Đà Nẵng chào đón kiệt tác hiếm có của 14 danh họa Đông Dương | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đà Nẵng chào đón kiệt tác hiếm có của 14 danh họa Đông Dương

Triển lãm nghệ thuật "Trong Ngọc Trắng Ngà" đã chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng nhân cột mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Đà Nẵng chào đón kiệt tác hiếm có của 14 danh họa Đông Dương

Nguồn ảnh: Phù Sa Art Foundation

Vào ngày 22/12/2023, triển lãm nghệ thuật "Trong Ngọc Trắng Ngà" đã chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng nhân cột mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sự kiện đặc biệt này quy tụ 35 kiệt tác nghệ thuật vô cùng quý hiếm của 14 cố danh họa và mở cửa miễn phí với công chúng.

Ngay từ khi mới có thông tin, triển lãm "Trong Ngọc Trắng Ngà" (diễn ra từ ngày 23/12 đến 7/1) đã thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật. Sự kiện khai mạc được tổ chức tại Nhà hàng Madame Lân đã quy tụ hàng trăm khán giả, trong đó nhiều người di chuyển từ Hà Nội, TP HCM và các nước lân cận để tham dự triển lãm được đánh giá là chưa có tiền lệ tại Đà Nẵng.

alt
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi cùng bức “Tâm Tình” của Jean Volang

Triển lãm lần đầu ra mắt công chúng những tác phẩm được hoàn thiện trên nhiều chất liệu của các danh hoạ đại diện cho thầy và trò trường Mỹ Thuật Đông Dương (1924-1945), với những tên tuổi lớn như Nguyễn Nam Sơn - Đồng sáng lập trường, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân… Tất cả tác phẩm đều thuộc sở hữu của Quỹ Nghệ thuật Phù Sa Art Foundation và được vận chuyển từ Hà Nội tới Đà Nẵng.

Bà Lê Hoàng Nam Phương, Nhà sáng lập Phù Sa Art Foundation chia sẻ: “Là một người nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, cá nhân tôi hiểu rõ vai trò và giá trị của hội họa Đông Dương trong dòng chảy của nền mỹ thuật bản địa. Phù Sa Art Foundation mong muốn đưa những di sản văn hoá này ra công chúng để góp phần giúp cho những người trẻ đang thực hành mỹ thuật tại Việt Nam có cơ hội nhìn ngắm, nghiên cứu, đánh giá và học hỏi từ các thế hệ đi trước.”

alt
Bà Nam Phương, Nhà sáng lập Phù Sa Art Foundation & Hoa hậu Ngọc Hân

Với quy mô và cách tổ chức đạt chuẩn trưng bày quốc tế, các công đoạn hậu kỳ được đề cao và thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Các tác phẩm đều được đánh giá hiện trạng trước khi trưng bày và phục chế để đảm bảo sức khỏe tốt, đồng thời được bảo quản trong không gian triển lãm với những quy định nghiêm ngặt về ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tranh.

Tranh quý hiếm của họa sĩ Nguyễn Tường Lân

Hai bức tranh lụa của hoạ sĩ Nguyễn Tường Lân tại triển lãm đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Nguyễn Tường Lân học khóa 4 từ năm 1928 đến 1933, là một trong tứ kiệt "Trí-Lân-Vân-Cẩn." Tuy nhiên, với số lượng tác phẩm còn lại vô cùng hiếm, việc đưa tranh của ông vào triển lãm đã là một quá trình đầy thách thức.

Ông Ace Lê, Giám tuyển triển lãm cho biết, "Trong 3 tháng làm công tác thẩm định, chúng tôi đã phải nghiên cứu sâu sát với sự hỗ trợ từ nhiều chuyên gia và đối tác trong và ngoài nước. Chúng tôi không chỉ phải phân tích thị giác, mà còn phải kiểm tra lai lịch và pháp khoa của từng chi tiết trong tranh."

alt
Nguyễn Tường Lân, Thiếu nữ mặc yếm, 1937
alt
Nguyễn Tường Lân, Quang cảnh bên sông, 1937

Trong đó, bức "Thiếu nữ mặc yếm" là tác phẩm nổi bật, với một lời tựa trên khung bo bằng tiếng Pháp do chính hoạ sĩ ký tên và đề tặng ông Georges Huismain vào năm 1937.

"Chúng tôi đã làm công tác phân tích nét chữ, so sánh với những bút tích Nguyễn Tường Lân để đảm bảo sự nhất quán," ông Ace Lê nói về việc xác định tính chất độc đáo của tranh. "Về pháp khoa, độ tuổi của bo và mực trên bo phải cùng độ tuổi và tốc độ già đi của lớp lụa và màu bên dưới."

Nhờ những nghiên cứu kỹ lưỡng, các thông tin từ thư viện chính phủ Pháp, giám tuyển đã xác định được rằng Georges Huismain là một nhân vật có ảnh hưởng tại Pháp, nhậm chức Giám đốc Nghệ thuật trong giai đoạn 1934-1940. "Như vậy là 3 nguồn dữ liệu đều ăn khớp với nhau, và đó là một trong những lý do chúng tôi quyết định phải giữ cho bằng được tấm bo ấy khi phục chế, và chọn bức tranh này lên làm ảnh bìa triển lãm." ông Ace Lê nhấn mạnh.

Những khó khăn này chỉ là một phần nhỏ của hành trình đầy ý nghĩa, khiến cho việc đưa tranh của Nguyễn Tường Lân tới triển lãm "Trong Ngọc Trắng Ngà" trở thành một sự kiện độc đáo và đáng nhớ trong thế giới nghệ thuật.

Hành trình lan tỏa giá trị văn hóa

Triển lãm lần này được tổ chức tại không gian mới Nhà hàng Madame Lân, là một điểm đến nổi tiếng tại Đà Nẵng thu hút hơn 6 triệu du khách mỗi năm và hai lần được vinh danh TripAdvisor Travellers’ Choice trong suốt 11 năm hoạt động.

Triển lãm “Trong Ngọc Trắng Ngà” là sự kiện mở đầu cho những dự án tiếp theo hướng về cộng đồng của Madame Lân, hứa hẹn sẽ mang tới một không gian sinh hoạt chung cho công chúng, kết hợp ẩm thực và các hình thức nghệ thuật đa dạng nhằm tôn vinh giá trị văn hoá Việt Nam. Đây được xem là bước chuyển mình mới mẻ, tiếp tục khẳng định sứ mệnh lan tỏa giá trị văn hoá cùng các dự án ý nghĩa trong tương lai của Nhà hàng Madame Lân.

Thông tin Triển lãm mỹ thuật “Trong Ngọc Trắng Ngà”

Địa điểm: Tầng 4, Nhà hàng Madame Lân - 04 Bạch Đằng, Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng
Thời gian mở cửa: 23/12/2023 đến 07/01/2024 | 09:00 - 20:00
Vé vào cửa: Miễn phí
Link đăng ký: Trang chủ - Nhà hàng Madame Lân