Điều gì đưa Coolmate đi từ nhà kho 20m2 đến doanh thu trăm tỷ? | Vietcetera
Billboard banner

Điều gì đưa Coolmate đi từ nhà kho 20m2 đến doanh thu trăm tỷ?

Điều gì đã giúp Coolmate trở thành giải pháp mua sắm hàng đầu cho nam giới?
Điều gì đưa Coolmate đi từ nhà kho 20m2 đến doanh thu trăm tỷ?

Anh Phạm Chí Nhu, CEO Coolmate | Nguồn: Việt cho Vietcetera

Coolmate

4 năm trước, Coolmate xuất hiện ở thị trường với những điều “lạ đời" mà cho đến tận hôm nay chỉ ở Coolmate mới có - một thương hiệu thời trang nhưng không có cửa hàng vật lý, quần áo mua rồi đến 2 tháng sau vẫn có thể đổi trả, dịch vụ chăm sóc khách hàng sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi kể cả khi khách hỏi về một tiệm Pizza ngon quanh khu vực.

Coolmate khởi đầu với một nhà kho chỉ vỏn vẹn 20m2, một website bán hàng sơ khai với những sản phẩm rất cơ bản cho nam giới như áo thun, bít tất và đồ lót. Sau 4 năm với nhiều thăng, trầm, thậm chí đã có lúc suýt phải “giải tán", Coolmate đã đạt trung bình 2.700 đơn hàng/ngày, tự tin đặt mục tiêu mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á và đạt tiêu chuẩn IPO vào năm 2025.

Trái ngược với những con số khổng lồ hay những mục tiêu có phần vĩ mô, CEO của Coolmate, anh Phạm Chí Nhu, lại tạo ấn tượng là một người vui vẻ, thú vị hệt như ý nghĩa cái tên Coolmate - một người bạn thú vị. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh để hiểu thêm về hành trình của thương hiệu trước thềm sinh nhật 4 tuổi.

alt
Nguồn: Việt cho Vietcetera

Coolmate trong hình dung của anh trước khi bắt đầu và bây giờ có gì giống và khác?

Ngay từ đầu, mình đã định hướng phát triển công ty theo 4 yếu tố: tự hào sản xuất tại Việt Nam, nói không với cửa hàng vật lý, tập trung vào dịch vụ khách hàng và xây dựng môi trường trẻ.

Sau 4 năm, mọi thứ vẫn đang đi đúng với những gì mình mong muốn. 100% sản phẩm của Coolmate đều “Made in Vietnam" từ vải. Coolmate đã lựa chọn đi sâu hơn vào chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất phụ liệu, dệt vải, nhuộm vải, cắt may, hoàn thiện đều được thực hiện tại những nhà máy sản xuất địa phương.

Về đội ngũ, ở Coolmate không có một bạn C-level nào, các bạn quản lý tầm trung đều rất trẻ. Có những bạn sinh năm 1998 đã có thể quản lý dự án nhỏ với quy mô tầm 30 người.

Để chọn một cột mốc đáng nhớ nhất trong 4 năm qua, đó sẽ là?

Mình vẫn nhớ cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi công ty sắp “giải tán" vì nguồn tiền đã cạn kiệt, mình đi gọi vốn và may mắn được đầu tư nhưng phải bay sang Singapore gặp gỡ và trao đổi với nhà đầu tư.

Chuyến bay từ Singapore về Việt Nam của mình là một trong những chuyến cuối trước khi có thông báo “đóng cửa" vì Covid-19. Nếu chỉ ở thêm một ngày nữa thôi là mình sẽ phải ở bên đó vài tháng luôn. Nhưng nhờ khoản đầu tư đó mà Coolmate từng bước vực dậy trở lại, các bạn nhân viên bắt đầu được đi học để trau dồi và phát triển kỹ năng.

Đâu là bài toán khó nhất mà Coolmate phải giải?

Để kiên định phát triển một thương hiệu thời trang không-cửa-hàng thành một thương hiệu được nhìn nhận là chuẩn chỉnh không hề dễ dàng.

alt
Nguồn: Việt cho Vietcetera

4 năm về trước, thị trường mua sắm online vẫn rất khiêm tốn so với offline, mọi người vẫn nghĩ một thương hiệu phải có cửa hàng to, đẹp. Họ e dè chuyện mua online vì không được sờ hay thử sản phẩm, nhiều khi sản phẩm bị lỗi cũng rất khó hoàn trả.

Quay trở lại với ý tưởng sơ khai của Coolmate, hiểu được nam giới thường mua đồ cơ bản nhiều hơn nữ giới và muốn mua nhiều thứ một lúc, mình quyết định giải quyết “pain point" này bằng một hình thức mua sắm tiện lợi hơn. Còn những hạn chế khi mua sắm online như không được sờ, thử… mình tháo gỡ dần.

Khi nhận ra khó khăn trong việc đổi trả là một trong những vấn đề cản trở khách mua hàng online, mình đã làm việc với đơn vị vận chuyển để mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Khách sờ rồi, thử rồi mà không thích có thể tra lại. Kể cả khách mặc rồi cũng có thể trả lại nếu không hài lòng. Có thể nói, Coolmate đi đầu trong dịch vụ đổi trả tận nơi với chính sách 60 ngày đổi trả.

Tất nhiên chính sách nào cũng có cái được, cái mất. Có những khách trả đến 5 - 6 lần. Nhưng nếu nhìn vào tỷ lệ 99% khách hàng đang cảm thấy thoải mái, an tâm hơn khi mua sắm so với 0.5% tỷ lệ trả hàng thì mình chấp nhận.

Sự sáng tạo của Coolmate được đặt ở đâu?

Nói thật là Coolmate thiết kế rất tệ và không có sáng tạo. Thậm chí đến bây giờ khi nhiều người gọi Coolmate là công ty thời trang, mình cũng cười rồi sửa lại là công ty may mặc.

Mình nhận thấy người tiêu dùng luôn có hai xu hướng và quan niệm. Một là nhóm cần sản phẩm đẹp để phục vụ về mặt hình thức. Coolmate không có khả năng thiết kế đẹp và thực tế cũng có nhiều thương hiệu khác đang phục vụ nhóm này rất tốt rồi.

alt
Nguồn: Việt cho Vietcetera

Hai là nhóm cần sản phẩm có tính ứng dụng cao với chất lượng tốt. Và đây là nơi Coolmate đặt sự sáng tạo của mình. Vào thời điểm năm 2019, chỉ cần bước qua biên giới sang Quảng Châu là bạn có thể gặp tất cả các xưởng sản xuất và đặt bất cứ mẫu mã nào nhưng Coolmate vẫn chọn sản xuất 100% tại Việt Nam. Mình biết chính xác mình dùng loại sợi gì, vải gì, áo may ở xưởng may nào, xưởng may đó đối xử với công nhân ra sao…

Thương hiệu đã và đang làm gì để theo đuổi con đường bền vững?

Thực tế trong ngành dệt may, bền vững hiện tại là một thuật ngữ mang tính PR nhiều hơn. Những thương hiệu thực sự làm được đến nơi đến chốn không có nhiều. Bản thân Coolmate cũng chỉ đang cố gắng chuyển mình theo hướng bền vững hơn ở hiện tại và tương lai.

Coolmate đã thử nghiệm các loại sợi tự nhiên và tái chế. Dòng sản phẩm Excool với sợi Sorona thân thiện với môi trường hơn nhiều so với sợi Polyester thường. Với các dòng sản phẩm thể thao, Coolmate hướng tới việc ứng dụng 99% sợi tái chế (Recycled Polyester) trong năm 2023 trở đi. Coolmate cũng kết hợp với Cleandye, công nghệ nhuộm sạch, không nước nhằm tạo ra các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Về yếu tố con người, Coolmate quan tâm nhiều đến đời sống và điều kiện làm việc của những người công nhân. Thương hiệu cũng đề cao tính minh bạch khi công khai chi tiết “sự thật" đằng sau những sản phẩm của mình như địa điểm sản xuất, quy mô nhà máy…

Coolmate có hình mẫu nào để theo đuổi và hướng tới không?

Mình không có hình mẫu, cũng không đánh giá đối thủ. Mình muốn Coolmate trở thành thương hiệu quốc dân, phục vụ cho số đông.

Mình kỳ vọng sự phát triển của Coolmate sẽ thúc đẩy thị trường thời trang Việt Nam. Hiện tại mình đã thấy sự chuyển dịch tích cực của chuỗi cung ứng, những nhà cung ứng lớn đã chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam và sẵn sàng làm việc với thương hiệu nội địa. Chỉ vài năm trước thôi, điều này không bao giờ xảy ra vì nhà cung ứng lớn chỉ làm việc với thương hiệu lớn và các đơn vị xuất khẩu.

alt
Nguồn: Việt cho Vietcetera

Năm 2019 nhiều người bảo mình “hâm", vì sao cho chính sách đổi trả dài ngày thế, vì sao phải trực chăm sóc khách hàng từ 8 giờ đến tận 10 giờ tối, vì sao phải đóng gói 2 lớp “double box". Nhưng hiện mình thấy một vài thương hiệu đã bắt đầu áp dụng những chính sách như Coolmate. Vậy là thị trường đã chuyển biến tích cực và phát triển hơn rồi đấy chứ.

Anh kỳ vọng diện mạo của Coolmate 2 - 3 năm tiếp theo là gì?

Coolmate đang có mục tiêu mở rộng sang các nước Đông Nam Á như Indonesia và Philippines đồng thời đạt tiêu chuẩn IPO tại Việt Nam vào năm 2025.

Nhưng thành thật mà nói, bởi xuất phát điểm của Coolmate là con số 0, mình thường không nghĩ hay làm những gì quá xa, mình cố gắng làm tốt ở hiện tại và mục tiêu ở năm ngay sau thôi. Quan điểm của mình là, nếu mình làm đủ tốt, mình sẽ luôn có phần trên thị trường. Làm tốt đến đâu mình mở rộng đến đấy.

3 từ miêu tả về Coolmate nếu thương hiệu là một "mate"?

Thú vị, tử tế, có trách nhiệm.