Để phụ nữ không phải nữ phụ | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
10 Thg 06, 2022
Truyền ThôngNữ Công

Để phụ nữ không phải nữ phụ

Dưới đây là những cuốn sách nói về phụ nữ với đầy đủ những cung bậc từ ngợi ca đến mỉm cười chua xót, từ nhận diện đến ghi nhận.
Để phụ nữ không phải nữ phụ

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Trong văn học, có những tác phẩm là tiếng nói ai oán cho số phận bất hạnh của người phụ nữ, cũng lại có những cuốn sách là tiếng nói ca ngợi tâm hồn đẹp đẽ của người phụ nữ nói riêng và con người thuộc mọi tầng lớp nói chung.

Dưới đây là 4 cuốn sách với những trang viết đầy chân thực, xúc động về góc nhìn của nữ giới cũng như hình ảnh người phụ nữ ở trung tâm của mọi sự kiện và lĩnh vực.

Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburg

Đây là cuốn tiểu thuyết, đồng thời cũng là cuốn sách lịch sử nói về cuộc đời, sự nghiệp của một nữ chính trị gia, một nhà hoạt động thực tiễn, phá vỡ và thách thức thế thượng tôn ở lĩnh vực kinh tế chính trị dành cho đàn ông.

Sinh ra tại Ba Lan nhưng lại là người gốc Do Thái, Rosa Luxemburg chịu nỗi đau thể chất từ khi 5 tuổi do chứng lao xương hông, nhưng lại chưa bao giờ khuất phục trước số phận. Bà được nuôi dưỡng trong gia đình quan tâm đến tự do và dân chủ.

Lãnh tụ Bolshevik, Vladimir Lenin, người vẫn thường phê phán những quan điểm mà ông cho là sai lầm của bà, cũng đã từng phải thừa nhận địa vị của bà như một “đại bàng” của phong trào Cộng sản. Cuộc đời của bà đã được viết lại qua nhiều cuốn sách, nhưng Rosa Luxemburg - Hoa hồng bất tử là cuốn sách mang đến một góc cảm nhận tinh tế, nhẹ nhàng. Đó là cái nhìn xuyên suốt về cuộc đời một nhân vật lịch sử từ khi ấu thơ tới lúc trưởng thành, hoạt động đấu tranh không mệt mỏi.

Mặc cho đôi chân khập khiễng và đau nhức, bà đã không ngừng nỗ lực để chứng tỏ được mình. Dù cho bối cảnh giai đoạn đó luôn tồn tại những vấn đề giai cấp, giới tính, chủng tộc. Ngoài ra bà còn là nhà đấu tranh cho phụ nữ và các vấn đề giải phóng phụ nữ. Rosa Luxemburg là phụ nữ, song lại rất quan tâm đến học vấn và quyền tự do ngôn luận. Từ tiến sĩ trong một “tháp ngà khoa học”, bà đi vào đời sống của công nhân và người dân lao động để tiến hành cuộc đấu tranh ngôn luận của mình.

alt
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Không chịu bó buộc bởi truyền thống Áo- Hung lâu đời, bà sớm từ bỏ mái tóc trên đầu cũng như những chiếc áo corset bó chặt khó hoạt động. Bằng khả năng nghiên cứu và học tập hết mình, bà còn là người phụ nữ đầu tiên có bằng tiến sĩ chính trị. Để từ đó, chống lại định kiến phụ nữ luôn phải ngồi trong những căn bếp.

Được mệnh danh là “thanh kiếm sắc bén, ngọn lửa sống của cách mạng”, những di sản của đóa hoa hồng Rosa Luxemburg hẳn sẽ luôn luôn và mãi mãi tồn tại bất diệt. Đặc biệt là trong những trang sử của chủ nghĩa quốc tế và trong thời đoạn lịch sử trước Thế chiến thứ nhất.

Trong sự nghiệp ngắn ngủi nhưng rực rỡ của mình, bà đã nhiều lần đụng độ các tầng lớp tinh nhuệ của quân đội Phổ và sánh ngang với Karl Kautsky, August Bebel, Victor Adler, và nhiều lãnh đạo của chủ nghĩa xã hội khác. Bà đã tập hợp quần chúng công nhân chống lại chủ nghĩa tư bản và chiến tranh đế quốc, đồng thời thách thức chủ nghĩa chính thống của chủ nghĩa Mác với tư cách vừa là nhà lý luận vừa là người hướng dẫn tại trường đảng Dân chủ Xã hội ở Berlin.

Cuốn sách Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburg không chỉ truyền tới cho người đọc những tư tưởng, khát vọng đấu tranh vì hòa bình mà qua đó còn gửi tới độc giả thông điệp: bằng con đường học tập miệt mài tất cả chúng ta đều có thể phá bỏ những định kiến, vượt lên hoàn cảnh để cống hiến cho cộng đồng, cho cuộc đời và tỏa sáng đến mãi về sau.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - Svetlana Alexievich

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là một tuyển tập các câu chuyện về những trải nghiệm đau thương đầy cảm động của phụ nữ trong chiến tranh thế giới thứ 2, nơi hồi ức của họ vẫn là bãi chiến trường không hòa hoãn.

Cuốn sách cho phụ nữ quyền được nói, để họ kể những câu chuyện, sống động và đầy chi tiết, về cuộc sống trong chiến tranh. Từ tâm sự của những cô bé thiếu niên lớn lên trong thời chiến, máu kinh chảy ròng ròng, đến câu chuyện của những thiếu nữ với tình yêu lãng mạn nhưng cũng đầy bi thương.

Ở đó còn cả những lời kể đẫm nước mắt của những bà mẹ, có người bịt mũi cho con chết, có người xát muối vào người con để đi giao liên. Đời sống riêng tư cũng như tập thể phô bày trên trang giấy. Nó không chỉ tố cáo tội ác chiến tranh hay là tấm gương anh hùng của những cô bé xung phong trốn nhà ra trận dù thiếu tuổi vì căm thù phát xít, mà còn mang đậm âm hưởng nữ quyền.

alt
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Svetlana Alexievich đã cho phụ nữ quyền được cất tiếng, được là chủ thể độc lập, ở mảng tự sự hư cấu lẫn phi hư cấu viết về chiến tranh, vốn là độc quyền của nam giới.

Trong tác phẩm, ngoài những nhân chứng kể chuyện, người dẫn chuyện luôn đặt mình vào bối cảnh một cách cảm xúc, kết nối phụ nữ với nhau để họ chung một ký ức lớn về chiến tranh đầy đau đớn và đáng kinh sợ.

Cuốn sách hoàn toàn có thể làm thành một bộ phim lay động người xem bằng sự thật và những xúc cảm con người nhất, về số phận của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến.

Chuyện người tùy nữ - Margaret Atwood

Tác phẩm 1984 của George Orwell từng được các nhà phê bình coi là một trong những tiểu thuyết đen tối nhất, cùng với đó, Chuyện người tùy nữ lại được xem là 1984 dưới điểm nhìn nữ giới. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Margaret Atwood, xuất bản lần đầu tiên tại Canada đã ngay lập tức tạo được tiếng vang và trở thành tác phẩm kinh điển.

Atwood chinh phục công chúng văn học Anh ngữ trước hết bằng thơ ca, và sau này bằng những tiểu thuyết dày dặn và độc đáo. Bà là một trong những cây viết với sự đồng cảm, quyết liệt nhưng vẫn đầy tính nữ hơn cả.

Khác với Alice Munro viết văn như một người phụ nữ ngồi trong bếp mà vẫn tường tỏ hết chuyện thế gian, thì Atwood lại trải bày cái đen tối của đời sống. Bà giải thiêng những điều từng được coi là đẹp đẽ trong đời sống khắc nghiệt, đen tối và sầu thảm của những người phụ nữ.

alt
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Minh chứng cho điều này là ở Chuyện người tùy nữ, Margaret Atwood đã kể lại câu chuyện bằng giọng kể của Offred - một hầu gái ở Cộng hòa Gilead mới. Offred là một phần của lớp phụ nữ được gọi là tùy nữ, được hình thành với mục đích duy nhất trong xã hội là thụ thai và sinh con trong các gia đình quân trưởng, trong khi nạn vô sinh đang hoành hành trong xã hội.

Nếu không sinh được con họ sẽ trở thành phế nữ, bị gửi đến các trại tập trung, tỵ nạn, trở thành gái mại dâm, hoặc bị giết chết. Họ thường xuyên mặc trang phục màu đỏ, mũ trắng che kín mặt. Dưới chính phủ mới, phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền và nghĩa vụ dân sự. Những quyền như bình đẳng, sinh sản hữu tính, và quyền con người đều thuộc về đàn ông.

Với chủ đề lấy phụ nữ làm trung tâm của sự đày đọa, Margaret Atwood đã dựng lên cả một mê cung không lối thoát cho phận nữ giới. Dồn họ đến mức đường cùng và nâng cao vị thế của đàn ông, bà đã làm thức tỉnh đàn bà ở thế giới hiện thực. Khi còn đang sung sướng và hưởng lợi từ vị trí của mình, hãy biết tôn trọng nó.

Những cách thấy - John Berger

John Berger ngay ngay từ đầu cuốn sách đã chứng minh những quan điểm về “những cách thấy”. Ông đã đề cập đến sự khác biệt trong cách nhìn nhận giữa đàn ông và phụ nữ.

Berger giải thích rằng: "Việc sinh ra là đàn bà sẽ tự động có nghĩa rằng đây là sự sinh ra trong phạm vi một không gian được đàn ông phân khu và quy hoạch sẵn." Và theo ông nhận định, đàn ông là kẻ quan sát còn phụ nữ là kẻ bị quan sát, kẻ bị nhìn hay bị động.

Từ thời Hội họa phục hưng cho đến các quảng cáo ngày nay, phụ nữ trở thành đối tượng chính, thậm chí là bị vật hóa theo ánh nhìn của đàn ông (malegaze). ​​“Đàn ông diễn còn phụ nữ trình diện. Đàn ông nhìn phụ nữ. Phụ nữ nhìn cái cách mình bị ngắm nhìn.”

alt
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Sự khác nhau ở đây là đàn ông diễn, tức là họ được chủ động. Còn phụ nữ trình diện, tức là chỉ xuất hiện, chỉ ngầm báo hiệu sự có mặt. Mà ngược đời ở chỗ, sự trình diện này lại bị đàn ông phân khu sẵn.

Bên cạnh những chương sách phê bình được John Berger viết rất sắc sảo, còn có những chương tiểu luận không ngôn từ. Ở đó, chúng ta có thể được xem những tác phẩm hội họa kinh điển hoặc mẫu mực, nhưng đồng thời cũng một lần nữa cho ta thấy về sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà khi được phản ánh trong tranh.

Bạn có thể nghe thêm tập podcast về phụ nữ của Vietcetera