“Đừng bỏ tao ở lại một mình nhé!” | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 12, 2022
Cuộc SốngThươngTan Chảy

“Đừng bỏ tao ở lại một mình nhé!”

Đối với những người khác, con ngỗng chỉ là một bữa tối ấm bụng. Đối với tôi, Thiên Nga là thế giới.
“Đừng bỏ tao ở lại một mình nhé!”

Nguồn: Vũ Hoàng Long

Fifi mất được 4 tháng thì Thiên Nga ốm nặng. Cả 2 đứa là ngỗng nhà tôi, nở từ trứng và sống cả đời giữa phố phường Hà Nội. Khi một đứa ra đi, tôi nghe có người nói rằng ngỗng không thể nào không sống theo đôi được, nên đứa còn lại sẽ khóc và bỏ ăn cho đến khi hết sức.

Nhưng Thiên Nga thì không như vậy. Nó chứng kiến bạn mình chậm rãi chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn. Nhưng cũng từ ấy, nó không kêu, cũng chẳng đuổi cắn người lạ nữa. Thiên Nga theo bố tôi, bà tôi, như hình đi với bóng. Chỉ có điều là chiếc bóng ấy hoàn toàn im lặng.

Cả tuần vừa rồi, Thiên Nga ủ rũ. Nó dạo ngoài sân được mấy vòng buổi sáng rồi lại ra hiệu cho chủ, mở cửa chuồng cho nó vào nằm ngủ. Tôi hơi lo lắng dù bố tôi bảo, nó có tuổi rồi nên mới thế. Nhưng rõ ràng mọi trang thông tin về ngỗng đều nói tuổi thọ cao nhất của chúng có thể lên tới 30.

Rồi Thiên Nga có dấu hiệu bị bại liệt. Tôi yêu Thiên Nga như thể là con mình đẻ ra, và tự nhắc mình rằng không thể để thêm một đứa nữa ra đi như vậy được. Các cụ có câu “cá chuối đắm đuối vì con” còn tôi, 25 tuổi, may mắn được trải nghiệm sớm cái cảm giác đắm đuối ấy.

Tôi gọi điện tới tất cả các bệnh viện thú y gần nhà, không ai tiếp nhận ca của Thiên Nga cả, vì nó chỉ là một loài gia cầm lấy thịt. Tôi xin được liên lạc của một số bác sĩ thú y nổi tiếng và nhận lại những lời chia buồn. Nhưng tôi vẫn liên tục chạy tiếp vì một lời hiệu triệu tình cảm rằng mình không thể “muộn” với Thiên Nga, như cách tôi từng muộn với Fifi.

Tôi lướt internet, tự đoán từ các biểu hiện bệnh để tự kê đơn, tình hình không mấy lạc quan. Cắn răng, tôi đành liên lạc với chủ gà chọi và các trang trại nuôi ngỗng lấy thịt ở ngoại thành. Họ cho tôi nhiều thông tin hơn bất cứ một bệnh viện thú y nào. Nhận được gợi ý về thuốc men, tôi lấy xe máy và phi xuống tận ngoại thành.

Thuốc dành cho gia cầm, thuỷ cầm chỉ bán theo ki-lô-gam, yến, tạ, tấn. Dường như ở cả miền bắc chẳng ai có đàn ngỗng dưới 100 con. Vì thế đi xe 30 cây số, tôi chỉ cầm về một thìa thuốc, nhưng vẫn đủ cho 4 ngày chữa bệnh của Thiên Nga.

Thiên Nga mệt. Nó ốm lả ra rồi nhưng vẫn kén ăn. Ngửi thấy mùi thuốc là nhất quyết không chịu. Tôi đành nói thầm: “Đừng bỏ tao lại một mình nhé! Tao không vượt qua được nếu mất thêm đứa nữa đâu.” Và thế là Thiên Nga cố gắng, tôi cố gắng, cả gia đình tôi cố gắng.

Vì sao một con vật có thể dạy tôi nhiều thứ về sự uỷ mị đến vậy? Không, Thiên Nga dạy tôi về “thế giới,” rằng thế giới không chỉ là quả đất này, chiếc tàu vũ trụ trôi trong không gian trống rỗng. Ai cũng có một thế giới riêng, được tạo ra bởi những gì mình coi trọng nhất khi sống, cũng như làm nên trạng thái cuộc sống mà mình gọi là “bình thường.”

Đối với những người khác, con ngỗng chỉ là một bữa tối ấm bụng. Đối với tôi, Thiên Nga là thế giới.