Deficit mindset: Tư duy giáo dục “thiếu chỗ nào, chọc chỗ ấy” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 07, 2023
Truyền ThôngBóc Term

Deficit mindset: Tư duy giáo dục “thiếu chỗ nào, chọc chỗ ấy”

Deficit mindset nằm trong một “băng chuyền” thiên kiến lâu đời. Chẳng hạn, học sinh nữ không giỏi toán hình, người hướng nội không đóng góp hay giọng vùng miền khó nói tiếng Anh. 
Deficit mindset: Tư duy giáo dục “thiếu chỗ nào, chọc chỗ ấy”

Unsplash

1. Deficit mindset là gì?

Deficit mindset là một tư duy giáo dục tập trung vào khiếm khuyết thay vì tiềm năng của cá nhân. Dưới góc nhìn này, người học bị định sẵn vào con đường thất bại, không có cơ hội để cải thiện và phát triển.

Giả dụ trong trường hợp học sinh yếu môn toán, quá trình tư duy khiếm khuyết sẽ trải qua 4 bước chính:

  • Mô tả: Học kém toán = không thông minh, lười biếng, không bằng bạn bè
  • Giải thích: Do không đi học thêm, không chú ý nghe giảng, cha mẹ không bồi dưỡng ở nhà
  • Tiên đoán: học sinh trung bình, không đậu đại học, không thành công trong tương lai
  • Hành động: Giao bài dễ, không cung cấp tài liệu tham khảo, không chỉ dạy chi tiết, không lắng nghe học sinh

Sự chú ý đổ dồn vào câu hỏi "học sinh này bị gì?" và những vấn đề "không thể chữa." Đó có thể là sự thiếu thốn về vật chất, hoàn cảnh, xuất xứ cản trở việc học của học sinh. Nhưng không có cuộc trao đổi về việc làm thế nào để họ vượt qua, điểm mạnh nào cần được phát huy.

2. Nguồn gốc của deficit mindset

Những lý thuyết ban đầu về deficit mindset được đặt ra bởi Giáo sư Richard R.Valencia vào những năm 90. Trong cuốn sách The evolution of deficit thinking: Educational thought and practice, ông cho rằng deficit thinking là quan điểm ngụy khoa học dựa trên những thiên kiến về chủng tộc và giai cấp.

Trong bối cảnh "da trắng thượng đẳng" vào thế kỷ 19 và 20, người da màu bị cho là yếu kém về mặt sinh học và "vấy bẩn" xã hội. Trước đó vào giữa thế kỷ 18, bộ luật "mù chữ bắt buộc" (compulsory ignorance laws) ở miền nam nước Mỹ đã đặt ra mức phạt cao ngất cho những ai dạy nô lệ gốc Phi đọc viết.

Từ đó, tư duy thiếu sót nhìn nhận cộng đồng thiểu số là những người chậm hiểu, nói lớ, lười nhác và vô ý thức. Điều này gạt họ khỏi sự chu cấp về tư liệu, công cụ và chương trình chính quy.

Không có sự hỗ trợ và "lậm" vào những thiên kiến, kết quả học tập của họ kém hơn nhóm ưu thế, càng củng cố những quan điểm sai lệch.

3. Vì sao deficit mindset trở nên phổ biến?

Deficit mindset nằm trong một “băng chuyền” thiên kiến lâu đời. Chẳng hạn, học sinh nữ không giỏi toán hình, người hướng nội không đóng góp hay giọng vùng miền khó nói tiếng Anh.

Ở Việt Nam, vấn nạn “đì” học sinh không đi học thêm là một cách gián tiếp kìm hãm những học sinh nghèo. Ngay cả sự chênh lệch về chất lượng giảng dạy giữa trường điểm và trường thường cũng thể hiện đặc điểm nào được ưu ái hơn trong xã hội.

Tại Mỹ còn có hiện tượng học sinh da màu, LGBTQA+ không được phát biểu vì giọng điệu của họ không “lọt tai” thầy cô. Một nghiên cứu của Đại học Harvard từng chỉ ra rằng phần nói của bài thi SAT thiên vị văn hóa và ngữ điệu người Âu trắng.

Cách giảng dạy người khuyết tật cũng bị giới chuyên môn phê bình vì chứa những lối nghĩ thiếu sót. Thay vì phát triển nền giáo dục đặc biệt, nhiều người đứng lớp quá tập trung vào những hạn chế và chấn chỉnh cho họ “bằng bạn bằng bè.”

Một khi giáo viên đã tin vào sự yếu kém của học sinh, họ thường vướng vào thiên kiến xác nhận. Họ tìm kiếm những dấu hiệu học đuối, điểm thấp, phá phách để chứng minh học sinh này không đủ khả năng và điều chỉnh cách đối đãi tương ứng.

Khi giải thích về deficit thinking, Giáo sư Valencia cho rằng đây là một phiên bản của hành vi đổ lỗi nạn nhân (victim-blaming). Mũi rìu sẽ chĩa vào đặc điểm cá nhân của học sinh như giới tính, chủng tộc, địa vị xã hội.

Nếu việc giảng dạy của nhà trường thất bại thì đó là lỗi cá nhân không phải do hệ thống bất bình đẳng và tham nhũng.

Bị đóng khung vào đặc điểm tiêu cực trong khi không được nhận sự hỗ trợ, học sinh có thể cảm thấy bị bỏ rơi, tuyệt vọng. Lâu dần, họ tin rằng những khuyết điểm của bản thân là cố hữu, dẫn đến tư duy cố định (fixed mindset).

Cách để giảm thiểu tư duy khiếm khuyết là chuyển hóa nó thành tư duy tiềm lực (asset-based thinking). Đây là tư duy giúp tìm hiểu và phát huy thế mạnh, điểm đặc biệt của từng học sinh. Khi họ được đặt vào đúng chỗ, sự tự tin và động lực sẽ được thúc đẩy, nâng cao kết quả cũng như sự gắn bó với môi trường học đường.

4. Cách dùng deficit mindset

Tiếng Anh:

A: I just got back from a parent meeting. The teacher kept saying my son was too lazy and might not graduate. But I find he just has different thinking and needs time to take everything in.

B: I think the teacher’s having a deficit mindset. I had gone through that during high school years.

Tiếng Việt:

A: Tôi mới đi họp phụ huynh về. Thầy giáo cứ nói là thằng con tôi quá lười và có khi không tốt nghiệp được. Nhưng sao tôi thấy nó chỉ là có suy nghĩ hơi khác với cần thời gian để hiểu bài.

B: Tôi nghĩ thầy đó đang có suy nghĩ khiếm khuyết đấy. Tôi đã từng trải qua chuyện tương tự trong suốt những năm cấp 3.