Disney hết hạn bản quyền với chuột Mickey, giờ chúng ta có thể làm gì? | Vietcetera
Billboard banner

Disney hết hạn bản quyền với chuột Mickey, giờ chúng ta có thể làm gì?

Kể từ năm 2024, bộ phim đầu tiên của chú chuột Mickey đã hết hạn bản quyền. Có phải giờ ai cũng có thể làm phim về Mickey?
Disney hết hạn bản quyền với chuột Mickey, giờ chúng ta có thể làm gì?

Nguồn: The Movie Database

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Như thường niên, vào thời khắc cả Thế giới bước sang năm mới, một loạt các tác phẩm nghệ thuật kinh điển cũng chính thức hết hạn bản quyền và trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu của công chúng.

Năm nay, chúng bao gồm cuốn tiểu thuyết All Quiet on the Western Front, kịch bản của The Passion of Joan of Arc, hay bộ phim The Circus của Charlie Chaplin. Nhưng đáng chú ý nhất trong số những tác phẩm này là một bộ phim hoạt hình đen trắng mang tựa đề Steamboat Willie.

Được đạo diễn bởi Walt Disney và ra mắt vào năm 1928, bộ phim ngắn Steamboat Willie đánh dấu màn chào sân của nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất mọi thời đại: Chuột Mickey. Và giờ đây, 95 năm sau ngày ra mắt, bộ phim đã hết hạn bản quyền.

alt
Các tác phẩm kinh điển hết hạn bản quyền kể từ năm 2024 | Nguồn: Copyright Lately

2. Quyền tác giả là gì?

“Copyright” hay quyền tác giả là hình thức bảo vệ pháp lý đối với bất kỳ sản phẩm sáng tạo gốc nào mà chúng ta tạo ra. Bất kể đó là một sản phẩm khoa học như ứng dụng, phần mềm, hay một sản phẩm nghệ thuật như phim, âm nhạc hay văn học. Quyền tác giả đảm bảo rằng những sản phẩm này chỉ thuộc về, và được phép sử dụng bởi duy nhất người tạo ra chúng.

Tuy nhiên, quyền tác giả không tồn tại vĩnh viễn. Một khi bản quyền hết hạn, tác phẩm đó sẽ thuộc về quyền sở hữu công cộng.

Hiện tại, theo luật của Hoa Kỳ, bản quyền của một sản phẩm sẽ tồn tại trong toàn bộ cuộc đời của tác giả cộng thêm 70 năm sau khi họ qua đời, trong trường hợp sản phẩm đó được sáng tạo bởi một người. Còn trong trường hợp đó là thành quả từ sự sáng tạo của một tập thể hoặc công ty, bản quyền của của sản phẩm đó sẽ có hiệu lực trong vòng 120 năm kể từ ngày được tạo ra, hoặc 95 năm kể từ ngày đầu tiên xuất bản.

3. Disney đã làm gì để giữ chuột Mickey suốt bao năm?

Sự thật là lẽ ra bộ phim Steamboat Willie đã hết hạn bản quyền từ rất lâu rồi.

Theo Đạo luật về quyền tác giả năm 1909 của Mỹ, bản quyền của tác phẩm gốc sẽ kéo dài trong vòng 56 năm kể từ ngày xuất bản. Điều này có nghĩa rằng bộ phim Steamboat Willie sẽ thuộc về quyền sở hữu của công chúng vào năm 1984. Tuy nhiên “Nhà Chuột” rõ ràng sẽ không để tuột mất bảo vật của họ dễ dàng đến vậy.

alt
Kịch bản gốc của bộ phim Steamboat Willie | Nguồn: Getty Images

Vì thế vào năm 1976, Disney cùng một số xưởng phim khác bắt đầu chiến dịch vận động hành lang, với mục đích kêu gọi Quốc hội Mỹ ban hành một Đạo luật về quyền tác giả mới. Theo Đạo luật năm 1976, bản quyền của mọi tác phẩm được xuất bản trước năm 1978 sẽ được gia hạn thêm 19 năm, đồng nghĩa rằng Steamboat Willie sẽ tiếp tục thuộc về Disney cho đến hết năm 2003.

Chưa dừng lại ở đó, vào năm 1998, Disney tiếp tục khởi xướng một chiến dịch vận động hàng lang mới, lần này với quy mô lớn hơn, để Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật về gia hạn thời hạn quyền tác giả. Ngày hết hạn bản quyền của Steamboat Willie lại một lần nữa được đẩy lùi thêm 20 năm, với Đạo luật mới được mệnh danh là “Đạo luật bảo vệ chuột Mickey” quy định rằng bản quyền của một tác phẩm này sẽ tồn tại trong vòng 95 năm kể từ ngày xuất bản.

4. Giờ ai cũng có thể làm phim về Mickey sao?

Về lý thuyết là đúng, nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy.

Bởi lẽ khi một tác phẩm hay nhân vật trở thành tài sản thuộc quyền sở hữu công cộng, điều này không được áp dụng với mọi phiên bản của tác phẩm hay nhân vật đó, mà chỉ đơn thuần đối với những yếu tố và nội dung xuất hiện trong phiên bản đầu tiên.

Lấy ví dụ với một nhân vật kinh điển khác của Disney là Winnie the Pooh. Đầu năm 2022, bản quyền của cuốn truyện Winnie-the-Pooh hết hạn, và một bộ phim kinh dị mang tên Winnie-the-Pooh: Blood and Honey lập tức được công bố, biến chú gấu Pooh dễ thương thành một kẻ sát nhân bệnh hoạn.

Tuy nhiên, bản quyền này chỉ bao gồm phiên bản của gấu Pooh được miêu tả trong cuốn sách xuất bản năm 1926, và thiếu đi chiếc áo phông đỏ quen thuộc mà sau đó Disney mới thiết kế cho nhân vật. Vì lý do này mà gấu Pooh trong Blood and Honey mặc một chiếc áo sơ mi kẻ ca-rô và quần yếm. Bộ phim còn thiếu đi một người bạn thân của Pooh là Tigger, vì chú hổ đó cũng không xuất hiện trong cuốn truyện đầu tiên.

alt
Winnie-the-Pooh: Blood and Honey | Nguồn: The Movie Database

Mickey trong Steamboat Willie cũng vậy. Phiên bản của chú chuột mà công chúng có thể sử dụng, sẽ phải thiếu đi chiếc quần đùi đỏ cùng đôi giày vàng và găng tay trắng quen thuộc, cũng không được sở hữu đôi mắt chi tiết như Mickey ngày nay.

Và đó là chưa đề cập tới vấn đề luật thương hiệu, hay “trademark”. Khác với bản quyền, thương hiệu của một nhãn hàng, công ty hay tập đoàn sẽ không bao giờ hết hạn. Disney có thể mất bản quyền của bộ phim Steamboat Willie, nhưng “Nhà Chuột” vẫn sở hữu thương hiệu đối với cái tên Mickey, trong đó bao gồm cả việc sử dụng cái tên này trong các tác phẩm điện ảnh. Điều này có nghĩa bạn không thể mở chuỗi nhà hàng mang tên Mickey, hay lấy tên của chú chuột làm nghệ danh đi biểu diễn.

Bộ phim về chuột Mickey mà bạn định làm cũng không thể có từ “Mickey Mouse” trong tựa đề, hoặc làm bất cứ khán giả nào nghĩ rằng đó là một bộ phim được sản xuất bởi chính Disney, trừ khi bạn muốn đối mặt với đội ngũ luật sư của tập đoàn hùng mạnh bậc nhất trên Thế giới.

5. Dự án nào đã được công bố kể từ vụ việc?

Ngay sau khi Steamboat Willie hết hạn bản quyền, cùng với một loạt các meme và những bức hình “không thân thiện với trẻ nhỏ” bắt đầu được chia sẻ. Các dự án phim, truyện tranh và trò chơi điện tử về chuột Mickey cũng dần được công bố. Và giống như Winnie-the-Pooh: Blood and Honey, phần lớn các dự án đó đều thuộc thể loại kinh dị.

Có thể kể đến Mickey’s Mouse Trap, bộ phim đâm chém có tựa đề biến tấu vừa đủ để không bị Disney “sờ gáy”, xoay quanh một cô gái trẻ mắc kẹt trong công viên giải trí, bị truy lùng bởi một tên sát nhân đeo mặt nạ Mickey.

Ngoài ra chúng ta cũng có Infestation: Origins, tựa game sinh tồn kinh dị với Mickey đóng vai một trong những tên trùm mà người chơi phải tiêu diệt.

alt
Mickey’s Mouse Trap | Nguồn: Entertainment Weekly

Những tác phẩm này rõ ràng không được sự đồng thuận từ Disney. “Nhà Chuột” đã lên tiếng khẳng định sẽ bảo vệ những phiên bản mới hơn của chuột Mickey và các tác phẩm khác, tránh để người tiêu dùng nhầm lẫn.

Tuy nhiên, Disney có được thành công như ngày hôm nay, một phần rất lớn đã nhờ vào những tác phẩm văn học kinh điển thuộc quyền sở hữu công cộng. Đó là những câu chuyện cổ tích như Nàng Bạch tuyết và Bảy chú lùn, Lọ Lem hay Nàng tiên cá, mà Disney đã chuyển thể thành những bộ phim đầy màu nhiệm giờ đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ.

Thế nên việc bộ phim Steamboat Willie hết hạn bản quyền, về lý thuyết là một cái kết đẹp và tương xứng cho chú chuột Mickey, để nhân vật kinh điển này có thể tiếp tục được biến tấu và sáng tạo, tiếp tục tô điểm vào tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em khác.