Đề văn lớp 8 về xâm hại tình dục trẻ em: Hay nhưng đã đủ để học sinh “cởi mở”? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Đề văn lớp 8 về xâm hại tình dục trẻ em: Hay nhưng đã đủ để học sinh “cởi mở”?

Đề văn cấp 2 nhắc đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em là một bước tiến trong giáo dục giới tính ở Việt Nam. Song những đứa trẻ chưa chắc đã là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ nước đi này.
Đề văn lớp 8 về xâm hại tình dục trẻ em: Hay nhưng đã đủ để học sinh “cởi mở”?

Giới và tình dục vẫn là câu chuyện “dễ đùa nhưng khó nói” trong xã hội Việt Nam | Hình minh hoạ đến từ nguồn mở Streamline

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Trong đề kiểm tra Ngữ văn cuối học kỳ II, năm học 2021-2022 của trường THCS-THPT Bác Ái (quận Tân Bình, TP.HCM) gần đây, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đã được đề cập.

Cách ra đề cởi mở và thẳng thắn đã tạo không gian cho các em học sinh lớp 8 tâm sự về trải nghiệm cá nhân của mình. Nhiều em đã nêu nguyện vọng được bố mẹ, thầy cô quan tâm hơn tới những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống.

Đặc biệt, trích đoạn trong phần đọc hiểu cũng là tiếng nói của một học sinh lớp 8 khác về xâm hại tình dục trẻ em. Tâm sự của em Lê Huỳnh Minh Tú (lớp 8A9 trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, Chợ Mới, An Giang) từng được đăng lên báo Tuổi Trẻ vào ngày 24/03/2022 và trở thành một phần của đề văn.

httpsvietceteracomuploadsimages26may2022dekiemtra116529326174006843552631653563307404jpeg
Đề kiểm tra học kỳ II lớp 8 của trường THCS-THPT Bác Ái | Nguồn: Tuổi Trẻ

2. Đâu là những “lời em muốn nói” về vấn đề xâm hại tình dục?

Theo giáo viên soạn đề thi, phần đọc hiểu giống như một không gian “lặng” cho phép học trò có thời gian nghiền ngẫm. Từ đó, các em đạt được hai mục tiêu: có thêm bài học bổ ích về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, và tâm sự về tâm tư nguyện vọng của mình với gia đình, thầy cô.

Đề văn của trường THCS-THPT Bác Ái có tiềm năng chạm tới một cuộc đối thoại xã hội nghiêm túc về chủ đề nhạy cảm này. Đối với những đứa trẻ thuộc lứa tuổi dậy thì và đang trong giai đoạn tìm hiểu về bản thân, bài thi có thể là khoảnh khắc “gỡ nút thắt” để các em giãi bày chuyện khó nói với người lớn.

Đề thi đón nhận nhiều tâm sự của học sinh mà chúng ta cần phải suy ngẫm về:

“Một vấn nạn được đưa ra rất phù hợp với chúng em hiện nay. Từ đoạn trích trên, em muốn nói với thầy cô cha mẹ là cần có nhiều thời gian để thấu hiểu bên trong con hơn. Hãy đưa ra biện pháp dạy dỗ con cái và bảo vệ con, đưa ra kỷ luật cho con không quá mức, nhưng biết điểm dừng để không bị áp lực..."

“Từ đoạn trích, em muốn nói với ba mẹ, thầy cô trong việc phòng ngừa xâm hại tình dục là: Ba mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe tâm sự của con cái... Đừng cứ mải cắm đầu vào công việc, đừng cứ nghĩ kiếm tiền là thứ duy nhất để hạnh phúc.”

"Em muốn nói rằng, ba mẹ và thầy cô đừng chỉ chăm chăm nhìn vào thành tích học tập mà hãy nhìn vào cả cảm xúc của con em, học sinh. Hiện nay trên mạng có rất nhiều thứ không tốt mà các con em đã xem được. Khi đó những đứa con sẽ hại người khác hoặc để người khác xâm hại mình mà không nói. Bố mẹ hãy luôn quan sát và nói rõ cho các con hiểu những hành động nên và không nên làm."

3. Trẻ em và người lớn, ai dễ thực hiện lời khuyên của đề văn “cởi mở” hơn?

Có thể nói, giá trị của đề thi văn của THCS-THPT Bác Ái nằm chủ yếu ở tính biểu tượng của nó. Mang suy ngẫm của một học sinh lớp 8 vào phần đọc hiểu, người ra đề đã tạo ra một vòng tròn tâm sự giữa những đứa trẻ đồng trang lứa. Chúng có thể chia sẻ lên mặt giấy thi về nhu cầu và nguyện vọng của mình với cha mẹ mà không sợ bị đánh giá.

Có thể thấy với hầu hết những ý kiến của học sinh được chia sẻ lên mặt báo, việc được bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu là nhu cầu chính yếu của các em. Đó cũng là nhu cầu các em có thể nói ra một cách dễ dàng hơn là những trải nghiệm có liên quan trực tiếp đến tình dục và xâm hại tình dục.

Chính vì thế, lời hồi đáp của người lớn có thể đơn giản và ít giá trị hơn những gì họ thực sự phải đương đầu. Họ chỉ cần gật đầu và nói với trẻ rằng “Bố mẹ/thầy cô sẽ lắng nghe con.” Nhưng hành động đằng sau câu nói trên có thể chỉ là một sự bối rối. Đề văn mong muốn con trẻ và cha mẹ sẵn sàng đối thoại với nhau, nhưng nó chưa đề xuất con trẻ phải lên tiếng, và bố mẹ phải hồi đáp theo cách nào mới chuẩn.

Và khi vấn đề tình dục và xâm hại tình dục chưa được nhắc đến một cách thẳng thắn, thì cái đích giáo dục giới tính của một đề thi chưa được giải quyết một cách triệt để.

4. Tình dục và xâm hại tình dục có phải những chuyện dễ nói?

Giới và tình dục, theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), là những vấn đề “dễ đùa” nhưng khó có thể bàn nghiêm túc trong xã hội Việt Nam. Với người lớn, vấn đề tình dục khó nói một, thì với trẻ em, chuyện đó khó nói mười.

Thuộc lứa tuổi vị thành niên, tình dục không phải vấn đề quá mới đối với nhiều em học sinh, dù sự ngượng ngùng là có thật khi các em phải nói ra thành lời. Thực tế, trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Sinh học đã giới thiệu về cơ quan sinh dục của hai giới và quá trình sinh sản từ lớp 5 và lớp 8. Và theo ý kiến của một em học sinh trường Bác Ái, câu chuyện tình dục đã được học trò tiếp xúc trên internet từ rất sớm.

httpsvietceteracomuploadsimages26may202220200317marks11201jpeg
Tình dục và xâm hại tình dục - chuyện dễ đùa, khó nói | Nguồn: Spectrum

Mục tiêu của đề thi văn trường Bác Ái vì thế không nên kỳ vọng học sinh chia sẻ về vấn đề “dễ đùa khó nói” như những tờ giấy trắng, đợi bố mẹ vẽ vào những đường nét đẹp. Đối thoại liên thế hệ là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng hơn là các phía phải nhìn thẳng vào thực tế, rằng để chia sẻ về tình dục và thậm chí là xâm hại tình dục, thì sự lắng nghe không thôi là chưa đủ. Thực tế cho thấy nạn nhân của xâm hại tình dục mất nhiều năm im lặng trước khi lên tiếng về những gì diễn ra với mình.

Sự phản ứng thái quá của nhiều bậc phụ huynh khi phát hiện con tiếp xúc với văn hoá phẩm “người lớn” ở Việt Nam không còn là một câu chuyện mới. Đề thi của trường Bác Ái có thể khuyên nhủ bậc cha mẹ rằng có nhiều hơn một thái độ để đối diện với việc con mình đã “lớn.” Nhưng nếu chỉ lắng nghe và… bối rối, thì những đứa trẻ sẽ còn né tránh chia sẻ chuyện nhạy cảm của chúng.

5. Giáo dục giới tính nên bắt đầu từ khi nào?

Với sự bủa vây của thế giới thông tin, ngày nay một đứa trẻ 3-4 tuổi đã có thể nhận thức về sự hiện diện của cơ quan sinh dục, và sự khác biệt về giới tính. Những câu hỏi như “mình được sinh ra từ đâu?” và “vì sao lại có em bé?” cũng được nêu lên từ rất sớm. Thế rồi khi bước vào lứa tuổi dậy thì, các em có kinh nguyệt, và bắt đầu có sự hấp dẫn giới tính ở nhau...

Không phải đứa trẻ nào cũng hiểu và sẵn sàng đối diện với sự thay đổi trên cơ thể mình.

Giáo dục giới tính vì thế nên được nhìn nhận như là giáo dục về cơ thể chính mình, bao gồm khám phá những đặc tính sinh học, xã hội của nó, cũng như biết cách tự bảo vệ chính mình. Một chương trình giáo dục giới tính tốt góp phần cung cấp kiến thức về cơ thể cho trẻ em trước khi những biến đổi cơ thể diễn ra. Từ đó, các em bớt hoang mang, bỡ ngỡ.

Với cách tiếp cận từ những phạm trù cơ thể vi tế, chúng ta mới dám hi vọng rằng những chuyện khó nói hơn vậy, như tình dục và xâm hại tình dục, mới dễ dàng được các thế hệ sau tiếp nhận cởi mở, chứ không biến nó thành một phạm trù cấm kỵ.

Từ bài thi văn của trường Bác Ái cho đến một xã hội cởi mở, cần thêm một thời gian dài.