Cuộc chia tay trắc trở và gian truân giữa Sam Altman và OpenAI | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 11, 2023
Cuộc SốngChatGPTTóm Lại Là

Cuộc chia tay trắc trở và gian truân giữa Sam Altman và OpenAI

"Có không giữ, mất đừng tìm!" - Sam Altman không nói vậy.
Cuộc chia tay trắc trở và gian truân giữa Sam Altman và OpenAI

Nguồn: OpenAI/The Verge

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Công ty OpenAI đã sa thải CEO Sam Altman vào ngày 17/11. Trong khi giới công nghệ và các nhà đầu tư còn chưa kịp bàng hoàng, thì ngay hôm sau, tờ The New York Times cùng nhiều báo khác đưa tin rằng OpenAI đang đối thoại với Sam để mang anh trở lại với ghế CEO.

Tuy nhiên, vào sáng ngày 20/11, nhiều nguồn tin cho biết rằng OpenAI đã chọn ra CEO mới, và Sam Altman không còn nằm trong tính toán của họ.

Lý do mà OpenAI đưa ra trong thông báo của công ty vào ngày 17/11 là “[Sam Altman] không nhất quán và thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình.” Thông báo cũng cho biết rằng những lãnh đạo khác của công ty “không còn tin tưởng khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI” của Sam.

20nov2023image20231120134147641png
Lời tạm biệt của Sam Altman trên X. | Nguồn: X @sama (truy cập ngày 20/11/2023)

2. Tại sao OpenAI lại muốn Sam Altman “bay màu?”

Các nguồn tin như The New York Times hay The Verge trực tiếp nêu tên người kêu gọi sa thải Sam Altman. Đó là Ilya Sutskever, nhà đồng sáng lập và trưởng nhóm khoa học tại công ty.

Mâu thuẫn giữa Ilya Sutskever và Sam Altman vừa là mâu thuẫn về tư tưởng điều hành, vừa là sự bất đồng trong quan niệm về các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Về phía Sutskever, ông nhiều lần bày tỏ nỗi lo ngại trước sự phát triển quá nhanh chóng của AI.

Với ông Sutskever thì công nghệ của OpenAI có thể gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát. Ở chiều ngược lại, Sam Altman không những không để tâm tới những nguy cơ đó, mà còn tích cực thương mại hóa các sản phẩm của OpenAI.

20nov2023202306051212570b3a8865jpg
Ilya Sutskever (phải) là nhân vật trung tâm của sự việc này. | Nguồn: Abigail Uzi/Ynet News

Anh đã công bố nhiều kế hoạch hướng tới lợi nhuận, trong đó có việc tạo ra cửa hàng ứng dụng AI để bên thứ ba bán sản phẩm hay phát triển thiết bị trí tuệ nhân tạo.

Các thành viên trong hội đồng quản trị của OpenAI đồng tình với trưởng nhóm khoa học Sutskever hơn là với cựu CEO. Sự ra đi của Sam Altman tương đương với chiến thắng của phe AI-vị-con-người trước phe AI-vị-lợi-nhuận tại OpenAI.

3. “Chia tay” rồi, sao OpenAI vẫn “níu kéo?”

Nhiều nhân sự quan trọng của OpenAI đã từ chức để bày tỏ sự phản đối. Nổi bật nhất trong nhóm này là ông Greg Brockman - nhà đồng sáng lập và chủ tịch hội đồng quản trị của công ty.

Giám đốc nghiên cứu của OpenAI là Jakub Pachocki và hai nhà nghiên cứu khác cũng đã quyết định rời công ty. Điều này chứng tỏ sự bất mãn của nhân viên OpenAI trước quyết định đột ngột.

Các nhà đầu tư của OpenAI (nổi bật nhất là Microsoft) không biết gì về quyết định sa thải cho tới khi doanh nghiệp này ra thông báo chính thức. Theo The New York Times, áp lực từ phía những người ủng hộ cựu CEO đang khiến OpenAI tiến hành đàm phán để đưa cả Sam Altman lẫn Greg Brockman quay lại vị trí cũ.

4. Sam Altman có nhất thiết phải quay lại OpenAI?

Kể từ sự thành công của ChatGPT và Dall-E, Sam Altman luôn là gương mặt đại diện của OpenAI. Nhưng điều đó không có nghĩa là Sam buộc phải quay lại vị trí cũ, và cũng không đảm bảo rằng anh chắc chắn sẽ được trở lại ghế CEO nếu muốn.

Nói cách khác, OpenAI không phải là lựa chọn duy nhất của Sam, bởi anh hoàn toàn có thể lập một doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo khác theo mong muốn và định hướng của riêng mình. Anh hoàn toàn có năng lực cũng như nguồn lực để làm việc này.

Trên thực tế, ngay buổi tối sau sa thải, cựu CEO đã lên kế hoạch cho công ty mới cùng Greg Brockman. Nhiều nhà đầu tư hay nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ đã bày tỏ nguyện vọng muốn đồng hành cùng công ty mới của Sam, hoặc ít nhất là dõi theo và đặt niềm tin vào những gì anh làm trong tương lai.

20nov2023screenshot20231118at0952544646121700276163png
Greg Brockman, nhà đồng sáng lập OpenAI. | Nguồn: TechCrunch/VnExpress

Sau những gì đã xảy ra, có lẽ quyết định không quay trở lại của Sam là hợp lý, ít nhất là khi những người bất đồng với anh vẫn còn tại vị.

Liệu anh có thể làm việc cùng những người đã từng muốn loại bỏ mình? Và liệu sự trở lại của anh có thực sự tốt cho OpenAI nếu Sam không thể thống nhất với những thành viên lãnh đạo khác?

5. Sa thải một CEO dễ vậy sao?

OpenAI sa thải Sam Altman trong một cuộc họp online mà chủ tịch hội đồng quản trị còn không được thông báo. Điều gì khiến CEO của một trong những đơn vị tiên phong về công nghệ có thể mất ghế một cách chóng vánh?

Nguyên nhân là bởi cấu trúc đặc biệt của OpenAI. Khi thành lập vào cuối năm 2015, OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát triển công nghệ AI để hỗ trợ con người. Có mục đích cao cả nhưng OpenAI không thể thu hút nhân tài vì… không có lời.

Chính vì thế, từ năm 2019, những người đứng đầu đã thành lập OpenAI Global (trực thuộc OpenAI) để kiếm tiền. Chính đội ngũ này đã làm ra ChatGPT và Dall-E.

Tuy vậy, OpenAI Global vẫn chịu ràng buộc từ tính chất phi lợi nhuận của OpenAI, tức là phải ưu tiên mục tiêu phát triển công nghệ cho nhân loại - chứ không phải là kiếm lời.

Chính tính phi lợi nhuận đó đã quy định rằng hội đồng quản trị của OpenAI là một hội đồng độc lập, và không thành viên nào - dù là CEO hay chủ tịch, thành viên hội đồng - nắm giữ cổ phần của công ty. Nếu nghĩ về mô hình của OpenAI như một thác nước, thì hội đồng quản trị ở trên đỉnh. Ở trong chuỗi quản lý, OpenAI Global nằm dưới cùng.

20nov2023image20231120135017915png
Cấu trúc công ty của OpenAI. | Nguồn: OpenAI

Theo trang tin Wired, hội đồng quản trị tại OpenAI có toàn quyền chọn hoặc loại bỏ thành viên trong hội đồng, có thể ra quyết định quan trọng mà không thông báo hoặc họp thông qua.

Như vậy, Sam Altman là CEO của một công ty mà anh không nắm cổ phần và nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm người có thể ra quyết định bất cứ lúc nào, miễn là đạt tỉ lệ đồng thuận.

Thế thì các nhà đầu tư ở đâu? Tại sao họ không làm gì để bảo vệ Sam trước nguy cơ “bay màu?”

Hóa ra, hội đồng quản trị của OpenAI không hề có đại diện nhà đầu tư - vì họ phi lợi nhuận mà. Không những vậy, lợi nhuận của nhà đầu tư vào OpenAI là giới hạn.

Hiểu đơn giản, nếu Microsoft đầu tư $1 vào OpenAI và OpenAI kiếm được mười ngàn tỷ đô, thì Microsoft cũng chỉ được chi trả $100 cho phần đầu tư của mình. Mô hình này gọi là capped-profit approach.

Vì thế, các nhà đầu tư hoàn toàn không có tiếng nói gì trong vụ việc này - dù có là Microsoft hùng mạnh, là Khosla Ventures nhiều thâm niên, hay là Sequoia Capital nhiều danh tiếng.