngoại hình đẹp" bẫy được chúng ta.

4. Sử dụng clickbait như thế nào?

Tiếng Anh

A: Have you read the latest article on that magazine?

B: Is it the one about the fast-food trend? It's such a clickbait!

Tiếng Việt

A: Bồ đã đọc bài viết mới nhất đó chưa?

B: Có phải bài viết về đồ ăn nhanh không? Tao thấy nó chỉ là một bài viết giật gân thôi chứ không có gì nổi bật.

5. Các thuật ngữ liên quan đến clickbait

Misleading: hành vi dẫn dắt khiến người ta tin vào một điều không phải là sự thật. Các tiêu đề giật tít là ví dụ của misleading khi nó khiến ta tin là mình cần biết thông tin này nhưng nội dung bài viết lại vô nghĩa.

Click-through rate: Tỷ lệ nhấp chuột là tỷ lệ người xem bấm vào đường liên kết hay mẫu quảng cáo. Đây là thang đo cho mức độ hiệu quả của chiến dịch truyền thông. Tiêu đề càng thu hút thì tỷ lệ nhấp chuột càng cao.

Bounce rate: Tỷ lệ thoát trang. Nếu người dùng nhấp vào các liên kết, xác định nội dung đó là vô dụng, họ sẽ ngay lập tức thoát khỏi trang web mà không cần nhấp vào các trang khác. Google dùng chỉ số này để phân loại giá trị của website theo quan điểm của người dùng. Việc lạm dụng clickbait để kéo người đọc vào những trang web có chất lượng nội dung thấp sẽ khiến website bị tụt hạng.