Đi liên hoan phim - Liệu có lớn chuyện? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
19 Thg 10, 2021
Điện ẢnhBóc Phim

Đi liên hoan phim - Liệu có lớn chuyện?

Chính xác thì liên hoan phim là gì? Tại sao chúng ta nên bắt đầu quan tâm tới sự kiện này?
Đi liên hoan phim - Liệu có lớn chuyện?

Ròm nhận New Current

Thời gian gần đây, chúng ta thấy nhiều hơn trên mặt báo cụm từ liên hoan phim. Vậy liên hoan phim là sự kiện như thế nào? Tại sao nó quan trọng cho một nền điện ảnh để phát triển? Phim Việt Nam được trình chiếu và đoạt giải ở liên hoan phim quốc tế, liệu chuyện này lớn đến mức nào?

1. Liên hoan phim là gì?

Liên hoan phim là một sự kiện nơi mà một tập hợp các bộ phim được tuyển chọn sẽ được trình chiếu ở các rạp phim trong thành phố chủ quản.

2. Liên hoan phim bắt nguồn từ đâu?

Ra đời vào năm 1932, liên hoan phim Venice tại Ý là một trong các liên hoan phim có tuổi đời lớn nhất còn hoạt động.

Liên hoan phim là một sự kiện được ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển song song cả 2 mảng rất quan trọng là kinh tế và văn hóa của một thành phố.

Tập hợp các bộ phim xuất sắc nhất để trình chiếu với công chúng, liên hoan phim từ lâu đã được xem như một sự kiện văn hóa, một nơi quy tụ của cộng đồng yêu nghệ thuật trên khắp thế giới. Từ đó, thúc đẩy quảng bá văn hóa và du lịch cho thành phố chủ quản.

3. Vì sao những sự kiện này phổ biến?

Đối với các liên hoan phim lớn, việc được chọn để trình chiếu với khán giả đã là một vinh dự rất lớn cho các nhà làm phim.

Đơn cử như liên hoan phim Berlin 2021, một trong ba liên hoan phim lớn nhất thế giới, đã có 6000 bộ phim được nộp để trình chiếu trước công chúng và chỉ có 170 phim trong số đó được chọn.

Berlinale
Liên hoan phim Berlin 2021 | Nguồn: VietnamPlus

Từ sự tuyển chọn khắt khe đó, những sự kiện này đã trở thành một bảo chứng chất lượng, một công cụ tuyệt vời để quảng bá phim.

Ngoài ra, đối với các nhà làm phim độc lập, đây là một nơi hoàn hảo để quảng bá ngôn ngữ điện ảnh và phim của họ đến với một lượng lớn khán giả. Trong đó là những nhà sản xuất, nhà đầu tư, giám đốc quỹ điện ảnh, những người sẽ tạo điều kiện cho những nhà làm phim độc lập này có được kinh phí để thực hiện dự án tiếp theo.

4. Liên hoan phim này, liên hoan phim nọ

Có tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các liên hoan phim trên thế giới, và tất nhiên, không phải liên hoan phim nào cũng như nhau. Có những liên hoan phim mà giải thưởng trong đó danh giá hơn những giải thưởng từ các liên hoan phim khác.

Đầu tiên là về quy mô, hiện tại 5 liên hoan phim được xem là lớn nhất thế giới, hay còn được gọi là ‘Big Five” được tổ chức ở các thành phố Cannes, Venice, Berlin, Toronto và Sundance.

Ngoài ra một yếu tố để phân biệt các liên hoan phim là cách phim được chọn lựa để trình chiếu và tranh giải.

Sẽ có những liên hoan phim là sân chơi cho những phim thị trường, chúng bắt buộc bộ phim phải được công chiếu lần đầu tiên ở liên hoan phim đó (Cannes, Berlin, Tokyo,...). Có những liên hoan phim như Sundance hay Telluride, lại là nơi tôn vinh các bộ phim độc lập.

Cannes
Thảm đỏ của liên hoan phim Cannes | Nguồn: Esquire

Ngoài ra, còn những liên hoan phim nhỏ lẻ khác tập trung trình chiếu các chủ đề nhất định, như phim về cộng đồng LGBTQ+ hay quyền con người. Thậm chí, còn có liên hoan phim cho chủ đề leo núi.

5. Cơ hội để điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới

Gần đây, chúng ta nghe được rất nhiều tin về việc các bộ phim Việt Nam được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế lớn trên thế giới. Điều đáng buồn là những tin tức đó thường không có một tông màu tươi sáng.

Bộ phim Vị của đạo diễn Lê Bảo nhận được giải bình chọn giám khảo (Jury Special Award) cho hạng mục lớn thứ hai của liên hoan phim quốc tế Berlin, hạng mục Encounters. Sau đó, Vị nhận một án phạt từ Cục Điện ảnh vì đem một bộ phim chưa được kiểm duyệt đi tranh giải.

Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy cũng gặp phải trường hợp tương tự. Nhà làm phim và nhà sản xuất đã đem phim đi tranh giải ở liên hoan phim Busan vào năm 2019, và nhận về giải thưởng cao nhất của cả liên hoan phim năm đó. Về nước, Ròm bị phạt với lý do tương tự Vị.

Về nước, Ròm có vẻ may mắn hơn Vị. Sau rất nhiều lần cắt xén, chỉnh sửa và gọt bỏ theo hướng dẫn của Cục Điện Ảnh, Ròm được ra mắt với khán giả và thu về doanh thu 60 tỷ, dù có lẽ Ròm lúc đó đã khác khá xa với bản phim gốc, bản nhận giải của nó.

Vị khi về nước thì vướng vào cuộc chiến dư luận về việc bị cấm chiếu do nội dung của cảnh quay khỏa thân kéo dài. Dẫn đến việc đạo diễn và nhà sản xuất đệ đơn lên cục Điện Ảnh để từ bỏ quyền tác giả của Vị, giúp phim có thể tiếp tục con đường đi chinh phục liên hoan phim của mình.

Vào thời điểm mà “phát triển-hội nhập” đã trở thành từ khóa quan trọng trong việc phát triển kinh tế và văn hóa Việt Nam. Thì điện ảnh Việt Nam chỉ dám đứng nhìn từ phía sau trên con đường phát triển ấy, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Điều này có lẽ không đến từ yếu tố con người, khi những bộ phim của Việt Nam vẫn ngày càng xuất hiện nhiều ở các liên hoan phim. Vợ Ba, Thưa Mẹ Con Đi, Người Truyền Giống, Vị, Ròm, những bộ phim này, đều đi tới những liên hoan phim quốc tế và đều vướng phải lùm xùm với cục Điện Ảnh và dư luận.

Câu hỏi đặt ra là liệu vấn đề đang nằm ở đâu? Chúng ta có muốn phim đi liên hoan phim quốc tế và đại diện cho Việt Nam nhận các giải thưởng danh giá hay không? Nếu có, liệu chúng ta có đang hoạt động để tiến đến mục đích đó? Và liệu Vị và Miền Ký Ức sẽ chứng minh được thêm những gì tại liên hoan phim Busan sắp tới?

Những câu trả lời cho vấn đề này, và hướng tiếp cận nó có lẽ sẽ được bàn tới trong kì sửa đổi luật Điện Ảnh vào cuối tháng 10/2021.

Ví dụ:

  • Liên hoan phim quốc tế Berlin

  • Liên hoan phim quốc tế Cannes

  • Liên hoan phim quốc tế Hong Kong

  • Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF)