1. Chuyện gì đã xảy ra với nữ sinh điểm 10 môn Văn?
Dương Ngọc Trâm là một trong hai học sinh được điểm 10 Ngữ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia năm 2020. Trong bài phỏng vấn với Vietnamnet, em chia sẻ bí quyết đạt điểm tối đa của mình.
“Em đã liên hệ với tác phẩm “Đại gia Gatsby”. Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 50. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước”.
Khi cộng đồng mạng tranh cãi, chủ nhân của điểm 10 đã lên tiếng đính chính rằng đó là sai sót khi trả lời phỏng vấn.
2. Gatsby là ai?
Jay Gatsby là nhân vật sống ở những năm 1920 trong tác phẩm The Great Gatsby (Gatsby Vĩ Đại/Đại gia Gatsby) của F. Scott Fitzgerald. Buôn rượu lậu để giàu có, luôn là chủ nhân của những bữa tiệc tùng thâu đêm và dùng cả cuộc đời theo đuổi ảo ảnh không có thực dưới hình bóng một cô gái, Gatsby là đại diện cho sự phù phiếm của giấc mơ Mỹ.
3. Vì sao cộng đồng mạng bùng nổ?
Các tranh cãi xoay quanh việc có nên công bố bài văn của Ngọc Trâm hay không vì sai sót đáng kể trong việc liên hệ tác phẩm. Cộng đồng mạng cũng đang tranh luận một bài văn được điểm 10 nên là như thế nào.
4. Điểm Văn được chấm như thế nào?
Mỗi bài Văn đều được chấm hai lần bởi hai giám khảo khác nhau. Các bài thi đạt điểm 10 phải được sự đồng thuận của cả hội đồng chấm gồm rất nhiều người.
Điểm chung trong việc chấm bài thi là cần tuân thủ gắt gao thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Cảm nhận văn chương thế nào mới đúng?
Để phân tích một tác phẩm văn học, người đọc có thể dựa vào hoàn cảnh sáng tác (Historical-Biographical), giá trị nhân đạo của tác phẩm (Moral-Philosophical) hoặc ý kiến riêng của người cảm nhận, đặt tác phẩm ra ngoài hoàn cảnh sáng tác (Formalistic Criticism).
Chưa có cách phân tích tác phẩm nào được gọi là đúng tuyệt đối.
6. Chúng ta đang học Văn như thế nào?
Trong 3 năm THPT, học sinh được đọc hiểu văn bản qua những tác phẩm cho trước, thông qua đó học cách viết văn nghị luận. Nghị luận được giải thích "là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lý lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó”.
Barem điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các năm dành nhiều cơ hội ở phần nghị luận xã hội (2 điểm) cho thí sinh thoải mái thao tác lập luận, chỉ cần đảm bảo yêu cầu về hình thức. Tuy nhiên, ở phần nghị luận văn học (phần chiếm 5 điểm), học sinh phải theo sát các luận điểm được cho trước. Điểm cho sáng tạo chỉ có 0,5.
7. Bạn muốn được học Văn theo cách nào?
Có thể thấy dù được học cách viết văn nghị luận, học sinh Việt Nam vẫn chưa thể thực sự được dùng lý lẽ, chứng cứ để chứng minh một quan điểm ngược lại với quan điểm của Bộ Giáo Dục.
Giáo sư Patrick Hogan (Đại học Connecticut) cho rằng nghiên cứu văn học nên là một công việc giúp chúng ta hiểu và phản ứng với người khác và với chính mình.
Theo ghi nhận của Vietcetera, nhiều học sinh THPT mong có:
- Cơ hội để bày tỏ luận điểm của mình về tác phẩm, dù là luận điểm bác bỏ ý kiến của giáo viên;
- Được tự chọn tác phẩm mà mình sẽ phân tích (như một số nội dung trong chương trình Văn của NUS High School tại Singapore);
- Được học nhiều hơn về tư duy phản biện để biết dùng lý lẽ chứng minh hoặc bác bỏ bất kỳ một ý kiến nào ;
- Được thực sự thấy vẻ đẹp của văn chương qua lăng kính của riêng mình.