Con người sắp trở lại Mặt Trăng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Con người sắp trở lại Mặt Trăng?

Thế giới năm 2022 có những sứ mệnh không gian nào nổi bật?
Con người sắp trở lại Mặt Trăng?

NASA đang nỗ lực để đưa con người trở lại Mặt Trăng. | Nguồn: NASA.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 23/03 vừa qua, NASA cho biết họ đang tìm kiếm thêm một công ty thương mại để phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng. Đây là một phần của Sứ mệnh Artemis do NASA khởi xướng.

Động thái này diễn ra sau gần một năm NASA thông báo SpaceX đã đánh bại Blue Origin và Dynetics, để trở thành công ty duy nhất chiến thắng trong cuộc đua.

Công ty chiến thắng sẽ chịu trách nhiệm phát triển tàu đổ bộ, để dự kiến khởi hành bay lên Mặt Trăng vào năm 2026 hoặc 2027. SpaceX sẽ không tham gia vào cuộc tuyển chọn lần này, do đã chiến thắng và ký hợp đồng với NASA sau cuộc tuyển chọn trước đó.

2. Sứ mệnh Artemis là gì?

Sứ mệnh Artemis của NASA được khởi xướng vào năm 2017. Sứ mệnh đặt mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng sớm nhất vào năm 2025, qua các hợp tác công nghệ giữa NASA và các công ty trong lĩnh vực hàng không - vũ trụ.

Trên Mặt Trăng, các phi hành gia sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến để khám phá bề mặt, đặt nền móng để thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người tại đây. Theo NASA, họ muốn quay trở lại Mặt Trăng để khám phá khoa học, tìm kiếm những lợi ích kinh tế và truyền cảm hứng cho những thế hệ nhà thám hiểm mới.

Sứ mệnh Artemis cũng chính là tiền đề để NASA thực hiện bước nhảy quan trọng tiếp theo: gửi các phi hành gia đầu tiên lên sao Hỏa.

3. Vì sao SpaceX không còn là lựa chọn duy nhất?

Giám đốc NASA, ông Bill Nelson cho biết đây là quyết định nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh. Điều này giúp hạn chế sự độc quyền của SpaceX, cũng như sự phụ thuộc của NASA vào công nghệ của công ty này.

Việc cho phép một công ty thứ hai bên cạnh SpaceX phát triển song song tàu đổ bộ không chỉ tạo ra sự cạnh tranh, mà còn cho NASA thêm nhiều lựa chọn công nghệ. Việc vận hành ngoài vũ trụ yêu cầu NASA phải chuẩn bị nhiều phương án để sửa chữa và thay thế bộ phận của các thiết bị.

Mặt khác, NASA cũng chịu nhiều áp lực sau khi “tặng” SpaceX bản hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là quyết định nhận sự phản đối từ cả các doanh nghiệp tư nhân trong ngành hàng không - vũ trụ lẫn Quốc hội Mỹ.

Sứ mệnh Artemis của NASA lagrave gigrave
SpaceX sẽ không tham gia vào cuộc tuyển chọn lần này, do đã chiến thắng và ký hợp đồng với NASA sau cuộc tuyển chọn trước đó. | Nguồn: SpaceX.

4. Ứng viên tiềm năng là những ai?

Hai “bại tướng” của SpaceX ở vòng đấu thầu trước - Blue Origin và Dynetics được dự đoán sẽ quay trở lại. Nếu như SpaceX tập trung phát triển hệ thống tên lửa Starship cho sứ mệnh Artemis, thì với Blue Origin là Descent Element, và Dynetics là ULA Vulcan.

Trước khi cạnh tranh với nhau, Blue Origin và Dynetics cũng cần phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Nổi bật nhất trong số này là hai “ông lớn” Lockheed Martin và Northrop Grumman.

5. Ngoài Artemis, thế giới năm 2022 có những sứ mệnh không gian nào nổi bật?

Chụp cận cảnh vệ tinh Europa của sao Mộc

Sứ mệnh này sẽ được thực hiện bởi tàu vũ trụ Juno của NASA vào tháng 9 năm nay. Khoảng cách giữa tàu Juno và bề mặt của Europa dự kiến sẽ chỉ cách khoảng 355 km.

Khám phá tiểu hành tinh 16 Psyche

NASA dự kiến sẽ phóng tàu vũ trụ đến 16 Psyche vào tháng 8 tới, để tìm hiểu tiểu hành tinh này có thực sự được làm bằng sắt và niken hay không. Tàu dự kiến sẽ đến 16 Psyche vào tháng 01/2026, sau đó dành 21 tháng tại đây để lập bản đồ quỹ đạo và nghiên cứu các đặc tính của tiểu hành tinh.

Gửi tàu thám hiểm đến sao Hỏa

Đây là sứ mệnh vũ trụ được hợp tác bởi châu Âu và Nga. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) ban đầu lên kế hoạch cho sứ mệnh này vào 2020, nhưng phải hoãn lại do đại dịch. Buổi phóng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/09 tới.

Blue Origin thử nghiệm tên lửa New Glenn

New Shepard - tên lửa hiện tại của Blue Origin chỉ cho phép du hành vũ trụ theo kiểu “dưới quỹ đạo” (sub-orbital). Khi bay theo kiểu sub-orbital, phi thuyền được phóng thẳng vào không gian, nhưng chỉ đến đấy rồi quay lại.

Tên lửa mới New Glenn nếu được phóng thành công vào tháng 9 tới sẽ cho phép phi thuyền của Blue Origin du hành vũ trụ theo kiểu “tiểu quỹ đạo” (orbital). Khi bay theo kiểu orbital, phi thuyền sẽ bay vào quỹ đạo và đi một vòng, thay vì chỉ phóng thẳng lên trời.

Đâm… tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh

Phải, bạn không nghe nhầm đâu. Tháng 10 năm nay, NASA cùng ESA sẽ phối hợp cùng nhau cho sứ mệnh… đâm một tàu vũ trụ nặng 500kg vào tiểu hành tinh đôi 65803 Didymos và Dimorphos để thay đổi quỹ đạo bay của chúng. Đây là thử nghiệm để đối phó với các thiên thạch hay tiểu hành tinh hướng về Trái Đất.