Cởi Mở: Lần đầu đi khám phụ khoa | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 11, 2021
Thương

Cởi Mở: Lần đầu đi khám phụ khoa

Từ khi bắt đầu quan hệ tình dục nhiều hơn, nỗi sợ trong tôi mách bảo hãy gặp bác sĩ nếu như có bất-kì-vấn-đề-gì.
Cởi Mở: Lần đầu đi khám phụ khoa

Nguồn: Ketut Subiyanto/Pexels

durex

Lần đầu tôi và An quan hệ cũng là lần đầu của tôi năm 19 tuổi. Ban đầu, chúng tôi chỉ định thử bên ngoài; nhưng khi cơn hứng đến thì rồi thì không ngăn được. Tôi quyết định để anh vào trong. Đi được nửa đường, tôi phát hiện mình quên béng bao cao su. Tôi vội bảo An đeo bao, rồi uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi xong xuôi.

Vài ngày sau, tôi có kinh, nhưng thuốc tránh thai làm kỳ kinh của tôi hơi rối loạn. Vốn là người rất dễ hoang mang, nhất là về sức khoẻ, tôi vội vàng đi khám để đảm bảo mình không sao.

Bệnh xã hội hay bệnh phụ nữ?

Năm 19 tuổi, lần đầu tôi đi khám phụ khoa với tư cách là một người đã quan hệ tình dục. Ngồi cạnh tôi trên những chiếc ghế chờ là những người phụ nữ trung niên và những chị gái bầu. Trước mặt một bác sĩ nữ, tôi thành thật trả lời mình đã quan hệ, nhưng chưa kết hôn.

Tôi biết tình dục trước hôn nhân ở thời đại này là điều không còn quá mới lạ. Nhưng đâu đó trong tôi vẫn dấy lên một chút ngại ngùng và xấu hổ. Mẹ tôi cũng là người quan tâm đến những vấn đề sức khoẻ và tôi đã có thể kể với mẹ – nhưng từ khi tình dục xuất hiện, nó lại ngăn tôi kể mẹ thay vì mở lòng mình.

Bác sĩ bảo rằng tôi chỉ bị tác dụng phụ của thuốc. Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi tự hỏi sẽ ra sao nếu kết quả khác đi. “Một người con gái 19 tuổi mắc bệnh tình dục” hẳn không phải là một đích đến mà tôi hướng tới.

Có lẽ sự dè bỉu của xã hội đã và vẫn luôn là một gánh nặng vô hình cho những cô gái mới lớn như tôi - những người vẫn đang dằn dứ giữa nền văn hoá truyền thống và cuộc giao thoa phóng khoáng với thế giới bên ngoài.

Và dường như, các mối lo về tình dục và bệnh STIs chỉ được bàn tán nhiều trong thế giới của phụ nữ, bởi cấu trúc sinh học của âm đạo phức tạp và nhạy cảm hơn. Tôi chỉ có thể tự tìm hiểu hoặc chia sẻ với những người bạn gái cũng đang trải qua những thứ giống mình; chúng tôi truyền tai nhau địa chỉ phòng khám, những điều cần lưu ý và các loại bệnh xã hội cần lưu tâm.

Hiểu về bệnh tình dục cũng là hiểu về cơ thể mình

Trước đây, những nỗi lo về sức khoẻ tình dục chưa bao giờ khiến tôi quá quan tâm. An là người đầu tiên của tôi – và anh cũng chỉ quan hệ với một người trước đó – nên tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì quá nghiêm trọng.

Nhưng từ khi quan hệ nhiều hơn, nỗi sợ trong tôi mách bảo hãy gặp bác sĩ nếu như có bất-kì-vấn-đề-gì. Làm mạnh quá rồi bị đau, đi khám. Trễ kinh, đi khám. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai (lần hai), đi khám.

Tôi biết việc mình cứ hở ra là khám cũng hơi thái quá. Nhưng tôi thấy việc quan tâm đến sức khoẻ của bản thân chưa bao giờ là đủ. Cũng từ những lần khám ấy, tôi hiểu hơn về cách vận hành của cơ thể, và học thêm vô số điều về sức khoẻ tình dục nói chung.

Mỗi ngày trên thế giới có hơn 1 triệu ca lây nhiễm bệnh tình dục – hầu hết đều không có triệu chứng nào. Thời gian ủ bệnh cũng tuỳ theo cơ địa của từng người: 10 ngày, 1 tháng, thậm chí là 2 năm. Cũng có những loại bệnh không cần đến thâm nhập để lây truyền; chỉ cần tiếp xúc qua da như hôn nhau, quan hệ bằng miệng hoặc dùng chung một chiếc khăn là đủ.

Hãy hỏi bất kỳ bác sĩ phụ khoa hay nam khoa nào, họ cũng sẽ khuyên bạn đi khám 6 tháng 1 lần. Vậy mà những vấn đề về tình dục thường dễ bị xem nhẹ, bởi chúng ta thường nghĩ rằng chỉ cần vệ sinh đầy đủ thì sẽ không đến lượt mình. Dường như, phải đến lúc vấn đề thật sự nổi cộm (nổi theo nghĩa bóng hoặc đôi lúc là nghĩa đen), người ta mới bắt đầu hoảng sợ và tìm gặp bác sĩ.

Những lần bước vào phòng khám, tôi thấy mình như một đứa trẻ tập làm người lớn. Tôi cứ ngỡ tình dục sẽ biến tôi thành một người phụ nữ, trong khi sự trưởng thành đúng nghĩa nằm ở việc tôi hiểu biết tường tận về cơ thể mình.

Khám bệnh tình dục, phòng bệnh tình yêu

Hầu hết các vấn đề sức khoẻ đều mang tính cá nhân. Khi bạn bị ốm, bạn sẽ trực tiếp chịu những tổn thương. Và bạn cũng phải là người uống thuốc, kiêng cữ, nghỉ ngơi. Bạn mới là người cần chịu trách nhiệm, và ít khi nào bệnh sẽ ảnh hưởng đến ai.

Sức khoẻ phụ khoa thì khác. Khi bạn gặp vấn đề, nó sẽ ảnh hưởng đến cả bạn lẫn bạn tình của mình. Hầu như lần nào đi khám, tôi cũng lo rằng mình sẽ tìm ra một căn bệnh không mong muốn. Khi đó, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tình dục của tôi và An mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai.

Với tôi, một mối quan hệ lành mạnh cũng đồng nghĩa với việc cả hai người đều có tinh thần ổn định và sức khoẻ thể chất tốt. Tôi và An thường hay nhắc nhở nhau ăn uống, tập thể dục điều độ, uống đủ nước, ngủ đủ giấc – những thứ này xuất phát từ tình yêu chúng tôi dành cho nhau.

Tôi nhận ra tất cả những mối lo âu của tôi đều không chỉ bắt nguồn từ việc tôi quan tâm đến sức khoẻ của mình, mà còn từ việc tôi xem mối quan hệ với An vô cùng nghiêm túc. Khi đã muốn cùng anh đi đường dài, tôi muốn mình trở thành một phiên bản khoẻ mạnh, để đi cùng anh lâu nhất có thể.

An cũng thế. Những khi có thời gian, An cũng chở tôi đi khám và làm chỗ dựa tinh thần rất lớn mỗi khi tôi đang sợ. Tôi thấy mình may mắn vì không phải đơn độc đi qua những trải nghiệm này. An cũng giúp tôi cảm thấy an tâm hơn, bởi tôi biết anh sẽ luôn bên cạnh mình trong tương lai, dù là chuyện gì đi nữa.

Khi bạn chọn thành thật trong tình yêu, nghĩa là bạn đang đồng ý cùng một người bước qua mọi điều trong đời, cho dù đó là hạnh phúc hay khổ đau.

Tôi chọn thành thật với An về mọi thứ của mình – tình dục không phải là một ngoại lệ. Nếu có một ngày, chúng tôi không còn thoải mái trò chuyện về tình dục thì tôi nghĩ nó bắt nguồn từ những vấn đề lớn hơn.

Được chấp bút bởi Cà Chua

Cởi Mở là series về những trải nghiệm tình dục đáng nhớ, nơi Vietcetera và Durex bắt đầu những cuộc hội thoại chân thật và lành mạnh. Hãy yêu vô lo cùng Durex!

Mua ngay Durex chính hãng tại Shopee Mall.