Dự luật tiền mã hóa của châu Âu không còn làm khó Bitcoin | Vietcetera
Billboard banner

Dự luật tiền mã hóa của châu Âu không còn làm khó Bitcoin

Các nhà lập pháp đã lược bỏ lệnh cấm tiền mã hóa dựa trên cơ chế đồng thuận công việc hay còn gọi là Proof-of-Work (PoW).
Dự luật tiền mã hóa của châu Âu không còn làm khó Bitcoin

Nguồn: TEDK

1. Chuyện gì xảy ra?

Vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã bãi bỏ một điều khoản gây tranh cãi trong dự thảo mới nhất của luật “Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa” (dự luật MiCA), hiện đang được thảo luận tại Nghị viện Châu Âu.

Theo đó, các nhà lập pháp đã lược bỏ lệnh cấm tiền mã hóa dựa trên Proof-of-Work (Bằng chứng công việc - PoW). Đây là một cơ chế đồng thuận, giúp xác nhận khi giao dịch mới được thêm vào có hợp lệ hay không trên toàn bộ mạng lưới blockchain. Chính vì vậy mà nó rất tiêu tốn tài nguyên.

alt
Cơ chế hoạt động của PoW | Nguồn: Coindesk

Stefan Berger, người đứng đầu Ủy ban kinh tế tiền tệ thuộc EU (ECON) đã xác nhận điều này thông qua Twitter.

alt
Stefan Berger xác nhận sự thay đổi trên Twitter.

Điều khoản này từng đối diện với làn sóng phản đối khi nó có thể dẫn tới việc cấm khai thác Bitcoin và Ethereum tại châu Âu. Đấy cũng là hai loại tiền mã hóa đứng đầu thế giới và đều sử dụng PoW.

Trước đó, Liên minh châu Âu cũng bày tỏ quan điểm rằng vẫn sẽ mở cửa cho các loại tiền mã hóa như Bitcoin hay cả tiền điện tử Euro. Tuy nhiên thì các quy định quản lý sẽ được tăng cường để giám sát và ngăn chặn gian lận tài chính hay khủng bố. (Bloomberg)

2. Vai trò của dự luật MiCA là gì?

Tháng 09/2020, dự luật MiCA (The Markets in Crypto-Assets) được khởi xướng, yêu cầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thiết lập một bộ nguyên tắc hướng dẫn cho các tài sản tiền mã hóa. Có thể nói, MiCA sẽ là một khuôn khổ pháp lý dành cho các tổ chức phát hành và cung cấp tiền mã hóa ở khu vực EU.

Berger cũng đã từng nói rằng ông không muốn mọi người hiểu nhầm rằng dự luật MiCA cấm Bitcoin. Nếu thành công, MiCA sẽ trở thành một tiền lệ cho nhiều quốc gia khác làm theo.

MiCA gây nhiều chú ý với cộng đồng khi muốn cấm phát hành tài sản tiền mã hóa có cơ chế không bền vững với môi trường (hay nói cách khác là PoW) vào năm 2025. Việc bỏ phiếu cho dự luật vào ngày 28/02 vừa qua cũng đã bị hoãn khi nhận lại nhiều phản đối. Cho tới hiện tại EU vẫn chưa ấn định ngày mới để bỏ phiếu về dự luật MiCA. .

3. Mối liên hệ giữa lệnh cấm và vấn đề môi trường của EU là gì?

Châu Âu đang phải chịu sức ép thực hiện các cam kết về tiêu chuẩn môi trường như đã thống nhất trong Thỏa thuận Paris. Đại học Cambridge cho biết tổng mức tiêu thụ năng lượng của Bitcoin cao thứ 27 khi được so sánh với các quốc gia khác. Đây cũng là một trong những lý do chính mà Trung Quốc từng ra lệnh cấm toàn diện với Bitcoin khi nó ảnh hưởng tới chỉ số carbon của nước này.

Tuy nhiên thì thợ mỏ Trung Quốc sau đó lại chuyển qua quốc gia như Nga hay như Thụy Điển để tiếp tục khai thác Bitcoin bằng nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Điều này lại biến nó thành một vấn đề quốc gia với Thụy Điển. Nguồn năng lượng sạch đáng lẽ sẽ được dùng để thay đổi các dịch vụ truyền thống sử dụng năng lượng than đá hại môi trường, lại đang bị tiêu tốn quá nhiều vào “đào coin".

Cơ quan quản lý của Thụy Điển cũng đã kêu gọi một lệnh cấm toàn khối đối với tiền mã hóa và nhận được sự đồng tình của nhiều chính trị gia. Đây là lý do mà nhiều người ủng hộ crypto đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và cho rằng nên đưa ra một quy định cụ thể thay vì cấm hoàn toàn (coindesk). Trước những ảnh hưởng với môi trường thì hiện nay tiền mã hóa Ethereum cũng đã ra thông báo sẽ chuyển đổi dần qua hệ thống PoS (Proof-of-Skate), được cho là ít gây ảnh hưởng tới môi trường hơn.

4. Tương lai của tiền mã hóa sẽ ra sao?

Thay vì cấm, chính phủ trên thế giới đang tìm cách quản lý, thu hồi quyền lực của thế giới ảo về tay mình. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang rục rịch thử nghiệm và phát hành tiền kỹ thuật số. Một số chính phủ như Hàn Quốc cũng nghiêm túc đầu tư để phát triển metaverse của riêng mình.

Doanh nhân Christian Angermayer, đồng sáng lập của Cryptology Asset Group, cho rằng hàng tỷ người trên thế giới đã bị loại ra khỏi thế giới tài chính chỉ vì không có tài khoản ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng chỉ bảo về lợi ích riêng. Tuy nhiên thì các hệ thống blockchain đi kèm với tiền mã hóa như Bitcoin và việc “số hóa" tiền USD hay Euro sẽ giúp khắc phục vấn đề này. (Bloomberg)

Vậy nên, thay vì cấm, nhiều quốc gia chọn tham gia vào xu hướng này với những quy định chặt chẽ để giám sát. Điều này là không dễ dàng khi công nghệ vốn phát triển nhanh, luôn đi trước các nhà làm luật một bước. Cho tới hiện tại, nhiều nhà phân tích nhận định rằng 2022 sẽ là năm bùng nổ trên mặt trận pháp lý của thế giới tiền mã hóa. Nhất là khi trong năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật như El Salvador công nhận Bitcoin là tiền chính thống; Ấn độ công bố dự luật tiền điện tử tư nhân hay Mỹ siết chặt các quy định với thị trường.

5. Thái độ của Việt Nam với tiền kỹ thuật số là gì?

Bên cạnh việc đưa ra khung pháp lý cho tiền mã hóa thì tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC) hiện đang là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Có khoảng 86% trong số 65 ngân hàng Trung Ương cho biết họ đang làm việc để phát triển CBDC của riêng mình (Bank for International Settlements).

Cho tới hiện tại thì Việt Nam vẫn chưa công nhận bất cứ loại tiền mã hóa nào là đơn vị thanh toán. Bên cạnh đó, các hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức là vi phạm pháp luật. Nhưng theo dữ liệu từ công ty thanh toán tiền mã hóa Triple A thì có khoảng 6 triệu người Việt đang sở hữu tài sản kỹ thuật số (tương đương 6% dân số).

Dù chưa đưa ra động thái nào liên quan tới các quy định về tiền mã hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đang xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số (digital currency) dựa trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên thì mọi kế hoạch vẫn còn nằm trên giấy khi so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn đang chậm chân. Campuchia (đồng Bakong) và Trung Quốc (e-CNY) đều đã thành công đưa vào sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của nước mình. Lào và Nhật cũng đang rục rịch phát triển CBDC.

alt
Hơn nửa dân số Campuchia đã chuyển qua dùng CBDC | Nguồn: ictvietnam

Bên cạnh đua công nghệ, các quốc gia cũng đang ngầm cạnh tranh và đi tìm vị thế của mình trên bản đồ tiền kỹ thuật số trên thế giới, nhất là khi nó có khả năng làm tăng vị thế của tiền pháp định trong nước.