Thị thực Hallyu là gì, và bạn có hiểu nhầm về nó không? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Thị thực Hallyu là gì, và bạn có hiểu nhầm về nó không?

Có đúng là loại thị thực mới của Hàn Quốc làm ra để dành cho fan quốc tế đi "đu idol" không?
Thị thực Hallyu là gì, và bạn có hiểu nhầm về nó không?

Nguồn: SMTOWN Vietnam

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Mới đây, Hàn Quốc đưa ra thông báo về hai loại thị thực mới mà nước này sẽ bắt đầu cấp trong tương lai.

Loại thị thực gây nhiều sự chú ý nhất mang tên Hallyu visa, hay “Visa đào tạo văn hóa Hàn Quốc.” Thị thực này cho phép người nước ngoài ở lại Hàn Quốc tối đa hai năm, với điều kiện người đó phải tham gia vào các học viện biểu diễn nghệ thuật tại Hàn.

Loại thị thực còn lại là Digital nomad visa, tức “Visa du mục kỹ thuật số,” dành cho người đang làm việc tại những công ty ngoài Hàn, có thể làm từ xa, và có mong muốn ở Hàn Quốc trong thời gian làm việc. Thị thực này có thời hạn tối đa hai năm.

Ở thời điểm hiện tại, chính phủ nước này chưa đưa ra thông tin chi tiết về các điều kiện cũng như cách ứng tuyển thị thực.

2. Thị thực hỗ trợ… “đu idol?”

Khác với cách hiểu của nhiều kênh truyền thông trong và ngoài nước, Hallyu visa không phải là tấm vé đưa người hâm mộ tới gặp thần tượng của mình. Nếu như bạn muốn sang Hàn để gặp thần tượng, thì những loại visa du lịch ngắn ngày có lẽ sẽ phù hợp hơn.

Nói như vậy là bởi thị thực đào tạo văn hóa ràng buộc người đăng ký vào việc học tập tại một cơ sở đào tạo nghệ thuật - tức chuyến đi của bạn sẽ giống một kỳ du học hơn là một chuyến đi xem show, "đu idol."

Ở đây, có một vấn đề nảy sinh: bạn có nhất thiết phải học biểu diễn hay trở thành trainee cho một nhóm nhạc nào đó để có loại visa mới này?

10jan2024unnamed2jpg
Phải là trainee mới nhận được visa? | Nguồn: CBC News

Theo The Korea Times, loại visa này “sẽ được phê duyệt với điều kiện là ứng viên phải học tập hoặc trải qua những chương trình huấn luyện trong ngành công nghiệp giải trí hay sản xuất nội dung của Hàn Quốc.”

Như vậy, nếu một người sang Hàn Quốc để học lý luận phê bình nghệ thuật, đào tạo sáng tác văn chương, học âm nhạc học, hay học quản lý thị trường nghệ thuật, thì có đủ điều kiện để nhận loại visa này không? Ta chỉ có thể trả lời những câu hỏi này khi có thêm thông tin từ chính phủ Hàn. Theo Forbes, những thông tin mới sẽ xuất hiện vào nửa sau năm 2024.

3. Tại sao Hàn Quốc cần hai loại thị thực này?

Hai loại visa mới đều hướng tới việc kích thích ngành du lịch của Hàn Quốc phát triển. Điểm khác biệt là một loại dựa vào độ nhận diện đặc trưng của các sản phẩm văn hóa Hàn, còn loại kia thì “bắt trend” theo những xu hướng làm việc và sinh sống mới.

10jan2024anniesprattfwgv2bs0jviunsplashjpg
Nắm bắt trào lưu workation có thể giúp phát triển du lịch. | Nguồn: Annie Spratt on Unsplash

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hàn Quốc và Tổ chức Du lịch Hàn Quốc vào tháng 10/2023 cho biết, K-pop là lý do mà nhiều người dùng mạng xã hội muốn tới thăm xứ sở kim chi.

Mặt khác, Hàn Quốc chưa có một loại thị thực cụ thể dành cho ngành công nghiệp giải trí. Do đó, Hallyu visa vừa là cách kéo thêm nhân lực nước ngoài cho ngành, vừa tạo dấu ấn văn hóa và tăng độ nhận diện của nước này.

Bên cạnh thị thực văn hóa, thị thực du mục kỹ thuật số kích thích du lịch bằng cách tiếp nối trào lưu workation, cũng như lối sống xê dịch và làm việc từ xa mang tên digital nomad.

Đây đều là những xu hướng sống và làm việc nổi bật từ sau đại dịch. Một số nước trên thế giới đã có loại visa này, và Hàn Quốc là quốc gia tiếp theo gia nhập danh sách.

4. Ai được lợi từ hai loại thị thực mới?

Đối với Hallyu visa, phía được lợi nhiều nhất chắc chắn là ngành công nghiệp giải trí. Ngành này sẽ có thêm nhân lực để phát triển thị trường trong nước, hay ít nhất cũng làm tăng độ nhận diện của quốc gia này, quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới.

Những cơ sở đào tạo nghệ thuật là bên trực tiếp hưởng lợi nhờ sự bổ sung lượng học sinh quốc tế. Điều này có thể không quá rõ ràng ở các cơ sở đào tạo truyền thống, nhưng chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho sự phát triển của những trường dạy biểu diễn từ các tập đoàn lớn, ví dụ như SM Universe - “học viện” đào tạo idol của SM Entertainment.

10jan2024allkpop167877434420230313smjpg
SM Universe. | Nguồn: Allkpop

Nhóm cuối cùng được lợi là những người trẻ ngoài Hàn Quốc với ước mơ làm việc trong ngành công nghiệp giải trí, và đặc biệt là ngành giải trí tại Hàn. Biết đâu trong tương lai, ta sẽ thấy nhiều hơn những ngôi sao Hàn từ Ấn Độ, Đông Nam Á, hay là các nước phương Tây?

Đối với visa du mục kỹ thuật số, ngành du lịch Hàn Quốc sẽ nhận nhiều lợi nhuận nhất. Đây là cách để Hàn Quốc kéo khách du lịch ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, và trải nghiệm nhiều hơn những đoàn khách du lịch chợt đến, chợt đi.

5. Du lịch Việt Nam có thể học gì từ chiến lược du lịch của Hàn Quốc?

Mô hình visa du mục là thứ mà Việt Nam có thể nghiên cứu để áp dụng trong tương lai. Vốn dĩ nước ta đã có nhiều cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc. Loại thị thực này sẽ thu hút thêm những cá nhân có thu nhập cao, sức chi lớn, và nhu cầu trải nghiệm phong phú tới với du lịch trong nước.

Ta cũng có thể học tập Hàn Quốc ở việc tận dụng các sản phẩm văn hóa để kích thích du lịch. Ở điểm này, Việt Nam mới bắt đầu có một số thành tựu nhỏ, ví dụ như bài hát See Tình của Hoàng Thùy Linh nổi tiếng ở một số quốc gia châu Á, hay bộ phim du lịch A Tourist’s Guide to Love gây ấn tượng tốt trên Netflix.

Để ví dụ, ta có thể mời Hoàng Thùy Linh làm đại sứ du lịch, hay xây dựng những tour du lịch ngắn ngày dựa trên các địa điểm trong bộ phim.

Ngoài ra, việc thúc đẩy sự phát triển của các nội dung số và những nhà sản xuất nội dung cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho du lịch nước nhà. Gần đây, TP. HCM cũng đã mời hơn 100 KOL, KOC, và TikToker tới Chợ Bến Thành để livestream bán hàng, cũng như quảng bá du lịch.