Cổ Huệ Anh - CEO thương hiệu thời trang HNOSS | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Cổ Huệ Anh - CEO thương hiệu thời trang HNOSS

Trong số tiếp theo của series A Working Woman, cùng trò chuyện với CEO thương hiệu thời trang HNOSS, chị Cổ Huệ Anh.
Cổ Huệ Anh - CEO thương hiệu thời trang HNOSS

A Working Woman: Cổ Huệ Anh - CEO thương hiệu thời trang HNOSS

Hnoss

“I’ve never met a woman who is not strong. They don’t exist.(tạm dịch: Tôi chưa bao gặp một người phụ nữ không mạnh mẽ. Người đó không hề tồn tại.) – Câu nói của huyền thoại làng thời trang thế kỷ XX, Diane von Furstenberg, vang lên trong đầu tôi và ở đó suốt quá trình lắng nghe câu chuyện của chị Cổ Huệ Anh – người phụ nữ đằng sau thương hiệu thời trang Việt vừa bước sang tuổi 11, HNOSS.

Trong suốt con đường sự nghiệp của mình, chị Huệ Anh gần như luôn là kẻ ngoại đạo với tất cả những thứ mà chị quyết định dấn thân vào, thời trang cũng không ngoại lệ. Thế nhưng bằng tinh thần ham học hỏi, quyết tâm và nỗ lực phi thường từ những ngày còn rất trẻ, chị dường như chưa từng bị khuất phục bởi bất kỳ một thử thách nào.

Cùng Vietcetera gặp người phụ nữ thứ 3 của series A Working Woman, “người vận hành một thương hiệu thời trang, spa và một dự án thư viện cộng đồng mang tên Thư Viện Ước Mơ; đồng thời là một bà mẹ hai con ham đọc sách,” theo lời giới thiệu từ chính nhân vật.

A Working Woman Cổ Huệ Anh CEO thương hiệu thời trang HNOSS1

Chị Cổ Huệ Anh, CEO thương hiệu thời trang HNOSS.Những giá trị ở bản thân mà chị không bao giờ thỏa hiệp. Và nó ảnh hưởng đến sự nghiệp của chị như thế nào?

Chị luôn mang theo hai giá trị, đó là sự tử tếsự dụng tâm (để hết tâm trí vào một công việc).

Tử tế là bài học chị nhận được từ những ngày đầu đi làm. Có lần chị vừa nhận được lương ra đường đã bị giật mất túi xách, mà đồng lương của mình ngày đó lớn lắm. Biết được, sếp chị đã bỏ tiền túi ra để bù lại số tiền mà chị đã mất. Điều đó khiến chị cảm kích vô cùng, vì vậy, dù sau này có những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, 3-4 tháng liền không thể trả lương cho nhân viên, chị và nhiều người vẫn ở lại để hỗ trợ.

Chị nhận ra sự tử tế là giá trị quan trọng để vận hành thành công một doanh nghiệp và nó xuất phát từ cách mình đối xử với những người xung quanh, nhân viên, đối tác, khách hàng…

Còn sự dụng tâm là thứ mà chị học được qua nhiều năm tham gia một hội từ thiện. Với số lượng hội viên lên đến hàng triệu thì hiệu quả công việc đều phụ thuộc cả vào việc mỗi người trong tổ chức có làm việc bằng cả cái tâm hay không. Tại HNOSS, chị hy vọng các bạn cũng làm việc với thái độ như thế–toàn tâm toàn ý cho những sản phẩm mình làm ra, cũng như dùng tâm mình để quán chiếu trước tất cả mọi thứ.

Con đường đến với sự nghiệp hiện tại của chị đã diễn ra như thế nào?

Năm 18 tuổi, thay vì bước vào cánh cửa đại học như bạn bè cùng lứa, chị lựa chọn con đường đi làm để lấy kinh nghiệm thực tiễn. Thế là chị xây dựng hẳn cho mình một lộ trình, làm sao để vừa kiếm ra tiền, vừa có thể học thêm những kỹ năng có thể giúp ích cho mục tiêu lớn của mình sau này.

Công việc đầu tiên chị xin được là một vị trí bán hàng, không đòi hỏi kỹ năng cứng, lại có thể giúp mình vượt qua bản tính nhút nhát, e dè. Từ công việc đó, chị xác định được mình còn thiếu sót những kỹ năng nào, phải làm công việc gì, và mất bao nhiêu lâu để hoàn thiện các kỹ năng ấy. Cứ thế chị đã chuyển qua hàng chục công ty.

Thời gian sau đó, có người tiến cử chị vào vị trí thủ quỹ kiêm kế toán thanh toán, nhưng mà phải xuống tận An Giang. Chẳng ai muốn từ bỏ thành phố về nông thôn sống cả, nhưng với chị, đó là cơ hội. Cơ hội để được làm công việc mình muốn và tăng cường kỹ năng. Cơ hội… để không có dịp dùng tiền. Thế là chị quyết định về An Giang làm trong khoảng gần hai năm.

A Working Woman Cổ Huệ Anh CEO thương hiệu thời trang HNOSS2

“Tiềm năng của bạn là vô hạn, và bạn phải tin vào điều đó.”Ở An Giang buồn lắm, ban ngày đi làm, ban đêm chị lại chạy hơn 10 cây số về Long Xuyên để học thêm về xuất nhập khẩu. Làm được hơn nửa năm, thấy công ty có vị trí xuất nhập gỗ còn trống, chị xin kiêm nhiệm luôn. Thế là mình lại biết thêm được cách làm giấy tờ, hải quan, và mở rộng thêm các mối quan hệ.

Với thái độ làm việc tận tâm và tử tế, chị có cơ duyên được giới thiệu làm đại diện cho một công ty chuyên sản xuất sản phẩm dệt kim Trung Quốc có nhu cầu mở rộng sang thị trường Việt Nam. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để khởi nghiệp, chị nhận lời. Thời gian đầu chị bị ‘khủng hoảng’ thời gian biểu, không thể tự làm hết một mình, chị tìm thêm 2-3 bạn nữa để hỗ trợ. Ban ngày chị vẫn đi làm, tối đến lại họp với các bạn để phân chia công việc với nhau.

Trong một khoảng thời gian ngắn, bọn chị đã cùng nhau tiếp cận khách hàng, bán từng sản phẩm, và từng bước xây dựng thành công một nhóm khách hàng có thể tiêu thụ được hơn ba mươi ngàn sản phẩm một tháng. Đó chính là cột mốc đưa chị đến với ngành kinh doanh thời trang.

A Working Woman Cổ Huệ Anh CEO thương hiệu thời trang HNOSS3

“Hiệu quả công việc đều phụ thuộc cả vào việc mỗi người trong tổ chức có làm việc bằng cả cái tâm hay không…”Ai là người cố vấn cho sự nghiệp của chị?

Ở mỗi giai đoạn, mỗi hành trình, chị có một người cố vấn khác nhau. May mắn ở chỗ họ đều rất tử tế, sẵn sàng dành thời gian chỉ bảo cho mình những thứ mà mình không biết. Nói về những nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của chị, có lẽ đó là chị Nguyễn Phi Vân.

Chị Vân đã đồng hành với chị trong gần một năm, từ việc phân tích thực trạng doanh nghiệp, tái cơ cấu nhân sự, đến cách vận hành và tư duy. Có 3 bài học lớn mà chị Vân đã truyền cho chị, đó là: sức mạnh của sự tử tế; tinh thần xây dựng, cống hiến cho đất nước; và củng cố cho chị niềm tin vào bản thân mình. Chị Vân từng nói với chị: “Tiềm năng của em là vô hạn, và em phải tin vào điều đó.” Những lời nói khích lệ của chị là động lực để chị phấn đấu.

A Working Woman Cổ Huệ Anh CEO thương hiệu thời trang HNOSS4

“Hãy tập thói quen đọc sách, và đọc nhiều thể loại khác nhau.”Hãy chia sẻ một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống và sự nghiệp của chị.

Đó là năm 2015, HNOSS lúc bấy giờ đã có 5-6 cửa hàng bán lẻ, nhưng nguồn thu chính vẫn đến từ việc phân phối cho các kênh sỉ. Tuy có lượng khách hàng ổn định, nhưng chị vẫn nghĩ rằng đây không phải là con đường mà mình có thể đi lâu dài, và nó cũng không mang lại nhiều giá trị cho khách hàng.

Đó là chưa kể thị hiếu khách hàng đã bắt đầu có sự thay đổi, họ quan tâm đến thương hiệu, câu chuyện và những giá trị mà họ nhận được từ thương hiệu. Chị nhìn thấy con đường mình muốn đi, nhưng vẫn lưỡng lự, tự hỏi mình có sẵn sàng thay đổi để đi đến đó hay không.

Chị tìm đến rất nhiều người cố vấn nhằm củng cố lại thương hiệu HNOSS, và điều đầu tiên mọi người khuyên chị phải làm là… đập đi xây lại tất cả, từ cái logo, cho đến hệ thống cửa hàng. Chị đồng ý, nhưng thú thật, có trải qua giai đoạn thay đổi rồi mới hiểu nó khó khăn như thế nào.

Giai đoạn tiếp theo là khi chị gặp chị Vân, chị ấy khuyên là để đi nhanh hơn nữa, chị cần một đợt thay máu nhân sự. Đó là khi chị phải đưa ra quyết định “đau thương” thứ hai–thay máu 40% nhân lực.

Đồng hành cùng thời trang Việt đã hơn một thập kỷ, theo chị, đâu là lợi thế và cơ hội cho những thương hiệu thời trang trong nước như HNOSS?

Chúng ta [các thương hiệu trong nước] còn nhiều đất để phát triển lắm. Ví dụ, các thương hiệu nước ngoài như Zara và H&M chỉ có thể mở ở các thành phố lớn mà thôi, còn chúng ta thì có khả năng mở rộng mạng lưới phân phối ra khắp các tỉnh thành.

Chưa kể là chúng ta còn thấu hiểu nhu cầu tâm lý của khách hàng Việt hơn. Quần áo chúng ta làm ra có kích cỡ, kiểu dáng phù hợp với vóc dáng Á Đông hơn. Những năm gần đây, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và chính sách chăm sóc khách hàng cũng được đầu tư đúng mức. Vậy có cớ gì để người Việt không ủng hộ thương hiệu Việt?

Bài học lớn nhất của chị trong 11 năm xây dựng và phát triển HNOSS là gì?

Chị nhận ra là ngành nghề nào cũng vậy, hoặc là thay đổi, hoặc là chết. Nhưng đồng thời cũng phải biết cân nhắc vì bài học thành công của người khác chưa chắc đã đúng với mình. Là chủ doanh nghiệp, phải tin tưởng vào sản phẩm của mình và những giá trị mà nó mang đến cho khách hàng.

Vậy giá trị mà chị và HNOSS muốn truyền tải đến khách hàng là gì?

Phụ nữ không cần giống ai hay bắt chước ai cả, chỉ cần là chính họ thôi. Biết cái gì phù hợp với mình. Mặc gì khiến mình thoải mái, tự tin. Hãy học cách hài lòng với bản thân, khi đó, chúng ta sẽ học được cách hài lòng với những thứ xung quanh. Với chị, đó chính là chìa khóa cân bằng cuộc sống.

A Working Woman Cổ Huệ Anh CEO thương hiệu thời trang HNOSS5

“Chị nghĩ rằng là một người phụ nữ, dù bận rộn đến đâu, thì vẫn nên dành thời gian để chăm sóc cho gia đình cũng như bản thân mình nữa.”Chị có thể chia sẻ về hướng đi sắp tới cho HNOSS.

HNOSS vẫn sẽ phát triển theo hướng tự mở cửa hàng để kiểm soát được chất lượng và dịch vụ. Dự kiến đến hết năm 2019, HNOSS sẽ cán mốc 50 cửa hàng tại các tỉnh miền Nam, miền Trung và miền Tây. Sau khi hiểu được insights từng khu vực, HNOSS sẽ Bắc tiến.

Chị làm thế nào để giữ được nhịp sống cân bằng cho chính mình?

Sắp xếp công việc và lịch trình một cách có tổ chức–mọi hoạt động trong ngày của chị đều được ghi nhớ trên lịch, với quỹ thời gian được chia cụ thể cho công việc, gia đình, các mối quan hệ và bản thân… Hiếm khi chị ở lại văn phòng quá 5 giờ 30 phút chiều. Kể từ 7 giờ trở đi là thời gian chị dành cho các con. Chị tập cho mình và con thói quen ngủ sớm, dậy sớm. Thời gian rảnh, chị dành để đọc sách. Và gần đây chị đã bắt đầu chạy bộ buổi sáng.

Chị nghĩ rằng là một người phụ nữ, dù bận rộn đến đâu, thì vẫn nên dành thời gian để chăm sóc cho gia đình cũng như bản thân mình nữa.

Lời khuyên của chị dành cho những người phụ nữ trẻ đang ấp ủ ước mơ làm việc trong lĩnh vực thời trang là gì?

Nếu cảm thấy mình đủ đam mê, hãy cứ dấn thân và trải nghiệm, đừng chần chừ hay đắn đo. Khi bạn có một ý tưởng, cứ kiên trì theo đuổi nó. Cái chúng ta có là sức trẻ, thử đi. Không có thất bại, chỉ có phản hồi. Còn nữa, hãy tập thói quen đọc sách, và đọc nhiều thể loại khác nhau. Sách là kho tàng kiến thức phong phú, nó sẽ giúp bạn thay đổi tư duy và phát triển bản thân.